Sau 85 năm hiện diện và hoạt động như một cơ quan truyền thông độc lập của Tòa Thánh, từ giữa tháng 6/2015, Đài Phát Thanh Vatican đã được gộp với 8 cơ quan khác thành Bộ Truyền thông của Vatican.
Thành lập Đài Vatican
Trong vòng 3 tháng nữa, ngày 12/2/2021, là kỷ niệm đúng 90 năm Đức Thánh Cha Piô XI khánh thành Đài Phát Thanh Vatican với sứ điệp truyền thanh ”Qui arcano Dei” (Do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa). Ngài đã ủy thác cho nhà bác học Guglielmo Marconi (1874-1937) phụ trách phần kỹ thuật của đài. Ông đã được giải Nobel vật lý năm 1909 vì đã phát minh ra vô tuyến điện.
Toàn bộ Đài được Đức Giáo Hoàng ủy thác cho dòng Tên phụ trách và với thời gian Đài dần dần phát triển với gần 40 ban với hơn 40 thứ tiếng, trong đó Ban tiếng Việt khởi sự hoạt động cách đây 40 năm. Tiếng nói của các vị Giáo Hoàng và hoạt động của Tòa Thánh được truyền đi các nơi trên thế giới.
Số nhân viên và máy phát
Hồi năm thánh 2000, Đài Vatican có 400 nhân viên các cấp, thuộc 61 quốc tịch, đông nhất là 235 người Ý. Xét về bậc sống trong Giáo Hội, các nhân viên gồm 55 LM và tu sĩ, trong số này có 25 Linh Mục dòng Tên và 9 nữ tu; 346 người còn lại là giáo dân.
Đài có 4 máy phát 500 KW và 5 máy phát 100 KW cho sóng ngắn, 3 ăng ten quay. Cái lớn nhất cao 106 mét, cái thứ hai 86 mét tại trung tâm phát truyền rộng 440 hécta (gấp 10 lần thành Vatican). Ngoài 5 hệ thống máy phát sóng đồng thời cho các miền khác nhau, các chương trình của Đài Vatican cũng đồng thời được truyền đi qua 3 vệ tinh, và qua Internet. Khoảng 800 đài địa phương ở 5 châu tiếp vận hoặc phát lại các chương trình của Vatican, theo khuynh hướng thời đó là nhiều đài phát thanh ở địa phương xin phát lại hoặc tiếp vận cho các chương trình của Đài Vatican, chẳng hạn tại 16 nước Âu Châu với 280 đài; tại 13 nước Mỹ châu la tinh với 188 đài, không kể toàn bộ hệ thống hàng trăm đài phát thanh công giáo địa phương tại Brazil. Tại Phi châu, các chương trình của Đài Vatican được phát lại tại các đài địa phương ở 8 quốc gia; tại Bắc Mỹ, phát lại chương trình của Đài Vatican có Hệ thống phát thanh Lời Vĩnh Cửu (EWTN) của Mẹ Angelica gồm 15 đài địa phương, Riêng tại Á châu và Thái Bình Dương, Chương trình của Đài Vatican được tiếp vận ở Úc, Liban và Phi luật tân. Đài Veritas tiếp vận chương trình tiếng Hoa của Vatican.
Ngân sách
Ngân sách cho đến năm 2015 của Đài Vatican vào khoảng 30 triệu Euro, trong đó một nửa dành để trả lương các nhân viên và một nửa cho các chi phí khác của Đài. Đó là một gánh nặng lớn về tài chánh cho Tòa Thánh. Vì thế dưới thời Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, các vị lãnh đạo của Đài Vatican liên tục được yêu cầu giảm bớt chi phí của Đài đứng trước tình trạng tài chánh khó khăn của Tòa Thánh.
Nhu cầu cải tổ
Trong những ngày Công nghị Hồng Y hồi tháng 4 năm 2013 để chuẩn bị bầu người kế nghiệm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, các Hồng Y đã thỉnh cầu vị Giáo Hoàng tương lai cải tổ các cơ cấu trung ương của Tòa Thánh, trong đó có cả vấn đề tài chánh. Vì vậy, sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc tiến việc cải tổ giáo triều, trong đó có dự án giảm bớt con số 12 Hội đồng Tòa Thánh bằng cách gộp lại. Dự án gộp các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh cũng được nghiên cứu và tiến hành trong chiều hướng này.
Tự sắc thành lập Bộ Truyền thông
Kết quả là ngày 27 tháng 6 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tự sắc ”Bối cảnh truyền thông ngày nay” (L’attuale contesto comunicativo) thành lập Bộ truyền thông, ban đầu gọi là “Segreteria per la Comunicazione”, và sau đổi thành “Dicastero per la Comunicazione”. Trong Tự Sắc, Đức Thánh Cha giải thích rằng đối tượng nhắm tới trong việc cải tổ này là để các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh có khả năng ”ngày càng đáp ứng những đòi hỏi của sứ vụ Giáo Hội”, trong một môi trường biến chuyển mau lẹ như môi trường thông tin đa phương tiện và xã hội, ngày càng phức tạp và lệ thuộc nhau.”
Vì thế thách đố đối với Bộ Truyền thông là làm sao đồng qui 9 cơ quan khác nhau và độc lập của Tòa Thánh và Quốc gia thanh Vatican thành một thực tại duy nhất, một Bộ thuộc giáo triều Roma, với một hệ thống biên tập và hành chánh thống nhất.
9 cơ quan thành 1
Và thế là 9 cơ quan được qui về cùng một mối: kỳ cựu nhất là nhà in đa ngữ Vatican có từ năm 1587, rồi tới báo ”Quan sát viên Roma” có từ năm 1861, Nhà xuất bản và nhà sách Vatican từ năm 1926, Đài Vatican từ năm 1931 như đã nói trên, rồi Phòng báo chí Tòa Thánh có từ năm 1939, tiếp đến là Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, bắt nguồn từ Đức Giáo Hoàng Piô 12 năm 1948, và năm 1964 được Đức Giáo Hoàng Phaolô cải tổ, đặt dưới quyền một vị Tổng giám mục Chủ tịch, với trách nhiệm theo dõi và thẩm định, trong nhãn giới giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, các lãnh vực như điện ảnh, phát thanh, truyền hình, tạp chí và nhật báo. Hội đồng này đã giúp Đức Giáo Hoàng soạn Huấn thị mục vụ nổi tiếng “Communio et Progressio”, Hiệp thông và tiến bộ, công bố năm 1971. Hội đồng cũng giúp thăng tiến Ngày Thế Giới truyền thông xã hội từ năm 1967.
3 cơ quan còn lại được gộp vào Bộ truyền thông là Trung Tâm truyền hình Vatican, Sở nhiếp ảnh, và sau cùng là Ban Internet Vatican.
Nhu cầu giảm chi của Tòa Thánh
Đằng sau mục đích đáp ứng những biến chuyển mau lẹ trong lãnh vực truyền thông, với các kỹ thuật ngày càng tân tiến, còn có mục đích tiết kiệm ngân sách của Tòa Thánh, phối hợp hoạt động và tăng cường hiệu năng của Tòa Thánh trong lãnh vực này. Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria cách Roma 25 cây số bị đóng cửa và 30 nhân viên được chuyển về Roma vì đài không còn phát qua sóng điện nữa, nhưng qua Internet.
Về nhân sự, hai ngày sau khi công bố tự sắc thành lập, tức là ngày 29/6/2015, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm các chức sắc cho Bộ truyền thông, với vị Bộ trưởng là Đức Ông Eduardo Viganò, người Ý, nguyên một giáo sư về điện ảnh và sau đó làm Giám đốc Trung Tâm truyền hình Vatican. Vị Tổng thư ký là Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, nguyên là trưởng ban Internet của Tòa Thánh. 5 vị Giám đốc cũng được bổ nhiệm cho Bộ này: Ban tổng vụ, Ban biên tập, Ban Kỹ thuật, Ban Thần học mục vụ, và sau cùng là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.
Thực tại Truyền Thông mới
Trong bản tin ngày 13/12/2017, hãng tin Sir của Hội đồng giám mục Ý cho biết số nhân viên của Bộ còn 350 người gồm các biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên hành chánh.
Trong công cuộc cải tổ này, các cha dòng Tên không còn giữ các trách nhiệm điều hành Đài Vatican nữa, chỉ còn lại hơn 10 linh mục phụ trách các ban các ngôn ngữ khác nhau, và danh xưng ”Radio Vatican” như một thực tại quốc tế không còn nữa, và chỉ còn lại Radio Vaticana tiếng Ý, được phát thanh trên băng tần FM cho vùng Roma, và qua hệ thống DAB + kỹ thuật số trên cạn (digital terrestre).
Các hoạt động truyền thông khác của Bộ được thể hiện qua trang mạng chính thức của Tòa Thánh (Vatican.va), Phòng báo chí Tòa thánh, Cổng thông tin điện tử Vatican News, báo Người Quan sát Roma, Vatican Media với các dich vụ hình ảnh, audio và video, và sau cùng là Radio Vaticana tiếng Ý như vừa nói. Một trang sử 84 năm của Đài Phát Thanh Vatican đã được lật qua, tuy rằng ngày nay tên Radio Vatican đang được lấy lại qua danh xưng Radio Vatican – Vatican News.
Cũng nên nói thêm rằng trong thông cáo công bố ngày 2/10/2020, Bộ Kinh tế của Tòa Thánh cho biết chi phí của Bộ truyền thông Tòa Thánh có số chi trong năm 2019 là 45 triệu Euro trên tổng số 318 triệu Euro chi phí của Tòa Thánh năm ngoái, và số thiếu hụt trong ngân sách là 11 triệu Euro.
Nguồn: vaticannews.va