Chưa được phân loại

Vì sao con người hơn hẳn muôn loài?

Không loài vật nào có thể tạo sức công phá khủng khiếp như con người (Hình: Thinkstock)

“Tôi đã trở thành tử thần, kẻ hủy diệt thế giới,” nhà vật lý Robert Oppenheimer, người góp phần tạo ra bom nguyên tử, nói.

Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 đã khiến gần 200.000 người Nhật chết. Chưa từng có bất kỳ sinh vật nào khác có sức huỷ diệt đến như vậy, và không loài nào có thể làm vậy.

‘Sinh vật có lý trí’

Công nghệ làm ra quả bom nguyên tử chỉ được tạo ra do trí thông minh tổ hợp: hàng trăm nhà khoa học và kỹ sư cùng nhau làm việc. Trí tuệ và sự hợp tác đặc biệt như thế cũng là nền tảng cho những sự tiến bộ tích cực, chẳng hạn như trong y học hiện đại.

Nhưng liệu đó có phải là tất cả những gì định hình nhân loại?

Trong những năm gần đây, nhiều đặc tính đã từng được cho là của riêng con người, từ đạo đức cho đến văn hóa, đã được phát hiện ở vương quốc động vật.

Vậy điều gì khiến cho loài người chúng ta đặc biệt? Danh sách có thể ít hơn trước đây nhưng vẫn có một số đặc tính của nhân loại mà không bất kỳ sinh vật nào trên hành tinh này có được.

Kể từ khi biết viết, con người đã ghi nhận nhân loại đặc biệt như thế nào. Nhà triết học Aristotle từ 2.000 năm trước đã chỉ ra sự khác biệt của chúng ta. Chúng ta là những ‘sinh vật có lý trí’, biết tìm tòi kiến thức để phục vụ lợi ích của mình. Chúng ta sống bằng nghệ thuật và lập luận, ông viết.

Phần lớn những gì ông viết vẫn còn có giá trị. Quả vậy, chúng ta thấy nhiều hành vi vốn một thời vốn được cho là chỉ có ở con người thì hoá ra cũng có ở loài họ hàng gần gũi nhất của chúng ta, tinh tinh. Thế nhưng chỉ có chúng ta mới nhìn vào thế giới của chúng và viết sách về những gì chúng ta phát hiện được.

“Rõ ràng chúng ta có những điểm tương đồng. Chúng ta có những điểm tương đồng với mọi sinh vật khác trong tự nhiên. Nhưng chúng ta phải nhìn vào sự khác biệt,” Ian Tattersall, nhà nhân chủng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York, nói.

Người Neanderthal đã không tiến hoá xa được như tổ tiên chúng ta tuy đã từng cùng tồn tại cách đây khoảng 200 ngàn năm

Bộ não lớn hơn

Để hiểu những khác biệt này, điểm khởi đầu cần thiết là phải xem tại sao nhân loại đến được như ngày nay. Tại sao chúng ta vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong khi nhiều giống người tiền sử khác thì tuyệt chủng?

Loài người và tinh tinh phân ly từ một tổ tiên chung từ hơn sáu triệu năm trước đây. Các bằng chứng hóa thạch cho thấy quá trình biến đổi dần dần của chúng ta. Chúng ta rời bỏ cuộc sống trên cây, bắt đầu bước đi trên hai chân và sống trong những quần thể lớn. Bộ não của chúng ta cũng trở nên lớn hơn. Về mặt cấu tạo cơ thể, chúng ta chỉ là một loài linh trưởng, nhưng não bộ chúng ta lớn hơn một cách bất thường.

Chúng ta không biết chính xác điều gì đã khiến cho não bộ chúng ta có kích thước như ngày nay nhưng dường như khả năng phân tích phức tạp của chúng ta là nhờ vào kích thước lớn của não bộ.

Khi chúng ta – loài người thông minh, tức homo sapiens – xuất hiện lần đầu trên hành tinh này vào khoảng 200.000 năm trước, chúng ta không hề đơn độc. Trên Trái Đất lúc đó có ít nhất bốn loài họ hàng trực tiếp với chúng ta: người Neanderthal, người Denisovan, người hobbit (Homo floresiensis) và một nhóm người bí ẩn thứ tư.

Các bằng chứng về công cụ đá cho thấy khoảng 100.000 năm trước đây công nghệ của chúng ta rất giống như của người Neanderthal. Nhưng vào 80.000 năm trước đây có điều gì đó đã thay đổi.

Giống người hiện đại, tức tổ tiên chúng ta, bắt đầu làm ra được những món đồ mang nét văn hóa và thể hiện kỹ thuật vượt trội. Các công cụ bằng đá của chúng ta đã trở nên tinh xảo hơn.

Bộ não con người có kích thước to đến ngạc nhiên

Theo một nghiên cứu thì những phát kiến công nghệ chính là chìa khóa giúp nhân loại di cư ra khỏi châu Phi. Chúng ta đã bắt đầu gắn kết những giá trị biểu tượng cho những đồ vật, chẳng hạn như các hình ảnh hình học và các bức vẽ trong hang động.

Ngược lại, có rất ít bằng chứng cho thấy những giống người tiền sử khác tạo tác ra bất cứ hình thức nghệ thuật nào.

Một sản phẩm, có thể là do người Neanderthal tạo ra, đã được ca ngợi như là bằng chứng cho thấy họ có trình độ tư duy trừu tượng tương đương như giống người thông minh.

Tuy nhiên, đó chỉ là những bản khắc đơn giản và một số người còn hoài nghi không biết đó có phải là tác phẩm của người Neanderthal hay không.

Các biểu tượng do người thông minh tạo ra rõ ràng tinh vi hơn nhiều. Người thông minh cũng đã xuất hiện vào khoảng 100.000 năm trước khi các vật thể mang ý nghĩa biểu tượng ra đời.

Vậy thì điều gì đã xảy ra?

Khả năng ngôn ngữ

Bằng một cách nào đó, khả năng học ngôn ngữ của con người cũng từ từ được ‘bật mở’, Tattersall phân tích.

Cũng giống như loài chim đã tiến hoá để có lông vũ trước khi chúng biết bay, loài người đã có những công cụ trí tuệ để phát triển ngôn ngữ trước khi chúng ta thật sự tạo ra ngôn ngữ.

Chúng ta bắt đầu với các biểu tượng giống như ngôn ngữ như là một cách để thể hiện thế giới xung quanh chúng ta, ông nói.

Chẳng hạn như trước khi chúng ta nói một từ, trong đầu chúng ta trước hết phải nghĩ đến điều mà từ đó tượng trưng cho.

Con người đã có những công cụ trí tuệ để phát triển ngôn ngữ trước khi thật sự tạo ra ngôn ngữ

Những biểu tượng trong đầu này cuối cùng dẫn đến ngôn ngữ với tất cả sự phức tạp và khả năng xử lý thông tin là nguyên nhân chính khiến cho chúng ta là loài người duy nhất vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, theo Tattersall.

Chúng ta không biết chính xác ngôn ngữ ra đời từ lúc nào và được tiến hoá ra sao. Tuy nhiên, nhiều khả năng ngôn ngữ ra đời là nhờ vào một đặc điểm chỉ có ở con người: khả năng giao tiếp xã hội vượt trội.

Các nghiên cứu so sánh giữa loài người và tinh tinh cho thấy mặc dù cả hai loài đều có sự hợp tác, loài người luôn giúp đỡ nhau nhiều hơn. Trẻ em dường như bẩm sinh đã biết giúp đỡ người khác. Chúng hành động một cách quên mình trước khi chúng học được các chuẩn mực xã hội.

Các nghiên cứu cho thấy trẻ em sẽ tự động mở cửa cho người lớn và nhặt lên những đồ vật bị ‘vô tình’ đánh rơi. Thậm chí chúng sẽ ngừng chơi để làm những việc này.

Từ khi còn nhỏ trẻ em đã hiểu về lẽ công bằng. Ngay cả khi thí nghiệm bị làm cho không công bằng để cho một trẻ nhận được nhiều phần thưởng hơn thì các em cũng muốn phần thưởng được chia ra một cách công bằng.

Chúng ta biết rằng tinh tinh cũng hợp tác với nhau và chia sẻ thức ăn một cách không hề ích kỷ. Tuy nhiên, ông Michael Tomasello ở Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, nói rằng loài này chỉ hợp tác khi bản thân mỗi cá thể đạt được lợi ích gì đó.

Quan tâm đến người khác

“Loài người cũng hợp tác nhưng chúng ta quan tâm về lợi ích của đối tác nhiều hơn. Trong một số thí nghiệm với các trẻ em trong độ tuổi 14-18 tháng, các em dường như muốn đối tác hợp tác theo cách nào đó và chia sẻ theo những cách không thấy ở tinh tinh.”

                       Trẻ em luôn chủ động giúp đỡ người khác

Trẻ em không quá kén chọn về đối tác mà các em sẽ chia sẻ. Trong khi đó tinh tinh chỉ chia sẻ với họ hàng thân thiết, đối tác có qua có lại và bạn tình tiềm năng.

Ông Felix Warneken tại Đại học Harvard, Mỹ, phân tích như sau: trẻ em là những đối tượng ‘chủ động’, tức là các em sẽ giúp đỡ ngay cả khi có sự gợi ý rất nhỏ. Trong khi đó tinh tinh cần sự kích thích nhiều hơn. Chúng được mô tả là những đối tượng ‘đáp ứng’: chúng chỉ giao đồ vật khi có sự thúc đẩy nào đó.

Có điều gì đó chắc hẳn đã xảy ra trong quá trình tiến hóa của loài người, theo Tomasello, khiến cho loài người ngày càng trở nên dựa vào nhau.

Não bộ của chúng ta cần sự kích thích để trở nên lớn hơn do đó việc hợp tác cùng săn bắn có lẽ đã vai trò quan trọng trong sự tiến hóa này.

Tinh thần đồng đội ở mức độ cao ở con người có lẽ phản ánh quá trình lịch sử rất lâu của việc cùng hợp tác với nhau để tìm thức ăn.

Việc họ hàng gần gũi nhất của chúng ta cũng biết chia sẻ thì chỉ đơn giản cho thấy chia sẻ là một đặc tính rất xưa.

Nó đã có trong nhánh loài người đầu tiên dẫn đến chúng ta ngày nay nhưng không có loài họ hàng nào của chúng ta có mức độ hợp tác cao như chúng ta ngày nay.

Khả năng đọc suy nghĩ

Những kỹ năng hợp tác được gắn chặt với khả năng đọc suy nghĩ của loài người chúng ta.

Chúng ta hiểu được những gì người khác suy nghĩ dựa trên hiểu biết của chúng ta về thế giới, nhưng chúng ta cũng hiểu được những gì mà các loài khác không thể biết.

Thí nghiệm có tên gọi Sally-Anne là một cách đơn giản để kiểm tra khả năng này ở trẻ em.

Đứa trẻ sẽ chứng kiến một búp bê có tên gọi Sally bỏ một viên bi vào một chiếc rổ trước sự chứng kiến của một búp bê khác tên là Anne. Khi Sally bước ra khỏi phòng, Anne đã lấy viên bi bỏ vào một chiếc hộp. Sau đó Sally quay trở lại và những người làm thí nghiệm hỏi đứa trẻ Sally sẽ tìm viên bi ở đâu.

Do Sally không nhìn thấy Anne dời viên bi đi chỗ khác, nó vẫn cứ ngỡ rằng viên bi vẫn còn ở trong rổ. Đa số những đứa trẻ 4 tuổi đều hiểu điều này và trả lời rằng Sally sẽ tìm trong rổ. Các em biết rằng viên bi không còn trong rổ nữa nhưng các em cũng hiểu rằng Sally không biết thông tin quan trọng này.

Tinh tinh có khả năng cố tình lừa dối các con tinh tinh khác, cho nên chúng ít nhiều hiểu được cách các con tinh tinh khác nhìn về thế giới ra sao.

Tuy nhiên, tinh tinh lại không hiểu được vì sao các con tinh tinh khác lại nhìn nhận sự việc khác với cách nhìn của mình.

Khi thí nghiệm Sally-Anne được tiến hành trên tinh tinh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tinh tinh hiểu được khi nào đối thủ của chúng không biết vị trí của thức ăn nhưng không biết được khi nào chúng đã bị đánh lừa.

Tomasello kết luận như sau: tinh tinh biết những con khác biết cái gì và thấy cái gì nhưng không biết trong đầu chúng suy nghĩ điều gì.

Kết nối trí tuệ

Điều này cho chúng ta một kết luận quan trọng về loài người. Mặc dù chúng ta không phải là loài duy nhất hiểu được rằng đối tượng khác có những ý định và mục tiêu gì, nhưng “mức độ trừu tượng mà chúng ta dùng để phân tích về tâm lý của đối tượng khác chỉ có ở loài người chúng ta,” ông Katja Karg, cũng thuộc viện Max Planck, nhận xét.

Việc kết hợp giữa khả năng ngôn ngữ không loài nào sánh bằng với khả năng suy đoán suy nghĩ của người khác và bản năng hợp tác đã tạo nên một thứ độc đáo: đó chính là con người.

Chúng ta có thể thấy bằng chứng về khả năng ngôn ngữ cơ bản ở tinh tinh nhưng chúng ta là loài duy nhất viết được ngôn ngữ.

Chúng ta kể chuyện, chúng ta tưởng tượng và chúng ta dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về tương lai cũng như phân tích quá khứ.

Hơn thế nữa, ông Thomas Suddendorf, mà nhà tâm lý tiến hóa ở Đại học Queensland ở Úc đã chỉ ra rằng chúng ta có khả năng kết nối trí tuệ của chúng ta lại với nhau.

“Điều này cho phép chúng ta tận dụng kinh nghiệm, suy nghĩ và trí tưởng tượng của người khác để điều chỉnh hành động của chúng ta,” ông nói. Điều này giúp chúng ta tích lũy thông tin qua nhiều thế hệ khác nhau.

Tất nhiên là chúng ta tích luỹ cả điều tốt lẫn điều xấu. Thứ công nghệ vốn định hình ra loài người chúng ta cũng có thể dẫn tới huỷ diệt thế giới.

Chẳng hạn như chuyện giết hại. Con người không phải là loài duy nhất tàn sát lẫn nhau. Thậm chí con người không phải là loài duy nhất biết gây chiến.

Tuy nhiên, chỉ có trí thông minh và lòng can đảm mới khiến cho con người có thể gây ra chiến tranh ở quy mô chưa từng có.

Cho đến nay, chúng ta là loài duy nhất cố gắng tìm hiểu xem mình có nguồn gốc ra sao. Chúng ta muốn tìm về quá khứ, nhìn tới tương lai, thậm chí còn muốn tìm hiểu xem vũ trụ có nguồn gốc ra sao, rồi đây vũ trụ sẽ kết thúc thế nào.

Chúng ta có khả năng to lớn trong việc tìm kiếm thực phẩm.

Đồng thời chúng ta khiến những họ hàng gần gũi nhất với loài người bị tuyệt chủng và huỷ hoại hành tinh duy nhất, nơi mà chúng ta đang sinh sống và gọi là nhà.

 

Melissa Hogenboom

(bbc.com)

You may also like