Một nhóm các phương tiện truyền thông ủng hộ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã đưa ra hai lời hăm dọa ám sát Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ trong vài ngày qua. Điều này được các quan sát viên ghi nhận là một sự hồi sinh những đe dọa và kích động bạo lực chống lại Vatican và Giáo Hội Công Giáo của bọn khủng bố IS.
Trong tháng qua, Al-Abd Al-Faqir, một nhóm các phương tiện truyền thông phò IS đã đe dọa các cuộc tấn công bằng lựu đạn tại các địa điểm hòa nhạc mừng Giáng Sinh. Trong mấy ngày qua, bọn này lại vừa tung ra một tấm poster với hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô và một tay sát thủ IS đang chĩa một khẩu súng lục vào ngài với dòng chữ lớn bên dưới:
“Đừng tưởng các cuộc tấn công của chúng tôi không thể đến gần”.
Trong một thông điệp gửi tới những thành phần thánh chiến nằm vùng tại các nước phương Tây, bọn khủng bố Hồi Giáo IS nói “lễ hội của những tên thập tự chinh đang đến gần” và hô hào các cuộc nổ bom tự sát nhằm phá hoại bầu khí an bình của lễ Giáng Sinh.
Trong một hành động đáng bị lên án mạnh mẽ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS lại tung ra một tấm bích chương mô tả Đức Giáo Hoàng bị chúng chặt đầu. Tấm bích chương này đã từng được chúng đưa ra vào năm ngoái.
Hình ảnh mà chúng tôi quyết định không đưa lên, mô tả một tên thánh chiến Hồi Giáo. Y đứng đắc thắng trên thân thể của một tù nhân trong bộ quần áo màu da cam, trong khi vẫn giữ đầu của Đức Giáo Hoàng.
Tên khủng bố, đội một chiếc khăn màu trắng, đang đứng trước một số tòa nhà bị cháy rụi và phá hủy. Bên cạnh đầu của Đức Giáo Hoàng với hàng chữ “Jorge Mario Bergoglio”.
Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, gọi tắt là MEMRI, báo cáo rằng nhóm truyền thông Wafa, một cơ quan tuyên truyền có liên kết với bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đã tung ra hình ảnh này. Tấm hình xuất hiện chỉ vài ngày sau khi bọn chúng tung ra một tấm bích chương mô tả một tên khủng bố đang lái xe lao vào Đền Thờ Thánh Phêrô, với những lời lẽ đe dọa một cuộc tấn công khủng bố tại Vatican vào dịp Giáng sinh năm nay.
Các nhà phân tích MEMRI cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS này có thể đang cố thúc đẩy các cuộc tấn công vào dịp Giáng Sinh của những “con sói đơn độc” ở châu Âu khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nhìn nhận sự sụp đổ của chúng ở Iraq và Syria.
Tháng 12 năm 2016, một tên khủng bố ISIS đã lái xe một tải tông vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin, giết chết 11 người và làm bị thương 56 người khác.
2. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia là một trong các nghị phụ của Hoa Kỳ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về “người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi” vừa diễn ra ở Rôma từ 3 đến 28 tháng 10.
Ngài đã chia sẻ một vài ý kiến về Thượng Hội Đồng Giám Mục này trong bài “Synod 2018: Some Concluding Thoughts” (Thượng Hội Đồng Giám Mục 2018: Một số ý nghĩ tổng kết) được đăng trên First Things hôm 29 tháng 10, 2018.
Một cách tổng quan, Đức Tổng Giám Mục cho biết:
“Các nghị phụ đã bỏ phiếu từng đoạn một về Tài Liệu Sau Cùng, và như hầu hết các nghị phụ, tôi đã bỏ phiếu ‘thuận’ cho hầu hết các đoạn văn.”
Theo Đức Tổng Giám Mục,
“Tài Liệu Sau Cùng, dù có những sai sót riêng nhất định của nó, vẫn là một cải tiến so với Tài Liệu Làm Việc. Các đại biểu cũng bầu một số người tốt lành cho Ủy ban Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Điều đó có ý nghĩa đầy hy vọng cho tương lai.”
Về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, Đức Tổng Giám Mục Chaput cho biết:
“Có một số những thảo luận tốt giữa các nghị phụ về vấn đề này”, nhưng Đức Tổng Giám Mục Chaput than phiền rằng các nghị phụ bên ngoài Hoa Kỳ và bên ngoài một số nước đang phải đối phó với vấn nạn này, dường như không hiểu phạm vi và tính chất nghiêm trọng của vấn đề.”
Liên quan đến giáo huấn của Giáo hội về tính dục:
“Chìa khóa cho tất cả các cuộc tranh luận liên quan đến tính dục là nhân chủng học. Một trong những vấn đề tế nhị và đáng quan ngại là, ở các giai đoạn thảo luận khác nhau, văn bản của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đề cập đến nhu cầu phải ‘làm sâu sắc’ hoặc ‘phát triển’ sự hiểu biết của chúng ta về các vấn đề nhân chủng học. Rõ ràng chúng ta có thể, và nên, luôn luôn cầu nguyện nhiều hơn và suy tư sâu xa hơn về các vấn đề phức tạp của con người. Nhưng Giáo Hội đã có một nền nhân chủng học Kitô rõ ràng, phong phú và mạch lạc. Thật là vô ích khi tạo ra những hoài nghi hoặc những mơ hồ xung quanh những vấn đề về bản sắc, mục đích và tính dục của con người, trừ khi người ta muốn dàn cảnh để thay đổi những gì Giáo Hội tin và dạy về cả ba điều trên, bắt đầu với tính dục.”
Đánh giá tổng thể kinh nghiệm về Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018:
“Nhiều giám mục đã thất vọng vì thiếu các bản dịch về những vấn đề quan trọng trước khi các ngài bỏ phiếu. Như một trong những nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục đã lập luận, thật là vô đạo đức khi bỏ phiếu ‘thuận’ về các vấn đề quan trọng nếu bạn chưa hề suy tư hay thậm chí chưa hề đọc qua xem nội dung của văn bản nói những gì.”
3. Bình luận của tiến sĩ George Weigel về một cuốn sách mới của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục về hưu của Hương Cảng vừa cho ra mắt cuốn sách mới “For Love of My People I Will Not Be Silent” – “Vì Tình Yêu Dành Cho Dân Tộc Mình, Tôi Sẽ Không Im Lặng”. Vị Hồng Y 86 tuổi tranh luận trong cuốn sách mới rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9 đã gây nguy hiểm cho tương lai của Công Giáo ở Hoa Lục. Chế độ Cộng sản Trung Quốc không phải là vĩnh hằng, Đức Hồng Y viết; và nếu hôm nay “bạn xếp hàng đứng sau lưng cái chế độ này, ngày mai Giáo Hội của chúng ta sẽ không được chào đón trong việc tái thiết một Trung Quốc mới.”
Bình luận về cuốn sách này, tiến sĩ George Weigel, thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, cho biết như sau:
“Một nguồn vốn đạo đức to lớn đang được xây dựng tại Trung Quốc bởi những cộng đồng tôn giáo từ chối không chịu khom lưng trước sự đàn áp của Cộng sản. Ngược lại, các cộng đồng tôn giáo gắn bó với chế độ sẽ phải mang dấu ấn của cái chế độ đó khi nó sụp đổ, và chắn chắn rằng cái chế độ Cộng sản sẽ phải sụp đổ. Sự đàn áp ngày càng gia tăng của Tập Cận Bình – không chỉ giới hạn trong các cuộc đàn áp tôn giáo – tự nó đã nói lên một cách hùng hồn rằng chế độ này thiếu tự tin về sự ổn định của nó; ngay cả cái chuyện quay ngược lại chính sách của Mao tôn mình làm Đại Đế cai trị suốt đời cũng cho thấy nỗi âu lo của Cộng sản. Trung Quốc có những vấn đề xã hội to lớn, tình trạng nhân khẩu học tệ hại, nạn tham nhũng gia tăng, trong khi tỷ lệ dân số có học thức ngày càng đông hơn cùng với nỗi bất bình về sự bất công trong phân phối thu nhập xã hội và việc kiểm soát xã hội một cách hà khắc của đảng Cộng sản (không phải chỉ trên không gian mạng mà còn nhiều mặt khác trong đời sống xã hội). Cộng tất cả những yếu tố đó lại, xem ra tiên đoán của Đức Hồng Y Quân là đúng: Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc không phải là bất tử.”
Nhìn về tương lai của xã hội Trung Quốc trong thời hậu Cộng sản, tiến sĩ George Weigel viết:
“Và khi chế độ đó biến mất, thì sao? Lúc đó, theo tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ là cánh đồng truyền giáo lớn nhất của Kitô giáo kể từ khi người châu Âu đến khu vực Tây bán cầu này vào thế kỷ 16.”
So sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, George Weigel nhận xét rằng Ấn Độ là nơi có một hệ thống tôn giáo truyền thống đan quyện với văn hóa làm cho việc rao giảng Tin Mừng Kitô giáo trở nên cực kỳ khó khăn. Trong tổng số gần 1 tỷ 3 dân số, các Kitô hữu chỉ chiếm 2.3%, và, bất kể các nỗ lực truyền giáo rất lớn, tỷ lệ này không ngừng sút giảm sau khi người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.
Trái lại, “Trung Quốc sẽ là một lãnh thổ mở rộng cho các cơ hội truyền giáo.” Giải thích nhận xét này, ông viết: “Cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao về cơ bản đã phá hủy các tôn giáo truyền thống Trung Quốc, và một xã hội hậu Cộng sản tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cũng như việc phân phối công bằng sự thịnh vượng vật chất sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những gì sứ điệp Tin Mừng đưa ra.”
“Và ai sẽ đưa ra lời đề nghị của sứ điệp Tin Mừng một cách đáng tin cậy? Những người đã phải chịu đựng vì Chúa Kitô và sự thật, chẳng hạn như các giáo hội Tin Lành đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc? Hay những người đã thực hiện các giao dịch với những kẻ bách hại trước đó? Câu hỏi tự nó đã có câu trả lời.”
4. Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng 11
Theo thông cáo của phòng nghi lễ Phủ Giáo Hoàng, các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong thời gian 3 tháng sắp tới sẽ diễn ra như sau:
Tháng 11, 2018.
Vào ngày thứ Sáu 2 tháng 11, là ngày toàn thể Giáo Hội tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm nghĩa trang Laurentino của Rôma, nơi những thai nhi chết khi chưa chào đời được chôn cất. Chuyến viếng thăm này sẽ bắt đầu lúc 4 giờ chiều.
Bên trong nghĩa trang Laurentino, có một khu vườn gọi là “Vườn thiên thần”, được khánh thành cách đây sáu năm và dành riêng cho việc mai táng những thai nhi chết khi chưa chào đời. Vườn thiên thần có diện tích khoảng 600 mét vuông. Nơi đây có đặt hai bức tượng thiên thần rất lớn bằng đá cẩm thạch.
Ngày hôm sau, thứ Bảy 3 tháng 11, lúc 11:30 sáng, Đức Thánh Cha đã cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô Thánh lễ truyền thống cầu nguyện cho các Hồng Y và giám mục đã qua đời trong năm qua.
Cũng tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày Chúa Nhật, 18 tháng 11 tới đây, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Ngày Người Nghèo Trên Thế Giới.
5. Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng 12
Ngày thứ Bẩy 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha sẽ phó dâng thế giới và Giáo Hội cho Đức Trinh Nữ Maria tại quảng trường Tây Ban Nha vào lúc 4 giờ chiều.
Ngày thứ Tư 12 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Guadalupe bổn mạng Mỹ Châu Latinh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ dành cho người Mỹ Latinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 6 giờ chiều.
Ngày thứ Hai, 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ vọng Giáng Sinh vào lúc 9:30 tối tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Sáng thứ Ba 25 tháng 12, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” gởi dân thành Rôma và toàn thế giới từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngày thứ Hai 31 tháng 12, lúc 5 giờ chiều, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi kinh chiều Tạ Ơn và hát kinh Te Deum tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã bam muôn ơn lành và gìn giữ Giáo Hội trong năm 2018.
Bên cạnh các cử hành Phụng Vụ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với giáo triều Rôma nhân dịp cuối năm, dự trù vào sáng 22 tháng 12.
6. Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng Giêng, 2019.
Cũng tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày 1 tháng Giêng năm 2019, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới vào lúc 10 giờ sáng.
Chúa Nhật 6 tháng Giêng, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha cử hành Lễ Chúa Hiển Linh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Chúa Nhật tiếp theo, ngày 13 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Đức Thánh Cha sẽ rửa tội cho một số trẻ em theo như truyền thống tại nhà nguyện Sistina, vào lúc 9:30.
Tháng Giêng sẽ được kết thúc với chuyến tông du đến Panama từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Giêng, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Bên cạnh các cử hành Phụng Vụ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh nhân dịp đầu năm mới.
7. Cuộc họp mùa thu của các Giám Mục Hoa Kỳ
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 30 tháng 10, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã cho biết chi tiết về phiên khoáng đại mùa thu 2018 tại Baltimore từ ngày 12 đến 14 tháng 11.
Thông cáo báo chí của USCCB cho biết cuộc họp khoáng đại mùa thu của các Giám Mục Mỹ sẽ bắt đầu với một diễn từ của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ tịch USCCB.
Sau đó là diễn từ của Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre.
Sau khi nghe hai diễn từ này, các giám mục sẽ tĩnh tâm tại nhà nguyện ngay trong khuôn viên của địa điểm này trong suốt một ngày để suy tư và cầu nguyện. Ngày tĩnh tâm sẽ được kết thúc bằng một Thánh lễ vào tối thứ Hai 12/11.
Ngày thứ Ba, các giám mục sẽ thảo luận và bỏ phiếu về một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm cả các biện pháp được phê chuẩn trong chương trình nghị sự vào tháng 9 của Ủy ban Thường trực USCCB, chẳng hạn như cơ chế báo cáo của bên thứ ba gồm các đại diện giáo dân, tiêu chuẩn ứng xử của các giám mục và các quy định trong trường hợp các giám mục phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm vì lạm dụng. Các giám mục cũng sẽ nghe các báo cáo từ Hội đồng Cố vấn Quốc gia và Hội đồng Xét duyệt Quốc gia.
Hội đồng cũng sẽ biểu quyết về thư mục vụ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cũng sẽ nghe một báo cáo về Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 15 về những người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi. Cácngài cũng sẽ bỏ phiếu cho ngân sách năm 2019.
Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu Thủ quỹ mới, và các chủ tịch mới cho các Ủy ban Giáo dục Công Giáo, Giáo sĩ, Đời sống thánh hiến, Phụng tự, Tư pháp quốc nội và phát triển nhân bản, Sự sống – hôn nhân – cuộc sống gia đình và thanh niên, và Ủy ban di cư.
Cũng sẽ có một cuộc bỏ phiếu theo thể thức giơ tay về án tuyên bậc Tôi Tớ Chúa cho nữ tu Thea Bowman, FSPA. Nữ tu Bowman sinh ngày 29/12/1937 và qua đời ngày 30/3/1990.
8. Nhà thờ tại Wakefield cháy ra tro nhưng bức ảnh Chúa vẫn còn nguyên vẹn
Bản tin hôm 26/10 của Đài truyền hình Boston 25 News, một cơ quan truyền thông thế tục, cho biết nhà thờ Baptist đầu tiên ở Wakefield đã cháy thành tro bụi trong một đám cháy kinh hoàng phá hủy hoàn toàn cấu trúc đã có từ 150 năm nay.
Các nhân chứng nói với Boston 25 News rằng tối thứ Ba 23/10, sét đánh trúng vào ngọn tháp của nhà thờ khi thời tiết khắc nghiệt di chuyển qua khu vực này, gây ra một đám cháy kinh hoàng.
Các cư dân trong vùng đã bắt đầu thu dọn tàn dư của địa danh lịch sử này dưới cơn mưa tầm tã vào sáng thứ Tư.
Tòa nhà 150 năm tuổi này đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng, mọi người kinh ngạc khi thấy rằng cho dù tất cả đã bị cháy thành tro thì một bức tranh treo ở lối ra vào phía trước nhà thờ gần như vẫn còn nguyên không bị ảnh hưởng gì.
Bức tranh vẽ Chúa Giêsu Kitô đã sống sót qua trận hỏa hoạn kinh hoàng như trong địa ngục vào đêm thứ Ba, và giờ đây được đưa về nhà của một giáo dân.
“Cá nhân tôi coi đó là một dấu chỉ nhắc nhở rằng Chúa Giêsu, Đức Kitô mà chúng ta tôn thờ vẫn hằng sống và mặc dù nhà thờ của chúng tôi đã biến mất, Hội thánh của chúng tôi vẫn còn đây và Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ vẫn còn ở đây”, Maria Kakalowski một giáo dân nói.
Theo thông tấn xã Catholic News Agency, năm ngoái, hai bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria ở Corpus Christi, Texas cũng sống sót trong một trận hỏa hoạn do cơn bão Harvey gây ra, mặc dù mọi thứ chung quanh đã cháy thành than.
Tháng Bảy năm nay, hai bức tượng Đức Trinh Nữ Maria khác cũng đã sống sót sau một trận hỏa hoạn tại Trường Trung Học Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần ở Morton, Pennsylvania. Một trong hai bức tượng này cũng đã từng trải qua một trận hỏa hoạn trước đó.
9. Tối Cao Pháp Viện Pakistan tha bổng Asia Bibi, Hồi Giáo cực đoan lập tức nổi loạn
Tối Cao Pháp Viện Pakistan đã tha bổng một phụ nữ Công Giáo đã từng bị kết án tử hình vì tội phỉ báng vào năm 2010.
Asia Bibi bị kết tội xúc phạm Mohammed trong một cuộc cãi vã với những người hàng xóm của cô.
Chánh án Saqib Nisarm nói Bibi được phóng thích khỏi nhà tù Sheikupura ngay lập tức nếu cô không liên quan đến một vụ án nào khác.
Các thẩm phán cho biết việc kết án tử hình cô trước đây được dựa trên những bằng chứng mỏng manh, và công tố viên đã “không thể chứng minh được sự nghi ngờ hợp lý trong trường hợp này”.
Phóng viên BBC cho biết cảnh sát hiện diện dày đặc bên ngoài Tòa án Tối cao, và tại những địa điểm thường xảy ra các cuộc biểu tình tại Karachi, Lahore và Peshawar.
Bạo động lập tức nổ ra tại nhiều thành phố Pakistan sau khi chánh án Saqib Nisarm tuyên bố quyết định của Tối Cao Pháp Viện Pakistan.
Hồi đầu tháng này, Tối Cao Pháp Viện Pakistan đã đi đến quyết định tha bổng Asia Bibi nhưng thấy trước phản ứng của người Hồi Giáo nên họ đã hoãn lại việc công bố phán quyết để chờ cho các cơ quan an ninh có các biện pháp ngăn chặn bạo động.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan là người nhiều lần tuyên bố ủng hộ các luật chống báng bổ khắc nghiệt của quốc gia này. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của Tối Cao Pháp Viện Pakistan, các đài truyền hình của nhà nước đã phát hình lời kêu gọi của ông cảnh cáo rằng chính quyền Pakistan sẽ thẳng tay thi hành chức trách của mình là bảo vệ an ninh xã hội, kiên quyết chống tất cả các hành vi quấy rối.
Trong khi đó, tại Lahore, lệnh cấm tụ tập trên 4 người, cấm biểu tình bằng xe gắn máy, cấm mang hung khí được thông báo trên các phương tiện truyền thông.
Những biện pháp này cho thấy nhà cầm quyền Pakistan đã được thông báo trước về bản án của Tòa Án Tối Cao Pakistan.
Gia đình Bibi nói rằng họ lo sợ cho sự an toàn của mình và bây giờ họ chỉ mong có thể rời khỏi Pakistan càng sớm càng tốt.
Trong phiên họp hôm 31 tháng 10, các dân biểu Anh đã lên tiếng yêu cầu thủ tướng Theresa May ban cấp tư cách tị nạn cho Asia Bibi, chồng và con gái cô.
10. Trường hợp của Asia Bibi
Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.
Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.
Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.
Ở Pakistan, những người Hồi giáo cứng rắn đã kêu gọi tử hình cô ngay từ khi cô bị kết tội lần đầu. Luật phỉ báng của Pakistan áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với những người xúc phạm Kinh Qur’an hoặc phỉ báng Mohammed. Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và khoảng 97% dân số là người Hồi giáo.
11. Phản ứng của Asia Bibi sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Pakistan
“Tôi không thể tin được những gì tôi đang nghe. Tôi có thể ra khỏi tù ngay bây giờ được không? Liệu họ có cho tôi ra ngoài không?” Đó là những lời Asia Bibi nói qua điện thoại với thông tấn xã AFP.
Tòa án tối cao của Pakistan đã bác bỏ án tử hình các tòa dưới dành cho Asia Bibi, một người phụ nữ Công Giáo Pakistan và là người mẹ của năm đứa con đã bị giam giữ từ năm 2009 và bị kết án tử hình vào tháng 11 năm 2010 về tội phỉ báng chống lại tiên tri Mohammed. Cô luôn phủ nhận những cáo buộc và khẳng định sự vô tội của mình.
Chánh phán Mian Saqib Nisar, và hai vị thẩm phán Asif Saeed Khosa và Mazhar Alam Khan, đã đưa ra phán quyết vào ngày 31 tháng 10. Theo phán quyết của tòa Asia Bibi có thể được trả tự do ngay lập tức từ một nhà tù gần Lahore, nơi cô đang bị giam giữ trong tám năm qua.
Đây là một quyết định can đảm của các thẩm phán Pakistan, những người đã dám đưa ra phán quyết của mình bất chấp những cuộc biểu tình mạnh mẽ hồi đầu tháng này, do nhóm Hồi giáo cực đoan Tehreek-e-Labaik chủ xướng.
Chồng cô, Ashiq Masih, bày tỏ niềm vui của gia đình mình sau bản án mang tính bước ngoặt. “Chúng tôi rất hạnh phúc. Đây là tin tuyệt vời. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa rất nhiều vì Người đã nhậm lời cầu nguyện của chúng tôi và những lời cầu nguyện của rất nhiều người khác” ông nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.
Rizvi, một thầy giảng kinh Qu’ran, lãnh đạo của Tehreek-e-Labbaik, đã cảnh cáo các thẩm phán, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ địa phương cũng như quốc tế về hậu quả “thảm khốc” nếu Asia Bibi được trả tự do. Hắn ta cũng đe dọa Saiful Malook, luật sư đại diện cho Asia Bibi tại tòa án. Rizvi thông báo rằng phong trào của hắn sẽ “tổ chức các cuộc biểu tình lớn và không để yên cho chính phủ nếu nhà cầm quyền trả tự do cho Asia Bibi để làm vừa lòng Hoa Kỳ.”
Trường hợp của Asia Bibi đã thu hút sự chú ý rất lớn của quốc tế. Hơn 400,000 người trên toàn thế giới đã ký một bản kiến nghị trả tự do cho Bibi. Vào năm 2010, đích thân Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi hủy bỏ các cáo buộc chống lại Asia Bibi.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trong số những người cầu nguyện và hoạt động cho việc trả tự do cho Asia Bibi. Đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng đã gặp chồng và con gái của bà, Eisham Ashiq. Ngài nói với cô con gái của Asia Bibi, “Cha thường nghĩ đến mẹ con, và cha cầu nguyện cho bà ấy.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi Asia Bibi là “một vị tử vì đạo” trong thời đại chúng ta.
Cô Ashiq nói với Đức Giáo Hoàng: “Khi con gặp mẹ con trước khi rời Pakistan, bà yêu cầu con tặng Đức Thánh Cha một nụ hôn.” Rồi cô ôm hôn Đức Thánh Cha Phanxicô.
Khi ông Masih, chồng của Asia Bibi, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ tại thư viện riêng của Đức Thánh Cha tại dinh Tông Tòa của Vatican sáng hôm đó, ông nói, “Thưa Đức Thánh Cha, con cầu xin ngài cầu nguyện cho vợ con và cho tất cả các Kitô hữu bị bách hại.”
Phóng viên BBC cho biết, ngay sau khi phán quyết của tòa án được đưa ra các cuộc biểu tình bạo động của những người Hồi Giáo cực đoan đã nổ ra tại Karachi, Lahore, Peshawar và Multan. Vùng Red Zone của thủ đô Islamabad, nơi đặt trụ sở của Tòa án Tối cao, đã bị cảnh sát phong tỏa để bảo vệ mạng sống của các vị thẩm phán.
12. Cảm nhận của Chính Thống Giáo Nga về lập trường của Tòa Thánh đối với việc ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine
Đức Tổng Giám Mục trưởng Hilarion của tổng giáo phận Chính Thống Giáo Nga Volokolamsk, là chủ tịch ủy ban đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Nga, đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên trong tư cách là một quan sát viên.
Trong dịp này, ngài đã được Đức Thánh Cha tiếp vào ngày 19 tháng 10. Trong chương trình ‘Giáo Hội và Thế giới’ được phát sóng trên kênh truyền hình Russia – 24 vào hôm thứ Bảy 27 tháng 10, ngài đã đưa ra những nhận xét sau về lập trường của Tòa Thánh đối với việc ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.
Mở đầu, Đức Tổng Giám Mục ghi nhận rằng “mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo đã nhận được một động lực mới để phát triển mạnh hơn, sau khi Đức Thượng Phụ Kirill gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Havana cách đây hai năm rưỡi.”
Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng “Tôi phải nói thêm rằng trước cuộc họp đó, những liên lạc giữa hai bên cũng đã được tổ chức rất thường xuyên. Trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, tôi đã gặp ngài 7 lần, trung bình tôi gặp ngài mỗi năm một lần. Thông thường các cuộc gặp gỡ diễn ra vào mùa thu, bởi vì vào mùa thu, Giáo Hội Công Giáo Rôma thường tổ chức các Thượng Hội Đồng Giám Mục trong đó các quan sát viên từ một số Giáo hội Chính thống được mời. Trong nhiều năm nay, tôi đã đến đó như một quan sát viên từ Giáo hội Chính thống Nga.”
Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói thêm rằng “Thông thường, tôi đến một hoặc hai ngày. Tôi được phát biểu trong vòng 10 hay 12 phút về quan điểm của Chính Thống Giáo Nga đối với một chủ đề cụ thể. Bên lề Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi thường gặp Đức Giáo Hoàng. Thông thường, đó là một buổi tiếp kiến riêng kéo dài khoảng một giờ để thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.”
Về cuộc tiếp kiến hôm 19 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục cho biết:
“Một phần đáng kể thời gian đã được dành cho một cuộc thảo luận về tình hình ở Ukraine, cụ thể là, về tình hình Giáo Hội, và tôi đưa ra với Đức Giáo Hoàng quan điểm của Giáo hội Chính thống Nga về những diễn biến gần đây. Chúng tôi không cho rằng Giáo hoàng của Roma có thể đóng vai trò trọng tài trong cuộc tranh chấp này – điều đó là hoàn toàn không thể. Thật là sai lầm khi lôi kéo ngài vào những vấn đề này và hy vọng rằng ngài sẽ có một số hành động nào đó hoặc sẽ xác định xem mình đứng về một bên cụ thể nào. Giáo hội Chính thống sống theo luật và quy tắc của riêng mình. Chúng ta sẽ tự mình giải quyết vấn đề này, mà không có sự tham gia của Giáo hoàng Rôma.”
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Hilarion cũng thừa nhận rằng “việc đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople cũng có những hệ quả nhất định trong mối quan hệ với Giáo Hội Công Giáo”. Cụ thể là “việc đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople đã kéo theo việc rút lui khỏi các cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo,” ngài nói.
Khi được hỏi về quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến quyết định của Constantinople trao quyền tự trị cho Chính Thống Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói mập mờ rằng:
“Tôi không thể truyền đạt cho bạn nội dung của các cuộc đàm phán được bảo mật. Nhưng nói chung, quan điểm của Vatican liên quan đến sự phát triển trong quá khứ cũng như hiện tại ở Ukraine đã đầy đủ và nhiều lần được công bố bởi chính Đức Giáo Hoàng hoặc bởi các đại diện được ngài ủy quyền. Chúng tôi chưa bao giờ nghe bất kỳ lời nào ủng hộ các hành động phiêu lưu của Constantinople đến từ Đức Giáo Hoàng hoặc các đại diện của ngài. Chúng tôi chưa bao giờ nghe về bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các hành động của chính quyền Ukraine nhằm phân biệt đối xử chống lại những người nói tiếng Nga. Nhìn chung, chúng ta có thể thấy một quan điểm cân bằng của cá nhân Đức Giáo Hoàng Phanxicô, quốc gia Vatican và Giáo Hội Công Giáo ở các cấp độ khác nhau.”
13. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk về nỗ lực của Chính Thống Giáo Ukraine xin được ban cấp quy chế tự trị
Các nhà lãnh đạo Công Giáo thường tránh không bình luận về ước muốn độc lập của Chính Thống Giáo Ukraine để khỏi bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp hiện nay giữa Tòa Thượng Phụ Constatinople và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là một trường hợp ngoại lệ. Trước hết, ngài là người Ukraine. Thứ hai, dù có im lặng đi chăng nữa, ngài cũng không mua được chút cảm tình nào của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Chính Thống Giáo Nga đã nhiều lần yêu cầu Tòa Thánh giải tán Giáo Hội Công Giáo Nghi lễ Đông phương Ukraine như một điều kiện tiên quyết để một vị Giáo Hoàng có thể đặt chân đến nước Nga.
Trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, đã dành cho John Allen và Ines San Martin của tờ Crux một cuộc phỏng vấn.
Theo Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ước vọng tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine là một nguyện vọng chính đáng của một dân tộc muốn đòi lại những di sản tinh thần và lịch sử của mình, đã bị người Nga cướp đi trong nhiều thế kỷ qua.
Ngài nhận xét rằng: “Người Nga luôn nhận mình là người thừa kế duy nhất của di sản đó. Đó là một sự xuyên tạc lịch sử. Điều đang xảy ra là người dân chúng tôi muốn thực hiện quyền hợp pháp của mình để ‘có sự giải thích riêng về quá khứ tôn giáo, hiện tại và tương lai của Ukraine … quyền có tiếng nói riêng của chúng tôi.’”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng dự đoán sẽ có những hệ quả đại kết, một Chính Thống giáo Ukraine hiệp nhất có thể tham gia vào một cuộc đối thoại hiệu quả hơn với Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine và trung tâm của sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Rôma.”
Theo Đức Tổng Giám Mục, một Giáo Hội Chính Thống Ukraine tự trị sẽ “đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử của Giáo hội Hoàn vũ. Tôi không tin đó sẽ là một tiến trình dễ dàng, nhưng chắc chắn là thú vị và là một sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.”
14. Tuyên bố của Đức Hồng Y Timothy Dolan về trường hợp của Đức Giám Mục Phụ Tá John Jenik
Ngày 31 tháng 10, Đức Hồng Y đã gởi cho các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân một thư mục vụ về trường hợp của Đức Giám Mục Phụ Tá John Jenik. Toàn văn như sau:
Kính gửi các thành viên trong gia đình Tổng giáo phận New York:
Tôi lấy làm tiếc một lần nữa phải là người mang đến một hung tin, nhưng tôi phải viết thư này để thông báo với anh chị em rằng tổng giáo phận chúng ta đã nhận được cáo buộc lạm dụng tình dục một trẻ vị thành niên chống lại Đức Giám Mục John Jenik, là một Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.
Hội đồng Tái xét Giáo dân đã cẩn thận kiểm tra lời cáo buộc, liên quan đến các sự việc từ nhiều thập kỷ trước và kết luận rằng bằng chứng được đưa ra là đủ để cho thấy cáo buộc này đáng tin cậy và chứng minh được. Mặc dù Đức Giám Mục Jenik tiếp tục phủ nhận cáo buộc này, ngài đã rời bỏ thừa tác vụ công khai và đã rời khỏi giáo xứ của mình.
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng xem lá thư của tôi gửi cho các giáo dân của Đức Giám Mục Jenik, cùng với một lá thư của Đức Giám Mục Jenik, đính kèm bên dưới.
Xin anh chị em nhớ đến trong lời cầu nguyện của anh chị em tất cả những người mà cuộc sống của họ đã bị khuấy động bởi tội phạm và tội lỗi lạm dụng tình dục.
Chân thành trong Chúa Kitô,
Đức Hồng Y Timothy Dolan,
Tổng Giám Mục New York.
15. Lá thư của Đức Giám Mục John Jenik
Đức Cha John Jenik sinh ngày 7 tháng 3 năm 1944 (74 tuổi) tại Manhattan New York. Ngài được thụ phong linh mục ngày 30 tháng 5, 1970. Ngài từng làm cha phó tại các giáo xứ St. Jerome từ năm 1970 đến 1974, St. Thomas Aquinas từ năm 1974 đến 1978 và cuối cùng là giáo xứ Đức Mẹ là Chốn Nương Náu từ năm 1978 đến 1985. Từ năm 1985, ngài là cha sở giáo xứ Đức Mẹ là Chốn Nương Náu. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá New York vào ngày 14 tháng Sáu 2014.
Michael Meenan, 52 tuổi, cáo buộc rằng vào năm 1978 ở tuổi 13 ông ta đã quen biết với cha John Jenik và đã đến nhà vị linh mục chơi nhiều lần trong đó có khoảng 70 lần ngủ qua đêm. Ông ta cáo buộc cha John Jenik đã một vài lần mời ông ta uống rượu và ít nhất một lần đã rờ mó mình khi hai người ngủ chung với nhau.
Trong lá thư gởi cho anh chị em giáo dân giáo xứ Đức Mẹ là Chốn Nương Náu, Đức Cha Jenik viết:
Anh chị em giáo dân thân mến,
Đây là lá thư khó khăn nhất mà tôi phải viết trong 48 năm linh mục của tôi.
Như lá thư đính kèm của Đức Hồng Y Dolan đã làm rõ, một cáo buộc lạm dụng chống lại tôi đã được gởi đến Chương trình Hòa giải và Đền bù Độc lập của tổng giáo phận, và cáo buộc này cuối cùng được Hội đồng Tái xét Giáo dân nhận định là đáng tin cậy và chứng minh được.
Dù có một niềm tôn trọng tuyệt đối đối với Chương trình Hòa giải và Đền bù Độc lập và Hội đồng Tái xét Giáo dân, và biết rằng họ có một gánh nặng rất lớn khi phải đối diện với tội ác lạm dụng tính dục, tôi tiếp tục kiên quyết bác bỏ cáo buộc là tôi đã từng lạm dụng bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào. Do đó, tôi sẽ thỉnh cầu Vatican, là thẩm quyền cao nhất trong những trường hợp như thế này, xét lại vấn đề, với hy vọng là cuối cùng tôi được chứng minh vô tội.
Trong lúc này, tôi sẽ tuân thủ các quy định trong chính sách của tổng giáo phận, và sẽ không thi hành các thừa tác vụ công khai. Tôi sẽ bước qua một bên và chấm dứt tác vụ chủ chăn của giáo xứ Đức Mẹ là Chốn Nương Náu cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Như nhiều người trong anh chị em cũng biết, tôi đang trong tiến trình hồi phục sau khi phải giải phẩu hông, và sẽ phải trải qua một cuộc giải phẩu thứ hai đối với hông bên kia vào tháng tới. Cám ơn những tấm thiệp của anh chị em, những lá thư, những cú điện thoại, và đặc biệt nhất là những lời cầu nguyện của anh chị em. Đó là sức mạnh của tôi.
Xin anh chị em cũng vui lòng cầu nguyện cho người đã đưa ra cáo buộc chống lại tôi, và cho tất cả những ai là nạn nhân của tội ác lạm dụng. Anh chị em luôn có một chỗ trong lời cầu nguyện và trong tâm hồn tôi, và chắc chắn tôi cũng cần một chỗ như thế nơi anh chị em.
Trong Chúa Kitô
Đức Giám Mục John Jenik