Chúng tôi sẽ đưa quý vị và anh chị em đi thăm Bethlehem, nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, Ba Tư, Ba Tây, Nhật Bản, Indonesia, Mễ Tây Cơ, Lithuania, Ethiopia, và Nga.
1. Bầu khí Giáng Sinh tại Rôma
Những hình ảnh quý vị và anh chị em vừa xem thấy là nghi thức khánh thành hang đá và thắp sáng cây thông giáng sinh tại quảng trường Thánh Phêrô diễn ra vào lúc 4 giờ rưỡi chiều thứ Sáu 7 tháng 12. Công trình thực hiện hang đá Giáng Sinh khổng lồ bằng cát tại Quảng trường thánh Phêrô đã bắt đầu từ ngày 17 tháng 11 và đã hoàn thành mỹ mãn vào ngày 6 tháng 12.
Sand Nativity, hay cảnh Giáng Sinh bằng cát, được thực hiện bằng 1,300 mét khối cát Jesolo, nặng 700 tấn, lấy từ miền Dolomiti bắc Italia, và do 4 nhà điêu khắc người Mỹ, Nga, Hòa Lan và Tiệp đảm trách.
Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị một khối cát hình kim tự tháp đã được bắt đầu vào thứ Bẩy 17 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Tiếp đến, trong hai ngày 19 và 20 tháng 11 các công nhân đã dựng lều bảo vệ. Giai đoạn khắc đẽo đã được bắt đầu từ ngày 21 tháng 11 và đến nay đã hoàn tất.
Trong hai ngày mùng 5 và 6 tháng 12 các công nhân hoàn tất công trình này bằng việc tô điểm cho các bức tượng. Điều thú vị là những bức tượng này cũng được làm bằng cát.
Sáng sớm ngày thứ Năm 22 tháng 11, cây thông đỏ khổng lồ lấy từ Rừng Cansiglio, tỉnh Pordenone, đông bắc Italia, đã được đưa đến Quảng trường thánh Phêrô. Tiếp theo đó là công trình trang trí do sở kỹ thuật Phủ thống đốc Vatican thực hiện với hệ thống đèn điện tiêu thụ ít năng lượng do công ty Osram hiến tặng.
Theo chương trình, trưa ngày 7 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hai phái đoàn chính thức của các cộng đoàn trao tặng thông và hang đá cát: đó là giáo phận Concordia-Pordenone và miền Friuli Venezia Giulia, cùng với những người thực hiện hang đá, từ tòa Thượng Phụ Venice ở thị trấn Jesolo.
Chiều ngày 31 tháng 12, sau khi hát kinh Tạ Ơn Tadeum tại Đền thờ Thánh Phêrô, kết thúc năm dương lịch, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm hang đá.
Chúa Nhật 13 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, hang đá và cây thông Giáng Sinh sẽ được tháo gỡ. Thông sẽ được trao cho một hãng chuyên sử dụng gỗ để dùng vào các hoạt động bác ái.
Một hoạt động quan trọng khác cũng vừa diễn ra là nghi thức phó dâng thành phố và Giáo Hội Rôma cho trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày thứ Bẩy 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha đã kính viếng Đức Mẹ tại Đền Thờ Đức Bà Cả, và vào lúc 4 giờ chiều, ngài phó dâng thành phố và Giáo Hội Rôma cho Đức Trinh Nữ Maria tại quảng trường Tây Ban Nha.
Trong lời nguyện dâng lên Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha nói:
Lạy Mẹ vô nhiễm,
vào ngày lễ của Mẹ, một ngày lễ rất thân thiết với tất cả các Kitô hữu,
Con đến để tỏ lòng tôn kính Mẹ tại trung tâm của thành Rôma này.
Con mang trong tâm hồn mình các tín hữu của Giáo hội này,
và tất cả những ai sống trong thành phố này, đặc biệt là những người đau yếu,
và tất cả những người, vì những hoàn cảnh khác nhau, cảm thấy khó khăn để tiến bước.
Trước hết và trên hết, chúng con muốn cảm ơn Mẹ
vì sự chăm sóc hiền mẫu Mẹ dành cho chúng con khi đồng hành cùng chúng con trên đường đời.
quá thường biết ngần nào chúng ta được nghe, với đôi mắt ngấn lệ,
từ những người đã cảm nghiệm được sự cầu bầu của Mẹ,
về những ân sủng mà Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu Con Mẹ cho chúng con!
Con cũng nghĩ đến ơn sủng Mẹ dành cho người dân đang sống tại Rôma này:
đó là ơn đối diện với những thách thức của cuộc sống hàng ngày với sự kiên nhẫn.
Và vì lý do đó, chúng con cầu xin Mẹ ban cho chúng con sức mạnh không thối lui, nhưng mỗi ngày, mỗi người có thể nỗ lực để cải thiện mọi thứ, sao cho sự chăm sóc của mỗi người có thể biến Rôma thành một thành phố xinh đẹp và dễ sống cho tất cả mọi người; sao cho nghĩa vụ được mỗi người thực thi, có thể bảo đảm quyền lợi của tất cả mọi người.
Và khi nghĩ về thiện ích chung của thành phố này,
chúng con cầu nguyện cho những người giữ vị trí trách nhiệm cao hơn:
nhận được ơn khôn ngoan, viễn kiến, một tinh thần phục vụ và hợp tác.
Lạy Đức Trinh Nữ
Con muốn phó dâng cho Mẹ cách riêng các linh mục của giáo phận này:
Các cha sở, các cha phụ tá, các linh mục cao niên, những vị có trái tim của người mục tử,
đang tiếp tục làm việc để phụng sự dân Chúa,
và đông đảo các linh mục sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đang cộng tác trong các giáo xứ.
Con cầu xin Mẹ ban cho tất cả những vị ấy niềm vui dịu dàng của lòng hăng say truyền giáo,
và ân sủng là những người cha, gần gũi và nhân hậu với mọi người.
Trước nhan Mẹ, là người phụ nữ hoàn toàn tận hiến cho Chúa, con xin phó dâng các phụ nữ giáo dân tận hiến và các nữ tu.
Tạ ơn Chúa vì có rất đông những phụ nữ như thế đang sống ở Rôma, hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới,
và họ tạo thành một bức tranh tuyệt vời của nhiều quốc tịch và nhiều nền văn hóa.
Con cầu xin Mẹ ban cho tất cả những vị ấy niềm vui dịu dàng được là hiền thê và mẹ hiền, như Mẹ, đơm hoa kết trái trong lời cầu nguyện, bác ái và lòng từ tâm.
Lạy Mẹ Chúa Giêsu,
Con khẩn cầu cùng Mẹ một điều cuối cùng tại thời điểm Mùa Vọng này,
khi nghĩ về những ngày mà Mẹ và Thánh Giuse lo lắng cho sự chào đời đã gần kề của con Mẹ, âu lo vì một cuộc điều tra dân số đang diễn ra và Mẹ phải rời bỏ quê hương Nagiarét để đến Bêlem.
Mẹ biết ý nghĩa của việc mang theo sự sống trong bụng mẹ
và cảm nhận được sự thờ ơ, khước từ , thậm chí khinh miệt, xung quanh Mẹ.
Đó là lý do tại sao con cầu xin Mẹ gần gũi với những gia đình ngày nay
ở Rôma, ở Ý và trên toàn thế giới
xin cho họ đừng bị bỏ rơi, nhưng quyền lợi của họ được bảo vệ,
và nhân quyền được ưu tiên hơn bất kỳ sự cần thiết nào, dù là hợp pháp.
Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm,
bình minh của niềm hy vọng trên đường chân trời của nhân loại,
xin Mẹ giữ gìn thành phố này:
nhà cửa, trường học, văn phòng, cửa hàng,
các nhà máy, bệnh viện và nhà tù của nó.
Xin cho Rôma giữ được điều quý giá nhất, mà thành phố này bảo tồn cho cả thế giới,
không bao giờ thiếu vắng ở bất cứ đâu: đó là lời di ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu:
“Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu các con” (Ga 13,34).
2. Bầu khí chào đón Giáng Sinh tại Bethlehem
Bầu khí Giáng Sinh tại Bethlehem năm nay được ghi nhận là khả quan hơn năm ngoái khi tổng thống Donald Trump tuyên bố quyết định dời tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Giêrusalem như một cử chỉ chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với thành thánh Giêrusalem.
Bethlehem là nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Đây là nơi các tín hữu Kitô trên thế giới đều ước ao được một lần trong đời đón mừng Chúa Giáng Sinh tại chính nơi thánh thiêng này. Tuy nhiên, đến được nơi đây không phải là dễ vì phải vượt qua vô số các trạm kiểm soát của quân đội Do Thái.
Những lo ngại bạo lực có thể bùng lên bất cứ lúc nào và trong những ngày đầy biến động năm ngoái đã khiến nhiều du khách hủy bỏ cuộc hành hương đến Bethlehem vì sợ mình bị kẹt giữa hai lằn đạn.
Hôm 2 tháng 12 vừa qua, hàng ngàn người đã tụ tập tại quảng trường Máng Cỏ để theo dõi buổi lễ thắp sáng cây thông Giáng Sinh khổng lồ. Đó là sự kiện đầu tiên trong mùa lễ Giáng Sinh năm nay.
Người dân địa phương và người nước ngoài chùm kín trong những chiếc áo khoác và mũ len đã lắng nghe các bài phát biểu của thị trưởng Bethlehem, Anton Salman, thủ tướng Palestine, Rami Hamdallah, và nhiều nhà lãnh đạo của các Giáo hội Kitô, trong đó có Cha Francesco Patton, bề trên tỉnh dòng Phanxicô tại Thánh Địa.
Trước nghi thức thắp sáng quảng trường và cây thông, cũng có các chương trình biểu diễn âm nhạc và hoạt cảnh Giáng Sinh diễn lại biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người ngay tại địa điểm này cách đây 2018 năm.
Sau đó đèn đuốc trên quảng trường được tắt hết, diễn tả nhân loại đang chìm trong bóng tối của tội lỗi, đồng hồ đếm ngược bắt đầu và sau đó cây thông đã được thắp sáng cùng với một màn pháo hoa lấp lánh.
Sự kiện này là cơ hội để đưa du khách đến thành phố và theo lời ông Rami Hamdallah cũng là một thông điệp theo đó bất chấp “những nỗ lực của Do Thái muốn nhổ tận gốc chúng ta và tước bỏ nền văn minh và lịch sử của chúng ta”, Palestine tiếp tục tỏa sáng.
Đúng nửa đêm ngày 24/12, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thượng Phụ Jerusalem, cùng với các Giám Mục Phụ Tá của ngài sẽ cử hành thánh lễ tại đền thờ Giáng Sinh tại quảng trường Máng Cỏ.
3. Khánh thành cây thông Giáng Sinh trôi nổi trên mặt nước
Nhắc đến cây thông Giáng Sinh, chúng tôi không thể không nhắc đến một kỳ quan tại Brazil.
Trong hơn 20 năm qua, cây thông Giáng Sinh trôi nổi trên mặt nước của Brazil đã là một kỳ quan thu hút đông đảo dân chúng và khách du lịch.
Hôm 1 tháng 12 vừa qua, cây thông Giáng Sinh trôi nổi trên vịnh Rodrigo de Freitas, tại Rio De Janeiro đã được khánh thành. Cây thông năm nay cao 71m được trang điểm với hơn 2 triệu ánh đèn, thay đổi màu theo định kỳ.
Cây thông Giáng Sinh trôi nổi trên mặt nước của Brazil đã vắng mặt trong hai năm 2016 và 2017. Năm 2015, cây bị hư hại nặng do vì gió mạnh do ảnh hưởng của một trận bão.
Cây thông Giáng Sinh trôi nổi trên mặt nước của Brazil sẽ được thắp sáng mỗi tối cho đến hết ngày 6 tháng Giêng, Lễ Chúa Hiển Linh.
4. Bầu khí Giáng Sinh tại Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.
Theo Niên Giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509,000 người Công Giáo tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.
Giáng Sinh là một cơ hội truyền giáo quan trọng. Chẳng hạn như tại thành phố Kobe, nơi hành năm người ta tổ chức một chương trình ánh sáng ngoạn mục để cầu nguyện cho 6,400 nạn nhân bị thiệt mạng trong trận động đất lớn Hanshin vào năm 1995, tấn công vào khu trung tâm Kobe. Mỗi năm có đến hơn 3 triệu người đến thăm những cây thông và ngôi sao Giáng Sinh chan hòa ánh sáng.
Một chương trình ánh sáng lộng lẫy khác ở Nhật Bản diễn ra tại Tokyo với 15 địa điểm ở thủ đô của Nhật Bản được trang trí với những cảnh Giáng Sinh sáng rực bầu trời. Đường Dokutsu ở quận Shibuya, còn được gọi là hang động màu xanh, được chiếu sáng bằng ánh sáng xanh trải dài trên con đường dài 250m dành cho người đi bộ. Hơn 2,6 triệu lượt người viếng thăm khu vực này hồi năm ngoái 2017.
5. Bầu khí Giáng sinh tại Âu Châu
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong những ngày này, nhìn bề ngoài bầu khí Giáng Sinh đang diễn ra tưng bừng với các khu chợ Giáng sinh truyền thống.
Chợ Giáng sinh (tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël) là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ (khoảng thế kỷ 14), cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Các chợ Giáng sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng sinh Dresden (tổ chức lần đầu năm 1434) hay chợ Giáng sinh Bautzen (tổ chức lần đầu năm 1384).
Ngày nay các chợ Giáng sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng sinh, ví dụ chợ Giáng sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg (nơi có chợ Giáng sinh lớn nhất nước Pháp), Colmar và Reims, trong đó chợ Giáng sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570.
Mô hình chợ Giáng sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa châu Âu như ở Anh (tại Leeds, Birmingham) hay Hoa Kỳ (do những người Mỹ gốc Đức tổ chức).
6. Bầu khí Giáng Sinh trên miền đất của Ba Vua
Theo truyền thống quê hương của ba nhà đạo sĩ hay còn gọi là Ba Vua, những người đã theo ánh sao dẫn đường đến Bê Lem để thờ lạy Hài Nhi giáng trần, là Ba Tư. Thật vậy, năm 619, thành phố Bêlem bị quân Hồi Giáo Ba Tư chiếm đóng nhưng may mắn là những người này không phá hủy đền thờ. Những người Ba Tư thấy trên các bức ảnh trong nhà thờ có hình Ba Vua là những hình thường thấy trên trang phục vua chúa Ba Tư nên đã không dám phá hủy nhà thờ.
Tuy nhiên, quý vị và anh chị em có thể thấy trong video này tại Ba Tư ngày nay không khí Giáng Sinh gần như không có gì. Giáng Sinh cũng chỉ là một ngày như mọi ngày.
Cũng như tại các nước khác trong vùng Trung Đông, các cộng đoàn Kitô Giáo kỳ cựu tại đây đang đứng trước những chính sách kỳ thị và bách hại gần như công khai của người Hồi Giáo chiếm đến 99.4% trong tổng số 81,824,270. Cám dỗ được thoát ra nước ngoài luôn ám ảnh họ trước trào lưu phát triển mạnh của Hồi Giáo cuồng tín.
Anh chị em Kitô hữu chính gốc Iran là những hậu duệ của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Họ là những người Công Giáo hay Chính Thống Giáo, với nghi lễ Armênia hay Assyria- Chanđê. Không chỉ là trong nghi thức Phụng Vụ mà thôi, các gia đình này vẫn còn nói được tiếng Armênia và cả tiếng Aramaic – ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu.
7. Bầu khí Giáng Sinh tại Lithuania
Trong chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia, từ ngày 22 đến 25 tháng 9 vừa qua, Đức Thánh Cha đã ba nước vùng Baltic, cụ thể ngài đã thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania; Riga và Aglona ở Latvia và Tallinn ở Estonia.
Trong số các thành phố này Vilnius nổi bật trong mùa Giáng Sinh với các cây thông Giáng Sinh nổi tiếng là đẹp nhất Âu Châu được trưng bày tại quảng trường nhà thờ chánh tòa.
Dân chúng các nước vùng Baltic nổi tiếng là những người thích ca hát và cuộc cách mạng ca hát được tổ chức hàng đêm ở 3 quốc gia Baltic từ năm 1987 đến 1991 đã giúp họ giành được độc lập khỏi tay người Nga.
Vì thế không lạ gì khi chúng ta biết rằng quảng trường nhà thờ chánh tòa Vilnius cũng là nơi diễn ra một chương trình hát mừng Giáng Sinh kéo dài suốt từ trưa ngày 24 tháng 12 cho đến thánh lễ nửa đêm.
8. Bầu khí Giáng sinh tại Indonesia
Indonesia là một quốc gia rất năng động. Quốc gia này bao gồm hơn 17,000 hòn đảo, trải dài trên hơn 5,000 km và có dân số khoảng 250 triệu người. Những hòn đảo hoặc nhóm đảo chính là Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi và Moluccas. Khoảng 300 nhóm dân tộc khác nhau sinh sống ở đó, chủ yếu là người Mã Lai.
Indonesia là quốc gia có đông người Hồi Giáo nhất trên thế giới. 87.2 phần trăm người Indonesia tự nhận là theo đạo Hồi, 9.9% theo Kitô Giáo trong đó Công Giáo chiếm 2.9%, 1.7 theo Ấn Độ giáo và 0.7 theo Phật giáo.
Bất chấp những trào lưu Hồi Giáo cực đoan, chính phủ Indonesia theo đuổi một chính sách khoan dung về tôn giáo. Từ năm 2015, Đài Phát Thanh Quốc gia Inđônêsia đã bắt đầu phát chương trình đặc biệt trực tiếp truyền thanh thánh lễ Giáng Sinh được Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Vatican.
Trước đó, Radio Vatican đã ký kết một thỏa thuận hợp tác với Đài Phát Thanh Quốc gia Inđônêsia nhằm thúc đẩy “một sự hợp tác chặt chẽ giữa hai đài trong những sự kiện tôn giáo đặc biệt quan trong đối với đời sống Giáo Hội hoàn vũ”.
9. Bầu khí Giáng sinh tại Ethiopia
Trong tổng số 99,465,800 dân, 43.5% người Ethiopia theo Chính Thống Giáo; 33.9% theo Hồi Giáo; chỉ có 0.7% theo Công Giáo
Giáo Hội Chính thống Ethiopia và cả Giáo Hội Công Giáo nước này vẫn sử dụng lịch Julian cũ, vì vậy họ ăn mừng Giáng sinh vào ngày 07 tháng Giêng, không phải 25 tháng 12!
Các tín hữu giữ chay vào đêm Giáng sinh. Lúc bình minh vào sáng ngày lễ Giáng Sinh, hầu hết mọi người mặc một bộ quần áo truyền thống được gọi là một shamma. Đó là một mảnh vải trắng mỏng với những sọc màu sắc rực rỡ trên đầu. Các thánh lễ Giáng Sinh bắt đầu lúc 04 giờ sáng và thường kéo dài đến 3 giờ.
Thủ đô của Ethiopia là Addis Ababa. Đó là một thành phố hiện đại. Nhưng hầu hết những người sống bên ngoài các thành phố lớn vẫn còn phải sống trong những ngôi nhà tròn làm bằng bùn.
10. Bầu khí Giáng Sinh tại Mễ Tây Cơ
Công viên Fundidora thuộc thành phố Monterrey là nơi tổ chức lễ hội ánh sáng Luztopía hàng năm, bao gồm một cảnh Giáng Sinh rất ngoạn mục với 250 pho tượng được chiếu sáng bằng hơn 15,000 ngọn đèn .
Giữa cảnh Giáng Sinh hùng vĩ này là là cây Giáng Sinh cao 20m.
Công viên Fundidora, cũng là địa điểm của các kỳ quan khác như một lâu đài cao 16m và một ngôi làng mùa đông, nơi ông già Noel đang chờ nghe lời chúc Giáng sinh của trẻ con.
11. Bầu khí Giáng sinh tại Jordan
Jordan có một cộng đoàn Kitô Giáo bản địa. Theo số liệu thống kê chính thức, trong tổng số 8,117,500 dân, 92% theo Hồi giáo và phần còn lại 8% theo Kitô giáo. Có một số thị trấn ở phía bắc Jordan, nơi đa số dân theo Kitô giáo và cũng có các thị trấn và làng mạc nơi người Kitô Giáo có thể nngang ngửa với người Hồi Giáo.
Hiến pháp công nhận Hồi giáo là quốc giáo, nhưng Hiến pháp cũng quy định quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo. Khoan dung tôn giáo được khích lệ và ít có trường hợp người ta bị phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo của mình.
Tại Jordan Giáng sinh là một ngày quốc lễ chính thức. Dân chúng trang trí Giáng sinh và cây Giáng sinh có thể được nhìn thấy trong các cửa hàng và trung tâm mua bán.
Ngày Giáng sinh đối với người Jordan, bất kể niềm tin tôn giáo của họ, mang ý nghĩa hòa bình, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau.
12. Bầu khí Giáng sinh tại Phi Luật Tân
Người dân Phi Luật Tân muốn ăn mừng Giáng sinh càng lâu càng tốt! Bắt đầu vào tháng Chín các bài hát mừng Giáng sinh đã vang lên trong các cửa hàng!
Các tín hữu Công Giáo chính thức chuẩn bị cho lễ Giáng sinh vào ngày 16 tháng 12 khi đông đảo anh chị em tham dự các thánh lễ trước bình minh. Cao điểm của việc mừng lễ là Thánh Lễ Giáng Sinh và tiếp tục kéo dài sang tháng Giêng, kết thúc với Chúa Nhật Lễ Hiển Linh.
Tháng mười hai thực sự là một trong những tháng ‘mát’ nhất trong năm tại Phi Luật Tân. Phi Luật Tân chỉ có hai mùa là mùa mưa (từ tháng Sáu đến tháng Mười) và mùa nắng. Tháng mười hai là một trong những tháng giữa mùa mưa và mùa khô.
Trong những năm qua, Phi Luật Tân đã gánh chiụ nhiều trận bão tai hai và hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa, vì vậy rất nhiều người không thể ăn mừng Giáng sinh như trước đây.
13. Ngâm mình trong dòng nước băng giá để thanh tẩy đón mừng Chúa Giáng Sinh tại Nga
Tại Nga có một phong tục đặc biệt không nơi nào có. Mỗi năm, người ta ước tính có khoảng hai triệu người Nga đã ngâm mình trong làn nước giá lạnh trong dịp lễ Giáng Sinh, kéo dài cho đến lễ Hiển Linh, một ngày lễ lớn trong Chính thống giáo bao gồm cả lễ ba Vua và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Tại Mạc Tư Khoa, chính quyền thiết lập 60 hồ tắm chính thức cho các tín hữu. Nhiệt độ ở tại thủ đô Cộng Hoà Liên Bang Nga xuống đến -10 độ C. Nhưng như trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy đông đảo các tín hữu Chính Thống đang chờ đợi để đến phiên mình nhảy xuống hồ đóng băng.
Một linh mục Chính Thống Giáo sau khi làm phép đã nhảy xuống hồ lạnh giá để làm gương cho những người khác.
Các tín hữu sẽ lặn xuống tất cả ba lần. Mỗi lần lặn xuống họ sẽ lần lượt nói nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Ý nghĩa của cử chỉ này là để kính nhớ Chúa Giêsu chịu phép rửa và để thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi.
Người phụ nữ này vừa nổi lên từ hồ nước đóng băng tại Quảng trường Cách mạng, chỉ cách Điện Cẩm Linh có mấy bước. Chị nói: “Tôi cảm thấy thật kỳ diệu, phấn khởi trong lòng và thể xác trở nên mạnh mẽ.”
Việc nhảy xuống hồ là một nghi thức được cử hành rộng rãi trong thế giới Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, điều này được kể là một thử thách rất lớn tại Nga và Ukraine vì nhiệt độ thường xuống dưới không độ trong mùa này.