Chưa được phân loại

HƯỚNG VỀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

HƯỚNG VỀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU

“Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu,

…những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí…

 Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi”                   (Kn.2/5-8)

Vậy là một Mùa Xuân nữa lại về và ta lại “già” thêm tí nữa! Suy nghĩ như thế có phải là quá “bi quan” không? Mấy câu sách Khôn Ngoan trên đây sẽ giúp ta định hướng. Đúng là “Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu” xem như một nhận định khá bi quan, nhưng câu sau “những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí” giúp ta biết phải làm gì để tận dụng thời gian “còn lại” của mỗi chúng ta trước khi nhắm mắt lìa đời : Ta không được “bỏ phí” những đóa “hoa Xuân” mà Thiên Chúa ban tặng cho ta hằng năm, đặc biệt là trong năm Mậu Tuất 2018 này. Ta phải cố sao để cho “Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi”.

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về là người Việt chúng ta lại hay chúc nhau được tràn đầy “Phúc, Lộc, Thọ”. Đó cũng là những “đóa Hoa Xuân” mà Chúa muốn trao tặng cho từng người chúng ta, những người con yêu mà Chúa đã chấp nhận hi sinh đổ máu để cứu chuộc và còn ban muôn ân sủng để càng thêm xinh đẹp trước mặt Chúa. Vậy không gì bằng chúng ta hãy cùng nhau phân tích ý nghĩa của những đóa hoa này để có thể tận hưởng được hết hương vị của chúng mà không “bỏ phí” đi .

PHÚC   Đây là một từ có nội hàm vô cùng phong phú mà chúng ta khó có thể nói hết được, do đó, trong khuôn khổ bài này, có lẽ chúng ta chỉ xét về khía cạnh “lời chúc Tết” thôi. Vâng, trong những ngày Tết, theo quan niệm truyền thống dân gian, ai cũng mong được những sự tốt lành, những điều may mắn, để sự may mắn đó sẽ ảnh hưởng thuận lợi trên mọi “công ăn việc làm” của chúng ta trong cả năm; đó mới là “có phúc” ( “có phước”). Dĩ nhiên khi chúc nhau như vậy, thường người ta chỉ quan tâm đến công việc làm ăn trong cả năm, cầu sao cho mọi sự được thuận buồm xuôi gió, chẳng hạn như được “ buôn may bán đắt”. Nhưng đối với những người có tín ngưỡng, đặc biệt là những người công giáo thì cần phải nghĩ đến các “mối Phúc thật” , những mối phúc thiêng liêng, vĩnh cửu, giúp chúng ta chiếm hữu nước trời để sẽ hưởng một mùa Xuân Vĩnh cửu sau khi lìa thế. Nhưng mấy ai đã thực sự quan tâm đến những mối phúc này mà Đức Kitô đã phổ biến trên núi “Bát Phúc” (X.Mt.5/1-12) ? Vậy, chúng ta hãy cố sống sao cho hợp với tinh thần “Phúc thật” của Tin Mừng thì chắc chắn Năm Mới này sẽ đem đến cho chúng ta vô vàn ân sủng và chúng ta sẽ cảm nghiệm được là mình đang thật sự “hạnh phúc” .

LỘC  là “bổng lộc” , là ân sủng. Khi chúc nhau như vậy người ta liên tưởng đến những ân ban của Thượng Đế, “lộc Trời ban”. Đây cũng do ảnh hưởng thời phong kiến, ai cũng mong được bổng lộc của Triều đình, vua chúa ban cho. Người công giáo cũng có thể hiểu theo nghĩa này khi chúng ta hướng về Vua Giêsu mà tất cả chúng ta là thần dân, để khẩn xin Ngài ban cho chúng ta mọi ân sủng xác hồn trong Năm Mới, nhất là ơn sống xứng đáng là Kitô hữu, thần dân của Nước Trời mà Vua Giêsu đang ngự trị. Dĩ nhiên là ta cũng không quên những thực tế của cuộc sống trần gian, chúc nhau được phúc lành của Chúa trong mọi công việc, sinh sống suốt một năm mới bắt đầu ( chính vì thế mà phụng vụ đã dành ngày mồng ba Tết để cầu xin Chúa “thánh hóa công ăn việc làm” ).

THỌ  Ở vào cái tuổi đã trên mười năm hơn “Thất thập cổ lai hi”, có lẽ tôi dễ cảm nghiệm được ý nghĩa của câu chúc “Thọ” này. Hơn nữa, sách Châm ngôn có câu : “mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão.”(CN.20,29) và “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ” (CN.10,27a ), làm cho tôi thấy rõ là Thọ phải song hành với Đức, vì Châm Ngôn khẳng định là “tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi”(27b). Do đó, khi chúc Thọ cho nhau thì cũng là chúc nhau sống đức hạnh theo tinh thần “Thêm tuổi thêm thánh” của Chúa Giêsu trong nhà Thánh Gia Nagiaret (X.Lc.2,40). Hơn nữa, đối với người có đức Tin, chữ Thọ này còn phải hiểu là “trường thọ”, một cuộc sống không bao giờ chấm dứt, chết về thể xác chỉ là một sự chuyển tiếp để đưa ta vào cõi sống vĩnh hằng, để tận hưởng một mùa Xuân bất diệt, Mùa Xuân Vĩnh cửu .

Qua những nhận định trên đây, ta thấy rõ hơn những gì ta phải cầu chúc cho nhau trong những ngày đầu Xuân. Nhưng quan trọng hơn và thiết thực hơn, đó là mỗi người chúng ta phải cố sao biến những lời chúc ấy thành hiện thực trong đời sống thường ngày của chúng ta trong suốt năm con Chó này và mãi mãi cho đến ngày Chúa gọi, vì đặc tính của Chó là “trung tín” mà ! Chỉ khi nào chúng ta sống đích thật lời chúc “Phúc,Lộc,Thọ” đúng theo tinh thần hướng thượng của Phúc Âm đã nói trên, tức không “bỏ phí” những “Đóa Hoa Xuân” Chúa ban tặng, thì chúng ta mới hi vọng có được một Mùa Xuân Vĩnh Cửu .

Lạy Chúa, xin Chúa thương thực hiện lời chúng con cầu chúc cho nhau trong những ngày Xuân mới, mà tuôn đổ trên chúng con muôn phúc lộc đầy tràn.” (Trích”Lời nguyện Hiệp lễ” trong Thánh Lễ Tân Niên).

                                                                                                     Thiên Vinh,CSF

Bài viết liên quan