Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/01/2019: 2019 – một năm bận rộn của Đức Thánh Cha Phanxicô

1. Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa ra tối hậu thư cho tòa Constantinople

Trong một lá thư với những lời lẽ hết sức nặng nề, Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra tối hậu thư cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô phải ngưng ngay tiến trình ban cấp Tomos (hay quyền tự trị) cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Theo dự trù, Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi sẽ được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos vào tháng Giêng này.

Trong tối hậu thư Đức Thượng Phụ Kirill của Nga đe dọa sẽ bác bỏ tư cách Thượng Phụ Đại Kết của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nếu tòa Constantinope tiến hành việc ban cấp Tomos.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 28 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây.

2. Diễn biến lịch sử: Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô ban cấp Tomos cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Quốc Hội Andriy Parubiy đã đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự nghi thức ký kết và ban cấp quyền tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng Giêng.

Thông cáo báo chí của quốc hội Ukraine cho biết:

“Vào ngày 5 tháng Giêng, các thành viên của phái đoàn chính phủ Ukraine sẽ tham dự lễ ký kết Tomos do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô chủ sự và nghi thức cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa Thánh George của Tòa Thượng Phụ Constantinope. Sau khi kết thúc các thủ tục ký kết Tomos, sẽ có diễn từ của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine, và Tổng thống Petro Poroshenko.”

Nghi lễ ký kết Tomos được truyền hình trực tiếp từ Istanbul về Ukraine vào lúc 10g30 sáng theo giờ địa phương Kiev.

Cũng trong ngày 5 tháng Giêng, Chủ tịch Quốc hội Parubiy, và Tổng thống Poroshenko sẽ có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan. Hai vị được tường thuật là sẽ nhân dịp này cám ơn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không chiều theo các yêu cầu của Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhằm cản trở việc ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Thông cáo báo chí của quốc hội Ukraine cho biết tiếp như sau:

“Vào ngày 6 tháng Giêng, Tổng thống Petro Poroshenko, Chủ tịch Quốc Hội Andriy Parubiy và các thành viên của phái đoàn sẽ tham gia vào nghi thức trao Tomos trong Phụng vụ Thánh do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Epiphaniy. Phái đoàn Ukraine cũng sẽ tham dự nghi thức làm phép nước tại vịnh Golden Horn.”

Sau nghi thức này, Chính Thống Giáo Ukraine tân lập trở thành một Giáo Hội độc lập và ngang hàng với 14 Giáo Hội Chính Thống Giáo trên thế giới.

Toàn bộ các nghi thức lịch sử trong ngày 6 tháng Giêng được truyền hình trực tiếp về Kiev lúc 8:30 sáng.

Trong nghi thức làm phép nước tại vịnh Golden Horn, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ ném một thánh giá xuống vịnh và các tay bơi sẽ đua nhau giành lấy thánh giá.

Sau nghi thức này các thành viên trong phái đoàn đến viếng thăm lăng mộ của ông Volodymyr Vasilievich Mursky. Ông sinh ngày 10 tháng 11, 1888 và qua đời ngày 19 tháng 7 năm 1935 tại Istanbul. Mursky là một ký giả, một nhà văn và là một chính trị gia cổ súy độc lập cho Ukraine và chiến đấu chống ách xâm lược Liên Sô.

Ông qua đời tại Istanbul trong khi giữ vai trò đại diện cho chính phủ lưu vong Ukraine.

Mursky là người Công Giáo nên được chôn cất tại nghĩa trang Công Giáo của tổng giáo phận Istanbul.

3. Đức Giám Mục Hương Cảng đột ngột qua đời

Đức Cha Micae Dương Minh Chương (楊鳴章, Yeung Ming- cheung) đã qua đời hôm thứ Năm 3 tháng Giêng, sau khi lãnh đạo giáo phận chỉ được mới 17 tháng.

Vị giám mục 73 tuổi đã qua đời tại bệnh viện Hương Cảng Canossa sau khi gan của ngài có biến chứng do bị xơ gan. Tang lễ của ngài sẽ được cử hành vào ngày 11 tháng Giêng.

Các báo cáo cho biết Đức Cha Chương đã có một số vấn đề sức khỏe trong nhiều năm qua nhưng ngài kiểm tra sức khỏe thường xuyên và các vấn đề xem ra đã được kiểm soát.

Tối ngày thứ Tư 2 tháng Giêng, một số phương tiện truyền thông Hương Cảng nói Đức Cha Chương đã qua đời. Tuy nhiên, giáo phận Hương Cảng dựa trên các chẩn đoán của bệnh viện đã bác bỏ các nguồn tin này và cho biết tình trạng của ngài được mô tả là ổn định. Một số các linh mục và anh chị em giáo dân đã tuôn đến bệnh viện để thăm hỏi và cầu nguyện cho ngài.

Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành (夏志誠, Ha Chi-shing) là Giám Mục Phụ Tá Hương Cảng cho biết ngài cảm thấy đau buồn vì Đức Cha Chương đã qua đời vào lúc 1g30 chiều thứ Năm chỉ vài giờ sau khi bệnh viện nói tình trạng của ngài đã ổn định.

Tuần trước, Đức Cha Chương vẫn còn khỏe mạnh để thi hành một chương trình phụng vụ dày đặc cho lễ Giáng Sinh. Ngài đã cử hành thánh lễ đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và trước đó vào ngày 19 tháng 12, ngài đã đưa ra một thông điệp video nhân dịp lễ Giáng sinh 2018.

Đức Cha Micae Dương Minh Chương sinh tại Thượng Hải vào ngày 1 tháng 12 năm 1945. Ngài được thụ phong linh mục tại Hương Cảng vào ngày 10 tháng 6 năm 1978. Cùng năm đó, ngài nhận được bằng Cử nhân Thần học tại Đại học Giáo hoàng Urbanô ở Rôma, Ý.

Từ tháng 8 năm 2003, ngài là người đứng đầu Caritas Hương Cảng và từ năm 2009 là cha Tổng đại diện.

Ngài tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ về truyền thông từ Đại học Syracuse và bằng thạc sĩ giáo dục tại Đại học Harvard ở Hoa Kỳ.

Ngài cũng nhận được bằng tiến sĩ danh dự về Khoa học xã hội từ Đại học Mở Hương Cảng và một bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Công Giáo Úc.

Ngài là một linh mục của Dòng Malta Hương Cảng và là giảng viên Đại học Thần học và Triết học Thánh Linh của Hương Cảng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá của Hương Cảng vào ngày 11 tháng 7 năm 2014 và nghi lễ tấn phong Giám Mục đã diễn ra vào ngày 30 tháng 8 năm đó.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Phó vào ngày 13 tháng 11 năm 2016 và sau đó kế vị Đức Hồng Y Gioan Thang Hán cai quản giáo phận Hương Cảng vào ngày 1 tháng 8 năm 2017.

4. Bức thư của Bộ Giám Mục ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của các Giám Mục Hoa Kỳ bị rò rỉ ra ngoài

Hôm mùng một tháng Giêng, thông tấn xã AP đã công bố bức thư của Bộ Giám Mục ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của các Giám Mục Hoa Kỳ về các chính sách liên quan đến việc cải tổ các chính sách đối phó với tai ương lạm dụng tính dục.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã nhóm phiên khoáng đại mùa thu 2018 tại Baltimore từ ngày 12 đến 14 tháng 11.

Theo dự trù, cuộc họp khoáng đại mùa thu của các Giám Mục Hoa Kỳ bắt đầu với một diễn từ của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ tịch USCCB. Sau đó là diễn từ của Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre.

Sau khi nghe hai diễn từ này, các giám mục tĩnh tâm tại nhà nguyện ngay trong khuôn viên của địa điểm này trong suốt một ngày để suy tư và cầu nguyện. Ngày tĩnh tâm sẽ được kết thúc bằng một Thánh lễ vào tối thứ Hai 12/11.

Ngày thứ Ba, các giám mục thảo luận và bỏ phiếu về một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm hai mục quan trọng là tiêu chuẩn trách nhiệm của các giám mục đối với các vụ lạm dụng tính dục xảy ra trong giáo phận của các ngài, và việc hình thành một ủy ban đặc biệt do giáo dân điều hành để nhận khiếu nại chống lại các giám mục.

Tuy nhiên, vào “giờ thứ 11”, Tòa Thánh đã yêu cầu các Giám Mục Hoa Kỳ không bỏ phiếu về hai mục quan trọng này.

Trong lá thư, bị rò rỉ ra ngoài, đề ngày 11 tháng 11, Đức Hồng Y Marc Ouellet – Tổng trưởng Bộ Giám Mục – đã yêu cầu Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, chủ tịch USCCB, hoãn việc bỏ phiếu về các cải cách được đề xuất, và giải thích rằng Vatican đã không được dành thời gian thích hợp để đánh giá các đề xuất này.

Bức thư bị rò rỉ mâu thuẫn với tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, theo đó ngài chỉ biết quyết định của Vatican vào ngày hôm trước. Đức Hồng Y Ouellet chỉ ra rằng ngài đã đưa ra lời khuyên đó vài ngày trước, cụ thể là vào ngày 6 tháng 11.

Đức Hồng Y Ouellet nói: “Sẽ có ích hơn nếu có thời gian tham khảo ý kiến” trước khi các giám mục Hoa Kỳ bỏ phiếu về các kế hoạch này.

Sự can thiệp của Vatican, ngăn chặn hành động được nhiều người trông đợi của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ, đã gây ra các phản ứng giận dữ từ người Công Giáo Mỹ. Bức thư của Đức Hồng Y Ouellet, đưa ra một lý do cho sự can thiệp đó, đã nhấn mạnh sự khác biệt về quan điểm giữa các Giám Mục Hoa Kỳ và các viên chức tại Rôma.

Đức Hồng Y DiNardo nói với hãng tin AP rằng Vatican đã được thông báo về kế hoạch của các Giám Mục Mỹ vài tuần trước cuộc họp tháng 11. Ngài nói rằng ngài không thấy cần thiết phải chia sẻ chi tiết chính xác của kế hoạch vì cuối cùng Tòa Thánh vẫn giữ quyền phê chuẩn hay phủ quyết.

5. Các Giám Mục Hoa Kỳ bắt đầu tuần tĩnh tâm tại Chicago

Các Giám Mục trên toàn cõi Hoa Kỳ đã bắt đầu năm mới 2019 với một tuần tĩnh tâm tại chủng viện Mundelein ở Chicago từ ngày 2 đến ngày 8 tháng Giêng. Vị giảng thuyết trong dịp này là cha Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng.

Chủ đề của tuần tĩnh tâm này là “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:14).

Tuần tĩnh tâm này là sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các Giám Mục Hoa Kỳ tạm dừng mọi việc để cầu nguyện trong khi Giáo Hội tìm cách đáp lại các dấu chỉ của thời đại.

Theo chương trình, tuần tĩnh tâm sẽ nhấn mạnh đến việc suy tư trong yên lặng, bao gồm cả việc yên lặng trong khi dùng bữa và thời gian cầu nguyện lặng lẽ trước Thánh Thể của cá nhân và các nhóm. Bên cạnh đó, còn có các thánh lễ, chầu Thánh Thể và xưng tội. Các Giám Mục được yêu cầu tắt hết điện thoại và không đảm nhận bất cứ công việc nào khác thuộc trách nhiệm của các ngài trong suốt thời gian tĩnh tâm.

Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm 2019.

Đức Hồng Y DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi vị giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng đến trong dịp này; và cảm ơn đặc biệt Đức Hồng Y Blase Cupich đã đăng cai tuần tĩnh tâm tại Tổng Giáo Phận Chicago. Ngài yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho đất nước Hoa Kỳ trong năm mới 2019 và cho các Giám Mục trong suốt thời gian tĩnh tâm.

Ngài nói:

“Tôi biết ơn Đức Thánh Cha đã kêu gọi các giám mục và chính tôi lui vào nơi thanh vắng và bước vào thời điểm lắng nghe tiếng Chúa này để chuẩn bị đáp lại các vấn đề căng thẳng đang đặt ra trước chúng ta trong những tuần lễ và những tháng sắp tới. Tôi cũng khiêm tốn yêu cầu anh chị em giáo dân, các linh mục và tu sĩ của chúng ta cầu nguyện cho các giám mục anh em tôi và chính tôi khi chúng ta cùng nhau hiệp nhất trong việc tìm kiếm sự khôn ngoan và sự hướng dẫn từ Chúa Thánh Thần. Xin cũng cầu nguyện cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục để những đau khổ của họ có thể tăng cường sức mạnh cho tất cả chúng ta trước nghĩa vụ khó khăn là làm sao nhổ tận gốc tội lỗi kinh hoàng này khỏi Giáo Hội và xã hội chúng ta.”

Từ ngày 21 đến 24 tháng 2 năm 2019, Đức Hồng Y DiNardo sẽ tham gia cùng các vị chủ tịch các hội đồng giám mục trên thế giới trong một phiên họp khoáng đại tại Vatican về các biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em và đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Sáng kiến này đã được Đức Thánh Cha công bố vào tháng 9 năm ngoái khi ngài kêu gọi tất cả các vị chủ tịch của các hội đồng giám mục, những vị đứng đầu các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và đại diện các dòng tu về Vatican họp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Cha Cantalamessa được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo hoàng vào năm 1980. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và Đức Thánh Cha Phanxicô lưu nhiệm ngài ở vị trí này trong triều Giáo Hoàng của các ngài.

Chủng viện Mundelein, nằm trong khuôn viên của Đại Học St. Mary of the Lake. Chủng viện này là đại chủng viện và trường thần học đào tạo các linh mục cho Tổng giáo phận Chicago. Đây là chủng viện Công Giáo lớn nhất tại Hoa Kỳ và hiện có 200 chủng sinh từ 34 giáo phận trên cả nước. Một số chủng sinh từ các quốc gia khác cũng đang theo học tại đây.

6. Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho các Giám Mục Hoa Kỳ

Các Giám Mục trên toàn cõi Hoa Kỳ đã bắt đầu năm mới 2019 với một tuần tĩnh tâm tại chủng viện Mundelein ở Chicago từ ngày 2 đến ngày 8 tháng Giêng. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi cho các Giám Mục Hoa Kỳ một bức thư trong đó ngài thúc giục một tinh thần “hoán cải” và “hiệp thông huynh đệ”, hơn là dựa thuần tuý vào các giải pháp hành chính đơn thuần.

Bức thư của Đức Thánh Cha dài 8 trang, tuy nhiên ngài khiêm tốn bắt đầu lá thư với những lời sau: “Với một vài dòng, tôi muốn gần gũi chư huynh đệ như một người anh em”.

Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn khích lệ các Giám Mục gia tăng lời cầu nguyện, tập chú và sáng suốt trong những bước các ngài thực hiện để chống lại thứ “văn hóa lạm dụng” và đối phó với cuộc khủng hoảng về uy tín.

Hãy tập chú và sáng suốt

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “vào thời điểm bối rối và bất định này”, chúng ta cần phải tập chú và sáng suốt, để giải phóng con tim chúng ta khỏi những thỏa hiệp và những giả định sai lầm, để lắng nghe những gì Chúa yêu cầu chúng ta trong sứ mệnh mà Ngài đã trao cho chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo rằng dù nhiều hành động có thể là “hữu ích, tốt và cần thiết”, chúng có thể không có “hương vị” của Tin Mừng. “Nói một cách đơn sơ là chúng ta phải cẩn thận để phương dược chữa trị không trở nên tồi tệ hơn căn bệnh”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng uy tín của Giáo Hội đã bị sút giảm nghiêm trọng bởi “sự lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục”, nhưng uy tín của Giáo Hội còn xuống thấp hơn nữa bởi những nỗ lực che giấu và phủ nhận những lạm dụng này. Nỗ lực che đậy những tội lỗi và tội ác như thế, đã cho phép chúng tiếp tục xảy ra và gây hại lớn hơn.

Một cách tiếp cận mới

Theo Đức Thánh Cha, “cuộc chiến chống văn hóa lạm dụng, chống lại sự sa sút uy tín, những hoang mang và lầm lạc từ những điều này cùng với sự thiếu thuyết phục trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội khẩn thiết đòi hỏi nơi chúng ta một giải pháp mới và quyết liệt,” không chỉ đơn thuần là đưa ra “các sắc lệnh cứng rắn”, hay “tạo ra các ủy ban mới hoặc cải tiến các quy trình”. Nói cách khác, “giai đoạn mới này của Giáo Hội cần đến các Giám Mục là những người có khả năng dạy bảo những người khác làm thế nào phân định sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử dân Người chứ không chỉ đơn thuần là các nhà quản trị.” Đức Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng, nhiệm vụ chính của chúng ta là nuôi dưỡng tinh thần phân định chia sẻ với nhau. Điều này, theo Đức Thánh Cha, “sẽ cho phép chúng ta đắm sâu trong thực tế, tìm cách đánh giá và lắng nghe thực tế từ nội tại của nó, mà không sa lầy trong nó”.

Sự đổi mới mà Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi liên quan đến “một nhận thức đồng đoàn rằng chúng ta là những người tội lỗi cần phải liên tục hoán cải,” điều này “sẽ cho phép chúng ta tham gia vào sự hiệp thông thân ái với người dân của mình.” Phương thức này đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt từ bỏ tật chê bai, làm mất uy tín, đổ thừa hoặc la mắng trong các mối quan hệ của chúng ta, để có thể nhường chỗ cho làn gió nhẹ mà chỉ Tin Mừng mới có thể mang lại.

Uy tín và lòng tin cậy

Đức Thánh Cha khẳng định rằng uy tín “được phát sinh từ lòng tin cậy, và lòng tin cậy được sinh ra từ sự phục vụ chân thành, khiêm tốn và quảng đại cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt cho những người thân yêu nhất với trái tim Chúa”.

“Nhiệm vụ này cao cả biết bao. Chúng ta không thể giữ im lặng hoặc xem thường nó vì những hạn chế và lỗi lầm của chúng ta.” Trích lời Mẹ Têrêxa thành Calcutta, Đức Thánh Cha kết luận rằng “Vâng, tôi có nhiều lỗi lầm và thất bại của nhân loại thường tình, nhưng Chúa cúi xuống và sử dụng chúng ta, các chư huynh đệ và tôi, để trở nên tình yêu và lòng thương xót của Ngài cho thế giới; Ngài gánh lấy những tội lỗi, những vấn nạn và lỗi lầm của chúng ta.”

7. Thư của các Giám Mục Hoa Kỳ gởi Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), đã gửi một lá thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô thay mặt cho các giám mục Hoa Kỳ tham dự tuần tĩnh tâm kéo dài từ 2 đến 8 tháng Giêng tại chủng viện Mundelein ở Chicago.

Toàn văn lá thư như sau:

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Khi các giám mục Hoa Kỳ tập hợp ngày hôm nay trong lời cầu nguyện, chúng con khiêm tốn cầu xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng con để chúng con có thể xích lại gần nhau và gần với Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Trong sự gần gũi này, chúng con cố gắng tìm ra sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để đáp ứng những thách thức to lớn phía trước. Chúng con mang theo bên mình trong những ngày này nỗi đau và hy vọng của tất cả những ai có thể đã cảm thấy thất vọng trước Giáo Hội. Tuy nhiên, chúng con cảm thấy biết ơn vì lời nhắc nhở rằng tương lai không hệ tại bởi bất kỳ một cá nhân đơn lẻ nào trong chúng con, mà thuộc về Chúa. Hy vọng sẽ được tìm thấy nơi Chúa Kitô. Trong Ngài, hy vọng trở nên không thể lay chuyển được.

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Chúng con cũng đến gần Đức Thánh Cha hơn trong lời cầu nguyện và sứ vụ. Chứng tá của ngài đối với những người đau khổ trên khắp thế giới củng cố chúng con. Cầu xin cho những ngày chúng con ở bên nhau phản ảnh sự hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ.

+ Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo

Chủ tịch USCCB

8. Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý đào tẩu

Cơ quan tình báo Nam Hàn tường trình trước Quốc Hội nước này rằng đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý đã biến mất. Nhà ngoại giao hàng đầu của Bình Nhưỡng ở Ý đã xin tị nạn tại một quốc gia phương Tây không được nêu tên.

Quan chức Triều Tiên đào tẩu đã được xác định là Đại sứ Jo Song-gil. Ông là đại sứ lâm thời của Bắc Triều Tiên tại Rôma và là con trai và con rể của hai quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên.

Cơ quan tình báo Nam Hàn tường trình trước các nhà lập pháp ở Hán Thành hôm thứ Năm 3 tháng Giêng rằng Jo đã đào tẩu trốn cùng với vợ vào tháng 11 trước khi nhiệm kỳ của ông ở Ý kết thúc.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ý cho biết không nhận được đơn xin tị nạn của Jo Song-gil. Có lẽ ông đã trốn sang một quốc gia thứ ba cho chắc ăn.

Nhà ngoại giao cao cấp cuối cùng đã đào tẩu là phó đại sứ tại London, ông Thae Yong-ho. Thae đã đào tẩu vào năm 2016, cùng với vợ và các con. Ông hiện cư trú tại Nam Hàn.

Thae cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Hàn Quốc hôm thứ Năm rằng Đại sứ quán Ý rất quan trọng đối với Triều Tiên vì họ giữ nhiệm vụ đàm phán với Chương trình Lương thực Thế giới về các khoản viện trợ lương thực cho Triều Tiên và là trung tâm buôn lậu các mặt hàng xa xỉ cho giới cầm quyền Bắc Triều Tiên.

Thae là người đã tố cáo một mưu toan thất bại của Bắc Hàn làm một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng để lùa gạt Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan giả dạng làm người Công Giáo.

9. Đức Hồng Y Pietro Parolin nói: Giáo Hội đã có những bước tiến rất lớn trong cuộc chiến chống lạm dụng tính dục

Giáo Hội phải thực hiện “mọi thứ có thể, và thậm chí cả những điều xem ra là không thể”, để chống lại tai ương lạm dụng tính dục. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình Ý TV2000 hôm mùng 3 tháng Giêng.

Đồng thời, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng lên tiếng bảo vệ những phản ứng của Giáo Hội cho đến nay.

“Chúng ta phải công nhận rằng Giáo Hội đã đạt được những tiến bộ to lớn. Ngay tại thời điểm này, Giáo Hội đã phát triển một nhận thức tiến bộ về vấn đề này, cũng như về sự tàn phá mà những hành vi này tạo ra nơi các nạn nhân, và Giáo Hội đã cố gắng phản ứng chống lại.”

Ngài nhấn mạnh rằng “Chắc chắn, chúng ta là con người và chúng ta không phải lúc nào cũng đạt được kết quả thập toàn thập mỹ, nhưng tôi tin rằng có một sự cam kết với quyết tâm trong vấn đề này.”

Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ 21 đến 24 tháng 2 sắp tới về cuộc khủng hoảng lạm dụng, quy tụ các chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới, Đức Hồng Y Parolin đã mô tả hội nghị như một dấu chỉ khác theo chiều hướng này.

“Theo tôi, hội nghị là một sự xác nhận cam kết ủng hộ các nạn nhân và lắng nghe để tránh mọi kiểu che đậy và tạo ra một môi trường an toàn. Chủ đề của cuộc họp, trên hết, sẽ là bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương.”

Đức Hồng Y Parolin thừa nhận rằng các tai tiếng lạm dụng tính dục đã làm tổn hại đến thẩm quyền luân lý của Giáo Hội.

“Chắc chắn, nó đã làm suy yếu uy tín của Giáo Hội.” Đức Hồng Y bày tỏ thất vọng rằng uy tín của Giáo Hội như một thể chế bị phương hại nghiêm trọng, nhưng ngài còn âu lo hơn vì những tai tiếng này cản trở việc loan báo Tin Mừng.

“Chúng ta phải phục hồi uy tín và thẩm quyền của Giáo Hội. Giáo Hội đã thực hiện các bước đáng kể, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm để các tín hữu và những ai đã chịu phép Rửa Tội có thể tìm thấy một lần nữa nơi Giáo Hội sức sống và chứng tá.”

10. Chương trình dầy đặc của Đức Thánh Cha Phanxicô trong năm 2019

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bận rộn với những chuyến tông du và các hội nghị trong năm 2019 như các chuyến tông du đến Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Panama, Marốc, Bulgaria và Macedonia, cùng với các cuộc họp thượng đỉnh của Tòa thánh trước vấn nạn lạm dụng tình dục, Thượng hội đồng vùng Amazon và các cuộc họp cải tổ Giáo triều Roma.

Gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Hôm thứ Hai 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ thường niên với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong dịp này, ngài đã đọc một thông điệp quan trọng. Các thông điệp của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn luôn được chú ý rộng rãi vì nó phản ảnh nhận định của Tòa Thánh đối với tình hình thế giới hiện nay. Chẳng hạn như thông điệp năm ngoái 2018, năm thế giới kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền, Đức Thánh Cha đã dùng dịp này để nhắc nhở toàn thế giới về tình trạng vi phạm quyền con người trong thiên niên kỷ thứ ba này, đặc biệt là quyền sống.

Đại Hội Giới Trẻ ở Panama

Từ ngày 23 đến 28 tháng Giêng Đức Thánh Cha sẽ đi Panama tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34. Trong một sứ điệp video ngắn được công bố hồi tháng 11 năm ngoái, Đức Thánh Cha đã mời gọi những người trẻ hãy rời bỏ nơi chốn an vị mà cùng với các bạn trẻ khác khắp nơi trên thế giới nhóm lên những ước mơ, lý tưởng với lòng can đảm.

Tại Panama, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tuổi không thể tham dự các lễ hội: một số người sống trong tù và một số người bị nhiễm HIV.

Ngài cũng sẽ cung hiến bàn thờ của một ngôi thánh đường 400 năm tuổi mới được trùng tu tại Panama, gặp gỡ các giám mục từ Trung Mỹ và ăn trưa với một số thanh niên tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Panama từ 23-28 tháng Giêng sẽ là chuyến tông du thứ 26 của ngài bên ngoài nước Ý. Trong chuyến thăm này, ngài sẽ đọc 7 diễn từ, và 4 bài giảng trong các Thánh Lễ và trong một buổi phụng vụ sám hối.

Tông du Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất

Tháng Hai sẽ là tháng đặc biệt bận rộn của Đức Thánh Cha. Từ ngày 3 đến 5 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Chủ đề trọng tâm của chuyến tông du này xoay quanh các cuộc đối thoại liên tôn và sự đoàn kết giữa các thành viên của các tín ngưỡng khác nhau. Các nhà lãnh đạo của Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã tuyên bố năm 2019 là một Năm của sự khoan dung, với mục tiêu thúc đẩy một nền văn hóa bình đẳng tôn giáo.

Hội đồng Hồng Y và Cải cách Giáo triều

Từ ngày 18 đến 20 tháng 2, cuộc họp lần thứ 28 của Hội đồng Hồng Y sẽ diễn ra tại Vatican. Trọng tâm là việc tu chính Tông Hiến Pastor Bonus về hoạt động của Giáo triều Rôma. Một bản thảo Tông Hiến mới với tiêu đề “Praedicate evangelium” (Rao giảng Tin Mừng) đã được đệ trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 12 năm ngoái. Tiêu đề này phản ảnh những nỗ lực giúp cho các cơ quan trong giáo triều Rôma nhạy bén hơn trước những nhu cầu của một Giáo Hội truyền giáo.

Cuộc họp tháng Hai bàn về chống lạm dụng

Có lẽ sự kiện mà Đức Thánh Cha đang chờ đợi nhất trong năm 2019 sẽ diễn ra tại Vatican vào các ngày từ 21 đến 24 tháng Hai khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp tất cả các vị Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục để thảo luận về các phương thế ngăn chặn lạm dụng trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

Đây là cuộc họp quan trọng trong cuộc chiến chống lại tai ương lạm dụng tình dục, cũng như lạm dụng quyền lực và lương tâm, do một số thành viên của Giáo Hội gây ra. Trong buổi tiếp kiến dành cho giáo triều Rôma nhân dịp Giáng Sinh vừa qua, Đức Thánh Cha cho biết không có lý do gì mà Giáo Hội lại không hành xử theo con đường của chân lý và công lý.

Tông du Bảo Gia Lợi và Macedonia

Sau ít ngày nghỉ ngơi, vào cuối tháng Tư, Đức Thánh Cha lại lên đường qua Biển Adriatic để thăm viếng Bảo Gia Lợi, hay còn gọi là Bulgaria, và vào những ngày đầu tháng Năm, ngài sẽ thăm Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ.

Tại Bảo Gia Lợi, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm các thành phố Sofia và Rakovski. Sau đó, ngài đến thành phố Skopje của Macedonia, nơi Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người sáng lập Dòng Bác ái Truyền giáo, được sinh ra. Người Công Giáo ở hai quốc gia Balkan này chỉ là một thiểu số rất nhỏ so với đại đa số dân chúng theo Chính thống giáo, vì vậy việc thúc đẩy đại kết là một trong những điểm nhắm đến của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha ao ước tới thăm Nhật Bản

Mặc dù chưa có một công bố chính thức nào nhưng Đức Thánh Cha đã công khai nói với một nhóm hành hương Nhật Bản đến Vatican rằng ngài hy vọng sẽ đến Nhật Bản vào năm 2019.

Hôm thứ Tư 12 tháng 9, 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các đại biểu của Hiệp hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai trước buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần, và bày tỏ mong muốn được đến thăm Nhật Bản vào năm tới.

Hiệp hội Nhật Bản này được biết đến qua các dự án đề cao văn hóa và tình đoàn kết. Đức Thánh Cha đã gặp nhóm này trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục, và nhắc nhở họ về một hành trình dài nữa mà những người Nhật đã thực hiện để gặp được một vị Giáo Hoàng.

Ngài nhắc nhớ chuyến viếng thăm cách đây hơn 400 năm, vào năm 1585, khi bốn thanh niên Nhật Bản đến Rôma, cùng với một số nhà truyền giáo Dòng Tên, và được triều yết Đức Giáo Hoàng Gregôriô XIII.

Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng đó là lần đầu tiên một nhóm đại diện từ Nhật Bản đến châu Âu và ngài mô tả đây là một cuộc họp lịch sử giữa hai nền văn hóa và truyền thống tâm linh lớn đáng được ghi nhớ.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến người lãnh đạo của nhóm bốn thanh niên đến thăm Tòa Thánh vào năm 1585, là anh Mancio Ito, người sau đó đã trở thành một linh mục, và anh Julian Nakaura, giống như nhiều người khác, đã bị hành quyết trên ngọn đồi nổi tiếng của các vị tử đạo Nagasaki và đã được tuyên phong Chân Phước.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ghi nhận những nỗ lực của Hiệp hội “để thành lập quỹ đào tạo thanh thiếu niên và trẻ mồ côi, nhờ sự đóng góp của các công ty nhạy cảm với vấn đề của họ”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng, mong muốn của họ cho thấy tôn giáo, văn hóa và nền kinh tế có thể làm việc cùng nhau một cách hòa bình để tạo ra một thế giới nhân đạo hơn được đánh dấu bởi một hệ sinh thái tích hợp, hoàn toàn phù hợp với những gì chính Đức Thánh Cha vẫn hằng mong muốn.

Trong khi chào hỏi những người hiện diện, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ hy vọng sẽ được thăm Nhật Bản vào năm 2019 và mong rằng sau cuộc gặp gỡ, các thành viên trong nhóm được khích lệ trở lại đất nước mình trong tư cách là các đại sứ thiện chí của tình hữu nghị và là những người đề cao các giá trị nhân bản và Kitô.

Thượng Hội Đồng Giám mục vùng Amazon

Vào tháng 10, Thượng hội đồng Giám mục vùng Amazon sẽ được nhóm họp để thảo luận về các vấn đề của vùng lưu vực sông Amazon. Đức Thánh Cha đã đề ra các chủ đề về Amazonia như là những con đường mới cho Giáo hội và một hệ sinh thái thích hợp cho toàn cầu. Nhiều chủ đề khác không bị giới hạn vào các lãnh vực sinh thái sẽ trở thành những tâm điểm cho 7 Hội Đồng Giám mục và 9 quốc gia trong vùng Amazon tham dự Thượng Hội Đồng này.

Vietcatholic Network

Bài viết liên quan