WGPSG / Aleteia — Các cơ quan nhân đạo đang tìm kiếm viện trợ nước ngoài để giúp ngăn chặn nạn đói
Sự gián đoạn lớn trong hoạt động kinh tế do đại dịch covid-19 đang dẫn đến nguy cơ gây ra nạn đói cho hàng triệu người trên thế giới.
Ở một số quốc gia, tình trạng dân sự bất ổn và các hiện tượng thiên nhiên đang làm ảnh hưởng đến khả năng trồng trọt và thu hoạch thực phẩm của người dân. Đại dịch và sự phong tỏa cần thiết để kềm chế nó đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Sean Callahan – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, là cơ quan viện trợ và phát triển nước ngoài được các giám mục Hoa Kỳ bảo trợ – nói:
“Đại dịch là khủng hoảng hàng đầu ở một số vùng tại Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe chỉ là một phần của đại dịch corona. Tình trạng phong tỏa gây ra nhiều vấn đề khác như cản trở việc trồng trọt và thu hoạch mùa màng, cản trở công việc của những người làm công nhật và bán sản phẩm. Điều đó có nghĩa là những người đói khổ sẽ không có đủ thu nhập để mua thức ăn, đang khi thực phẩm có sẵn thì ít và giá bán lại cao hơn.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến vấn đề này trong Thánh lễ sáng thứ Năm 21-4 vừa qua:
“Ở nhiều nơi, một trong những hậu quả của đại dịch này là nhiều gia đình phải túng thiếu và họ đang đói. Nhiều gia đình không làm việc được và không có thức ăn để đặt trên bàn cho con cái”.
Arif Husain – chuyên viên kinh tế của Chương trình Lương thực Thế giới, một cơ quan của Liên Hợp Quốc – nói với tờ New York Times: Hơn cả 135 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cấp thời, còn có 130 triệu người khác có thể bị đói trong suốt năm 2020. Điều đó có nghĩa là, ước tính 265 triệu người có thể bị đẩy đến bờ vực chết đói vào cuối năm nay.
Tờ báo Times giải thích: “Các chuyên gia cho rằng nạn đói này sẽ diễn ra toàn cầu bởi vô số yếu tố liên quan đến đại dịch covid-19 và sự gián đoạn trật tự kinh tế sau đó: sự mất thu nhập đột ngột của hàng triệu người sống trong cảnh ‘giật gấu vá vai’; sự sụt giảm giá dầu; tình trạng thiếu hụt tiền tệ ở nhiều nơi do ngành du lịch bị điêu đứng; người lao động nước ngoài không có thu nhập để gửi về nhà; và các vấn đề đang diễn ra như biến đổi khí hậu, bạo lực, sự dịch chuyển dân số và thảm họa nhân đạo,”
Cái nhìn tổng quan về tình hình dưới đây cho thấy một số chiều hướng đáng lo ngại:
Đông Phi: CRS báo cáo rằng các bầy châu chấu sa mạc đã bùng phát do mưa lớn và lốc xoáy có khả năng liên quan đến sự biến đổi khí hậu. Thiệt hại về cây trồng đã lan rộng và số lượng châu chấu có thể tăng ít nhất gấp 20 lần vào tháng Sáu và lan sang nhiều quốc gia. Có tới 35 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong khu vực. Các vấn đề này diễn ra cùng với hậu quả của đại dịch virus corona. Việc hạn chế chuyến bay đã trì hoãn việc giao thuốc trừ sâu. Với tốc độ phun thuốc hiện nay, các cây trồng ở Kenya sẽ sớm chết hết.
Tại Nairobi, tổ chức Quốc tế Malteser – được Order of Malta bảo trợ – đang chuẩn bị ứng phó với sự xâm nhập dữ dội của loài châu chấu. “Các đàn châu chấu sa mạc khổng lồ – một số trong đó bao phủ diện tích gần 250 km2 – đang nuốt chửng các cây trồng ở phía bắc Kenya”, ông Malteser nói. “Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cuộc xâm lược châu chấu lần này là lớn nhất ở Kenya trong hơn 70 năm qua.”
Martin Schömburg – Điều phối viên quốc gia của tổ chức Quốc tế Malteser ở Kenya – cho biết: “Tác động của cuộc xâm lược châu chấu đối với an ninh lương thực và sinh kế của người dân nông thôn trong khu vực là mối bận tâm rất lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc với các cộng đồng tại quận Marsabit – là vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, và ưu tiên hiện tại của chúng tôi là bù đắp cho những mất mát của họ và giúp họ phục hồi sau cuộc khủng hoảng này.”
Tây Phi: Các tình trạng đô thị hóa ồ ạt, biến đổi khí hậu, nghèo đói và xung đột đang gây nên sự mất an ninh lương thực trên diện rộng. CRS cho biết đây là mùa khó khăn khi thực phẩm từ vụ thu hoạch hằng năm đã tiêu thụ hết. Ngay cả khi không có dịch virus corona, khoảng 17 triệu người ở Tây và Trung Phi được dự đoán sẽ ở trong tình trạng khủng hoảng về thực phẩm vào tháng Sáu và tháng Tám. Coronavirus có thể giết chết hoặc làm suy yếu thêm nhiều người trong số họ.
Trung Mỹ: Gần một triệu nông dân đã phải chịu đựng những đợt hạn hán liên tiếp phá hủy mùa thu hoạch ngô và đậu, họ chỉ còn một ít để dự trữ. CRS khảo sát hồi tháng Ba cho biết: Nhiều nông dân nói, họ chỉ có đủ lương thực để nuôi sống gia đình trong vòng một tháng. Những hạn chế bởi đại dịch corona làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Đây là mùa gieo trồng, nhưng nhiều nông dân rất ngại gieo giống vì sợ bị nhiễm virus, hoặc bị cảnh sát bắt giữ. Giảm lượng gieo trồng sẽ là thảm họa cho nguồn thực phẩm đã không an toàn trong khu vực.
Ông Blain Cerney – người đứng đầu chương trình của CRS ở El Salvador – cho biết: “Số tiền ít ỏi các gia đình có thể dành dụm, họ hẳn sẽ dùng để mua thức ăn thay vì mua hạt giống và phân bón cho mùa gieo trồng sắp tới, điều này gây rủi ro cho vụ thu hoạch tiếp theo.”
Trong khi đó, giá gạo và lúa mì đang tăng mạnh.
Đóng cửa trường học trên toàn thế giới cũng đang làm gia tăng sự mất an ninh lương thực. Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), khoảng 1,5 tỷ trẻ em hiện đang nghỉ học trên toàn cầu do virus corona. Nhưng hàng triệu trẻ em ở các nước đang phát triển nhận bữa ăn duy nhất trong ngày tại trường học thông qua các chương trình phân phối thực phẩm, như chương trình McGovern-Dole của chính phủ Hoa Kỳ.
Ở Đông Phi, CRS đang theo đuổi các nguồn tài trợ khẩn cấp để hỗ trợ phun thuốc trừ sâu, giám sát bầy châu chấu, phân phối hạt giống mới và thức ăn chăn nuôi cùng các hỗ trợ khác. Nỗ lực này sẽ tích hợp các biện pháp giúp mọi người tránh được virus corona. CRS đang làm việc để tiếp tục chương trình bữa ăn cho học sinh ở 9 quốc gia, bất chấp sự gián đoạn kinh tế. Tại Ethiopia, tổ chức này và các đối tác đã có thể tiếp tục cho 1,5 triệu người các khẩu phần khẩn cấp, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để bảo vệ nhân viên và người dân địa phương khỏi phơi nhiễm virus.
Nhưng cơ quan này cho biết: nguồn tài trợ cho biện pháp quan trọng này thì rất ít. FAO đã bảo đảm khoảng 114 triệu đô la để chống lại nạn châu chấu ở Đông Phi, nhưng vẫn ít hơn mức cần thiết 40 triệu đô la. CRS và các tổ chức nhân đạo khác đang kêu gọi Quốc hội tăng nguồn hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến virus corona ở nước ngoài và các tác động của đại dịch. Một dự luật kích thích thứ tư – hiện đang được xem xét ở Washington – sẽ là phương tiện hoàn hảo cho công việc viện trợ này, CRS cho biết.
John Burger (Aleteia) / Trần Hùng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG