Sau một tai nạn xe, cha Giorgio Ronzoni bị bại liệt hoàn toàn. Dù thế cha vẫn là cha sở của một giáo xứ, nhờ sự giúp đỡ của các giáo dân.
Vào một ngày tháng 8 năm 2011, khi chiếc xe hơi của cha Giorgio Ronzoni đang chạy với tốc độ cao trên đường thì một chiếc lốp xe bị nổ. Tai nạn đã thay đổi cuộc đời của cha vĩnh viễn. Từ một linh mục 50 tuổi, làm cha sở được 3 năm và sau đó làm giám đốc văn phòng giáo lý giáo phận 13 năm, cha Ronzoni trở thành một người bất toại toàn thân, từ đầu trở xuống.
Giáo dân là cánh tay và đôi chân của cha xứ
Một người như thế có thể tiếp tục làm cha sở không? Có, cha Giorgio Ronzoni. Tất cả giáo dân của cha quyết định rằng tất cả cùng nhau có thể là những cánh tay và đôi chân của cha sở của họ. Đó là giáo dân giáo xứ thánh Sophia, nơi có ngôi nhà thờ cổ kính nhất Padova.
Điều hành giáo xứ bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi chân
Cha Ronzoni chia sẻ cảm nghĩ sau khi tại nạn xảy ra: “Sau tại nạn tôi đã nghĩ tôi không thể làm cha sở được nữa. Trong những tháng đầu, tôi không thể nhúc nhích tí nào. Sau 13 tháng phục hồi, cánh tay trái của tôi đã có thể nhúc nhích một tí. Để khuyến khích tôi, Đức ông Giuseppe Benvegnù Pasini đã gửi cho tôi câu trả lời của một Giám mục người Pháp, trả lời cho người cha đang nghi ngờ của mình: “Con nghĩ là một giáo phận được điều hành bằng cái đầu chứ không bằng đôi chân…” Nhưng chính các giáo dân của tôi đã xin Đức cha Mattiazzo giữ tôi lại.”
Ngoài việc điều hành giáo xứ, cha Ronzoni còn dạy tại phân khoa thần học của Triveneto. Cha có thể thực hiện được là nhờ các phương tiện kỹ thuật: nhờ computer, nhờ điện thoại di động và máy tính bảng. Cha có 2 người chăm sóc giúp đỡ cha 24/24 giờ. Các giáo dân đã thành lập hiệp hội “những người bạn của cha Giorgio” và họ luôn luôn hiện diện bên cha. Có một thang máy để đưa cha từ nhà đến nhà thờ. Những người bạn tặng một chiếc xe có cầu nối và cha có thể chạy chiếc xe lăn của cha để lên xe. Khi cha cử hành Thánh lễ, có hai thừa tác viên đặc biệt lật các trang sách, đặt đĩa thánh và chén thánh trong tay cha và họ cho rước lễ.
“Tại sao không phải là tôi?”
Được hỏi, có bao giờ cha nghĩ tại sao điều này lại xảy ra với cha không, cha Ronzoni trả lời: “Không. Ngược lại tôi tự hỏi “tại sao không phải là tôi?”. Tại sao không phải là chính tôi phải chịu đau khổ, bệnh tật, khó khăn, tai nạn? Tất cả chúng ta trước sau đều biết đến đau đớn và thất vọng, chúng ta không thể được miễn trừ khỏi các khó khăn. Điều này không muốn nói rằng tôi đã chấp nhận những điều không may do tai nạn đưa đến với nụ cười nở trên môi. Mất đi sự tự lập là một cú đánh quá mạnh, để trở nên quen với ý tưởng rằng mình không thể tự làm được điều gì nữa, ngay cả những việc riêng tư nhất, thật sự là cần phải có thời gian.”
Thân thể bất toại nhưng “Lời của Thiên Chúa không bị xiềng xích”
Ngay khi tai nạn vừa xảy ra cha có cảm thấy bị Chúa phản bội không? Cha Ronzoni cho biết có 2 chứng tá đã giúp cha trong lúc cảm thấy lạc hướng này; đó là ĐHY Martini và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cả hai đã sống với bệnh tật cách đáng khâm phục. Và rồi cha đã suy gẫm về chương cuối cùng của sách Tông đồ Công vụ, khi Phaolô bị bắt và nói: Lời của Thiên Chúa không bị xiềng xích. Cha cảm thấy như mình bị xiềng xích một tí tại nhà nhưng như thánh Phaolô, cha có thể gặp gỡ những người khác. Lời của Thiên Chúa tiếp tục bước đi, và sứ vụ của cha vẫn tiếp tục. Cha cũng suy tư về chương cuối của Tin mừng thánh Gioan, khi Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: khi con già, người khác sẽ đưa con đi nơi con không muốn đi. Tuổi cao niên đến với tôi ở tuổi 50. Khi cảm thấy như bị Thiên Chúa phản bội, tôi luôn được thuyết phục rằng đức tin không phải là một thừ bùa ếm để rồi nếu bạn là một người tốt hay cậu bé ngoan thì không có điều gì xảy ra với bạn. Luôn có điều gì đó xảy ra với thánh Phaolô cũng như với những người khác.”
Bệnh tật không có nghĩa là mất phẩm giá
Cha Ronzoni không thích nói về mình, nhưng cha chấp nhận trả lời phỏng vấn chỉ để nói với người khác rằng có rất nhiều khả năng khác. Những ai đang sống trong thời gian khó khăn vì bệnh tật, tang tóc, đau khổ, thường chờ đợi người ta nói với mình: xem kìa nó không kết thúc. Chúng ta quên đánh giá tất cả những gì chúng ta mất mà không suy nghĩ xem điều chúng ta còn có thể làm. Tôi tin rằng thế giới khuyết tật có thể tạo nên rất nhiều thời gian tự kỷ, trong đó mọi ước muốn được đổi để chỉ lấy một quyền lợi, trong đó người ta nghĩ rằng cuộc sống chỉ nên được sống nếu người ta có mọi khả năng. Tôi không thích khi ai đó, một người bệnh tật, tuyên bố muốn tước bỏ mạng sống của mình “bởi vì tôi không còn có thể sống trong nhân phẩm”. Danh từ nhân phẩm có hai tính từ: xứng đáng và cách có nhân phẩm. Đúng là nhiều người trong tình trạng của tôi không sống trong cách xứng với nhân phẩm bởi vì họ không có sự hỗ trợ và hỗ trợ đầy đủ. Nhưng điều này không có nghĩa là cuộc sống không xứng đáng. Cuộc sống vẫn xứng đáng, không ai có thể lấy đi phẩm giá của nó.
Hình ảnh Chúa Giêsu trên Tấm Khăn liệm
Cuối cùng, hình ảnh Chúa Giêsu trên Tấm Khăn liệm là hình ảnh mà cha Ronzoni yêu thích; đó là gương mặt của Chúa, tuy trong sự bất động nhưng lại trao chuyền thật nhiều sức mạnh.
Hồng Thủy – Vatican