Phụng vụ

Các đạo sĩ và những lễ vật… mùa Chay?

Tôi luôn bị hấp dẫn bởi những vị đạo sĩ. Câu chuyện của họ định hình phần lớn những tường thuật của Thánh Matthêu về sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô, nhưng vẫn còn rất nhiều chất vấn về những nhân vật bí ẩn này. Họ đến từ đâu ? Làm thế nào mà họ biết để dõi theo ngôi sao ? Họ đã nghĩ gì khi tìm thấy Thánh gia ?

Lưu ý rằng chúng ta không tìm thấy trong trình thuật Tin Mừng có ba người trong số họ. Thay vào đó, chúng ta có truyền thống đó bởi vì có ba món lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Điều này là để ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia, “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước… Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA” (Is 60,3.6 bản dịch CGKPV)

Thánh Irene đã viết: những lễ vật của các vị đạo sĩ biểu thị mầu nhiệm Chúa Kitô nhập thể. Vàng là biểu tượng của hoàng gia; do đó, nó đại diện cho vương quyền của Chúa Giêsu. Trầm hương được sử dụng trong việc thờ phượng Thiên Chúa, vì vậy nó chỉ ra thiên tính của Ngài. Có lẽ kỳ lạ nhất là lễ vật dâng cho hài nhi là mộc dược, đó là một dạng dầu dùng cho việc mai táng. Nó biểu thị nhân tính của Chúa Kitô, đặc biệt là trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người.

Những lễ vật này của các đạo sĩ có thể cung cấp dồi dào chất liệu cho lời cầu nguyện và suy niệm của chúng ta. Một số người đã kết nối những lễ vật này với những lời khuyên Tin Mừng về đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời. Tôi muốn sử dụng chúng để xem xét những gì bản thân chúng ta có thể dâng lên Hài Nhi Giêsu, đặc biệt là khi chúng ta đang bắt đầu Năm Mới này. 

Vàng

Chúng ta hãy giải thích vàng theo nghĩa đen. Hài nhi Giêsu có thể không cần tiền của chúng ta, nhưng dân của Ngài thì có. Việc bố thí không phải là điều chúng ta chỉ được kêu gọi làm trong Mùa Chay. Giáo lý nhắc nhở chúng ta rằng nó thực sự là một công việc của công lý. ”Bố thí cho người nghèo là một bằng chứng cho tình bác ái huynh đệ: đó cũng là một việc làm đẹp lòng Thiên Chúa (GLHTCG 2462).

Tôi nghĩ rằng rất nhiều người không thích nói về “thuế thập phân” vì nghe như Chúa đang đánh thuế chúng ta. Có lẽ, đối với Giáo hội thì nghe có vẻ tham lam. Nhưng tôi đã nhận ra rằng nếu tôi chỉ nói suông là “hãy cho đi”, điều đó thực sự có nghĩa là gì ? Khi chiếc giỏ đi xung quanh nhà thờ, tôi có thể ném vào đó số tiền từ trong ví của tôi vào cuối tháng không ?

Tôi đã sẵn sàng cho đi những gì tôi có… vì nó không phải của tôi, nhưng là của Chúa hay không ? Tôi có thực sự sẵn sàng trao ban “vàng” của tôi như một của lễ, mà không đắn đo suy nghĩ không ? Bây giờ, có nhiều cách khác nhau để bố thí. Nó không phải luôn luôn là một món tiền. Khi chúng ta đọc trình thuật nổi tiếng của Matthêu chương 25, cuộc phán xét cuối cùng, chiên và dê được tách ra và Chúa Giê-su cho biết về tất cả những việc tốt lành: cho kẻ đói ăn, thăm kẻ tù rạc, cho người trần truồng có áo mặc, khi được làm cho Người thì đó chính là việc bố thí. 

Có rất nhiều cách để thể hiện lòng bác ái, và “thời gian” và “tài năng” của là những lễ dâng quý giá mà Giáo hội cần. Nhưng tôi có thể cho nhiều hơn một kho tàng không ? Tôi có hay sợ cho đi tiền tài hay sợ khi buông bỏ đồng tiền của bà góa phụ (Lc 21,1-4), vì tôi không tin tưởng sao ? Phải chăng bởi vì tôi quên rằng đó không phải là tiền của tôi mà là …của Chúa ?

Nhũ hương

Lễ vật này của các đạo sĩ nhắc nhở chúng ta rằng hài nhi này không chỉ là một vị vua, mà còn là Thiên Chúa. Chúng ta thấy trong trình thuật của Matthêu các đạo sĩ thờ lạy Chúa Kitô. Bạn nghĩ gì về sự khiêm tốn mà họ có được trong khi họ đã già dặn và có lẽ cũng giàu có, để rồi cúi đầu chạm đất và thờ lạy một đứa trẻ ? 

Chúng ta thấy hương trầm được đề cập trong Kinh thánh liên quan đến việc cầu nguyện:

Trong Khải huyền 5,8: ”Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh”.

Và trong Thánh vịnh 141: 1-2: ”Lạy CHÚA, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con. Xin lắng nghe lời con, khi con kêu lên Ngài. Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều”.

Chúng ta có thể dâng lên lễ vật nhũ hương cho Hài Nhi Kitô bằng lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện là cách chính yếu để chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô. Quan trọng là việc trau dồi một đời sống cầu nguyện, để dành thời gian mỗi ngày để có một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành nên bạn và là Đấng yêu thương bạn.

Khởi đầu Năm Mới là một cơ hội tuyệt vời để đưa ra một quyết tâm mới lập lại trật tự thiêng liêng cho bạn. Thật là hợp lý khi lập kế hoạch cho cuộc sống hàng ngày; hãy thực hiện các mục tiêu cụ thể cho lời cầu nguyện hàng ngày và hàng tuần mà những điều đó có thể được thực thi sau đó.

Mộc dược

Mộc dược đã được sử dụng như một loại nước hoa hoặc dược liệu, nhưng nó cũng được dùng để ướp xác. Lần khác chúng ta thấy nó trong Tân Ước là trong Gioan 19,39, khi Giuse Arimathea mang đến để ướp xác Chúa Giêsu sau khi Người được đưa xuống khỏi thập giá.

Câu thứ ba của bài thơ We Three Kings (tác giả John Henry Hopkins) cho thấy sự kỳ lạ của món quà cho con trẻ này: ”Mộc dược là của tôi, mùi đắng cay của nó. Hít vào một đời sống bao trùm sự ảm đạm; Buồn bã, thở dài, máu chảy, chết chóc, đóng kín trong ngôi mộ lạnh giá”.

Lễ vật mộc dược nhắc nhở chúng ta, ngay cả giữa niềm vui Giáng sinh, Chúa Giêsu đã đến chết cho chúng ta. Người là người duy nhất trong lịch sử thế giới được sinh ra để chết.

Làm thế nào để chúng ta tặng ngài lễ vật mộc dược ? Thông qua những hy sinh và đau khổ của chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi bằng một cách nào đó chết cho Ngài. Chúng ta có thể thực hiện việc đền tội tự nguyện trong suốt cả ngày, để hợp nhất những đau khổ của chúng ta với chính mình (kiêng thịt hoặc không ăn tráng miệng hoặc chọn hoãn lại những niềm an ủi bé nhỏ). Chúng tôi cũng phải đối mặt với việc đền tội không mong muốn. Thánh Angela Foligno nói rằng: việc đền tội mà chúng ta chọn một cách tự nguyện không có công trạng bằng những việc chúng ta bị áp đặt phải làm những việc đến từ hoàn cảnh sống của chúng ta.

Bắt đầu mỗi ngày với Lễ dâng buổi sáng, dâng lên Chúa Giêsu mọi thứ bạn phải đối mặt trong suốt cả ngày. Khi phải đối mặt với đau khổ hoặc bất tiện, hãy dâng cho Chúa. Thì thầm một lời cầu nguyện, hãy trao nó cho Chúa Giêsu. Hãy cắn vào lưỡi mình thay vì phàn nàn. Trao nó cho Chúa Giêsu và nói với Ngài rằng bạn muốn đau khổ với Ngài.

Trong phụng vụ, chúng ta kết hiệp cuộc sống của chúng ta, hy sinh của chúng ta, niềm vui của chúng ta, công việc nhàm chán của chúng ta, niềm vui lớn nhất của chúng ta, với sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá và dâng lên cho Chúa Cha. Lễ dâng của chúng ta tuy không hoàn hảo… nhưng của Chúa Kitô thì hoàn hảo. Vị linh mục cầu nguyện khi dâng lễ vật: ”Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”.

Vàng, nhũ hương, và mộc dược. Những lễ vật này có thể trông hơi quen thuộc: bố thí, cầu nguyện và đền tội. Đây không chỉ là hành động của Mùa Chay – chúng là lễ dâng hàng ngày của chúng ta cho Vua của chúng ta. Những thực hành cổ xưa này là những phương thế mà cùng đích là chúng ta trao chính trái tim mình cho Ngài.

Tô Mã Linh chuyển ngữ từ integratedcatholiclife.org
Nguồn: hdgmvietnam.com

 

 

Bài viết liên quan