Suy Niệm Hằng Ngày

Chúa nhật 34 Thường niên năm B

BÀI ĐỌC I: Đn 7, 13-14

“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

Xướng:

1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Kh 1, 5-8

“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 18, 33b-37

34 “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”

35Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Dothái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

36 Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

37 Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa. Trong Ngài muôn loài được tạo thành. Nhờ Ngài vạn vật được cứu độ. Vì thế Ngài là chủ tể là vua vũ trụ. Nước của Ngài không hạn hẹp một quốc gia nào, một dân tộc nào. Nhưng bao trùm toàn thể chúng sinh. Vinh quang uy quyền của ngai báu Ngài không tỏ hiện bằng vũ lực, bằng cao sang thế trần, nhưng êm đềm trong yêu thương, trong tình thân ái để đem hạnh phúc đích thực cho mọi tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cải tạo mọi sự trong Con yêu dấu Chúa, là vua vũ trụ: Xin đoái thương cho mọi loài thọ tạo đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ, biết phụng thờ uy linh Chúa, và biết luôn luôn ngợi khen Chúa. Chúng con Cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Quan nói đúng: Tôi là Vua”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Nói đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc, với những bắp thịt vạm vỡ, với những quả đấm thôi sơn ngàn cân.

Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến những trận bão táp, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng mạc, đê điều, đường xá, cầu cống.

Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các tầng lầu, hoặc động đất san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng hồ.

Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh thế giới giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng mạc nhà cửa dinh thự đền đài.

Nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta quên rằng, còn có một sức mạnh vạn năng khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả nhưng lại luôn luôn ở trong tầm tay của mình. Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không thể nào bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào. Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể xoá được những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người, là niềm tin tôn giáo.

Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã biểu lộ sức mạnh niềm tin ấy “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 18, 11). Niềm tin vào Sự Thật, mà “Sự thật sẽ giải thoát các con” cho nên Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18, 37). Bởi vì “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.”

Kết thúc năm phụng vụ, tận cùng của thời gian, Giáo hội cho chúng ta suy tôn Đức Giêsu-vua vũ trụ-vua niềm tin. Đức Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, cũng không theo nghĩa chính trị. Đức Giêsu là vua niềm tin, vua tình yêu.

Vương quốc của vua Giêsu là vương quốc của sự thật “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”

Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không? Đức Giêsu đáp: của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đặc biệt trong phiên toà xét xứ, Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do thái không? Đức Giêsu minh xác: Nước tôi không thuộc về thế gian này (Ga 18, 36)

Vậy thì vương quốc Đức Giêsu là vương quốc sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Vương quốc đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nước của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn vương quốc Đức Giêsu chiếm trọn tấm lòng người. Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù. Sức mạnh vương quốc Đức Giêsu là niềm tin, là yêu thương, tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn vương quốc Đức Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn vương quốc sự thật, niềm tin tồn tại muôn đời.

Chính niềm tin tôn giáo dạy chúng ta rằng: mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng con người đến chân thiện mỹ. Qua không gian thời gian, trải qua bể dâu của lịch sử với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn luôn tìm đến niềm tin tôn giáo. Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống. Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài. Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi người đều là hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa. Với sức mạnh niềm tin chúng ta khẳng định rằng: trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn nâng đỡ chúng ta.

Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống? Con người sinh ra trên cõi đời này để làm gì và để đi về đâu? Đó là câu hỏi lớn mà ngàn đời con người không ngừng đặt ra cho mình khi đứng trước những mâu thuẫn bất trắc của cuộc sống. Nghĩ cho cùng, mỗi người chỉ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi ấy nhờ ánh sáng sức mạnh niềm tin tôn giáo. Ánh sáng niềm tin ấy hướng dẫn chúng ta đến yêu thương và phục vụ tha nhân. Khi con người biết sống cho người khác thì con người sẽ tìm thấy chính mình, thấy lý tưởng, thấy ý nghĩa cuộc sống. Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong vương quốc Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.

Mừng lễ Chúa Giêsu vua vũ trụ, vua niềm tin, chúng ta hãy để cho Chúa chiếm trọn tất cả con người mình, tư tưởng, lời nói, việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa Giêsu là vương quyền của sự sống, của sự thật, vương quyền của niềm tin, của ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện, của công lý, tình yêu hoà bình.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA
+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng kết thúc năm Phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Điều đó nói lên rằng, Đức Giêsu Kitô, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa Cha trao phó, được Chúa Cha trao quyền cai trị muôn loài trên trời dưới đất và sẽ kết thúc lịch sử loài người trong vinh quang để mọi sự sẽ được “restaurare in Christo”.

Trong suốt quãng đường đi truyền giáo, Đức Giêsu chỉ đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho người ta. Chưa bao giờ Đức Giêsu dám nhận mình là vua, mặc dầu dân chúng hồ hởi tôn vinh Ngài. Nhưng về cuối đời, trong cuộc thương khó, Ngài đã công khai xác nhận vương quyền của Ngài trước mặt quan Philatô: “Ngài nói đúng, Tôi là Vua” (Ga 18,37), nhưng để tránh ngộ nhận, Ngài nói thêm: “Nhưng nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,36).

Vậy nếu Đức Giêsu không có lấy một tấc đất để cắm dùi thì nước của Ngài ở đâu? Thần dân của Ngài là ai? Vương quyền này được thiết lập và thực hiện bằng những phương tiện nào?

Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô, chúng ta có nhiệm vụ phải bảo vệ và làm cho vương quyền của Ngài được mở rộng để tất cả mọi người nhận biết Đức Giêsu là vua vũ trụ và hết lòng tin theo Ngài.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Đn 7,13-14

Vào thế kỷ thứ 2, đức tin bị đe dọa trầm trọng. Tác giả Sách thánh muốn khích lệ các người đồng hương của mình vững chí trong cơn thử thách, thì trong một thị kiến, Đaniel nhìn ngắm bốn con thú tượng trưng từ biển nhô lên và cập vào đất liền: chúng biểu thị những vương quốc đã liên tiếp nhau đe dọa Israel. Chính lúc đó xuất hiện một khuôn mặt bí ẩn, được mô tả như một Con Người. Lúc đó Đấng Lão thành (tức Thiên Chúa) cũng hiện ra và trao cho Con Người quyền thống trị tất cả loài người và thiết lập một vương quyền vĩnh cửu và phổ quát.

Nhân vật Con Người ấy chính là hình ảnh tiên báo Đấng Messia. Và Đức Giêsu chính là Đấng Messia hoàn thành lời tiên tri ấy.

+  Bài đọc 2: Kh 1,5-8

Đoạn sách Khải huyền này cũng mô tả Đức Giêsu là Vua. Ngài đã yêu thương chúng ta, đã lấy máu mình mà rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Được phục sinh vì đã làm chứng cho đến chết chương trình của Chúa Cha, Đức Kitô đã trở nên “Thủ lãnh các vương đế trần gian”, nhận được mọi quyền năng để dẫn dắt lịch sử nhân loại. Ngài làm cho chúng ta trở thành vương quốc của Ngài. Vương quốc này chưa hoàn tất. Nhưng vào thời sau hết, Đức Kitô sẽ hiển trị trong uy quyền, thắng vượt sự dữ và lầm lạc. Ngài là vua hoàn vũ và vĩnh cửu.

+ Bài Tin mừng: Ga 18,33b-37

Từ trước tới nay, Đức Giêsu chỉ đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, chữa lành mọi tật nguyền cho người ta. Không bao giờ Ngài tự xưng là vua. Ngài còn trốn tránh khi dân chúng tung hô Ngài là vua. Không bao giờ Ngài làm điều gì tỏ ra cạnh tranh với nhà cầm quyền.

Bị người Do thái tố cáo trước nhà cầm quyền là Ngài muốn làm vua. Philatô hỏi Đức Giêsu: “Vậy ông là vua ư?” Nhân dịp này, Đức Giêsu vừa đáp vừa giải thích cho ông Philatô:

– Ngài là vua thật, đúng như lời ông nói.

– Nước Ngài không thuộc thế gian này.

– Nước Ngài không giống như nước trần gian, không cạnh tranh với quyền lực nào.

– Nước Ngài là vương quốc sự thật: sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người, sự thật về mọi loài thọ tạo.

– Ngài đến làm chứng cho sự thật. Ai yêu sự thật thì thuộc về vương quốc Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tin theo Đức Kitô Vua

I. LỊCH SỬ LỄ CHÚA KITÔ VUA

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: “Homo homini lupus”: con người là lang sói của con người. Con người đã trở nên một thú dữ hay tấn công, cắn xé và giết chóc. Lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp. Hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai đã cướp đi sinh mạng của gần 50 triệu người, không kể những người bị thương, mất tài sản và thiệt hại vật chất khôn lường.

Cho nên ngày 12.11.1927, Đức Giáo hoàng Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu cho loài người thôi đừng buông theo thú tính mà cắn xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà gây chiến với nhau.

Đàng khác, thế giới đang dần rời bỏ Chúa, muốn khai trừ Chúa ra khỏi các tâm hồn, các gia đình, các xã hội, thế giới muốn xây xã hội trên nền tảng thuần túy nhân loại. Trong trường hợp đó, Đức Giáo hoàng muốn công bố những quyền bất khả xâm phạm của Chúa Kitô: Ngài là vua vũ trụ, vua các thiên thần và loài người.

Ngoài ra, Đức Giáo hoàng cũng nghĩ rằng cần phải phản ứng lại mấy sự lệch lạc trong quan niệm đạo đức tân thời phát sinh ngay trong Công giáo tiến hành ở một số nơi. Người ta đang có khuynh hướng nhìn nơi Đức Giêsu chỉ là người Anh Cả, người bạn và đối xử với Chúa bằng vai,… là bạn đường, bạn làm việc… Lễ Chúa Kitô Vua nhắc cho người ta rằng: Đức Giêsu còn là Đấng toàn năng, Đấng vô cùng vô biên, Vua các vua. Ngài còn là Đấng hằng hữu, ta có là nhờ Ngài, và bổn phận chính yếu nhất là thờ lạy Ngài (Lm. Trần Văn Khả).

II. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA

1. Đức Giêsu khẳng định

Trước toà án, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Đức Giêsu có thể trả lời là  hay không, tuỳ theo ý của người hỏi.

Nếu người Do thái hỏi Ngài câu ấy, thì câu ấy có nghĩa là: ông có phải là Đấng Messia không? Nhưng khi Philatô hỏi thì câu ấy có ý nghĩa là: ông có phải là kẻ cầm đầu xúi giục dân Do thái phản loạn không? Theo não trạng của người Do thái, thì Đấng Messia, vị cứu tinh của dân tộc ắt phải là một thủ lãnh của đoàn quân nổi loạn chống lại Rôma, để giải phóng dân Do thái khỏi ách thống trị của đế quốc. Nếu Ngài là người nổi loạn chống lại Rôma, thì dân Do thái sẽ theo Ngài. Nhưng họ thấy Ngài không phải là người nổi loạn như ý muốn của họ, mà lại có những ý tưởng lạ đời đi ngược lại tư tưởng truyền thống của chính tôn giáo của họ, nên họ muốn tiêu diệt Ngài. Để làm điều ấy, họ chụp mũ Ngài là người phản loạn, chống lại Rôma.

Nhưng Philatô nhận ra ngay là: nếu Đức Giêsu là kẻ đứng về phía người Do thái để chống lại Rôma, thì họ đã chẳng nộp Ngài cho ông. Vì thế, câu ông hỏi Đức Giêsu chỉ hỏi cho có lệ, chứ ông đã biết Ngài vô tội, và chỉ vì ghen ghét mà dân chúng nộp Ngài cho ông. Nhưng cũng chính nhờ ông ta hỏi điều ấy mà chúng ta được mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Giêsu chính là Vua như Ngài đã xác nhận: “Tôi được sinh ra là để làm vua”.

Tuy Đức Giêsu xác định Ngài là vua, nhưng với tước hiệu là vua mà Philatô đang muốn điều tra, ít nhất có ba cách làm “Vua”:

a) Vua theo nghĩa chính trị, theo kiểu Rôma: người ta thống trị kẻ khác bằng nô lệ hoá họ: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” (Trịnh Công Sơn).

b) Vua theo nghĩa Thiên sai, theo kiểu mong đợi của người Do thái: một người thuộc dòng dõi vua Đavít chính thức lên ngôi, và chiến thắng kẻ thù của Israel, của Chúa bằng cách đè bẹp chúng.

c) Sau hết, Vua theo cách của Đức Giêsu: một vương quyền huyền bí, không ép buộc ai, không đè bẹp ai như “bạn có muốn theo tôi không?”, “Các bạn cũng muốn bỏ đi sao?” Một vương quyền mà lại để “Vua” bị giao nộp cho kẻ thù mà không chống cự, một tổng thống mà không có “vệ binh” để bảo vệ mình, không cận vệ để bao bọc trước đám đông (Noel Quesson).

2. Vương quốc của Đức Giêsu

a) Nước Ngài không thuộc thế gian này

Khi Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Đức Giêsu trả lời: “Tôi là vua, nhưng không phải của người Do thái như ông hiểu vì nước tôi không thuộc thế gian này” (x. Ga 18,33-36).

Nếu Đức Giêsu không phải là một vua của một nước trần gian, thì nước của Ngài ở đâu? Ngài là vua của ai?

Làm vua có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải có đất đai, lãnh thổ, có quân đội, triều đình… mới là vua. Người ta vẫn nói: “vua dầu lửa”, “vua xe hơi”, “vua bóng đá”, v.v… mặc dầu những ông vua này không có quân đội, không cai trị ai. Đức Giêsu không những làm vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chính thức của từ “vua”.

Ngài là vua, vua của cả vũ trụ, của cả trần gian, của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Thánh kinh viết: “Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3; x. 1,10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung thẩm, chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị vua (Mt 25,34).

Thế gian này có nhiều nước, mỗi nước có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa.

Truyện: Nước Ta chỉ có trên thế gian này

Ông Selma Lagerlop có viết một câu chuyện như sau: Ở thành La mã, trong một đền thờ dâng kính Đức Mẹ, gần đồi Capitole, có một tượng Chúa Hài đồng rất đẹp. Chung quanh vòng hào quang có khắc câu Phúc âm rằng: “Nước Ta chẳng có trên thế gian này” (Ga 18,38).

Một hôm, một phụ nữ thượng lưu, người Anh, tới viếng đền thờ, và tượng Chúa Hài đồng đã lọt mắt bà. Bà liền nài nẵng chuộc cho kỳ được. Khổ thay! Không ai đồng ý cả. Bà ta mới thuê thợ gọt một tượng khác, giống y như tượng Chúa Hài đồng bà đã trông thấy. Rồi một hôm dùng thủ đoạn, đem đổi lấy tượng thật.

Nhưng không biết là vô tình hay hữu ý, thay vì viết vào vòng hào quang rằng “Nước Ta chẳng có trên thế gian này”, thì bác thợ kia lại viết: “Nước Ta chỉ có trên trần gian này”.

Ít lâu sau, không hiểu tại sao, tượng thật Chúa Hài đồng bỏ lâu đài của chủ mới, trở về đền thờ cũ lại như xưa.

Mưu mô bại lộ ra. Người coi đền thờ liền đem tượng giả ném xuống chân đồi Capitole. Người phụ nữ kia, buồn tiếc, đi tìm, gặp được và trở về nước với pho tượng giả, còn nguyên vẹn với vòng hào quang ngạo mạn kia.

Từ ấy, tượng giả cứ chuyền tay nhau, người này sang người khác, hết thành nọ đến thành kia…

Một hôm tượng ấy tới thành Paris. Quân Cách mạng mới đem đi biểu diễn qua các đại lộ, và hiệu triệu dân chúng rằng: “Nước Ta chỉ có trên thế gian này. Hãy mau mau phân chia tài sản cho nhau, để mọi người được bình đẳng vui sống. Nước Ta chỉ có trên thế gian này. Chết là sự đổ vỡ vô phương cứu vãn” (Lm. Vũ Minh Nghiễm, Vươn, 1966, tr 54-55).

b) Vương quốc của sự thật

Philatô hỏi Ngài: “Thế thì ông là vua sao?” Ngài đáp ngay: “Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của vua César. Nước của César chỉ cai trị thể xác của loài người, còn vương quốc của Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của César là binh đội, khí giới, thành trì, nhưng sức mạnh của vương quốc của Chúa là những nguyên tắc, tình cảm và tư tưởng. Công dân của đế quốc César chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản vật chất, nhưng phước hạnh trong Nước Chúa là an lạc và vui mừng trong Thánh Thần” (x. Rm 14,17). Dù là rộng lớn, đế quốc Rôma cũng bị giới hạn, nhưng vương quốc của Chúa vô biên và được quyền thiết lập tại mọi nơi. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Rôma rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc sự thật sẽ tồn tại muôn đời.

c) Vương quốc tình yêu

Vương quốc của vua Giêsu là vương quốc của tình yêu: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Đức Kitô là vua, nhưng Ngài khác với những vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như một mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của con chiên (x. Ga 10,11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh trên thập giá một cách khổ nhục để cứu nhân loại, là con dân được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai trị.

d) Vương quốc của phục vụ

Mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền lực, nhưng dựa trên tình yêu thương, phục vụ. Một vị vua không có lãnh thổ, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Một vị vua chỉ biết dấn thân phục vụ.                                      

Truyện: Hoàng tử Alexis

Truyện cổ Nga thuật lại rằng: vào thời Trung cổ, hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng, Alexis rất hiểu nỗi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một ít thời giờ để thăm họ. Nhưng, dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.

Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho thần dân.

Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục. Ngày ngày, anh dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hoà giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống đúng với phẩm giá con người.

Bác sĩ trẻ đó chính là hoàng tử Alexis, người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

Đức Kitô thực sự là một vị vua đầy uy quyền. Ngài đã trở nên giống chúng ta, để yêu thương phục vụ chúng ta. Ngài đã phán: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc cho nhiều người”.

3. Chỉ có Đức Giêsu là Vua

a) Tuy trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã chính thức tuyên bố và xác nhận Ngài là vua, nhưng thực sự danh hiệu Vua ấy đã được tiên báo như tiên tri Daniel đã nhìn thấy “như là Con Người đến trong đám mây trời… quyền năng vĩnh cửu” (Dn 7,13), và Gioan, cụ già trên đảo Patmos đã được thị kiến: “Đấng là Alpha và Omêga là nguyên thuỷ, là cùng tận, Đấng đang có, đã có và sẽ đến, Đấng là Thiên Chúa (Kh 1,8)Ngài làm cho chúng thành một vương quốc tư tế, để phụng sự Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa và là Cha của Ngài”.

b) Nhìn ra vua sự thật, vua tình thương, anh trộm lành đã nói: “Ông này có làm điều gì satrái đâu?” Và anh đã cầu nguyện với Ngài: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Anh chỉ dám xin nhớ, không dám xin cứu, không dám được xin vào nước Ngài, vì anh thấy mình quá bất xứng, quá tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu thấy lòng thông cảm khiêm nhường của anh, Ngài đã dịu dàng nói với anh: “Tôi nói thật hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên nước thiên đàng” (Lc 23,41-42).

c) Cái lý do khiến Đức Giêsu làm Vua đã được thánh Phaolô nói rất xác đáng trong đoạn văn gửi cho tín hữu Côlôsê:

“Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thụ sinh. Vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên tòa, hay thiên chủ, dù là thiên phủ hay uy linh: mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài! Và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn tại trong Ngài. Và Ngài là đầu của thân mình, tức là Hội thánh, Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song! Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả viên mãn đậu tại trong Ngài và đã giảng hoà cả vạn vật Truyện: Chỉ có Chúa là Vua

Lịch sử nước Anh có kể rằng hồi ấy, nước Anh có một ông vua đạo đức tên là Cannut III. Ông là vua của một cường quốc, nên chung quanh ông hay có những quan nịnh thần ton hót. Một hôm trong một buổi triều yết, các nịnh thần tâu: “Thánh thượng là vua trên hết các vua, là chúa trên các chúa, có quyền trên mặt đất và biển cả”. Nghe vậy nhà vua muốn cho họ một bài học, liền mời tất cả đi ra bờ biển. Đứng trước đại dương, ông tuyên bố: “Ta là vua trên hết các vua, có quyền trên đất liền và trên biển cả. Vậy ta truyền cho sóng biển không được trờ tới”. Nhưng nước vẫn dâng lên, sóng vẫn trở tới làm ướt hết áo cẩm bào của vua cũng như triều thần. Nhà vua đi vào trong một thánh đường đến trước tượng chuộc tội, lấy chiếc vương miện đội trên đầu Chúa và nói: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa”. (Lm. Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa năm B, tr 169).

III. HÃY TIN THEO ĐỨC KITÔ VUA

1. Không được bắt cá hai tay

Câu tục ngữ này có ý nói: hai tay đều thò xuống bắt cá, không phải là hai tay định bắt một mà mỗi tay bắt một con cá. Câu này thường để chỉ người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc này thì còn việc kia. Vì thế người ta nói:

Thôi đừng bắt cá hai tay,
Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn. (Ca dao)

Trong việc tin theo Chúa, Đức Giêsu đã khẳng định “Không ai có thể làm tôi hai chủ vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc gắn bó chủ này mà khinh chủ nọ. Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa tiền tài” (Mt 6,24; Lc 16,13). Chúng ta phải dứt khoát trên đường theo Chúa, không thể trung lập được, hoặc chọn Thiên Chúa, hoặc chọn thần Mammon, nếu không thì sẽ mất cả chì lẫn chài. Người xưa đã nói: “Trung thần bất sự nhị quân”: tôi trung không thể thờ hai vua, vì trong thực tế, câu ngạn ngữ này lúc nào cũng đúng: “Thiên vô nhị nhật, dân vô nhị vương”.                                  

Truyện: Đức Hồng y Deschamps

Hồng y Deschamps, Tổng giám mục Mailines, khi còn là thanh niên, đã có ý muốn học hành thật giỏi để đạt được một địa vị cao trong hàng ngũ các quan chức triều đình. Một hôm, Deschamps đã được chứng kiến lễ đăng quang lên ngôi vua cách long trọng của nhà vua Bỉ. Từ cửa sổ của một nhà cao tầng, Deschamps chăm chú theo dõi diễn tiến của buổi lễ từ đầu đến cuối. Có thể nói đấy là một buổi lễ hội vừa tưng bừng náo nhiệt với cờ xí và biểu ngữ rợp trời, và tiếng trống dồn dập và tiếng kèn đồng thổi lên inh ỏi với hàng vạn người đến tham dự.

Trọng tâm buổi lễ là nghi thức tấn phong hoàng thái tử lên ngai vàng kế vị vua cha mới băng hà, với việc đội vương miện và nhận phủ việt. Buổi lễ kết thúc bằng một cuộc diễn hành của hoàng gia cùng với đoàn tuỳ tùng. Đoàn rước đi theo hàng đôi kéo dài cả cây số. Sau khi cuộc lễ kết thúc, quảng trường trở lại bầu khí bình lặng như mọi khi. Deschamps tự nhủ mình rằng: “Thế là một ông vua đã qua đi”. Rồi được ơn Chúa kêu gọi, Deschamps đã suy nghĩ nhiều ngày sau đó và cuối cùng đã quyết định như sau: “Tôi không muốn phục vụ cho ông vua sẽ qua đi. Tôi muốn phục vụ ông vua tồn tại mãi mãi là Vua Giêsu”.

Deschamps đã dứt khoát từ bỏ giấc mơ danh vọng chức quyền thế gian như trước đây anh mơ tưởng, để xin gia nhập vào một dòng khổ tu và khoác vào mình chiếc áo tu sĩ. Sau một thời gian tu học, thầy Deschamps đã được thụ phong linh mục, rồi sau đó được tấn phong Giám mục và cuối cùng được phong tước vị Hồng y Giáo chủ, trở thành niên trưởng của hàng Giám mục Bỉ.

2. Làm gì để xây dựng Nước Chúa

Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được trở thành công dân Nước trời, chúng ta được ở trong một Vương quốc: “Vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua). Đức Kitô cai trị trên những ai chấp nhận chân lý Ngài mạc khải cho: tình yêu của Chúa Cha. Ngài làm người để chiếu toả tình yêu ấy, để con người có thể nhận ra và tiếp nhận, và như thế những ai nhận biết vương quốc và vương quyền của Đức Kitô thì thần phục Ngài là Vua vũ trụ muôn đời.

Khi chịu phép Rửa tội, các tín hữu đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Chúa Kitô không còn đi đó đây trên mặt đất, để dạy dỗ và chữa lành dân chúng như Ngài đã từng làm nữa, Ngài chỉ có thể làm được điều đó thông qua thân thể mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta là tay, là chân, là miệng lưỡi, là trái tim của Ngài. Nói khác đi, vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thiết lập khi Ngài còn ở dương trần này sẽ phải được chính chúng ta bổ túc bằng cuộc sống trần gian của chúng ta. Điều cốt yếu là chúng ta phải theo những giá trị mà Tin mừng Chúa đã đề ra: sống theo lương tâm ngay chính, sống hoà thuận, thương yêu, làm những việc lành… Càng có thêm người sống như thế thì Nước Chúa càng mở rộng; và khi nào tất cả loài người biết sống như thế thì Nước Chúa đã trị đến. Và khi đó là thời thái bình, hạnh phúc.

Truyện: Pho tượng Chúa Giêsu Vua

Trên đỉnh ngọn núi Corovado ở Nam Mỹ, người ta đã dựng một pho tượng Chúa Giêsu vua. Ở xa trông lại, du khách trông như pho tượng chạm trời, vì tượng cao hơn 30 mét. Đứng sừng sững, bao quát cả một vùng bát ngát mênh mông, pho tượng đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho kinh thành Rio de Janeiro, thủ đô nước Brazil.

Bạn thử nghĩ biết bao công phu mới dựng được pho tượng ấy! Chuyên chở vật liệu từ chân lên đỉnh núi, sườn núi lởm chởm. Nhưng người ta chưa thoả mãn. Trong không trung đã có tượng Chúa Giêsu Vua, người ta còn muốn dựng một pho tượng ở đáy biển để chứng tỏ vương quyền khắp nơi của Chúa Giêsu.

Tạo hoá hình như cũng chiều lòng người đã dành cho họ một nơi đẹp đẽ để thực hiện ý tưởng cao quý ấy. Ở biển Italia, không xa Napoli, làn nước trong xanh, lăn tăn gợn sóng, chính chỗ đáy biển ấy người ta đã chọn để dựng tượng Chúa Giêsu Vua. Biết bao công lao.

Có những tàu đánh cá nối đuôi nhau ra đó để tung hoa chào mừng Chúa. Còn những tàu ngầm cũng lượn quanh viếng thăm Chúa. Tuy nước trong đẹp nhưng rêu xanh thường rủ nhau đến bám tượng đá. Nên hằng năm người ta phải tổ chức một cuộc cạo rêu và tắm rửa cho tượng. (Lm. Ngọc Miện, Phút chiều tà, 1957, tr 83)

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

VẬY ÔNG LÀ VUA SAO?

Chuyện làm vua của Đức Giêsu đã bắt đầu từ lâu,

từ lời truyền tin của sứ thần cho Đức Mẹ:

“Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít.

Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời,

và Nước của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).

Ngay từ khi được thụ thai, Đức Giêsu đã là Thiên Tử,

là Con Đấng Tối Cao, là Vua của một Nước.

Nhưng Nước đó khác với những gì người ta mong đợi.

Chính vì thế khi dân chúng định bắt Ngài làm vua

sau dấu lạ bánh hóa nhiều,

Đức Giêsu đã rút lui lên núi một mình (Ga 6,15).

Ngài thấy đó không phải là con đường Cha muốn.

Ngài không làm vua theo nghĩa chính trị.

Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối,

dân chúng cầm nhành lá thiên tuế ra đón Ngài tung hô:

“Chúc tụng vua Ítraen!” (Ga 12,13).

Nhưng Vua Giêsu lại không ngồi trên lưng ngựa,

mà hiền từ ngồi trên lưng một con lừa tơ (Ga 12,14).

Ngài biết cái chết kinh khủng đang chờ mình.

Ngài không phải là một vị vua khải hoàn chiến thắng,

nhưng là một tên tội phạm sắp bị xét xử.

Khi Philatô xử án Đức Giêsu,

câu hỏi đầu tiên của ông trong cả bốn Phúc Âm là:

“Ông  có phải là vua người Do-thái không?”

Ba lần Đức Giêsu trả lời một câu như nhau:

“Chính ông nói đó !” (Mt 27,11;  Mc 15,2;  Lc 23,3).

Có vẻ Ngài không minh nhiên nhận mình là vua,

nhưng Ngài cũng không rõ ràng từ chối.

Ngài không muốn Philatô hiểu Ngài là một vị vua,

muốn đứng lên để lật đổ đế quốc Rôma.

Nhưng Ngài vẫn là vua theo nghĩa rất đặc biệt.

Trước mặt Philatô đầy quyền uy,

ba lần Ngài nhắc đến “Nước của Ngài” (Ga 18,36).

Nước ấy có những đặc điểm không giống các nước khác.

Một Nước không thuộc về thế gian này,

không thấy trên bản đồ, nhưng lại chi phối cả thế giới.

Một nước không có binh lính chiến đấu để bảo vệ vua.

Dân của Nước này là những người thuộc về sự thật,

đã lắng nghe tiếng của vị Vua sinh ra và đến thế gian

để làm chứng cho sự thật (Ga 18,37).

Đó là vị Vua đầu đội vương miện bằng gai,

mình khoác áo choàng đỏ tía (Ga 19,5)

được Philatô đưa ra ngoài giới thiệu với dân chúng.

Đó là vị Vua chịu đóng đinh với tấm bảng trên đầu:

“Giêsu Nadarét, vua người Do-thái” (Ga 19,19).

Đức Giêsu đã xây dựng Nước của Ngài một cách lạ lùng,

không có bóng dáng của  vinh quang hay quyền lực,

trái lại, chỉ có những gì thế gian ruồng bỏ khinh chê.

Chúng ta thường cầu xin Cha cho “Nước Cha trị đến.”

Nước Cha với Nước của Vua Giêsu là một.

Khi Nước của Vua Giêsu được cả nhân loại nhận biết

thì Nước Chúa Cha được hiển trị.

Nhưng chỉ cầu xin thì không đủ, còn cần cộng tác nữa.

Người Kitô hữu phải cộng tác với Vua Giêsu

để xây dựng Nước Trời ngay trên mặt đất,

Nước của sự thật và sự sống,

của tình thương, công lý và hòa bình.

Như Thầy Giêsu, chúng ta phải làm chứng cho sự thật,

và chấp nhận mỗi ngày vác thập giá theo chân Thầy.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm

nay đã trở thành cây cao

cho chim trời rủ nhau trú ngụ.

Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột

đã làm bột dậy lên,

để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,

các môn đệ Chúa

không còn là Nhóm Mười Hai bé nhỏ

Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba thế giới.

Chúng con được mời gọi

xây dựng Nước Chúa trên trần gian,

cho đến khi mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm

vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam.

Nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa

Trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con

phải tiếp tục làm việc như Chúa,

gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,

trở nên chất xúc tác

để biến đổi môi trường mình sống.

Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công

vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan