Trong kinh nghiệm mục vụ và ngay cả trong các cuộc nói chuyện hằng ngày, một điều rất phổ biến là sự lo lắng về số phận của người chết chưa được rửa tội. Đề tài này ngày càng trở nên cấp thiết đối với các bậc cha mẹ khi có con nhỏ qua đời vì nhiều lý do khác nhau.
Đây là vấn đề khiến nhiều Kitô hữu lo lắng trong nhiều thế kỷ qua. Nhiều câu trả lời khác nhau dành cho tình huống này, một số đem lại nhiều hy vọng, số khác thì không. Đây là lý do tại sao tôi muốn chia sẻ với mọi người một số luận điểm để làm rõ hơn về thắc mắc trên.
Tôi dựa vào bản tuyên ngôn Dominus Iesus của Công đồng Vatican II, một bài viết khác về Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi của Giuseppe di Rosa được đăng trong tạp chí Civiltá Cattolica và một số tài liệu về niềm hy vọng cứu rỗi dành cho các trẻ em đã qua đời chưa được rửa tội của Ủy ban Thần học Quốc tế. Bây giờ chúng ta bắt đầu một vài nghi vấn.
Có Lâm bô không?
Trong việc phát triển tư tưởng thần học, một số thần học gia đã đưa ra câu trả lời cho số phận của những người chưa được rửa tội bằng cách nói về một nơi tồn tại “bên lề” địa ngục. Đó là một tình trạng trung gian giữa thiên đàng và địa ngục, nơi đó được gọi là “lâm bô”.
Thánh Augustinô là một trong những người khởi xướng học thuyết này. Chúng ta sẽ thấy được lập trường của ngài như thế nào sau này. Câu trả lời trên thiếu đi giá trị qui Kitô [lấy Chúa Kitô làm trung tâm], qua đó suy tư Kitô giáo không cho rằng đó là một tín điều thật sự, nhưng là một tư tưởng thần học được phát triển trong lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên, tư tưởng này mâu thuẫn với mong muốn vô hạn mà Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta, là muốn cứu rỗi toàn thể loài người, và đây là lý do để Chúa Kitô chết trên thập giá. Theo nghĩa này, lý luận trên thiếu nền tảng về mạc khải thiêng liêng.
Thánh Augustinô đã nói gì về âm phủ?
Đây là lập trường dứt khoát của thánh Agustinô được xem như câu trả lời cho lạc thuyết Pelagius, cho rằng các trẻ em chưa được rửa tội cũng được nếm hưởng cuộc sống vĩnh cửu nhưng không phải là Nước Chúa. Thánh Augustinô đã tuyên bố rằng trẻ em chưa được rửa tội vào cõi âm ti sau khi chết, nhưng ở đó chúng phải chịu một hình phạt hết sức nhẹ nhàng, nhẹ hơn các loại hình phạt khác.
Các nhà thần học thế kỷ XI và XII, Abelardo và Lombardo, đã giải thích rằng hình phạt cực kỳ nhẹ này không gì khác hơn là khiếm khuyết phúc kiến, hay còn gọi là thị kiến đầy đủ về Thiên Chúa. Đối với các vị như Duns Scot và Thánh Tôma thì cho rằng những đứa trẻ chưa được rửa tội không chịu đau khổ vì khiếm khuyết thị kiến về Thiên Chúa, bởi vì thị kiến này được nhận biết nhờ đức tin và được lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội. Do đó chúng không chịu đau khổ vì thiếu vắng những điều chúng chưa nhận biết.
Câu trả lời trên là một ý kiến thần học, không phải tín điều.
Công đồng Vatican II đã nói gì về chủ đề này?
Công đồng không nói trực tiếp về chủ đề này, nhưng đưa ra một số ý tưởng liên quan đến những thắc mắc nói trên, là điều khiến các Kitô hữu lo lắng và ưu tư mỗi ngày.
Giáo lý của Giáo hội trong Công đồng nhắc nhở chúng ta về ý muốn cứu độ phổ quát của của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, đây là lý do tại sao Chúa Kitô đã nhập thể, chết và sống lại, qua đó mang lại tia hy vọng để rồi chúng ta có thể nói về ơn cứu rỗi và thị kiến đầy đủ về Thiên Chúa dành cho các trẻ em đã qua đời chưa được lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Khác với những người đi trước, câu trả lời này hoàn toàn qui Kitô. Niềm tin Kitô giáo, đặt nền tảng trên huấn quyền của Công đồng Vatican II, cho nên ta có thể hy vọng vào ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em không mắc phải những tội cá nhân có thể được đón nhận phúc kiến đầy đủ về Thiên Chúa.
Những lý do để chúng ta hy vọng là gì?
Chúng ta bắt đầu bằng cách lưu ý đến hy vọng Kitô giáo là hy vọng chống lại mọi hy vọng, tức là một niềm hy vọng vượt qua cả những gì không thể. Mặt khác, chúng ta phải hiểu rõ rằng cho dù Giáo hội là mẹ và là thầy đã dạy chúng ta biết rằng qua Bí tích Rửa tội, chúng ta nhận được đức tin và ơn cứu rỗi, nhưng chúng ta phải nhớ một điều hành động thương xót của Thiên Chúa thì vô biên.
Vì thế Thiên Chúa có thể ban ơn sủng Bí tích ngay cả khi nó chưa được thi hành dưới cấp độ bí tích, và ân sủng đó đi vào trong sự cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho con người. Hiến chế Lumen Gentium trong số 16 đã nói rất rõ, kế hoạch cứu độ đã bao trùm toàn thể nhân loại mà không phân biệt.
Hiểu thế nào về Rửa tội bằng máu và Rửa tội bằng ước muốn?
Giáo hội công nhận Bí tích Rửa tội bằng máu và cả bằng ước muốn, được ban cho người chết vì tử đạo hay vì đau bệnh bất ngờ. Chúng ta hãy nghĩ về những người vô tội chết trong lòng mẹ, cũng như các vị tử đạo vì rao giảng về sự sống trong xã hội hiện nay, một xã hội ngập ngụa trong nền văn hóa sự chết, họ là những người lãnh Bí tích Rửa tội bằng máu qua sự kết hiệp với đau khổ của Chúa Kitô và qua Ngài họ nhận được ơn làm nghĩa tử.
Bất cứ ai qua đời đột ngột hoặc vì một lý do nào đó không có cơ hội lãnh nhận bí tích, nhưng có ước muốn được rửa tội, thì họ nhận Bí tích Rửa tội vì lòng khát khao và điều đó khiến họ trở thành chi thể của Giáo hội, người thừa kế Nước Trời.
Niềm hy vọng đối với những kẻ chết chưa được rửa tội?
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ một loạt các lý do đối với niềm hy vọng cứu rỗi cho những đứa trẻ qua đời mà chưa được rửa tội:
– Chúng ta hãy nhớ rằng, ơn cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, không phân biệt.
– Chúa Kitô đã chết cho mọi người, mọi nơi và mọi thời đại.
– Đối với Chúa không gì là không thể, việc ban ân sủng bí tích cho người chưa lãnh nhận các bí tích qua các cử hành là điều có thể xảy ra.
– Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi trong mọi khoảnh khắc và mọi hoàn cảnh.
– Các trẻ em chịu đau khổ được kết hiệp với sự đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá, và vì thế chúng trở nên một với Ngài trên Nước Trời.
– Tất cả các nạn nhân vì bạo lực, cách riêng trong trường hợp bị bách hại, họ lãnh nhận Bí tích bằng máu.
– Giáo hội, qua việc cử hành Thánh Thể khắp nơi trên thế giới, luôn cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, cho những người túng thiếu và cầu xin ơn cứu độ cho toàn thể loài người.
Một chút suy tư
Tôi muốn nêu ra một phần rất quan trọng về tài liệu niềm hy vọng cứu rỗi dành cho các trẻ em đã qua đời chưa được rửa tội mà chúng ta đã đề cập ban đầu:
“Sau những suy tư thần học về ơn cứu rỗi dành cho các trẻ em chết chưa được rửa tội, Giáo hội tôn trọng thứ bậc của chân lý và vì thế bắt đầu bằng việc tái khẳng định cách rõ ràng tính ưu việt của Chúa Kitô và ơn sủng của Ngài, có ưu thế trên cả Ađam và tội lỗi.
Chúa Kitô, trong cuộc sống dành cho chúng ta và trong quyền năng cứu chuộc bằng hy tế của Ngài, đã chết và sống lại cho tất cả mọi người. Trọn vẹn cuộc sống và giáo huấn của Chúa đã mạc khải cho chúng ta về tình phụ tử của Thiên Chúa và tình yêu phổ quát của Ngài. Nếu sự cần thiết của Bí tích Rửa tội thuộc về đức tin thì truyền thống và các văn kiện thuộc Huấn quyền đã tái khẳng định sự cần thiết đó thay vì phải được giải thích.
Thực ra ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa không chống lại sự cần thiết của Bí tích Rửa tội, nhưng thực sự trẻ em cũng không có bất kỳ trở ngại cá nhân nào đối với hành động của ơn sủng cứu rỗi. Mặt khác, Bí tích rửa tội ban cho các em, không có tội cá nhân, không chỉ để giải phóng chúng khỏi tội nguyên tổ mà còn để đưa chúng gia nhập vào cộng đoàn cứu rỗi là Giáo hội, nhờ đó chúng được hiệp thông với cái chết và phục sinh của Chúa Kitô (x. Rm 6, 1-7).
Ơn sủng thì hoàn toàn nhưng không, vì nó luôn là ơn thuần khiết của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trầm luân là xứng đáng, bởi vì đó là hậu quả của sự lựa chọn tự do của con người. Trẻ em chết sau khi được rửa tội được cứu nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ lời chuyển cầu của Giáo hội, cho dù có hay không có sự hợp tác của các em. Chúng ta có thể tự hỏi một đứa trẻ qua đời chưa được Rửa tội, nhưng Giáo hội qua lời cầu nguyện của mình bày tỏ ước muốn cứu rỗi, liệu có thể bị tước mất phúc kiến về Thiên Chúa ngay cả khi không có sự cộng tác của đứa trẻ đó không?”
Tôi hy vọng bài viết này đem lại cho quí vị niềm hy vọng và qua đó bạn có thể chia sẻ với những ai đang đau khổ vì vấn đề này. Chúng ta đừng quên rằng đối với Chúa không có gì là không thể, và Ngài không bao giờ bủn xỉn lòng thương xót dành cho những đứa con yêu dấu của Ngài.
Tác giả : Mauricio Montoya/Aleteia
Võ Tá Hoàngchuyển ngữ
WGPVL