Thông Tin

Hiện thực địa chính trị của lòng thương xót – Bài diễn văn tân niên của Đức Giáo hoàng Phanxicô với các ngoại giao đoàn

Vatican Insider: Năm Thánh Lòng thương xót của Đức Phanxicô cũng mang mục tiêu địa chính trị nữa. Giáo hội mở Năm Toàn xá như là một thời gian thuận tiện để xoa dịu xung đột, ngăn chặn tai ương chiến tranh, và chung tay xử lý các vấn đề cấp bách toàn cầu. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có một mô tả cụ thể và trực tiếp về dịp này, trong bài diễn văn tân niên truyền thống với các ngoại giao đoàn ở Tòa Thánh.

Trong bài diễn văn, ngài nhắc lại “sự sẵn sàng tuyệt đối của Phủ Quốc vụ khanh trong việc hợp tác với anh chị em, trong đối thoại không ngừng giữa Tòa Thánh với các quốc gia mà anh chị em đại diện”. Đồng thời ngài nêu bật rằng: “Tôi tin chắc rằng năm Toàn xá này sẽ là một dịp để thắng vượt các lãnh đạm lạnh lùng của nhiều tâm hồn bằng hơi nồng ấm của lòng thương xót, ơn quý báu từ Thiên Chúa biến sợ hãi thành yêu thương, và cho chúng ta thành những nghệ nhân của hòa bình.”
Trong Tông sắc Năm Thánh Lòng thương xót Misericordiae Vultus, Đức Phanxicô đã làm rõ rằng ngài mong biến Năm Thánh thành một “thời gian thuận tiện” không chỉ dành riêng cho các tín hữu Công giáo sống đạo, nhưng còn là một dịp hòa giải cho những người không thuộc Kitô giáo nữa, bắt đầu với người Do Thái và Hồi giáo. Một thời gian không loại trừ khả năng đưa các động lực của Năm Thánh vào để giải quyết các cuộc xung đột, hòa giải các thù địch ngay từ đầu, tìm kiếm các giải pháp cho những xung đột và khủng hoảng quốc tế đang giày vò các quốc gia và con người.
Các lợi ích của Năm Thánh là cho tất cả mọi người, không giấu ai bất kỳ điều gì. Đức Giáo hoàng Phanxicô không cố gắng để bảo vệ nền văn minh này kia. Ngài nhấn mạnh rằng hành động của Tòa Thánh trên trường quốc tế, là nhắm đến phúc lợi của tòan thể gia đình nhân loại. Do đó, Tòa Thánh không cần phải lập các liên minh đặc quyền hay đối tác riêng với các thực thể địa chính trị nổi bật.
Giáo hội không tìm kiếm sự chống lưng từ các nhân vật có thế giá và sự ủng hộ địa chính trị, và không theo đuổi bất kỳ kế hoạch nào để đòi quyền lợi cho mình. Do đó, Giáo hội không bận tâm về việc tranh chấp với các cường quyền thế tục, hay lập các mạn lưới liên minh ưu quyền với họ. Như Quốc vụ khanh Pietro Parolin từng nói: Ngoại giao Vatican có nhiệm vụ xây các nhịp cầu để thăng tiến đối thoại và dùng đàm phán như là phương tiện để giải quyết các xung đột, lan tỏa tình thân ái, đấu tranh chống đói nghèo và xây dựng hòa bình. Đức Giáo hoàng không có “lợi ích” hay “chiến lược” gì, và những người đại diện cho ngài ở hải ngoại cũng vậy.
Giải phóng khỏi các mục tiêu và hàng ngũ địa chính trị thiết lập sẵn, cho phép lãnh đạo của Giáo hội linh động và hiệu lực hơn trong nhận thức về các sự kiện thế giới. Nhãn quan phúc âm hóa và quy chiếu về lòng thương xót thúc đẩy một nhận thức hiện thực về các tình hình và vấn đề trên thế giới. Nhãn quan phúc âm hóa này giúp tránh được chủ nghĩa tuân thủ trong quá khứ, hay các hệ tư tưởng phục vụ cường quyền, các chủ nghĩa lý tưởng không tưởng và chủ nghĩa cầu toàn tân khắc nghiệt.
Khi đưa ra từng chất vấn trong bài diễn văn của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho các ngoại giao đoàn thấy các suy tư tận căn không khuôn sáo và rào cản cố hữu, cũng như đem lại những gợi ý về cách để tìm kiếm các giải pháp cụ thể.
child-800x500Trong bài diễn văn tập trung vào ‘tình trạng khẩn cấp của vấn đề di dân,’ Đức Phanxicô nhìn nhận di dân là một phần trong lịch sử cứu độ, cũng như là một phần lịch sử thế giới, từ cuộc xuất hành của ông Abraham đến cuộc lưu đày của dân được chọn đến Babylon, cho đến cuộc trốn chạy của Đức Mẹ và thánh Giuse để cứu mạng Chúa Giêsu.
Đức Giáo hoàng nhận định, các bi kịch hiện thời, từ các vụ thanh trừng sắc tộc-tôn giáo , cho đến những vụ chết chìm trên biển, đều không tách khỏi ‘ các vấn đề liên quan đến buôn bán vũ khí, đầu cơ nguyên liệu thô và năng lượng, đầu tư, các chính sách tài chính và phát triển bền vững, và nay cả tai ương tham nhũng nặng nề.’
Một lần nữa, Đức Giáo hoàng chỉ ra ‘văn hóa thải loại’ đang thắng thế như là gốc rễ của đau khổ chung trên toàn cầu của những người chạy trốn chiến tranh và các bi kịch nhân đạo. Một nền văn hóa xem con người như là những món đồ vứt đi, ‘đặc biệt là khi người đó nghèo, hay khuyết tật, hay chưa có giá trị sử dụng như các trẻ bé chưa sinh, hay không còn cần nữa như người già.’
Về chủ đề nhập cư, Đức Phanxicô nhắc lại ‘cần có các kế hoạch trung hạn vài dài hạn, không chỉ giới hạn trong các phản ứng cấp thời, như thế cần có hỗ trợ hữu hiệu để hòa nhập di dân vào trong cộng đồng ở các nước tiếp nhận, cùng lúc thúc đẩy sự phát triển cho các quốc gia quê hương của họ bằng các chính sách xuất phát từ tình tương thân tương ái chứ đừng gắn việc hỗ trợ với các chiến lược hệ tư tưởng và lập liên minh, hay đi ngược lại nền văn hóa của những người bản địa.’
Về khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, Đức Giáo hoàng rất thực tế, nhấn mạnh rằng làn sóng di dân hiện thời dường như ‘xói mòn các nền tảng tinh thần nhân đạo mà châu Âu luôn yêu mến và bảo vệ’ và cần có ‘sự cân bằng đúng đắn giữa trách nhiệm đạo đức là bảo vệ quyền của các công dân nước mình với việc bảo đảm hỗ trợ và đón nhận người di dân.’ Ngài hối thúc đừng để các quốc gia châu Âu đang chịu nhiều gánh nặng từ vấn đề này, như nước Ý, phải đơn độc. Ngài cũng nhắc lại rằng tình trạng khẩn cấp bất dung nhất đối với di dân là ở Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Về nước Ý, Đức Giáo hoàng hi vọng ‘trong ánh sáng của truyền thống lâu đời, quốc gia này chứng minh được khả năng đón nhận và hòa nhập các đóng góp về xã hội, kinh tế, và văn hóa mà người di dân có thể đem lại.’
Một thánh giá nằm trên cặp xách của một Kitô hữu IrắcVề các bận tâm xã hội và ‘văn hóa’ quanh hiện tượng nhập cư, bao gồm các bận tâm về tôn giáo, Đức Phanxicô nhắc lại rằng ‘chỉ có một dạng tôn giáo theo kiểu hệ tư tưởng méo mó mới nghĩ rằng thực thi công lý nhân danh Đấng Toàn Năng là tàn sát vô vạ những con người không thể tự vệ.’ Giám mục thành Roma khẳng định rằng chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chính thống cực đoan sẽ sinh sôi nếu gặp mảnh đất không có lý tưởng và bị mất căn tính, bao gồm căn tính tôn giáo. Cùng lúc đó, nhắc đến chứng sợ Hồi giáo, Đức Giáo hoàng cũng chi ra rằng các phản ứng ‘kỳ thị căn tính’ là một triệu chứng đáng lo của tình trạng thiếu vắng lý tưởng và căn tính, một kiểu phản ứng khiến chúng ta xem người khác như là mối đe dọa và đối thủ, dẫn đến tâm thức khép kín và bảo vệ cứng ngắc các khái niệm định kiến.
Ngược lại, việc đón nhận di dân, có thể chứng tỏ cho thấy một dịp tốt để thông hiểu và mở rộng tầm mắt, đối với những người được tiếp nhận, những người cần có trách nhiệm tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật pháp của của cộng đồng mới, và cả đối với những người tiếp nhận, cần phải nhìn nhận sự đóng góp có lợi mà mỗi người nhập cư có thể đem lại cho toàn thể cộng đồng.
Nói đến đau khổ của các Kitô hữu đang chịu bách hại trong hiện tượng di dân hiện thời, Đức Giáo hoàng tránh nhấn mạnh đến ‘chủ nghĩa bách hại’ vốn có thể thổi bùng các luận thuyết về sự va chạm giữa các nền văn minh, và cũng hạn chế tách rời đau khổ của Kitô hữu với đau khổ của những người khác. Vài ngày trước, thượng phụ Tawadros II của người Cốp ,đã nhắc lại rằng chủ nghĩa khủng bố ‘không phân biệt’ KItô hữu hay người Hồi giáo.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng cùng chung thái độ đối với việc giải quyết xung đột bằng đàm phán đa phương, chẳng hạn như với khủng hoảng hạt nhân Iran, xung đột ở Libya, và bước tiến của cộng đồng quốc tế để có giải pháp ngoại giao và chính trị cho cuộc nội chiến nồi da xáo thịt ở Syria. Đức Phanxicô cũng cầu nguyện ‘cho năm mới này có thể chữa lành các vết thương sâu đang chia rẽ người Israel và Palestine, và cho hai dân tộc được chung sống hòa bình.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

You may also like