Kinh Truyền Tin

Kinh Truyền Tin 14-06-2020: Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Kinh Truyền Tin 14-06-2020: Không thể tham dự Thánh Thể mà không sống tình huynh đệ chân thành

Vatican News – Trưa Chúa nhật 14/06, vào lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha giải thích về hai công hiệu của bí tích Thánh Thể như được thánh Phaolô nói đến trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp thông với anh chị em.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tại Ý và các nước khác, cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Corpus Domini. Trong bài đọc thứ hai của Thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô miêu tả việc cử hành Thánh Thể (x. 1Cr 10,16-17). Thánh nhân nhấn mạnh đến hai hiệu quả của chén được chia sẻ và bánh được bẻ ra: hiệu quả mầu nhiệm và hiệu quả hiệp thông.

Hiệu quả mầu nhiệm

Đức Thánh Cha giải thích về hiệu quả thứ nhất: Ngay từ đầu, thánh tông đồ đã khẳng định: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (c.16). Những lời này diễn tả hiệu quả mầu nhiệm hay có thể nói là hiệu quả thiêng liêng của Thánh Thể: nó liên quan đến sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng trong bánh và rượu, tự hiến mình để cứu độ tất cả. Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể để trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta, để được đồng hóa và trở thành sức mạnh canh tân trong chúng ta; sức mạnh đó mang lại năng lượng và mong muốn được bắt đầu lại hành trình, sau mỗi lần dừng lại hoặc vấp ngã. Nhưng điều này đòi hỏi sự đồng ý chúng ta, sự sẵn lòng để mình được biến đổi, cách suy nghĩ và hành động của chúng ta; nếu không, các cử hành Thánh Thể mà chúng ta tham dự sẽ chỉ còn là các nghi thức trống rỗng và hình thức.

Hiệu quả hiệp thông

Đức Thánh Cha tiếp tục bài huấn dụ: Hiệu quả thứ hai là hiệu quả cộng đồng và được thánh Phaolô diễn tả bằng những lời này: “Vì chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta, tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể” (c. 17). Đây là sự hiệp thông giữa những người tham dự Thánh lễ, đến mức họ trở thành một thân thể duy nhất, giống như tấm bánh duy nhất được bẻ ra và được phân phát. Hiệp thông vào thân mình của Chúa Kitô là một dấu hiệu hữu hiệu của sự hiệp nhất, hiệp thông, chia sẻ. Chúng ta không thể tham dự vào Bí tích Thánh Thể mà không dấn thân vào tình huynh đệ chân thành. Nhưng Chúa biết rõ rằng chỉ duy sức con người của chúng ta thì không đủ để thực hiện việc này. Thật vậy, Chúa biết rằng các môn đệ của Người sẽ luôn bị cám dỗ bởi sự ganh đua, đố kị, định kiến, chia rẽ … Đây cũng là lý do Chúa để lại cho chúng ta Bí tích của sự Hiện diện thực sự, cụ thể và vĩnh viễn của Người, để khi hợp nhất với Chúa, chúng ta luôn luôn có thể nhận được món quà của tình huynh đệ. Chúa đã nói với những người bạn của mình: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9); điều này có thể thực hiện được nhờ Bí tích Thánh Thể.

Thánh Thể làm nên Giáo hội

Hiệu quả kép này của Bí tích Thánh Thể: kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp thông giữa những người được nuôi dưỡng bởi Chúa liên tục tạo nên và canh tân cộng đồng Kitô giáo. Giáo hội làm nên Thánh Thể, nhưng điều cơ bản hơn là Thánh Thể làm nên Giáo hội, và cho phép nó trở thành sứ mạng của mình, ngay cả trước khi hoàn thành nó. Đây là mầu nhiệm của hiệp thông, của Thánh Thể: đón nhận Chúa Giêsu để Chúa biến đổi chúng ta từ nội tâm và đón nhận Chúa Giêsu để Người làm cho chúng ta trở nên hiệp nhất chứ không chia rẽ.

Đức Thánh Cha cầu xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta luôn đón nhận cách ngạc nhiên và với lòng biết ơn món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi để lại Bí tích Mình và Máu của Người. 

Nguồn: Hồng Thủy – vaticannews.va/vi

 

Bài viết liên quan