Suy Niệm Hằng Ngày

Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá, lễ kính

BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân số.

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38

Đáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng:

1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa. – Đáp.

2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rÄng Thiên Chúa là Đá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ. – Đáp.

3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Đối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người. – Đáp.

4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 3, 13-17

13Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thập giá là biểu tượng của thất bại và sự chết. Nhưng khi được giương cao trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: Thập giá trở thành vinh quang của Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho loài người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhìn lên thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá: Thập giá đồng nghĩa với tình yêu, đường tình yêu cũng là đường thánh giá.

Lạy Chúa, thập giá đời con có thể là những giờ phút tâm hồn khô khan chán chường. Thập giá đời con có thể là bổn phận nặng nề vất vả. Thập giá đời con có thể là sức khỏe suy nhược, công việc thất bại. Thập giá đời con có thể là những người trong cùng một mái gia đình: vợ, chồng, cha mẹ, con cái trở thành gánh nặng cho nhau. Thập giá là đau khổ muôn hình vạn trạng.

Lạy Chúa, con không chối từ những thập giá ấy, nhưng vui lòng chấp nhận, vì con tin rằng: con đường thập giá không phải là đường cùng, nhưng hướng mở tới một chân trời mới. Thập giá nặng nề và vướng mắc chông gai, nhưng thập giá luôn loan báo một cuộc đổi mới. Chúa đã dẫn con đến sự sống, nhưng bắt đầu khởi hành từ thập giá. Xin Chúa gắn chặt thập giá đời con vào thánh giá Chúa, để con biết yêu mến thánh giá Chúa trong đời thường. Xin Chúa giúp con luôn tin tưởng nơi thánh giá Chúa, và xin giúp con can đảm nhận lấy những thánh giá trong cuộc đời. Xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu nhiều hơn nữa để con đủ sức vác thánh giá đến cuối đường con đã chọn, vì thánh giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người phải bị treo lên”.

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ thứ 17 đó là bức tranh “Ba thập giá.” Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một:

Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ. Biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá. Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Lễ Suy tôn Thánh giá (Ga 3,13-17)

  1. Lòng mến mộ và tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Kitô Giáo. Cụ thể, khi đề cập đến Giáo hội từ thời sơ khởi, vào thế kỷ đầu của ngàn năm thứ nhất, nhiều chuyên gia về giáo sử, đặc biệt như Giáo phụ Tertuliano, đều cho biết: “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, người Kitô hữu đều làm dấu Thánh Giá”. Thậm chí người Kitô hữu có thói quen làm dấu Thánh Giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Nhưng, phải đến thế kỷ thứ 4 trở đi mới có ngày lễ dành để tôn vinh Thánh Giá.
  2. Đầu tiên, khi tìm được di tích Thánh Giá vào năm 326, bà Helena cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại Mộ Thánh ở Thánh Địa. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Giêrusalem vào hai ngày 13 và 14 tháng 9 để mừng Đền thờ Calvario và Mộ Thánh. Năm 335, ngày 14 tháng 9 cũng mừng kính ngày tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326. Vì gỗ Thánh Giá thực rất quý, nên được phân ra nhiều phần rất nhỏ, chia cho các Giáo hội tại mỗi nơi. Thành Constantinopoli được phần Gỗ Thánh lớn hơn và phần còn lại được lưu niệm tại Giêrusalem. Từ đó, ở Giêrusalem lễ tìm được Thánh Giá mừng kính trọng thể vào ngày 14 tháng 9.
  3. Tiếp đến, Lễ Suy Tôn Thánh Giá được thiết lập tại Giêrusalem vào 14/9/629 như chứng tích sau:

Thế kỷ thứ 6, khi giặc giã nổi lên, vua Ba Tư Khosroès 1 (531–579), đem quân đến Cận Đông và đánh thắng quân của đế quốc Roma ở Phương Đông, chiếm đóng và tàn phá Thánh Địa, rồi cướp luôn cả Thánh Giá thực ở Giêrusalem. May thay, lúc ấy có ông Heraclius (575–641), vị tướng tài giỏi mới 35 tuổi, con của tổng trấn thành Carthage, đã lật đổ bạo chúa Phocas, rồi lên nắm quyền ở Constantinopoli ngày 3/10/610, và làm hoàng đế Byzantin, lấy hiệu là vua Heraclius 1 (610–641). Ông đã anh dũng điều khiển trận đánh và chiến thắng đầu tiên ngày 12/12/627. Ông rượt đuổi vua Khosroès 1 đến Ctésiphon, và tại đây, con trai của Khosroès là Siroes Shirva đã giết cha và giao nộp Thánh Giá thực lại cho vua Heraclius 1.

  1. Năm 629, Thánh Giá được kiệu về Constantinopoli, rồi từ đó rước khải hoàn về Giêrusalem. Vua Heraclius muốn vác Thập Giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và đội mũ hoàng đế. Nhưng khi vác Thánh Giá lên vai, ông thấy quá nặng. Tức thì, Đức Zacharias, Giáo chủ Giêrusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng, vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác Thập Giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô”.

Nhà vua nghe theo lời Đức Giáo chủ, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì gỗ Thập Giá trở nên nhẹ nhàng và Heraclius 1 vác Thập giá gỗ vào đền thờ. Với gỗ Thập Giá Thánh, Thiên Chúa còn ban nhiều phép lạ, trong số có một người chết được sống lại; bốn người bất toại được lành bệnh; mười người phong cùi được trở nên sạch sẽ, bình phục; mười lăm người mù được sáng mắt; vô số người bị quỷ ám được giải thoát…” (Theo nghiên cứu của Abbé L. Jaud, Vie des Saints, 1950)

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trong truyền thuyết Hy Lạp cổ xưa, thần chữa bệnh có tên là Asklepios được biểu trưng bằng con rắn, chính vì lý do này, ngày nay hình con rắn được dùng để làm biểu tượng cho ngành Dược và ngành Y là những ngành khoa học nghiên cứu và chữa trị con người thoát khỏi bệnh tật.

Hơn nữa, con rắn đồng được giương cao trong Kinh Thánh mang ý nghĩa: Thiên Chúa cứu độ con người.

Ý nghĩa cứu độ được bắt đầu bằng những biến cố của dân Chúa khi thoát khỏi Ai Cập, thoát khỏi ách nô lệ đi vào đời tự do. Chính trong sự tự do suốt bốn mươi năm ròng rã nơi hoang địa, họ gặp nhiều thử thách tranh đấu. Bị thử thách, họ đã oán trách Thiên Chúa, vì thế cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc trong sa mạc cắn chết nhiều người. Dân Chúa biết tội và nhìn nhận tội lỗi của mình. Chúa đã đoái thương nỗi thống khổ của họ. Người truyền cho Môisê làm một con rắn bằng đồng, treo lên cây, để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu (x. Ds 21,4-9).

Suy niệm

“Xưa Môisê treo con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, hầu cho mọi kẻ tin kính Ngài khỏi hư đi nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Sự giương cao của con Thiên Chúa qua cái chết trên thập tự để toàn thể nhân loại nhìn vào với niềm tin thì sẽ được cứu độ. Thật thế, nhân loại trải qua dòng lịch sử, cũng bất trung, nổi loạn khi sống song hành với bóng tối, từ lúc nguyên tổ khước từ quyền sống trong sự bao bọc tình yêu của Thiên Chúa khi nghe theo sự nổi loạn của Satan. Thiên Chúa không bỏ rơi con người, tình thương của Ngài hứa cứu độ và ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Giêsu.

Con người giương cao chính là Con Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa hứa ban cho thế gian. Con Một của Ngài đến, không phải để lên án, nhưng dẫn nhân loại đến đời sống vĩnh cửu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa cho nhân loại, chính tình yêu này là căn bản của công trình cứu độ xuất phát từ cung lòng Ngài, cung lòng tình yêu luôn trao ban dù rằng con người đã bất trung.

Con Một của Thiên Chúa – Đức Kitô chết giương cao để cho con người được cứu chuộc và được sống. Thánh Phaolô luôn ghi tạc trong tâm khảm đức tin hình ảnh Con Thiên Chúa giương cao trên thập giá: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài một Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2), để rồi sự sống của Thiên Chúa tỏ hiện trong cuộc sống của vị tông đồ dân ngoại: “Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).

Nhân loại muốn đạt được ơn cứu độ phải đi theo con đường tin vào thập giá, nơi giương cao Đức Giêsu – Con Thiên Chúa: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18). Tin tưởng vào Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài dành cho qua cái chết của con Ngài trên thập tự, nhân loại sẽ được cứu rỗi.

Cuộc sống hàng ngày vốn bị chi phối bởi tội lỗi, bởi bóng tối của sự dữ. Chúng ta ngước nhìn lên Đức Kitô bị treo trên thánh giá. Ngài chiếu tỏa xua đuổi bóng tối trong cuộc đời chúng ta, đi theo ánh sáng của niềm tin vào Đấng được giương cao, như chính Đức Giêsu đã nói: “Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: Các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).

Mong sao mỗi người chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh từ thập giá khi ngước mắt nhìn với niềm tin: Đức Giêsu được “giương cao trên thập giá”, và cũng được “đưa lên” ngự bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32-34). Người tin và đi trên đường của Ngài, cũng sẽ được như Ngài, vì lời Ngài hứa: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32),

Ý lực sống

“Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan