Mục Vụ Giới Trẻ- Thiếu Nhi

Phân định và hành động theo DOCAT

“Người trẻ đang gặp những khó khăn khiến họ khó thực hiện các lựa chọn thực sự trong đời”. Đây là nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng làm cơ sở tham khảo trong cuộc trao đổi của các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục 15.

Dựa trên cơ sở này và trên Giáo huấn xã hội của Giáo hội, xin đưa ra một tiến trình sinh hoạt Mục vụ Giới trẻ tại giáo xứ là: Nhận biết – Sáng tỏ – Lựa chọn – Hành động.

1. Nhận biết

“Nhận biết” về những thách thức mà người trẻ đang gặp, về những nhu cầu của người trẻ, về diễn biến của cuộc sống quanh họ, cũng như về những gì mà người trẻ lãnh nhận qua việc lắng nghe và học hỏi ảnh hưởng đến đời sống nội tâm, cụ thể là “những ham muốn, cảm nhận và cảm xúc” (Amoris laetitia, 143), và những biểu hiện đa dạng của họ: nỗi buồn, niềm vui, sợ hãi hay bình an, thất vọng hay hy vọng, dịu dàng hay tức giận, thỏa mãn, thờ ơ hay một cảm giác trống rỗng nào đó,… Nếu không có sự minh định rõ ràng để hành động và thời gian để trải nghiệm nó có thể gây nên một sự đấu tranh nội tâm thực sự.

Nhiều nơi đã làm được điều này qua các hình thức quy tụ người trẻ trong những ngày đại hội giới trẻ, qua các buổi thảo luận chuyên đề, Cà phê Tin Mừng,… Nơi đây người trẻ có thể bày tỏ cảm xúc, có dịp gào thét để diễn tả nhu cầu…

Ở giai đoạn này, Lời Chúa có tầm quan trọng rất lớn. Các giai đoạn “nhận biết” tập trung vào khả năng lắng nghe cũng như cảm nhận và cảm xúc của một người, mà không tránh được những nỗ lực gian nan của sự im lặng, một bước quan trọng trong sự phát triển cá nhân, đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi đang trải qua những áp lực lớn hơn với cường độ của những ham muốn khác nhau.

Vì thế những hoạt động náo nhiệt bên ngoài trong các hoạt động nói trên không thể không đặt nền trên Lời Chúa, với sự chú ý tạo những khoảng lặng cần thiết trong khi biên tập chương trình.

2. Làm sáng tỏ

Bước tiếp theo là “làm sáng tỏ”, là thấu hiểu những thông điệp mà Thần Khí linh hướng nơi mỗi người trẻ. Thông thường, một người sẽ dừng lại để hồi tưởng về một trải nghiệm đã qua. Vấn đề ở đây là cần tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của những ham muốn và cảm xúc mà con người đã trải nghiệm. Từ đó xác minh xem liệu chúng có được dẫn dắt theo chiều hướng có ảnh hưởng tích cực hay là tiêu cực đến bản thân.

Vì thế, sau một sự kiện, không chỉ là lượng giá về quy mô tổ chức, đông hay ít, được “like” nhiều hay không, mà còn cần giúp người trẻ tìm hiểu về ý nghĩa của cảm xúc đang đánh động tâm hồn. Sự hiện diện của người đồng hành rất cần thiết trong lúc này, lúc mà cảnh náo nhiệt của lễ hội cần nhường bước cho việc “làm sáng tỏ” qua đối thoại với nhau và với Chúa, qua khoá huấn luyện nội tâm, qua buổi chia sẻ thân tình,… sẽ là sự thiếu khôn ngoan khi người trẻ khước từ những món quà quý giá này.

Giai đoạn làm sáng tỏ này rất nhạy cảm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, cảnh giác và thậm chí là cần có một sự hiểu biết nhất định. Việc “làm sáng tỏ” những mong ước và những cảm xúc bên trong cần một sự đối chiếu chân thành, dưới ánh sáng của Lời Chúa, với những đòi hỏi đạo đức trong đời sống Kitô hữu, để tìm cách áp dụng chúng nơi những hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người đang kinh nghiệm.

3. Lựa chọn

Bước tiếp theo trong việc đưa ra một quyết định là một hành động theo tự do đích thực của con người có trách nhiệm với chính mình, và phải luôn liên kết với một hoàn cảnh sống cụ thể trong giới hạn cho phép. Một quyết định cần phải được chứng minh bằng thực tế để xem đó có phải là một quyết định đúng hay không. Một sự lựa chọn không thể bị giữ kín ở bên trong như thể nó là một ảo tưởng hoặc một điều gì đó không thực tế – vốn là một mối nguy hiểm chính yếu của nền văn hóa ngày nay – nhưng được mời gọi để biến thành hành động, tạo nên sự biến đổi, dấn thân vào cuộc hành trình, chấp nhận đương đầu với những rủi ro tác động mạnh mẽ đến những ước muốn và cảm xúc ban đầu. Để từ đó, những khát vọng và cảm xúc mới sẽ phát sinh.

Giai đoạn này, người đồng hành từng bước đưa ra lời mời gọi để người trẻ đáp lại. Có thể mời phụ giúp công việc, tình nguyện cho một chương trình từ thiện, hay cam kết phục vụ cho cộng đồng, tham gia một khoá học, một kỳ tĩnh tâm… Thậm chí có thể là một đề nghị mạnh mẽ đòi thay đổi một lối sống.

4. Docat

“Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn tặng chúng ta một món quà, để ta không còn ngừng lại ở kiến thức và cầu nguyện mà chuyển sang hành động”[1].

Bước tiếp theo của phân định là hành động.

“Nhận biết” và “Làm sáng tỏ” sẽ cho phép ta nhận ra đâu là quyết định đúng đắn hay thích đáng. “Bước ra bên ngoài” là hành động rất quan trọng, dù cho nỗi sợ mắc phải sai lầm đã được tiên liệu, có thể làm cho người trẻ “nản chí anh hùng”.

Hành động theo Docat là hành động dựa trên 4 nguyên tắc: Công ích, nhân phẩm, liên đới, bổ trợ . Hành động theo Docat hướng người trẻ rèn luyện bản thân theo 4 giá trị: Tình yêu, chân thật, công bằng, tự do. Từ đó, người trẻ được mời gọi dấn thân biến đổi chính mình, hoàn cảnh sống quanh mình, gia đình mình, giáo xứ mình… và góp phần làm cho Tin Mừng biến đổi thế giới.

Dựa vào hướng đi của Thượng Hội Đồng Giám Mục 15, nhóm Docat đề nghị chương trình “ Hành động theo Docat ” với ước mong giới thiệu đến với mọi người trẻ chủ đề “Người trẻ, Đức Tin và Phân Định Ơn Gọi”, qua việc triển khai nội dung Docat trong các dịp gặp gỡ của người trẻ ở mọi nơi. Chương trình này gồm 2 hình thức.

a – Huấn luyện tập trung, cơ bản

+ Lý thuyết: 4 nguyên tắc và 4 giá trị của Giáo huấn xã hội (Docat). Với những thí dụ áp dụng trong đời sống, trong công việc để minh hoạ.

+ Áp dụng: 6 vấn đề giới trẻ đang cần được phân định, từ đó tập cho người trẻ áp dụng hệ thống 4 nguyên tắc & 4 giá trị để xem xét, phân định từng vấn đề. Các vấn đề cần quan tâm trước như: Định hướng đường đời, sống ảo, tình dục dễ dãi, đồng tính, phá thai, ly dị.

Đây chính là “bộ công cụ” để phân định các mối tương quan, các hiện tượng xã hội, và ngay cả của bản thân mình, khi người trẻ cần. Vì “Với bốn nguyên tắc này chúng ta có thể hiểu xã hội con người trong tính toàn thể, và xem xét hiện thực này một cách trung thực.” (câu 84, Docat).

b – Hình thành nhóm trẻ địa phương:

+ Khoảng 2 hay 3 tháng một lần, hội thảo, giao lưu về các vấn đề các bạn trẻ quan tâm và đề nghị, dưới góc nhìn của Docat.

+ Tự đào tạo, nhóm nhỏ. Các bạn trẻ tự lập thành các nhóm nhỏ để cùng nhau đọc và bàn luận Docat theo những chủ đề các bạn thấy phù hợp, thích thú, gần gũi, cần thiết cho cuộc sống của các thành viên. Khi có vấn đề cần giải thích thêm, các bạn trẻ có thể xin giúp đỡ từ các linh mục, tu sĩ linh hướng, người đồng hành…

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 108 (Tháng 9 & 10 năm 2018)


[1] Ngày 26/7/2017, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã giới thiệu với các bạn trẻ tại Krakow, Ba Lan cuốn sách “DOCAT”. Đây là cuốn sách cho giới trẻ về giáo huấn xã hội của Giáo hội theo phong cách “Youcat” – một lời giải thích về Giáo lý nhắm tới giới trẻ đã được trình bày tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại Madrid năm 2011.

Bài viết liên quan