Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 28, 16-20. 30-31

“Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 10, 5. 6 và 8

Đáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ. – Đáp.

2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan. – Đáp.

Tin Mừng: Ga 21,20-25

20 Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy ?” 21 Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao ?” 22 Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con ? Phần con, cứ theo Thầy”. 23 Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.

24 Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. 25 Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đời mỗi người Kitô hữu là một ơn gọi theo Chúa. Ta hãy đáp lại ơn gọi yêu thương đó tùy theo bậc sống trong hoàn cảnh riêng của mình, với niềm phó thác cậy trông vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả mọi người được kêu gọi để theo Chúa. Có những bậc sống khác nhau. Trong mỗi bậc sống đó lại có từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người là mỗi phận. Chúa như đang cầm tay từng phận người mà dắt đi theo Chúa. Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa đang dẫn con đi theo Chúa bằng lối đi Chúa dành riêng cho con.

Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa về số phận của Thánh Gioan, Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Việc đó liên quan gì đến con, phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa không bảo con đừng quan tâm đến anh chị em quanh con. Khi thấy anh em cần nâng đỡ đức tin, Chúa muốn con chạy tới đóng vai bàn tay của Chúa để đỡ nâng họ. Con sẽ đỡ nâng bằng gương sáng, bằng một lời động viên, bằng một lời nhắc nhở, và nhất là bằng những lời cầu nguyện. Rồi khi con gặp thử thách, con tin Chúa sẽ lại dùng anh chị em quanh con thay mặt Chúa mà ủi an, động viên con.

Tuy nhiên, Chúa muốn nói với riêng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa dạy con đừng phân bì ghen tỵ. Xin Chúa đừng để con so sánh phận mình với phận người mà chùn bước chân theo Chúa. Con biết mỗi đời người là một mầu nhiệm trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mỗi đời người là một cuộc tình riêng với Chúa. Mỗi đời người đều có đủ thánh giá để vác theo Chúa. Đồng thời mỗi đời người đều được Chúa ban đủ niềm vui và ân sủng để theo Chúa cho nên: “Ơn Ta đủ cho con”.

Xin cho con vui với phận mình và tin tưởng bước theo Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Tiếp bài nói chuyện bên bờ hồ về thân phận của Thánh Gioan “môn đệ Chúa Giêsu yêu mến… cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối… Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến… Chính môn đệ này làm chứng…”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Thánh Gioan tông đồ có nhiều nét đáng nêu gương cho chúng ta:

“Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau”. Trong ngôn ngữ Phúc Âm “theo” có nghĩa là làm môn đệ. Ngay từ đầu Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Gioan còn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu trên tất cả mọi nẻo đưòng Ngài đi, kể cả đường thập giá. Rồi khi Chúa Giêsu đã đặt Phêrô thay thế mình. Gioan lại tiếp tục đi theo Phêrô. Thánh Gioan chính là hình mẫu của môn đệ trung thành.

2. “Cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi”. Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa Giêsu nhiều nhất và sâu nhất, vì Gioan “nằm sát ngực Chúa”, vì Gioan “hỏi” nghĩa là thường suy gẫm về Chúa.

3. “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến…”. Ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn nói Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo ý nghĩa của Phúc Âm thứ tư: Ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo Hội.

4. “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó”. Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra”. Có lẽ không phải cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.

Chúng ta hãy nói gương Gioan trung thành “theo” Chúa Giêsu, biết “nằm sát ngực Chúa”, biết “hỏi” Chúa Giêsu, có như thế chúng ta mới có thể “làm chứng” về Ngài.

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày kia, Voltaire nói với một người bạn: “Để lập Kitô giáo, chỉ cần mười hai tên ngư phủ quê mùa, dốt nát. Tôi sẽ cho thế giới thấy rằng chỉ cần một người Pháp cũng đủ tiêu diệt tôn giáo đó”.

Với ý đồ đó, ông phản bác cả Isaac Newton. Newton dựa vào sách Daniel 12,4 và Nahum 2,4 tiên đoán rằng: Một mai, con người có thể di chuyển với tốc độ kỳ diệu là 40 dặm trong một giờ. Voltaire bảo: “Hãy xem Kitô giáo điên rồ đã đầu độc một người thông thái như Newton đến cỡ nào! Ông không biết rằng một người chạy 40 dặm 1 giờ sẽ nghẹt thở, vỡ tim mà chết hay sao ?”.

25 năm sau khi Voltaire qua đời, căn nhà của ông được bán cho Hội Thánh Kinh Geneva và trở thành kho lưu trữ Thánh Kinh. Còn chiếc máy in của ông cũng được dùng để in Thánh Kinh!

Suy niệm

Tông đồ Gioan là “môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 13,23; 19,26; 20,2; 21,7), người đã ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13,23.25) như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy.

Được gắn bó sâu sắc với Thầy, Gioan có được đức tin mạnh mẽ cho con đường đặc biệt mà Thầy chuẩn bị và muốn ông đi: Không đổ máu làm chứng cho Chúa dù đã kề cận bên cái chết tử đạo: Người bị cầm tù ở Rôma, còn bị ném vào trong một vạc dầu sôi, nhưng Thiên Chúa gìn giữ ông được bình an vô sự. Sau đó, Gioan bị kết án đi làm hầm mỏ tại trại tù ở đảo Patmos. Tại đây, Ngài đã viết cuốn sách Khải huyền chứa đầy những lời tiên tri.

Theo ý muốn của Chúa Giêsu, Gioan đã đi trên con đường khác với các anh em tông đồ: rao giảng Tin Mừng ở các giáo đoàn bên Tiểu Á, tận dụng hết mọi khả năng, mọi điều kiện Chúa cho để đào sâu Lời Chúa. Khi đã 99 tuổi, thánh Gioan mới viết sách Tin Mừng thứ tư với đức tin thật vững chắc được chuẩn bị và nuôi dưỡng bằng tình yêu. Gioan đã loan báo Tin Mừng cả tâm hồn đầy xác tín, như ông đã nói: “Điều chúng tôi đã được tai nghe, điều chúng tôi đã nhìn tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời hằng sống” (1Ga 1,1) như ông đã xác định cuộc đời của mình: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật…” (Ga 21,24-25).

Ngoài Tin Mừng thứ tư và sách Khải huyền, Gioan còn là tác giả của ba thư. Tư tưởng của ông trình bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa chính là tình yêu và chúng ta chỉ thực sự trở nên Kitô hữu nếu chúng ta biết thương yêu nhau. Tông đồ Gioan đã trao cho nhân loại bài học lớn lao về tình yêu, nhờ đó chúng ta cảm thấy được Chúa Kitô yêu thương “cho đến cùng” (Ga 13,1) và sống cuộc đời vì Người.

Trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người chứng nhân bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện…

Mỗi chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.

Ý lực sống

“Vì vui riêng, Người đã làm tôi bất tận.

Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn

rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi”

(Tagore, Lời Dâng #1)

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan