Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Hai tuần 32 Thường niên – Ngày 09/11: Cung hiến đền thờ Latêranô

BÀI ĐỌC I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9

Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao (c. 5).

A=Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. – Đáp.

B=Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. – Đáp.

A=Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào ? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Đức Kitô.

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 2,13-22

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thân Thể Đức Kitô Phục Sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho mọi người. Mỗi người Kitô hữu cũng phải trở thành một đền thờ xứng đáng cho Thiên Chúa ngự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ chúng con có được ngôi thánh đường, để hàng ngày chúng con đến hiệp thông với nhau trong lời kinh, trong tiếng nguyện cầu, nhất là cử hành thánh lễ.

Lời Chúa hôm nay còn mạc khải cho con biết chính Thân Thể Phục Sinh của Chúa là đền thờ mới. Đền thờ đích thực là nơi thờ phụng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Nhờ lòng tin vào Chúa, nhờ hiệp nhất với Chúa qua bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng là một ngôi đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa, có những lúc con xót xa vì những ngôi thánh đường bị đóng cửa. Con tiếc xót vì những ngôi thánh đường bị biến thành nhà kho, khách sạn… Còn đền thờ Chúa nơi chính bản thân mình, con lại bỏ hoang. Những nỗi lo toan cho cuộc sống hằng ngày, miếng cơm manh áo, tiền bạc…, cùng với những tội lỗi dần theo năm tháng chồng chất đầy lòng con, đã làm ngôi đền thờ nơi con nên hoen ố, xấu xa.

Lạy Chúa, xin Chúa thanh tẩy và giúp con vất bỏ những gì làm xấu xa đền thờ Chúa nơi tâm hồn con. Xin ơn thánh hoá tưới gội và trang điểm cho con nên xứng đáng đón Chúa trong bí tích Thánh Thể. Xin cho con biết ẩn mình nơi Chúa để tâm hồn được trong sạch, bình an và hạnh phúc. Amen.

Ghi nhớ: “Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Khung cảnh: thấy Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi, nhóm Pharisêu và kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó, Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.

2. ”… hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn”: Những kẻ thấy mình “không cần phải sám hối ăn năn” là những người nghĩ rằng mình “công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người “công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với chỉ một người biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.

3. ”Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là… ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau: ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giêsu cảm thông tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa: chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

4. ”Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất”. (Lc 15, 6)

Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.

Cầu nguyện:

Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của người. (Hosanna)

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Cung hiến Thánh đường Latêranô (Ga 2,13-22)

  1. Hai loại đền thờ

Khi Đức Giêsu nói với người Do thái: “Hãy phá hủy Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được, vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do Thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói: Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.

  1. Đền thờ vật chất

Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, giáo họ nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân qui tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng, nhưng luôn phải có vẻ trang nghiêm đạo đức. Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt, nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên… hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương!

  1. Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo, và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại,thông cảm và tha thứ.
  1. Tôn trọng đền thờ chúng ta
  1. Nhiệt thành với đền thờ

Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi” (Tv 68,10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác… Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giày ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giày thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

  1. Bênh vực nhà Chúa

Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

* Bênh vực đền thờ vật chất

Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta.

Nhưng chúng ta phải lưu ý: nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, màu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân… là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

  1. Truyện: Mahatma Gandhi vào nhà thờ

Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài Giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do Thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin!”

Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!”

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Mohandas Karamchand Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân của đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân trong đấu tranh bất bạo động.

Du học ở Anh và sau đó về Ấn Độ, Gandhi làm luật sư, tiếp đó làm việc tại Nam Phi – thuộc địa của nước Anh. Nam Phi nổi tiếng về phân biệt chủng tộc. Ở Nam Phi, Gandhi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo, lập tức giáo huấn của Đức Giêsu cuốn hút ông, nhất là tám mối phúc thật. Ông rất tâm đắc trước Lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, Do Thái hay lương dân…

Quyết định học đạo, Gandhi đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Kitô giáo.

Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ, thật là bất ngờ khi người giữ cửa trả lời: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu anh muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin”. Gandhi rất sốc, tức giận, bỏ về nhà và không theo đạo Kitô.

Suy niệm

Lễ Vượt qua và các dịp lễ quan trọng của dân Do Thái. Người trưởng thành, sống trong vòng hai mươi lăm cây số chung quanh Giêrusalem phải đến đền thờ dự lễ. Không ch người lân cận trong vùng, mà mọi dân Do Thái khắp thế giới có điều kiện cùng trở về đền thánh.

Người hành hương đến đền thờ thường dâng lễ vật như bò, chiên, chim câu…, chúng ta thấy gia đình Chúa Giêsu cũng dâng lễ vật khi dâng Chúa vào đền thánh (x. Lc 2,24). Cho nên, ở đền thánh có người bán bò, chiên, bồ câu để phục vụ cho việc lễ tế của người Do Thái. Người ta phải đổi tiền Rôma sang tiền Do Thái để nộp thuế đền thờ mà mỗi người Do Thái từ 19 tuổi trở lên phải nộp nửa đồng bạc Do Thái (x. Mt 17,27). Một số người khác đổi tiền để tự nguyện dâng cúng cho đền thờ (x. Lc 21,1-2).

Với sự hiện diện của thú vật, đền thờ là nơi thánh bị ô uế và những người đổi tiền đã làm tục hóa sự thánh thiêng của đền thờ. Cho nên, Đức Giêsu đã lên tiếng: “Đừng biến nhà Cha ta thành một cái chợ” (Ga 2,16), và Ngài đã đánh đuổi phường buôn bán cùng với các loài thú vật ra khỏi đền thờ, để trả lại sự thánh thiêng của nơi thờ phượng Thiên Chúa.

Chính trong khi thanh tẩy đền thờ – một đền thờ được xây dựng bằng đá cho việc tôn thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu hé mở cho nhân loại biết một sự tôn thờ mới được hình thành nơi thân thể Ngài: “Cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thân thể được phục sinh sẽ là đền thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực như văn sĩ Tertullianô khẳng định: “Đức Kitô là đền thờ thật của Thiên Chúa, đền thờ mở cho tất cả, nơi Thiên Chúa đón nhận sự thờ kính thật sự”. Cho nên, việc tôn thờ Thiên Chúa từ nay không chỉ trong đền thánh Giêrusalem lộng lẫy bằng đá với các trang trí vàng ròng, nhưng việc thờ phượng dựa trên căn bản trong chính Ngài: “Là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), với thân thể phục sinh của Ngài. Cách thờ phượng trong chính sự thật, được Ngài mạc khải cho nhân loại khi hé mở cho phụ nữ Samaria (x. Ga 4,21.23).

Tham dự vào mầu nhiệm sự chết, phục sinh của Đức Kitô, chúng ta tin và làm vào những gì Ngài dạy. Người Kitô hữu trở nên đền thờ của Thiên Chúa như thánh Phaolô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?.Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).

Khi thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”, lời đó trực tiếp nói với tôi với bạn, với tất cả mọi tín hữu tin vào Chúa Kitô – đền thờ mới của Thiên Chúa, vốn thường xuyên bị tục hóa, ô uế do chính tội lỗi, cần được thanh tẩy. Thật thế, cần cố gắng thanh tẩy không ngừng, bằng tâm tình sám hối và dấn thân bác ái, đặc biệt trong Mùa Chay, để đền thờ tâm hồn người tín hữu luôn là nơi Thiên Chúa ngự …

Ý lực sống

“Thân xác là đền thờ Thiên Chúa” (1Cr 6,19), “xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,4).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan