Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 26 Thường niên – ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu

BÀI ĐỌC I: Is 66, 10-14c

“Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 130, 1. 2. 3

A+B=Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

A=Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

B=Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.

A=Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

A+B=Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Tin mừng: Mt 18,1-5

1Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời, ta phải tự hạ và phó thác trọn vẹn xác hồn cho Chúa như trẻ thơ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con nhìn lên khuôn mặt Chúa đầy bao dung, hiền hậu, chan chứa yêu thương khi Chúa để các em bé vây quanh. Đó cũng là khoảnh khắc Chúa ghé nhìn và lưu ý đến con để xác định con phải sống như thế nào để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa dạy con tự hạ và phó thác như trẻ thơ. Quả thực, Lời Chúa làm con băn khoăn và sững sờ như các môn đệ xưa.

Lạy Chúa, giá trị của xã hội trần gian và của Nước Trời có một khoảng cách khác biệt quá lớn mà hôm nay con mới nhận ra. Nhìn lên Chúa, con cảm thấy an tâm phấn khởi vì điều kiện Chúa đặt ra cho kẻ lớn nhất trong Nước Trời thật đơn giản, là tự hạ và hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Chúa như tâm hồn các em bé. Nhưng khi nhìn lại, con thấy mình chưa thực hiện đòi hỏi ấy trong cuộc sống đầy cạm bẫy, bon chen, lo lắng hôm nay. Cuộc đời luôn thay đổi như một quy luật tất nhiên mà con không thể đứng ngoài. Vâng, xã hội loài người vẫn là mạnh được yếu thua, mạnh vì gạo bạo vì tiền. Cuộc đời là phải đấu tranh có địa vị, danh lợi, chức quyền và cả lạc thú nữa. Con đang trong vòng xoay đó và con thường bị nó cuốn hút vào. Chính cuộc sống đó dần dần làm tâm hồn con mất đi lòng tín thác đơn sơ tự hạ như các trẻ thơ. Xin ánh mắt Chúa nhìn xuống và gia ân để con tỉnh thức trong cuộc đời này.

Cậy nhờ lời cầu bầu của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, xin Chúa giúp con biết phó thác trọn vẹn cuộc sống cho lòng yêu thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa hướng dẫn điều khiển cuộc sống hôm nay và mai sau vì con muốn đặt trọn niềm tin yêu nơi Chúa. Xin thương giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong những lời dạy các môn đệ hãy trở lại nên như trẻ nhỏ, Chúa Giêsu khẳng định hai điều:

– Đó là điều kiện để được vào Nước Trời

– Kẻ tự hạ như trẻ nhỏ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình: cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.

Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dể những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao ?

Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như: lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó ; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng ; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại ; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên ; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vài lời là nó bỏ qua ngay v.v.

Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.

“Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3)

Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu ; thì với tôi: sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước; riêng tôi nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối; còn tôi khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn; còn tôi theo bề ngoài đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có; tôi thường nặn mình rất công phu.

“Ai tự hạ, coi mình như anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)

Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn: Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn. Và Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay: xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con.

Hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội thánh. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sứ điệp của thánh nữ. Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh ngày 2.1.1873 tại Alencon Pháp quốc, là con út của gia đình có chín người, trong đó có bốn người mất sớm cho nên có rất được cha mẹ và anh chị cưng chiều. Lên bốn tuổi rưỡi cô mất mẹ , sau đó gia đình rời về Lisieux, cô lớn lên trong nề nếp trưởng giả của một gia đình tư sản kính nể , với lối giáo dục kín cổng cao tường.

Khi Têrêxa lên chín tuổi, người chị lớn là Paulin vào dòng kín Carmel, Têrêxa rất buồn vì mất đi người chị thân yêu mà có đã xem như người mẹ thứ hai của mình, nhtíng Têrêxa đã được chữa khỏi sau khi đã được thị kiến Đức Mẹ hiện ra mỉm cười với có.

Khi Têrêxa lên mười ba tuổi, một người chị khác là Maria cũng nối gót người chị cả vào giòng kín, Têrêxa lại càng buồn hơn, tâm hồn cô lúc nào cũng buồn phiền xao xuyến. Thế nhưng dịp lễ Giáng sinh 1886 khi đi dự lễ đêm về có đã trải qua một sự biến đổi hoàn toàn. Trong quyển tự thuật Têrêxa đã ghi lại: “Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi, tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân và kể từ đó tôi sống hạnh phúc”.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Mt 18,1-5)

          Trong các đặc tính của con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta

          thấy có mấy điểm trổi vượt, đó là trở nên bé nhỏ, biết từ bỏ mình và chấp nhận trong vui tươi.

  1. Trở nên bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường

Thánh nữ luôn suy niệm lời Chúa với câu: “Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Với một trực giác kỳ lạ về địa vị thiết yếu của đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng, thánh nữ đã nhấn mạnh về sự thực hành nhân đức này: “Hãy luôn sống như trẻ thơ” theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Ngài chẳng muốn nói với chúng ta rằng: “Nước trời thuộc về những người giống như trẻ thơ” sao ?

Chiếm hữu được chân lý nền tảng này, thánh nữ đã lấy “TRẺ THƠ” làm mẫu mực cho cuộc đời.

  1. Từ bỏ bản thân mình

Suy niệm lời Chúa: “Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thánh nữ đã quên mình đi, coi mình là hèn mọn hư vô và đặt tất cả tin tưởng của mình vào tình thương vô biên của Chúa. Chị muốn sống đẹp lòng Chúa và làm cho người ta yêu mến Chúa. Chị muốn làm hài lòng Chúa hơn làm hài lòng mình. Nhưng muốn được thế, chỉ đã sống hết sức quảng đại đối với Chúa, đã từ bỏ mình đi để sống với Chúa và sống với chị em. Chị ví mình như bông hoa hồng được dâng tiến Chúa, và theo chị, hoa hồng nào cũng có gai. Chị viết:

Chúa ơi, này đóa hoa hồng
Trên bàn thờ Chúa hương nồng sắc tươi.
Con đây mơ ước này thôi:
Tách từng cánh một, Chúa trời, hiến dâng.

  1. Chấp nhận trong vui tươi

Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, chị chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không. Thái độ đó là thái độ “CHẤP NHẬN”. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ! Đối với chị, việc gì xảy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên chị đã nhận lấy một cách thực tình và vui tươi. Tinh thần vui tươi trước những hy sinh còn được ghi lại trong mấy vần thơ:

Nếu Chúa chẳng đoái hoài ve vuốt
Con vẫn tươi cười trước khổ đau.

Hoặc:

Mỉm cười với Chúa tôi thờ
Đó là thiên quốc thỏa mơ ước rồi.

Thánh nữ Têrêsa Hài đồng chỉ là một chị nữ tu dòng Kín, âm thầm giam mình trong bốn bức tường của nhà dòng, một chị nữ tu nhỏ bé không ai biết tới, không làm được một việc gì hiển hách, mà ngày nay đã trở nên vị thánh vĩ đại: Bổn mạng các xứ truyền giáo và Tiến sĩ Hội thánh! Bí quyết độc đáo của thánh nữ là “Trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ bé”. Con đường thơ ấu thiêng liêng đã giúp thánh nữ trở thành một vị thánh vĩ đại.

Hôm nay mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Giáo hội cũng muốn giới thiệu cho chúng ta con đường thơ ấu thiêng liêng ấy, vì nó phù hợp với hết mọi người, nó giúp mọi người nên thánh một cách dễ dàng. Đi vào con đường đó là có một chỗ đứng ở giữa trái tim của Giáo hội, để muốn làm mọi sự ở trong Giáo hội của Chúa.

Và cho được như vậy, hãy dâng mình cho Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì yêu Chúa, hãy chia sẻ tâm tình với Chúa Cứu Thế đang đau đớn trong các chi thể của Giáo hội, để cứu độ trần gian với Chúa Kitô.

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một cậu bé gõ cửa nhà một bà già và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái được hay không. Bà trả lời: “Có, bà sẽ xách xô của cháu vào bếp và đong 2 lít”.

Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Bà nói: “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không ? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao ?”.

– Cháu không sợ, vì làm thế bà sẽ nhận được điều xấu nhất.

– Cháu muốn nói gì ?

– Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ, nhưng bà tự biến mình thành kẻ trộm.

Suy niệm

Theo thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, nước Trời chỉ dành cho những ai có tâm hồn trẻ thơ vì các em có các đức tính:

  • Khiêm nhường: Trẻ em thì yếu đuối, vô năng lực, chúng không thể làm gì dựa trên sức lực riêng, và luôn tùy thuộc vào cha mẹ trong mọi sự. Người có tâm hồn trẻ thơ biết ra điều đó và chấp nhận.
  • Nghèo khó: Trẻ em không có riêng gì là của mình, chỉ được người khác ban cho mà thôi.
  • Trông cậy: Trẻ em chỉ biết có cha mẹ của mình. Trẻ em trông chờ cha mẹ nuôi dưỡng cung cấp cho mình những điều cần thiết vì vậy không cần lo lắng gì.
  • Tình thương yêu: Trẻ em có tình thương yêu, yêu cha mẹ và phó thác mình vào cha mẹ.
  • Đơn sơ: Mọi sự trong trẻ em thì đơn sơ, từng ý nghĩ và lời nói cả việc làm nữa. Trẻ em chỉ có khả năng làm những việc nhỏ.

Ðức Giêsu đưa trẻ em ra làm lý tưởng sống; “Con đường thơ ấu thiêng liêng”, mà sau này thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tái khám phá biểu lộ tinh thần đơn sơ của con đường nhỏ, để trở nên thánh thiện, bằng việc yêu mến và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Thật thế, chúng ta cũng cần sống gắn bó vào Ðức Giêsu như trẻ thơ.

Ý lực sống

“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18,15-17).

————————————————————————————————————————–

Thứ Năm tuần 26 Thường niên (Lc 10, 1-12) – Sứ mệnh truyền giáo

Người bảo các ông:
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt

sai thợ ra gặt lúa về”.
(Lc 10,2)

BÀI ĐỌC I: G 19, 21-27

“Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp nói: “Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi ? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá ?

“Vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Đáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: “Hãy tìm ra mắt Chúa”. – Đáp.

2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Đấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. – Đáp. 

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Đáp.

Tin mừng: Lc 10,1-12

1Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2Người bảo các ông: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này! 6Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông. 10Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 12Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho mười hai tông đồ, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi người. Là người Kitô hữu, ta được Chúa sai đi nối tiếp công việc truyền giáo của các tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi sai các môn đệ ra đi, Chúa đã căn dặn các ông cầu xin Chúa Cha ban nhiều thợ gặt. Chúa muốn các ông ý thức vai trò của các ông là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vì Chúa Cha là chủ ruộng. Hôm nay, Chúa cũng mời con lên đường truyền giáo, nhưng công việc truyền giáo cần phải bắt đầu bằng những giờ cầu nguyện. Vâng Chúa ơi, công việc của Chúa trao phó luôn luôn bắt đầu từ tấm lòng đáp trả lại lời mời gọi, và được cụ thể hoá bằng giờ phút riêng tư giữa con với Chúa. Vì lạy Chúa, những giờ phút cầu nguyện sẽ đem lại cho con một nghị lực mới, một ánh sáng chan hòa, tạo được một sức sống trào dâng. Xin Chúa dạy con biết cầu nguyện.

Lạy Chúa, cầu nguyện là điều cần thiết, nhưng Chúa không miễn chuẩn cho con phải làm việc: “Anh em hãy ra đi”. Lệnh truyền của Chúa thật dứt khoát. Xin Chúa giúp con ra đi với một tấm lòng rộng mở. Con tin việc làm của con sẽ có một năng lực phi thường vì có Chúa trợ giúp. Xin giúp con biết làm việc tông đồ trong khi kết hiệp với Chúa.

Xin Chúa cho con biết ra đi khỏi chính mình để luôn bận tâm làm việc cho Chúa mà thôi. Xin cho con ra đi khỏi những ràng buộc của thế gian, để có thể phục vụ một người Chủ duy nhất là chính Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng:

– Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.

– “Từng nhóm hai người”: Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.

– “Hãy cầu xin”: Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.

– “Như chiên non vào giữa sói rừng”: Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.

– “Đừng chào ai dọc đường”: việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp. 

– “Bình an cho nhà này”: đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.

– “Cứ ở lại nhà ấy”: gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.

– “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình”: sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).

– “Thợ đáng trả lương”: đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).

– “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy”: Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).

– “Hãy chữa lành các bệnh nhân”: đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.

– “Phủi bụi chân”: người Do Thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là thuộc về họ.

– Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề còn hơn Sôđôma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin mừng là cơ hội cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu Việt Nam chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.

2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.

3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là: cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)

4. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.

5. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.(Lc 10,4)

Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong…

Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con: Đã quen rồi bóng râm của tiện nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con. (Hosanna).

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:

“Các bạn hãy can đảm lên!. Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu”.

Suy niệm

Tyrô và Siđôn, những thành phố phồn thịnh, nổi tiếng thời Cựu ước, cũng là cửa ngõ bị ảnh hưởng của đời sống ngoại giáo xâm nhập vào Israel, nên các ngôn sứ hay phê phán nặng lời các thành phố này (x. Is 23; Ed 26-28; Ge 4,4-8; Am 1,9-10; Dcr 9,2-4). Riêng Sôđôma là thành phố tội lỗi đã bị Chúa hủy diệt bằng lửa… Các ngôn sứ lên án vì nếp sống thực dụng vật chất hưởng thụ dẫn tới những sa đọa luân lý, tôn thờ ngẫu tượng của ngoại bang tại các thành phố này.

Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là những thành phố nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các nơi này. Cuộc sống vật chất sung túc, làm cho con người không chỉ sa đọa, mà còn chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa qua việc họ không tin vào lời giảng dạy của Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không lãnh nhận giáo huấn Chúa. Chính sự chối bỏ, cứng tin của họ, làm cho họ bị phán xét nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không theo Chúa. Hình phạt cho các thị trấn sẽ nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa.

Khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, đời người sẽ trở nên trống rỗng vắng bóng Ngài, dễ dàng rơi vào sa đọa… Chỉ tin vào Thiên Chúa, khi đó con người mới biết đặt Ngài vào trọng tâm cuộc đời, sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau.

Ý lực sống

“Con hy vọng rất nhiều vào Chúa,
linh hồn con trông cậy ở Lời Chúa”
(Tv 130,5).

Nguồn:WGPSG

Bài viết liên quan