Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu

BÀI ĐỌC I: Is 52, 13-53, 12

“Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta”.

(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe.

Ai mà tin được điều chúng ta nghe ? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai ? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta.

Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 2 và 6. 12-13. 15-16. 17 và 25

Đáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. – Đáp.

2) Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan. – Đáp.

3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. – Đáp.

4) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9

“Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 18, 1–19, 42

LM: Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

NK: Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đấy với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng:

LM: “Các ngươi tìm ai ?”

NK: Chúng thưa lại:

M-DC: “Giêsu Nadarét”.

NK: Chúa Giêsu bảo:

LM: “Ta đây”.

NK: Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:

LM: “Các ngươi tìm ai ?”

NK: Chúng thưa:

M-DC: “Giêsu Nadarét”.

NK: Chúa Giêsu đáp lại:

LM: “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”.

NK: Như thế là trọn lời đã nói: Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng:

LM: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!”

NK: Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô:

M-DC: “Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không ?”

NK: Ông đáp:

M-DC: “Tôi không phải đâu”.

NK: Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp:

LM: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi ? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói”.

NK: Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:

M-DC: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư”.

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta ?”

NK: Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông:

M-DC: “Có phải ông cũng là môn đệ người đó không ?”

NK: Ông chối và nói:

M-DC: “Tôi không phải đâu”.

NK: Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:

M-DC: “Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao ?”

NK: Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:

M-DC: “Các ngươi tố cáo người này về điều gì”.

NK: Họ đáp:

M-DC: “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”.

NK: Philatô bảo họ:

M-DC: “Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông”.

NK: Nhưng người Do-thái đáp lại:

M-DC: “Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả”.

NK: Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:

M-DC: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không ?”

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi ?”

NK: Philatô đáp:

M-DC: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì ?”

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này”.

NK: Philatô hỏi lại:

M-DC: “Vậy ông là Vua ư ?”

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”.

NK: Philatô bảo Người:

M-DC: “Chân lý là cái gì ?”

NK: Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:

M-DC: “Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng ?”

NK: Họ liền la lên:

M-DC: “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”.

NK: Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người, và chúng mặc cho Người một áo đỏ. Rồi chúng đến gần Người và nói:

M-DC: “Tâu Vua Do-thái!”

NK: Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói:

M-DC: “Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”.

NK: Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:

M-DC: “Này là Người”.

NK: Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:

M-DC: “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!”

NK: Philatô bảo họ:

M-DC: “Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”.

NK: Người Do-thái đáp lại:

M-DC: “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”.

NK: Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:

M-DC: “Ông ở đâu đến ?”

NK: Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:

M-DC: “Ông không nói với ta ư ? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao ?”

NK: Chúa Giêsu đáp:

LM: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”.

NK: Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:

M-DC: “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”.

NK: Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:

M-DC: “Đây là vua các ngươi”.

NK: Nhưng họ càng la to:

M-DC: “Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!”

NK: Philatô nói:

M-DC: “Ta đóng đinh vua các ngươi ư ?”

NK: Các thượng tế đáp:

M-DC: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”.

NK: Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh. Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái”. Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

M-DC: Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do-thái’”.

NK: Philatô đáp:

M-DC: “Điều ta đã viết là đã viết”.

NK: Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau:

M-DC: “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”.

NK: Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó. Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:

LM: “Hỡi Bà, này là con Bà”.

NK: Rồi Người lại nói với môn đệ:

LM: “Này là Mẹ con”.

NK: Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:

LM: “Ta khát!”

NK: Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:

LM: “Mọi sự đã hoàn tất”.

NK: Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

LM: (Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

NK: Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua”.

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Thánh Gioan có một cái nhìn đặc biệt với cuộc chịu nạn của Chúa Giêsu. Thánh Giá không chỉ là con đường dẫn tới vinh quang:

– Đó là “giờ” mà từ lâu Chúa Giêsu hằng nghĩ tới và chuẩn bị, là thời điểm vinh quang mà vận động viên marathon chạy về tới đích để đoạt chiếc cúp vàng.

– Do đó Gioan cho thấy Chúa Giêsu bước vào cuộc chịu nạn một cách đầy ý thức và chủ động. Gioan luôn lập đi lập lại những chữ “Ngài biết”. Chúa Giêsu biết trước những gì sắp xảy đến. Ngài luôn làm chủ những diễn biến.

– Trên Thánh Giá Chúa Giêsu trở thành “Vua” và lấy lại vinh quang Ngài vốn có nơi Chúa Cha.

Từ Thánh Giá, Ngài:

+ Kéo mọi người lên với Ngài.

+ Sinh ra Hội Thánh.

+ Ban cho Hội Thánh một người Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria.

+ Tuôn tràn thánh linh xuống cho Hội Thánh.

Bởi đó, khi chúng ta cùng Gioan đi theo những chặng đường Thánh Giá Chúa Giêsu, tâm tình của chúng ta phải có lạc quan và biết ơn.

B- Suy gẫm (…Nẩy mầm)

1. Chính vì Chúa Giêsu luôn ý thức và chủ động trong mọi diễn biến của cuộc chịu nạn mà cuộc chịu nạn này mới có giá trị. Những đau khổ của chúng ta cũng thế.

2. Đối với Chúa Giêsu, Thánh Giá là vinh quang. Thánh Phalô cũng nói “Vinh dự của chúng ta là Thánh Giá Đức Kitô”. Xin Chúa giúp chúng con có thể nói được như thế.

3. Khi George Nixon Biggs làm Thống Đốc bang Massachusetts, có 3 người bạn của ông đi viếng thánh địa. Họ leo lên đỉnh núi Gôngôtha, bẻ một nhánh cây làm gậy. Khi trở về, họ tặng vị Thống Đốc cây gậy và nói: “Chúng tôi muốn ngài biết cho rằng, khi đứng trên đỉnh đồi Canvê, chúng tôi đã nghĩ tới ngài”. Thống Đốc hết lòng cảm ơn họ, ưu ái nhận quà tặng và nói thêm: “Nhưng thưa các bạn, tôi còn nghĩ xa hơn: ở đó, có một Đấng khác cũng đã nghĩ tới tôi”. (Góp nhặt).

4. Có một lần nhà truyền giáo hỏi lớp Giáo Lý Thánh Kinh: “Nếu các bạn thấy một nhóm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có Đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ?” Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói: “Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài”. (Góp nhặt).

Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa không phải là “một kết liễu” nhưng là “một hoàn tất”. Chúa đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó cách tuyệt hảo. Xin cho chúng con cũng biết chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, dám hy sinh và hành động theo những đòi hỏi của Chúa cho dù phải đi vào con đường Thập Giá. Amen.

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Kinh Thánh là các văn bản thiêng liêng của nhiều niềm tin khác nhau, được viết trong giai đoạn hình thành của các niềm tin Do Thái và Kitô giáo; đây là các sách được các tác giả chép lại dưới sự linh hứng của Thiên Chúa trình bày chân lý mạc khải và mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài.

Kinh Thánh là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người, được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Kể từ năm 1815, có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh Thánh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.

          Kinh Thánh bắt đầu bằng câu chuyện thi vị, mang đầy sức sống với trình thuật sáng tạo và sự sống tràn đầy sinh lực xuất phát từ Thiên Chúa, đã làm nên vũ trụ vạn vật trong đó có con người, mang hình ảnh của Tạo hóa, làm chủ thế giới (x. St 1 – 2). Thế rồi, hình ảnh đẹp, đầy sức sống đó bị mất đi và con người tản mát khi tự cắt đứt nguồn sống với Thiên Chúa do bất tuân bằng hình ảnh ăn trái cấm: Ađam và Eva nguyên tổ mất địa đàng, con người đi vào đau khổ và đi vào sự chết… (x. St 3). Con người bị tản mát chia ly với tháp Baben… Nhân loại tưởng chừng không thể cứu vãn vẫn sẽ mãi đi trong sự tăm tối của sự chết, sự đau khổ bởi hậu quả của tội… Kinh Thánh đốt lên ánh lửa hy vọng thật cho chúng sinh khi kết thúc và khép lại bằng một hình ảnh đẹp tràn đầy hồng ân, thu hợp nhân loại đi vào sức sống mới, sức sống vĩnh cửu như ban đầu của Tạo hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc nhân loại bằng cái chết và phục sinh, và tập hợp con người vào vương quốc sự sống trường sinh. Các môn đệ của Ngài loan truyền Tin Mừng ấy cho toàn nhân loại.

Suy niệm

Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn thể Giáo hội theo bước chân vác thánh giá và dừng lại ở dưới chân thánh giá, Giáo hội tưởng niệm Ðức Giêsu chịu hiến tế trên thập tự: Ngài là Chiên Vượt Qua – con chiên được đưa tới lò sát để làm hiến vật. Ngài đã chịu khổ nạn và chịu chết trên thập giá để đem ơn cứu độ đến cho chúng ta. Vì thế Giáo hội tôn kính thánh giá, vì thánh giá là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa tự hiến cho con người. Thánh giá là cây sự sống mới cho toàn nhân loại như kinh phụng vụ ca ngợi:

Ôi thập tự, phước lành thế giới

Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan…

Chiêm ngắm hình ảnh Chúa Kitô vác thập giá, chúng ta được mời gọi cùng vác thập giá là tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống như Chúa Giêsu đã mời gọi trước đó: “Hãy vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9,23). Và ngày hôm nay, từng giây phút trong cuộc đời, Đức Kitô vẫn còn đang cùng ta vác thánh giá tiến về đồi Canvê. Mọi sự đau khổ, mọi khốn khó, vấp ngã, con người đều nương trong thập giá.

Cuối hành trình tử nạn, trên thập giá Chúa Giêsu đã ôm trọn nỗi khổ đau của nhân loại, Ngài chia sẻ đến cùng những khắc khoải khốn cùng nhất của con người, và là niềm hy vọng của con người về lẽ sống… Người trộm lành cùng bị án treo thập giá với Chúa Giêsu đã nhận ra con đường sự sống và anh đã đặt niềm hy vọng vào Ngài, dù hiện thực anh đang cùng phải tủi nhục treo trên thập tự. Ước chi mỗi chúng ta cũng cảm nghiệm được sự sống này:

Sen tươi tỏa ngát hương trầm
Héo khô ôm ấp hạt mầm hoa sau
 Bàn tay Tạo hóa diệu thay! (NĐC).

Sen khô héo nhưng ôm hạt mầm như là hình ảnh của Đức Kitô trong cuộc tử nạn đầy đau thương, Ngài chết để cho nhân loại được sống… Từ nơi thập giá trên đồi Canvê, chính lúc Đức Kitô trút hơi thở cuối cùng, là lúc sự sống bắt đầu nảy sinh cho con người bằng hình ảnh nước và máu trào dâng (x. Ga 19,34). Theo truyền thống Thánh Kinh, máu tượng trưng cho sự sống (x. Lv 17,11-12), nước chính là nước rửa tội đưa chúng ta tái sinh vào cuộc sống mới (x. Ga 3,5).

Đường thập tự Thầy, đường sự sống
Mỗi bước đi gieo một nụ hồng
Giang tay chết treo trên thập tự
Cứu người dương thế khỏi tử thần.

Sẽ luôn mãi là hình ảnh đẹp và tràn đầy sức sống: Thập tự giương cao trên đồi Canvê luôn vang vọng qua mọi thời mọi nơi: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), một vị Thiên Chúa chết để cho con người sống: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).

Ý lực sống

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,24a).

Nguồn: TGPSG

You may also like