Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Tư tuần 1 Thường niên

BÀI ÐỌC I: (Năm II) Sm 3, 1-10. 19-20

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, trẻ Samuel phục vụ trước mặt Hêli. Thời ấy, ít khi Chúa phán và hiện ra. Ngày nọ, Hêli đang nằm tại chỗ mình, mắt ông đã loà và không còn thấy được: Ðèn chầu chưa tắt, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt hòm bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Toàn dân Israel, từ Ðan tới Bersabê, đều nhận biết Samuel là tiên tri trung thực của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 39, 2 và 5. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng, không hướng về chuyện gian tà. – Ðáp.

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Tin mừng: Mc 1, 29-39

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”

38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mọi hoạt động của Chúa đều nhằm cứu độ con người khỏi sự dữ phần hồn cũng như phần xác. Ta hãy tin tưởng đến với Chúa là Đấng Cứu Độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay gợi lên cho con thực trạng đau khổ của cuộc sống nhân loại. Khi xưa cũng như ngày nay, loài người phải mang lấy biết bao bệnh hoạn, tật nguyền. Đặc biệt con nghĩ đến những chứng bệnh nan y mới phát sinh, đang đe dọa tính mạng của nhiều người. Con nghĩ tới những nạn nhân chiến tranh, những kẻ tàn phế. Con nhớ tới những nạn nhân tâm thần càng ngày càng nhiều. Con nhớ tới những kẻ đang sống nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi, sự ác và bất công. Con nhớ tới những đau khổ hồn xác của mọi người trên thế giới, của những người trong gia đình con và của chính con.

Lạy Chúa, những đau khổ ấy thật là khó hiểu và dễ làm con nổi loạn. Nhưng lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim Chúa đã và vẫn mãi ôm ấp và chữa lành những đau khổ của chúng con. Hằng ngày con chạy đến với Chúa trong thánh lễ. Xin Chúa cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Lạy Chúa, ngày nay Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng con và đang biểu lộ quyền năng cứu độ chúng con. Chúa đã lại gần cầm tay bà mẹ vợ ông Simon và đỡ dậy. Con tin rằng trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa đang lại gần con, cầm tay và đỡ con lên. Chúa có đủ quyền năng và muôn vàn phương thế để phục hồi và tái tạo cuộc đời chúng con cả hồn lẫn xác. Xin Chúa ra tay thực hiện và xin Chúa dạy con biết góp phần xóa bớt những đau khổ của anh chị em, để họ được sống trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Ghi nhớ: “Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Chuyện này cũng diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum và tiếp liền chuyện hôm qua. Sau khi làm một cuộc trừ tà ở Hội đường, Chúa Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chúa Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các ngài.

Người Do thái quen coi bệnh tật là do ma quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung (x. Lv 26,15-16 Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma quỷ gây nên, do đó việc Chúa Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4,39), cho thấy Chúa Giêsu.

Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

Kết thúc một ngày làm việc: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoàng vắng và cầu nguyện”.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21); giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32); chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34); Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoàng vắng để cầu nguyện (c 35), và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ đề cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

2. Nhìn lại cuộc sống đã qua, một nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế giới này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm gì được cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi”. Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẻ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. “Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ. Nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1,34)

“Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do thái hở mẹ ? Những điều kỳ diệu của Người khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Người đủ huỷ diệt sức mạnh của Rôma. Thế mà Người lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao khó nhọc đã trở thành vô ích ? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rôma và để vũ khí mà ta khổ công đúc rèn phải rỉ sét ư ?”

Ben Hur đã thốt lên lời ấy trong thất vọng, chán chường. Anh cũng như những người do thái khác đã thất vọng về Con Thiên Chúa. Họ chờ đợi Đấng Messia như một người có thể đem lại cho họ phồn vinh và công lý trong trần thế. Họ chỉ muốn thấy vinh quang Thiên Chúa trừng phạt đế quốc Lamã.

Phải chăng vì thế mà Chúa Giêsu không cho quỷ nói Người là ai ? Con đường cứu độ không dẫn Người đến ngai vàng và vương miện trần gian. Người đến để mặc khải tình yêu của Cha, và để mặc khải được trọn vẹn, Người đã chết thay cho mọi người, những kẻ đã dửng dưng để cho máu của Người đổ trên đầu mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giờ đây công cuộc cứu chuộc của Người đã hoàn tất. Xin cho con luôn biết đón nhận con đường của Người, con đường đưa đến sự sống đời đời. (Epphata)

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Làm việc và cầu nguyện
(Mc 1,29-39)

1. Một ngày ở Capharnaum, Chúa Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường, chữa mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt nặng; chiều đến, Ngài lại chữa mọi người bệnh tật được người ta mang tới. Được thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người, Chúa Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó. Ngài con dành thời giờ cầu nguyện vào ban sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày mới. Ngài vẫn còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.

2. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận rộn: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của ông Simon Phêrô. Chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi, người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa họ. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài đã thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện, và bắt đầu một ngày mới. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện. Dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu cũng có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

3. Chúa yêu thương, nâng đỡ và thông cảm với con người, nhất là những con người đang gặp đau khổ. Ngài đến thăm nhà, chữa bệnh cho người ta cũng là cách làm cho người ta được hạnh phúc vì vừa được chữa khỏi bệnh, vừa có dịp được giải bầu tâm sự.

Người ta kể: vị linh mục dừng lại ghé thăm một gia đình nghèo ở Kentucky. Vừa khi linh mục chào bà mẹ, bà ứa nước mắt kêu lên: “Ôi thưa cha, con vừa được biết cha đến thăm hôm nay. Con tin cha có thể giúp con”. Bà dốc hết bầu tâm sự, bao lo âu, bao rắc rối. Thỉnh thoảng vị linh mục chen vào một vài lời khích lệ, nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước nỗi khổ tâm của bà. Kể xong, bà ngưng một lát rồi kêu lên: “Ôi thưa cha, cha giúp con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề”. Vị linh mục bối rối, ngài chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Rồi ngài bắt đầu hiểu ra: bà chỉ cần mong được thông cảm.

4. Chúa Giêsu là thầy dạy của sự cầu nguyện

Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu đức học mà chỉ nói đơn sơ như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Con đã ở như một đứa trẻ không biết chữ: con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình”.

Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội, muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ lại biết bơi. Cầu nguyện cũng như học gia chánh, muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp. Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn, muốn có hoa đẹp thì phải trồng, phải vun xới, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện không phải là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong “lớp cầu nguyện”. Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh Thuỷ, Con đường tình yêu, tr 197).

5. Chiêm ngắm một ngày sống của Chúa, chúng ta được mời gọi sống như Ngài. Cuộc sống người Kitô hữu không thể chỉ có những khoảnh khắc dành cho Chúa trong Thánh lễ hay kinh nguyện, mà còn phải trải dài qua những sinh hoạt và gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Người Kitô hữu phải biết thống nhất đời sống bằng cách biến những giây phút hoạt động thành một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.

Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.

6. Truyện: Cầu nguyện và làm việc

Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền này có hai mái chèo đề chữ “cầu nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ “làm việc”.

Người thanh niên nói kháy cụ già:

– Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không cần cầu nguyện nữa (có ý nói: chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc” thôi).

Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chèo một chiếc có hai chữ “làm việc” kia.

Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ quay tròn đi thôi.

Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan