Thông Tin

Tòa Thánh kêu gọi giải quyết xung đột Israel-Palestine, Siria

 

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở New York, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi can đảm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, và thảm trạng tại Siria.

Trong bài tham luận hôm 26-1-2015 tại Hội đồng Bảo An LHQ mở rộng, Đức TGM Auza, người Philippines, nói đến con đường hòa bình bế tắc giữa Israel và Palestine: vì thiếu những cuộc thương thuyết quan trọng giữa hai bên, những hành vi bạo lực tiếp tục như cái vòng luẩn quẩn, khiến người ta thực sự nghi ngờ về giá trị của Hiệp định Oslo đã được hai bên ký kết. Tòa Thánh tin rằng tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine chỉ có thể tiến bước nếu được những phe liên hệ trực tiếp thương thuyết với nhau với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này chắc chắn đòi phải có những quyết định can đảm từ hai phía và cần phải có những nhượng bộ tốt đẹp đối với nhau. Không có phương thức nào khác, nếu cả Israel lẫn Palestine muốn được hưởng an ninh, thịnh vượng và sống chung hòa bình bên nhau với biên giới được quốc tế nhìn nhận”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ cũng nhận xét rằng một số thành phần trong cả hai dân tộc đã chịu đau khổ quá lâu vì quan điểm sai lầm cho rằng võ lực sẽ giải quyết những tranh chấp giữa hai bên. Chỉ có những cuộc thương thuyết được hỗ trợ, được tiến hành với lòng ngay, mới giải quyết được những tranh chấp và mang lại hòa bình cho dân tộc Israel và Palestine.

Đức TGM Auza cũng nhắc đến hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Israel mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2-1 vừa qua liên hệ chủ yếu đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Palestine. Ngài nói: ”Trong thực tại phức tạp ở Trung Đông, nơi mà tại một số quốc gia, các tín hữu Kitô đang chịu bách hại, Tòa Thánh hy vọng hiệp định này có thể là một gương về đối thoại và cộng tác, đặc biệt cho các nước Arập và những người có đa số dân theo Hồi giáo”.

Về tình hình Sisria với cuộc xung đột từ gần 5 năm nay, Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ nhận xét rằng đây không phải chỉ là cuộc xung đột giữa những người Siria với nhau, nhưng còn có chiến binh ngoại quốc tế từ các nơi trên thế giới tiếp tục phạm những hành vi kinh khủng khôn tả chống lại các thường dân ở Siria và một phần tại Irak. Ảnh hưởng của các chiến binh ngoại quốc tày đã đưa tới bạo lực phe phái và bách hại các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số.

Trong diễn văn trước ngoại giao đoàn hôm 11-1 vừa qua, ĐGH Phanxicô bày tỏ xác tín theo đó chỉ có một hoạt động chung về chính trị mới có thể ngăn chặn sự bành trướng của trào lưu cực đoan và thủ cựu, sinh ra những hành vi khủng bố, tàn hại vô số nạn nhân không những tại Siria và Libia, nhưng còn tại các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi. (SD 27-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Bài viết liên quan