Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/03/2019: Đại nghịch bất đạo – Làm hồ sơ giả cáo gian Hồng Y

1. Công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Trong chuyến viếng thăm vào ngày 25 tháng 3 tại đền thánh Đức Mẹ Loreto, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên có tên là “Vive Cristo, esperanza nuestra”, là tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta”.

Tựa đề này cũng là những lời mở đầu của văn bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha của Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên được trình bày dưới hình thức một lá thư gửi đến giới trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ký Tông huấn này khi ngài viếng thăm đền thánh Đức Mẹ Loreto tại Ý vào ngày 25 tháng 3, Lễ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư 20 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết “Với cử chỉ này, Đức Thánh Cha có ý phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria tài liệu hoàn thành công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 3 đến 28 tháng 10 năm ngoái, 2018, với chủ đề: ‘Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi’”.

Thông báo cho biết tiếp:

“Văn bản của Tông huấn sau đó sẽ được công bố cùng với chữ ký của Đức Thánh Cha ngày 25 tháng 3 và sẽ được trình bày, theo như thông lệ với các tài liệu của huấn quyền, trong một cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa thánh, các chi tiết sẽ được cho biết trong những ngày tới.”

Trong chuyến viếng thăm chưa đầy 6 giờ đến ngôi đền nổi tiếng trên bờ biển Adriatic, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ trong Nhà thánh, gặp gỡ những người bệnh và ăn trưa với các giám mục trong vùng.

Theo truyền thống, các bức tường của Nhà thánh nằm bên trong đền thánh Đức Mẹ Loreto, được tin chính là các bức tường trong nhà Đức Maria ở Nazareth nơi Đức Mẹ đã sống và là nơi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ.

2. Đức Hồng Y Sarah nói: Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục là cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức tin

Trong cuốn sách mới nhất của ngài, “Le soir approche et déjà le jour baisse” – “Trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24:28), một trích dẫn từ Kinh Thánh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên đường Emmaus, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cho biết ngài quyết định lên tiếng trước tình trạng ngày càng có nhiều người Công Giáo mất phương hướng, và bị tổn thương từ cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Giáo Hội đang phải trải qua.

“Tôi không thể im lặng được nữa. Tôi không còn có thể giữ im lặng được nữa,” Đức Hồng Y Sarah đã viết trong lời mở đầu cuốn sách mới nhất của ngài. Theo Đức Hồng Y, Giáo Hội đang trải qua một “đêm đen”, “bị bao bọc và mù loà bởi mầu nhiệm của sự ác.”

Vài ngày trước khi cuốn sách được phát hành tại Pháp hôm thứ Tư 20 tháng 3, phần giới thiệu của cuốn sách đã được công bố trực tuyến, cho thấy đây thực sự là một văn bản hấp dẫn trước các vấn đề ngày nay như lạm dụng tình dục; trào lưu tương đối hóa đạo lý Công Giáo; tình trạng say sưa với các hoạt động bề ngoài đến mức bỏ bê cầu nguyện và các biện pháp tạo điều kiện cho việc trưởng thành trong đời sống tâm linh; xu hướng chạy theo não trạng thời thượng của xã hội đối với đồng tính luyến ái; lối sống đạo đức giả; và tình trạng mơ hồ của các tín hữu trước các tấn kích không mệt mỏi từ những kẻ thù của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Sarah nói rằng ngài không có tham vọng đưa ra bất cứ chiến lược nào. Thay vào đó, ngài muốn lặp lại những câu trả lời vượt thời gian của Giáo Hội mà nếu chúng ta không dựa trên những xác tín ấy, tất cả mọi nỗ lực đều ra vô ích. Đặc biệt, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến một đời sống cầu nguyện sâu xa, trung thành với giáo huấn thực sự được Giáo Hội truyền lại thay vì bán rẻ đạo lý Công Giáo như “rất nhiều mục tử” đang làm, cổ vũ lòng bác ái huynh đệ và tình yêu dành cho Giáo Hội.

Sau khi bàn đến cuộc khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội, Đức Hồng Y cũng đã bàn đến cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tình dục hiện đang tàn phá Giáo Hội và thế giới.

Đức Hồng Y Sarah không ngần ngại nói – theo lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục – về “làn khói của Satan” đã xâm nhập vào Giáo Hội, tuyển mộ những kẻ phản bội, như Giuđa Ítcariốt, để trở thành những kẻ nằm vùng cho ma quỷ. “Họ đã tìm cách làm ô uế những linh hồn thuần khiết của những người nhỏ bé nhất. Họ đã làm nhục hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong mỗi đứa trẻ, đồng thời làm nhục và phản bội rất nhiều linh mục trung thành,” Đức Hồng Y viết.

Ngài nhận xét cay đắng rằng: “Giáo Hội đang trải qua mầu nhiệm của sự ác, trong tay những người lẽ ra phải yêu thương và bảo vệ Giáo Hội.”

Theo Đức Hồng Y, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tình dục có thể được tìm thấy trong những sự phản bội trước đó: “Cuộc khủng hoảng mà các giáo sĩ, Giáo Hội và thế giới đang phải trải qua là một cuộc khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng đức tin.”

3. Đòn tiếp theo trong trào lưu bài Công Giáo tại Úc: Quốc hội bang Victoria dự định bãi bỏ việc đọc kinh Lạy Cha

Quốc hội bang Victoria của Úc đang xem xét đề nghị chấm dứt bắt đầu các phiên họp hàng ngày với kinh Lạy Cha. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua.

Đề xuất này đang được xem xét bởi một ủy ban trực thuộc Hội đồng Lập pháp Victoria, sau khi được giới thiệu bởi ông Gavin Jennings, Bộ trưởng Quốc Hội sự vụ cho chính phủ của Đảng Lao động.

Kinh Lạy Cha hiện đang được đọc lúc mở đầu các cuộc họp quốc hội liên bang Úc và quốc hội của mọi tiểu bang. Tại thủ đô Canberra, ngoài kinh Lạy Cha, còn có một khoảnh khắc cầu nguyện trước khi bắt đầu các cuộc họp.

Theo báo cáo ngày 20 tháng 3 của Nine News, trước cao trào chống Công Giáo hiện nay, không một chính trị gia Công Giáo nào dám phản đối đề nghị này. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew – một người theo Công Giáo – cho biết ông “cởi mở” với đề xuất này. Bà Marlene Kairouz, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng, cũng là người Công Giáo, cũng “cởi mở” với đề xuất đó.

Tuy nhiên, đừng trách họ. Nếu như nhiều Giám Mục và linh mục tại Úc không dám công khai kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell thì đừng trách các chính trị gia.

Kinh Lạy Cha đã được đọc hàng ngày trong cơ quan lập pháp Victoria từ năm 1918. Năm ngoái, Thượng viện Quốc Hội liên bang Úc đã bác bỏ một đề xuất tương tự do các nghị sĩ của đảng Xanh đưa ra.

4. Linh mục Canada bị đâm trong khi cử hành thánh lễ được trực tiếp truyền hình

Một linh mục đã bị đâm trong khi cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Giuse ở Montreal vào sáng thứ Sáu 22 tháng Ba.

Cha Claude Grou, giám đốc Đền Thờ, đã bị một người đàn ông dùng con dao lớn tấn công khi ngài đang cử hành Thánh lễ sáng. Thánh lễ đang được Sel + Lumiere TV phát trực tiếp, nhưng video này sau đó đã bị xóa khỏi trang web.

Cha Grou cố gắng bỏ chạy khi kẻ tấn công lao về phía ngài, nhưng cha bị hung thủ quật ngã xuống đất và bị đâm một lần. Tên tấn công chỉ ngưng lại khi các tín hữu tham dự thánh lễ lao lên bàn thờ quật ngã hắn xuống.

Cha Grou đã được đưa xe cứu thương đưa đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Theo thông cáo mới nhất của Tổng giáo phận Montreal, ngài đang trong tình trạng ổn định và vết thương của ngài không nghiêm trọng.

Các nhân viên an ninh tại Đền Thờ đã bắt giữ thủ phạm trước khi cảnh sát đến. Cảnh sát đang giam giữ người đàn ông này để điều tra.

5. Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bác bỏ những cáo buộc liên quan đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Trong tuyên bố hôm 20 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ sự thất vọng của các ngài trước những cáo buộc gần đây tại Âu Châu cho rằng vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã “chậm chạp” trong việc đề ra các chính sách có hiệu quả nhằm bài trừ tội lỗi lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội.

Các Giám Mục nhận xét cay đắng rằng các thế lực thù địch với Giáo Hội lạm dụng tội lỗi lạm dụng tính dục để tấn Công Giáo Hội đã đành, nhưng ngày nay còn có cả các giáo sĩ hùa theo những luận điểm này là điều thực sự đáng quan ngại.

Các ngài nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, người từng là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cho biết vị Giáo Hoàng Ba Lan đã phê chuẩn các đặc miễn giáo luật cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ vào năm 1994 và Giáo Hội tại Ái Nhĩ Lan 1996, để các Giám Mục tại quốc gia này có thể áp dụng các chính sách không khoan nhượng đối với tội lỗi lạm dụng tính dục; trước khi ngài công bố những sáng kiến của ngài vào tháng Năm năm 2001 trong tài liệu “Sacramentorum sanctitatis tutela” – “Bảo vệ sự tôn nghiêm của các bí tích”, và các chuẩn mực phải tuân giữ nhằm đối phó với “Các tội ác hết sức nghiêm trọng”.

Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng công bố trên trang web chính thức của Hội Đồng Giám Mục toàn bộ tuyên bố của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Krákow.

6. Tuyên bố của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz: Đức Gioan Phaolô II trước các lạm dụng tình dục trong Giáo Hội

Ngày 20 tháng Ba Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Krákow, đã ra Tuyên bố có nhan đề “Đức Gioan Phaolô II trước các lạm dụng tình dục trong Giáo Hội”.

Toàn văn như sau:

Các ý kiến mới nổi lên cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã chậm chạp trong việc hướng dẫn Giáo Hội phản ứng lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi một số giáo sĩ là những nhận xét đầy thành kiến và mâu thuẫn với các sự kiện lịch sử.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thay thế trách nhiệm của các giám mục ở các quốc gia riêng lẻ. Khi quan sát cuộc sống của các giáo hội địa phương, ngài đặc biệt chú ý đến cách thức các giám mục đối phó với vấn đề mới nổi lên này. Khi cần thiết, ngài giúp đỡ các vị, thường là theo sáng kiến của riêng ngài. Ngài đã làm như vậy theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục địa phương.

Đây là cách ngài phản ứng lại trước cuộc khủng hoảng liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Vào thập niên 1980, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu lên men trong Giáo Hội tại Mỹ, trước hết Đức Giáo Hoàng quan sát các hoạt động của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và khi ngài đi đến kết luận rằng cần có các công cụ mới để chống lại những tội ác này, ngài đã trao cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội những quyền lực mới. Đối với các giám mục, những điều này là một dấu chỉ rõ rệt cho thấy hướng đi mà các ngài phải theo đuổi trong cuộc chiến đấu chống lại tội ác này. Điều đó có thể thấy rõ khi nhớ lại rằng vào năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành một đặc miễn giáo luật (indult) cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ và hai năm sau đó cho Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan, được áp dụng một chính sách gọi là không khoan nhượng. Ngài không có ý định dung túng cho tội ác ấu dâm trong Giáo Hội, nhưng quyết liệt chiến đấu chống lại nó.

Khi rõ ràng rằng các giám mục địa phương và bề trên các dòng tu vẫn không thể đối phó với vấn đề này, và cuộc khủng hoảng đang lan rộng sang các quốc gia khác, ngài nhận ra rằng nó không chỉ liên quan đến thế giới Anglo-Saxon mà còn mang đặc tính toàn cầu.

Chúng ta biết rằng, vào năm 2002, đã có một làn sóng các tiết lộ ở Hoa Kỳ, từ các ấn phẩm được biết đến với tên là “Spotlight”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ rằng chỉ một năm trước những sự kiện này, vào tháng 5 năm 2001, theo sáng kiến của Đức Thánh Cha, tài liệu “Sacramentorum sanctitatis tutela” – “Bảo vệ sự tôn nghiêm của các bí tích” đã được công bố. Vào thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng đã ban hành các quy tắc phải tuân giữ nhằm đối phó với “Các tội ác nghiêm trọng nhất” này. Chúng ta nên biết tầm quan trọng có tính đột phá trong hành động pháp lý này. Đức Gioan Phaolô II truyền rằng tất cả các tội ác lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi của hàng giáo sĩ đều thuộc thẩm quyền của Tòa án Tông Tòa do Bộ Giáo Lý Đức Tin đứng ra xét xử. Ngài cũng bắt buộc mỗi giám mục và bề trên dòng tu phải báo cáo với Bộ Giáo Lý Đức Tin tất cả những ai phạm vào các tội ác đó, nếu xác suất phạm tội có thể được xác nhận trong cuộc điều tra sơ bộ được quy định bởi bộ Giáo Luật. Các thủ tục tố tụng tiếp theo được tiếp tục dưới sự kiểm soát của Tòa án Tông Tòa.

Những phân tích về cuộc khủng hoảng đã được Đức Gioan Phaolô II trình bày vào tháng Tư năm 2002 cho các vị Hồng Y người Mỹ được triệu tập đến Vatican sau việc công bố của tờ “Spotlight”. Nhờ vào các quy luật rõ ràng đã được Đức Giáo Hoàng chỉ ra, mức độ lạm dụng tại Hoa Kỳ đã suy giảm. Cho đến nay, những phân tích này vẫn tiếp tục đóng vai trò là điểm tham chiếu cho tất cả những ai dấn thân đấu tranh chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ. Nó giúp chẩn đoán cuộc khủng hoảng và chỉ ra lối thoát. Điều này đã được xác nhận bởi Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội tại Vatican được triệu tập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là vị trong cuộc chiến chống lại vấn đề này đang quyết tâm đi theo con đường của những người tiền nhiệm mình.

Cuối cùng, tôi phải nói một lời về trường hợp của Maciel Delgollado. Người ta nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã che đậy hoạt động tội phạm của người này. Các sự kiện cho ta thấy điều ngược lại mới là đúng. Hãy để tôi nhắc các bạn rằng Bộ Giáo lý Đức tin đã bắt đầu điều tra những lời cáo buộc chống lại Delgollado trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, chính xác là vào tháng 12 năm 2004. Vào thời điểm đó, Đức Ông Charles Scicluna, khi đó là Chưởng Lý (Promoter of Justice) và bây giờ là Tổng giám mục, đã được gửi đến Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ cùng với một luật sư khác, để thực hiện các cuộc điều tra cần thiết về vấn đề này. Quyết định khởi động cuộc điều tra này chỉ có thể được đưa ra với sự hiểu biết và ưng thuận của Đức Gioan Phaolô II. Các hoạt động này đã không bị gián đoạn ngay cả trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, và do đó, có thể được kết thúc bằng một bản án ngay vào đầu triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI.

Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz

Krácow, ngày 20 tháng Ba năm 2019

7. Cảnh sát Ấn truy tố một linh mục tội ngụy tạo hồ sơ giả để vu cáo một Hồng Y

Sau chuyện đại nghịch bất đạo hôm 10 tháng Ba khi hàng trăm giáo dân xúm lại đánh trọng thương Đức Giám Mục Jerome Dhas Varuvel của giáo phận Kuzhithurai khiến ngài phải đi nằm nhà thương; người Công Giáo Ấn lại phải chứng kiến thêm một chuyện đại nghịch bất đạo khác.

Theo UCANews, một cuộc tranh cãi về tài chính liên quan đến một Hồng Y Ấn Độ đã có những đột biến gây sững sờ sau khi cảnh sát khởi tố hình sự đối với một linh mục 70 tuổi, cáo buộc ngài dùng tài liệu giả trước ủy ban điều tra của Hội Đồng Giám Mục Ấn.

Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã giao cho Đức Cha Manathodath một số tài liệu trong đó có một tài liệu được cho là của ngân hàng cho thấy Đức Hồng Y Alencherry đã chuyển tiền từ một trương mục ngân hàng của ngài cho hai cơ sở tại Ấn.

Cảnh sát cho biết tài liệu ngân hàng này là giả vì Đức Hồng Y Alencherry hoàn toàn không có trương mục ngân hàng nào với ngân hàng được nêu trong tài liệu.

Cha Thelakat, từng là phát ngôn viên của Giáo Hội Syro-Malabar, đã không trả lời các câu hỏi do UCANews đưa ra nhưng đe dọa rằng Giáo Hội tại Ấn sẽ chịu nhiều tai tiếng hơn nữa: “Nguy hiểm là thế này: nếu cảnh sát yêu cầu, tôi sẽ phải đưa tất cả cho họ.”

8. Đức Hồng Y Philippe Barbarin: Tôi không hề bao che cho cha Preynat. Đó là một phán quyết bất công đối với tôi.

Hôm 18 tháng Ba, Đức Hồng Y Philippe Barbarin đã triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô để trao đơn từ chức Tổng Giám Mục Lyon cho ngài, nhưng Đức Thánh Cha đã bác bỏ đề nghị này. Một ngày sau đó, Đức Hồng Y đã dành cho hệ thống truyền hình KTO của Công Giáo Pháp một cuộc phỏng vấn.

Ngài nói:

“Tôi không biết gì về thế giới của tòa án và tư pháp. Điều tuyệt vời và mạnh mẽ về hệ thống tư pháp Pháp là vấn đề trở nên rõ ràng và bạn phải lắng nghe những người khác,” trong trường hợp cụ thể này là các nạn nhân, mặc dù, “Tôi đã gặp hàng chục người trong số họ, cũng như người thân và con cháu của họ”.

Nói về cảm nghiệm của ngài đối với phiên tòa, Đức Hồng Y nói:

“Tôi đã bị nướng trong ba giờ đồng hồ và tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi về những gì tôi đã làm một cách rõ ràng và minh bạch. Mục tiêu không phải để nói rằng tôi đã làm tốt, nhưng để làm rõ những gì tôi đã làm và tại sao tôi làm như vậy.”

Về quyết định kháng cáo bản án, ngài giải thích: “Tôi có quyền này ở Pháp, tôi làm theo lời khuyên của luật sư và công tố viên, và thậm chí cả Đức Giáo Hoàng cũng đồng ý là tôi nên làm như vậy.”

Đức Hồng Y tái khẳng định mình vô tội và nhắc lại: “Tôi đã giải thích những gì tôi đã làm, cách tôi làm và lý do tại sao tôi làm những điều đó. Tôi không nói rằng tôi đã làm tốt. Tôi thừa nhận rằng nhân vô thập toàn, tôi có thể phạm sai lầm, nhưng không phải là những gì mà người ta cáo buộc.”

Ngài giải thích rằng khi ngài gặp một trong những nạn nhân vào tháng 11 năm 2014, là người đã nói với ngài về nỗi buồn của anh ta vì đã không báo cáo sự thật. Đức Hồng Y cho biết “tôi đề nghị anh ta tìm xem liệu có những nạn nhân khác không, và đó là điều mà người này đã làm.”

Người mà Đức Hồng Y đề cập đến là Alexandrealeighot-Hezez.

Tháng 7 năm 2014, Alexandrealeighot-Hezez báo cho tổng giáo phận Lyon biết về trường hợp bị cha Preynat lạm dụng tính dục 24 năm trước khi còn là một hướng đạo sinh và cha Preynat là linh mục tuyên úy.

Alexandrealeighot-Hezez đã đặt vấn đề với tổng giáo phận khi biết rằng cha Preynat vẫn còn sống, và đang hoạt động mục vụ tại một giáo xứ địa phương, với trách nhiệm dạy giáo lý cho các học sinh.

Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y lẫn Alexandrealeighot-Hezez đều không nghĩ rằng Đức Hồng Y phải báo cáo với cảnh sát và trong phiên tòa sơ thẩm, công tố viện cũng thừa nhận rằng chính các nạn nhân cũng phải thực hiện điều đó.

Đức Hồng Y nói thêm: “Bản thân việc không báo cáo sự thật có thể là một sai lầm, và nếu tôi bị kết án về điều đó, thì đó là điều công bằng.” Điều khoản trong bộ luật hình sự về việc báo cáo trong các trường hợp lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên đã được công tố viên trong phiên tòa sơ thẩm và chánh án trong phiên tòa thứ hai diễn dịch trái ngược nhau.

Đức Hồng Y nhận xét cay đắng rằng “Nếu nó được giải thích theo chiều hướng chống lại tôi, như trong phiên tòa sau cùng, thì đành chịu.”

“Nhưng vì có một sự khác biệt giữa những gì công tố viên nói trong phiên sơ thẩm và những gì tòa án nói sau này, đó là chuyện bình thường, nên tôi quyết định kháng cáo bản án.”

Cuối cùng, Đức Hồng Y khẳng định rằng: “Tôi không hề bao che cho cha Preynat. Đó là một phán quyết bất công đối với tôi”

Tưởng cũng nên nói thêm, sau cuộc nói chuyện với Đức Hồng Y, Alexandrealeighot-Hezez đã tìm được chín người khác cũng bị cha Preynat lạm dụng tính dục.

Chín người này đã lập ra nhóm “La Parole libérée” để tìm cách truy tố Đức Hồng Y bất chấp thực tế do chính họ công nhận trong một tuyên bố trực tuyến vào sáng thứ Năm 7 tháng Ba, ngay sau phán quyết của tòa án về 6 tháng tù treo dành cho Đức Hồng Y Barbarin, rằng chín người khiếu nại này nhất trí thừa nhận rằng những lời buộc tội của họ đã được tổng giáo phận Lyon và chính Đức Hồng Y đón nhận một cách nghiêm chỉnh với lòng thương cảm, và đã được chấp nhận mà không có lời chất vấn nào đối với những gì họ cáo buộc.

Alexandrealeighot-Hezez, cảm thấy mục tiêu của nhóm “La Parole libérée” không phù hợp với anh, nên đã rút lại khiếu nại của mình. Tất cả điều anh muốn là tổng giáo phận thận trọng với cha Preynat, chứ không phải là việc truy tố Đức Hồng Y Barbarin.

9. Tại sao tôi phải xưng tội với một linh mục? Giải thích của Đức Bênêđíctô thứ 16

Ngày 18 tháng 12 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thăm nhà tù Rebibbia của Rôma. Một tù nhân đã đưa ra câu hỏi: “Tại sao tôi phải xưng tội với một linh mục? Xưng tội thẳng với Chúa không tốt hơn sao?”.

Dưới đây là câu trả lời của ngài, được ghi lại trong tập chỉ dẫn việc cử hành 24 giờ cho Chúa được cử hành vào ngày 29 tháng Ba, 2019 của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:

Đó là một vấn đề lớn. Có hai lý do cụ thể. Đầu tiên, tất nhiên, nếu tôi quỳ gối xuống và với tình yêu đích thực, khẩn khoản xin Chúa tha thứ cho tôi, thì Ngài sẽ tha thứ cho tôi. Theo giáo lý thường hằng của Giáo hội, những tín hữu nào với lòng sám hối thực sự, nghĩa là không chỉ đơn thuần là để tránh những đau khổ và khó khăn, nhưng vì tình yêu mến những điều thiện hảo và vì tình yêu dành cho Chúa, cầu xin tha thứ, họ chắc chắn sẽ nhận được sự thứ tha của Chúa. Do đó, nếu tôi thực sự thừa nhận rằng tôi đã làm sai, và trong tâm hồn tôi có lòng yêu mến những điều lành thánh và ý chí muốn làm điều tốt được tái sinh, thì Ngài ban cho tôi ơn biết ăn năn vì đã không hành động theo tình yêu này khi tôi đưa ra lời cầu xin Chúa tha thứ cho tôi.

Ngoài ra còn có một lý do thứ hai. Tội lỗi không chỉ là vấn đề “cá vị” của một người, không chỉ là vấn đề cá nhân giữa Chúa với tôi mà thôi. Tội lỗi luôn có chiều kích xã hội, chiều ngang. Cùng với tội riêng của mình, tôi cũng đã làm hỏng sự hiệp thông của Giáo hội. Tôi đã bôi bẩn nhân loại, cho dù có thể không ai biết đến. Và chiều kích xã hội, chiều ngang này của tội lỗi đòi hỏi nó phải được xá giải cả trên bình diện cộng đồng nhân loại, cộng đồng của Giáo hội, một cách gần như là thể lý. Chiều kích thứ hai của tội lỗi, không chỉ chống lại Thiên Chúa, mà còn liên quan đến cộng đồng, vì thế cần đến Bí tích này. Bí tích Hòa Giải là một ân sủng tuyệt vời, trong đó, bằng cách xưng thú tội lỗi mình, tôi có thể giải thoát bản thân khỏi lỗi lầm này và thực sự nhận được sự tha thứ, cùng với cảm thức được tái hội nhập đầy đủ vào cộng đồng của Giáo hội sống động, là Thân thể của Chúa Kitô. Và, do đó, theo nghĩa này, ơn xá giải bởi một linh mục là cần thiết. Bí tích này không phải là một sự áp đặt nhằm giới hạn lòng nhân lành của Thiên Chúa, nhưng trái lại, là một biểu hiện sống động lòng nhân từ của Ngài bởi vì nó cũng cho tôi thấy một cách cụ thể, trong tình hiệp thông với Giáo hội, rằng tôi đã nhận được sự tha thứ và có thể bắt đầu lại.

Do đó, tôi muốn nói rằng chúng ta nên ghi nhớ hai chiều kích này: chiều dọc, với Chúa và chiều ngang, với cộng đồng của Giáo hội và nhân loại. Ơn xá giải của linh mục là cần thiết để giải thoát tôi thực sự khỏi sự ràng buộc của tội lỗi và tái hòa nhập tôi hoàn toàn vào Giáo hội của Người, và cho tôi sự xác tín, gần như cụ thể rằng qua bí tích này Chúa tha thứ cho tôi và tiếp nhận tôi vào cộng đồng con cái của Ngài. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải học cách hiểu Bí tích Hòa giải theo nghĩa này: đó là một cơ hội để tìm thấy, một cách gần như là thể lý, sự nhân lành của Chúa, và sự chắc chắn được thứ tha.

10. Đức Hồng Y Daniel DiNardo đã được bệnh viện cho về nhà

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston đã được bệnh viện cho về nhà, sau một cơn đột quỵ nhẹ vào tuần trước, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cho biết như trên trong tuyên bố hôm thứ Tư 20 tháng 3.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn trong thời gian ngắn.

Ngài đã bị đột quỵ vào tối 15 tháng 3, khi đang chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá, và đã được đưa ngay vào Bệnh viện Thánh Giuse tại Houston, Texas.

Theo tổng giáo phận, hiện tại ngài vẫn phải tham gia “một chương trình phục hồi tiêu chuẩn thường kéo dài trong khoảng hai tuần.”

Trong một tuyên bố của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Đức Hồng Y cho biết: “Tôi biết ơn rất nhiều các bác sĩ và y tá vì những chăm sóc và tình cảm của họ dành cho tôi thực sự tuyệt vời tại Bệnh viện Thánh Giuse, là điều đã giúp tôi nhanh chóng hồi phục hoàn toàn.”.

“Tôi cũng biết ơn những lời cầu chúc và đặc biệt là những lời cầu nguyện cho sự chữa lành của tôi, là điều mà tôi có thể bảo đảm rằng anh chị em đang tạo ra một sự khác biệt thực sự. Tôi mong sớm được trở lại làm việc và tiếp tục công việc quan trọng đang đặt ra trước chúng ta.”

Đức Hồng Y DiNardo, 69 tuổi, được thụ phong linh mục tại giáo phận Pittsburgh vào năm 1977. Ngài đã từng làm việc sáu năm tại Bộ Giám Mục của Vatican, và trở thành Giám mục của Sioux, Iowa, vào năm 1998. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Galveston -Houston vào năm 2004, và hai năm sau Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục của tổng giáo phận đó vào năm 2006.

Một năm sau, ngài được nâng lên hàng Hồng Y. Ngài là Tổng Giám mục đầu tiên của Galveston-Houston được tấn phong Hồng Y.

Đức Hồng Y từng giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ từ năm 2013 đến 2016. Ngài bắt đầu nhiệm kỳ ba năm với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào năm 2016.

Đức Hồng Y có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ La Vang.

11. Giới thiệu vài nét về cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng trong 3 triều Giáo Hoàng

Cha Raniero Cantalamessa sinh ra tại Colli del Tronto, Ý vào ngày 22 tháng 7 năm 1934. Ngài được thụ phong linh mục dòng Phanxicô Capuchin vào năm 1958. Ngài có bằng tiến sĩ về thần học và văn học cổ điển. Trước đây, ngài từng là giáo sư lịch sử Kitô giáo cổ đại và là giám đốc của Khoa Khoa học Tôn giáo tại Đại học Cattolica del Sacro Cuore ở Milan, cho đến khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng vào năm 1980. Cha Cantalamessa cũng từng là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế từ năm 1975 đến năm 1981.

Năm 1980, Cantalamessa được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng. Ngài giữ vị trí này suốt 3 triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Trong chức vụ này, ngài thuyết giảng các bài suy niệm cho Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo cũng như tất cả các viên chức khác trong giáo triều Rôma vào mỗi Thứ Sáu trong Mùa Chay và Mùa Vọng, và là “người duy nhất được phép giảng cho Đức Giáo Hoàng.”

Trong buổi Phụng Vụ tưởng niệm Chúa chịu chết vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Đến thớ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng chủ sự các nghi lễ, nhưng ngài là người thuyết giảng.

Danh tiếng ngài lừng lẫy đến mức ngày 24 tháng 11, 2015 ngài đã được mời giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo.

Trong dịp này, cha Cantalamessa đã nói một câu để đời với các nhà lãnh đạo Anh giáo nhóm họp tại Westminster rằng “chúng ta không bao giờ có thể để cho một vấn đề luân lý chẳng hạn như vấn đề tính dục có thể chia rẽ chúng ta đến mức là cả tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô cũng không còn có thể liên kết được chúng ta nữa.”

Giáo Hội Anh Giáo đã từng tấn phong Giám Mục cho một người công khai sống đồng tính là giám mục Gene Robisnson của giáo phận Anh Giáo New Hampshire, Hoa Kỳ. Gene Robisnson là người đã có vợ con, nhưng vào năm 1986 đã bỏ vợ, là Isabella Martin, và 2 đứa con để công khai sống với Mark Andrew mà ông ta gọi là “chồng”.

Việc tấn phong Giám Mục cho Gene Robisnson vào năm 2003, cùng với những trào lưu đòi công nhận cái gọi là hôn nhân đồng tính gây chia rẽ sâu sắc Anh Giáo, đến mức hàng loạt giáo xứ bỏ sang Công Giáo.

Từ ngày 2 đến ngày 8 tháng Giêng năm nay, cha Raniero Cantalamessa đã hướng dẫn tuần tĩnh tâm cho các Giám Mục trên toàn cõi Hoa Kỳ tại chủng viện Mundelein ở Chicago. Tuần tĩnh tâm này là sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các Giám Mục Hoa Kỳ tạm dừng mọi việc để cầu nguyện trong khi Giáo Hội tìm cách đáp lại cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục.

Chủ đề của tuần tĩnh tâm này là “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:14).

Bài giảng đầu Mùa Chay năm nay của cha Cantalamessa, có tựa đề “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 8), được xem là một phân tích sâu sắc về thói đạo đức giả: nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và phương dược chữa trị.

Vietcatholic Network

You may also like