Giáo Hội Toàn Cầu

Barrett và Biden, kịch tính công giáo về chính trị và phá thai ở nước Mỹ

Thẩm phán Amy Coney Barrett đã tuyên thệ vào tối thứ Hai, trước thẩm phán Clarence Thomas, một thành viên phục vụ lâu năm nhất của Tòa án Tối cao Mỹ. Đây là chuyện khá đặc biệt, không chỉ liên quan đến các thẩm phán tối cao, mà còn liên hệ đến người Công giáo và luật phá thai của Hoa Kỳ. 

Bà Barrett và ông Thomas sẽ là những người Công giáo (pro-life, bảo vệ sự sống và chủ trương chống phá thai) nổi tiếng nhất của Tòa án Tối cao Mỹ. Với tổng cộng chín thẩm phán, Tòa án Tối cao Mỹ này hiện đã có tới sáu thẩm phán Công giáo – mà nếu tính cả Neil Gorsuch thì sẽ là bảy, vì Neil Gorsuch đã từng được rửa tội theo Công giáo mặc dù hiện ông đang thuộc giáo đoàn Episcopal. Hai thẩm phán còn lại thuộc Do Thái giáo. 

Còn nhiều điều đáng nói hơn thế nữa, với kịch tính rất cao, vì trong một tuần nữa, ông Joe Biden có thể sẽ trở thành tổng thống Công giáo thứ hai của Hoa Kỳ. 

Chuyện luật phá thai ở Hoa Kỳ trong 40 năm qua quả đúng là câu chuyện đặc biệt của người Công giáo trong đời sống xã hội. Về phía Tòa án Tối cao, những nhân vật quan trọng chính yếu trong câu chuyện này là: 
– Cố thẩm phán Antonin Scalia, 
– Thẩm phán Thomas, 
– Thẩm phán Robert Bork – người bị từ chối đề cử, 
– Thẩm phán đã nghỉ hưu Anthony Kennedy – người thay thế Robert Bork. 

Về mặt chính trị, những nhân vật quan trọng là cố Thượng nghị sĩ Massachusetts Ted Kennedy và Biden…

Vào mùa hè năm 1987, Tổng thống Reagan đã đề cử Robert Bork, một luật gia lỗi lạc (ông ấy trở thành Công giáo vào năm 2003). Ted Kennedy lập tức tấn công Bork bằng những bài phát biểu mang tính phỉ báng và bêu rếu nhất tại Thượng viện, nhấn mạnh rằng: “Phụ nữ Mỹ của Robert Bork sẽ bị ép phá thai trong hẻm, người da đen sẽ phải ngồi ăn tách biệt, cảnh sát lưu manh có thể phá cửa nhà dân trong các cuộc đột kích lúc nửa đêm”. 

Sau đó, Biden chủ trì các phiên điều trần tàn bạo đến mức động từ “to Bork” đã đi vào tự điển chính trị như là chữ viết tắt của “ám sát nhân vật vì mục đích chính trị”. 

Kennedy và Biden đã thay đổi các quy tắc chính trị, chủ yếu là để bảo vệ luật có quyền phá thai. Họ đã làm như vậy một cách cường bạo và xấu xa. Họ ‘gieo gió’ vào năm 1987 để sau này họ đã gặt được ‘bão lớn’. 

Bork đã bị đánh bại trên sàn Thượng viện. Biden và Kennedy đã thành công; Tổng thống Reagan, hoảng sợ vì thất bại trong đề cử của Bork, đã đề cử Anthony Kennedy ôn hòa thay thế Bork. Thẩm phán Kennedy sau đó đã sắp xếp một cuộc bỏ phiếu về các vấn đề xã hội, bảo vệ luật phá thai và trở thành cha đẻ của hôn nhân dân sự đồng tính. 

Cuộc tấn công nhân vật Bork của Kennedy và Biden, hai trong số những người Công giáo hàng đầu tại Thượng viện, đã có hai tác động. Nó trực tiếp dẫn đến việc chuẩn nhận thẩm phán Kennedy vào năm 1988 và gián tiếp thúc đẩy Tổng thống George H.W. Bush vào năm 1990 đề cử một người họ hàng ‘vô danh’ của mình là thẩm phán David Souter. Sau cuộc tấn công dữ dội vào nhân vật Bork, việc mọi người không biết gì về Souter được cho là một lợi thế. Souter gần như ngay lập tức chứng tỏ là một thẩm phán có khuynh hướng tự do. 

Năm 1992, hai thẩm phán Kennedy và Souter đã đưa ra phiếu bầu quan trọng trong quyết định duy trì luật được quyền phá thai. Casey đã gia hạn quyền phá thai thêm 30 năm. 

Ý kiến ​​đa nguyên của Kennedy và Souter đã liệt kê “quyền được định nghĩa về khái niệm của riêng mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ và bí ẩn của cuộc sống con người”. Được tạo ra để bảo vệ quyền phá thai dựa trên các bằng chứng khoa học và các nguyên tắc pháp lý trái chiều, cách tiếp cận “bí ẩn của cuộc sống” của Anthony Kennedy cuối cùng sẽ tạo ra quyền kết hôn dân sự đồng tính. 

Công việc của Biden và Ted Kennedy năm 1987 đã đạt được như ý muốn của họ trong nhiều thập kỷ. Gần đây, Paul Kengor đã kể lại chi tiết chuyện ông Biden tuôn ra “những giọt nước mắt vui mừng” khi quyền phá thai được chuẩn nhận. Công việc của Biden, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã thành công như ý ông muốn. 

Trước những vận động dẫn đến quyền phá thai (1992), Tổng thống Bush đã ra mở một phiên tòa khác và đề cử Clarence Thomas làm thẩm phán. Khi ấy, Biden đã chủ trì một phiên điều trần thậm chí còn ngoạn mục hơn phiên tòa dành cho Bork, trong đó những cáo buộc tồi tệ về quấy rối tình dục đã được đưa ra nhằm tấn công Thomas. Thomas đã phản ứng lại, bằng cách mô tả các phiên điều trần của Biden là “cuộc hành hình tinh vi ngoài vòng pháp luật.” 

Thomas đã được chuẩn nhận làm thẩm phán với tỉ lệ 52-48. Có lẽ ông Thomas và bà Barrett cũng đã thảo luận với nhau để tối thứ Hai vừa qua, bà Barrett đã được chuẩn nhận với cùng một kết quả trước đây của ông Thomas. 

Năm 2017, Biden đã nghỉ hưu với tư cách phó tổng thống, nhưng hàng chục năm làm việc của ông trong việc đưa Đảng Dân Chủ trung thành ủng hộ việc phá thai đã hoàn tất. Thẩm phán Kennedy đã nghỉ hưu vào năm 2018. 

Bây giờ vào năm 2020, Biden hy vọng sẽ trở lại ở đỉnh cao của quyền hành pháp. Và cuộc chiến giành Tòa án Tối cao mà ông đã giành được 30 năm trước sẽ tái hiện một lần nữa. Người đàn ông mà Biden suýt hạ gục vào năm 1991, ông Clarence Thomas, đã ở đó vào đêm thứ Hai, nhận lời tuyên thệ của bà Barrett, người cuối cùng có thể sẽ phải làm lại trước tòa điều mà Robert Bork đã làm nhiều thập kỷ trước. 

Ted Kennedy, Biden, Barrett, Thomas, Anthony Kennedy, Bork, Scalia – đây là tên của các nhân vật trong chuyện của người Công giáo Hoa Kỳ suốt gần 40 năm qua. Và một chương mới của câu chuyện đang được viết tiếp… 

Lm Raymond J. de Souza (NCR) / Vi Hữu chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan