Với đà gia tăng các căng thẳng về tự do tôn giáo tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, vào hôm Thứ Năm vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Kitô Giáo bênh vực quyền tự do phát biểu tôn giáo chống lại thứ “nguyên tắc khoan dung sai lạc”.
Đức Giáo Hoàng lên tiếng với một hội nghị các nhà lãnh đạo Công Giáo và Thệ Phản của Âu Châu, nhưng lời lẽ của ngài cũng có thể có nhiều hệ luận đối với các cuộc tranh luận hiện nay ở Hoa Kỳ.
Ngài nói rằng “tôi nghĩ tới các thách thức do việc làm luật đặt ra, một việc vốn nhân danh nguyên tắc khoan dung bị giải thích sai và cuối cùng đã ngăn cản công dân không cho họ phát biểu một cách hòa bình và hợp pháp các xác tín tôn giáo của họ”.
Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo Kitô Giáo “đồng thanh” bênh vực tự do tôn giáo.
Lời kêu gọi trên xuất hiện trong một bài diễn văn ngắn ngỏ với cuộc gặp gỡ chung giữa Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, bao gồm các giám mục Công Giáo Âu Châu, với Hội Đồng Các Giáo Hội Âu Châu, bao gồm các nhà lãnh đạo của 120 Giáo Hội Chính Thống, Thệ Phản và Cựu Công Giáo Âu Châu và một số tổ chức liên hệ.
Tranh chấp về tự do tôn giáo càng ngày càng trở thành một nét độc đáo trong sinh hoạt chính trị tại Âu Châu ngày nay.
Ở Pháp, chẳng hạn, cộng đồng Hồi Giáo, đang nở rộ, gần đây lên tiếng phản đối khi một nữ sinh 15 tuổi bị đuổi vì mặc chiếc váy dài, mà theo vị hiệu trưởng, là vi phạm luật năm 1905 là luật ngăn cấm các biểu tượng tôn giáo tại các nơi công cộng.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, hàng chục tiểu bang hiện đang tranh luận đạo luật cho phép các miễn trừ tôn giáo; 21 tiểu bang khác đã thông qua các luật lệ như thế. Tại Indiana, các nhà làm luật gần đây đã buộc phải tu chính luật lệ sau khi có những lời khiếu nại cho rằng luật lệ này hợp pháp hóa việc kỳ thị chống lại những người LGBT (đồng tính và thay phái tính) và do đó đã dấy lên nhiều cuộc phản đối rộng khắp xứ sở.
Ngoài việc muốn tạo ra một trận tuyến thống nhất để bảo vệ tự do tôn giáo, Đức Phanxicô cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo Công Giáo và Thệ Phản đề cập tới việc di dân đầy bi ai và thường đầy bi thảm của hàng nghìn người trốn chạy chiến tranh, bách hại và nghèo khổ.
Ngài nói rằng: “Các Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội ở Âu Châu có bổn phận phải làm việc với nhau để phát huy tình liên đới và lòng hiếu khách”.
Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình này đã biến đại kết thành một trong các cột trụ của triều giáo hoàng của ngài. Giữa nhiều điều khác, ngài hay nói tới nền “đại kết bằng máu” có ý ám chỉ việc bách hại bằng bạo lực các Kitô hữu tại nhiều nới khác nhau trên thế giới “chỉ vì họ đeo thánh giá hay mang cuốn Thánh Kinh”.
Nói với ký giả người Ý, Andrea Tornielli, hồi tháng 12 năm 2013, Đức Phanxicô cho rằng “trước khi sát hại họ, [những người quá khích] không hỏi họ theo Anh Giáo, theo Đạo Luthêrô, theo Đạo Công Giáo, hay theo Đạo Chính Thống. Máu của họ hỗn hợp. Đối với những người sát hại chúng ta, tất cả chúng ta đều theo Kitô Giáo cả”.
Hôm Thứ Năm, trước khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng, Đức Hồng Y người Hung Ga Ri, Péter Erdő, nói với hội nghị rằng đây là thời điểm đặc biệt có vấn đề đối với các Kitô hữu, vì việc bách hại và kỳ thị cũng đang diễn ra ngay tại Âu Châu và nói lên nỗi đau khổ của nhiều Kitô hữu bất phân biệt hệ phái.
Theo Đức HY Erdő, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, dường như có ai đó đang muốn “cho lên giá”sự hiện diện của Kitô Giáo trong xã hội và muốn chắc chắn rằng đức tin biến mất khỏi đời sống công cộng.
Giám Mục Anh Giáo, Christopher Hill, chủ tịch Hội Đồng Các Giáo Hội, nói rằng căn cứ vào các cuộc tấn công chống tờ tạp chí hài hước Charlie Hebdo, trong đó, 12 người đã bị thảm sát bởi hai tay súng cực đoan, việc Kitô hữu đề cập tới tự do tôn giáo là điều thích đáng.
Vị giáo phẩm Anh Giáo trên đặt câu hỏi: “Tự do phát biểu là điều nền tảng, nhưng ta sử dụng quyền tự do của ta không chỉ như những cá nhân ra sao? Ta nên sử dụng tự do của ta vì phúc lợi của toàn thể cộng đoàn như thế nào?”
Trích dẫn văn kiện giáo huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, Giám Mục Hill biện luận rằng nên coi đại kết như một đóng góp cho tính hợp nhất của gia đình nhân loại.
Ngài nói: “Chia rẽ giữa các Kitô hữu càng đổ thêm nguyên nhân vào tranh chấp từ phía những người đáng lý ra phải làm men cho hòa bình”.
Vũ Văn An 5/8/2015
(nguồn: vietcatholic.org)