Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 8-11. 14-16a

“Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.

Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà ?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Xướng:

1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.

2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. – Đáp.

3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Đấng Thánh của Israel. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 6, 3-4. 8-11

“Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 10, 37-42

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðiều kiện để làm môn đệ Ðức Giêsu là phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tình cảm thân thiết nhất như cha mẹ, anh em, bạn bè. Thật ra, Ðức Giêsu không bắt chúng ta phải khước từ cha mẹ, anh em, bạn bè đâu. Ðiều Chúa muốn đó là chúng ta phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi tương quan, ngay cả trên chính mạng sống mình. Ðiều kiện Ðức Giêsu đưa ra buộc chúng ta phải có thái độ dứt khoát, đòi hỏi ta phải chấp nhận hy sinh, mất mát ở đời này. Ðó chính là con đường khổ giá Ðức Giêsu đi trước và muốn chúng ta đi theo. Chính Ðức Giêsu đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, trở thành người và sống như con người.

Ước gì mỗi chúng ta biết noi gương Thầy Chí Thánh trong sự từ bỏ, đón nhận đau khổ trong niềm tin yêu, để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin, nghị lực và tình mến cho chúng con. Chúng con là những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cho chúng con sẵn sàng quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và đón nhận thánh giá trong cuộc đời như là một niềm vui, một ân huệ cứu độ. Amen.

Ghi nhớ : “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”.

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

BIẾT ĐÓN NHẬN THA NHÂN

A. DẪN NHẬP

  Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nhắc ta hãy lưu tâm đến việc tiếp nhận tha nhân, nhất là đón nhận những người nghèo hèn, bé mọn, cô thế cô thân, bị bỏ rơi… Đón tiếp tha nhân chính là đón nhận Chúa Kitô. Muốn đón tiếp phải có lòng yêu thương, thành thật, hy sinh, từ bỏ, tế nhị, cởi mở. Biết đón tiếp là bước khởi đầu của tình yêu. Chúa Giêsu hứa sẽ ban thưởng bội hậu cho những ai có lòng quảng đại biết tiếp rước những người nghèo hèn, làm phúc bố thí cho họ dù chỉ một bát nước lã.

  Qua bài đọc sách Các Vua, một bà già son sẻ sang trọng miền Su-nêm rất giàu lòng quảng đại đã mời tiên tri Elisê dùng bữa khi tiên tri đi ngang qua. Do lòng quảng đại bác ái đó, bà đã khám phá ra đây là người của Thiên Chúa. Bà lại càng trân trọng tiếp đãi nồng hậu hơn: dọn phòng trên lầu, có giường, có ghế, có đèn… Qua nghĩa cử “cho khách đỗ nhà”, bà ta đã được đền đáp xứng đáng: sẽ có được con trai trong lúc hai ông bà đã cao niên.

  Sự đón tiếp cần phải với tấm lòng. Đón tiếp vào nhà, với tinh thần chỉ có thể thực hiện nếu có sự đón tiếp với tấm lòng chúng ta, vì nói cho cùng, đón tiếp là tự hiến dâng: đấy là biết từ bỏ sự thoải mái riêng tư, sự yên tĩnh của mình để lo cho người khác. Một sự hiến dâng như thế chỉ có thể thực hiện theo lệnh của con tim chúng ta. Sự hiến dâng này chỉ đầy đủ ý nghĩa nếu nó biểu hiện sự đón tiếp từ trong lòng, làm cho tình thương nên trong sáng và bất vụ lợi. Chúa Giêsu đã nói: “Kẻ nào đón tiếp các ngươi là đón tiếp chính Ta”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2V 4,8-11.14-16

  Trên đường sứ mạng, ngày kia tiên tri Êlisê ghé thăm nhà một người đàn bà ở Su-nêm. Bà này tỏ ra rất quý trọng nhà tiên tri, vì bà coi ông là vị thánh của Thiên Chúa. Được sự đồng ý của chồng, bà đã dọn cho tiên tri một phòng ở trên lầu với đầy đủ những thứ cần thiết, để bất cứ lúc nào tiên tri cũng có thể đến trú ngụ.

  Đáp lại tấm thịnh tình của bà, tiên tri đã cầu khẩn Thiên Chúa ban tặng cho bà một đứa con vì bà hiếm muộn và chồng bà đã già. Lời cầu xin của ông đã được chấp nhận. Ông nói với bà: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2V 4,16).

+ Bài đọc 2: Rm 6,3-11

  Bài đọc 2 chỉ là chủ đề phụ. Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô dạy cho các tín hữu biết rằng: nhờ Phép Rửa chúng ta đã cùng được mai táng với Đức Kitô, và sẽ được cùng với Ngài sống lại hiển vinh, để hiệp thông một cách nhiệm mầu vào chính sự sống của Thiên Chúa: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6,11).

+ Bài Tin mừng: Mt 10,37-42

  Đức Giêsu đưa ra một điều kiện rất khắt khe đối với những người muốn bước theo Ngài. Theo Chúa thì phải yêu mến Ngài trên hết, trên cả cha mẹ vợ con và trên cả thân mình. Như vậy Ngài có ý nói theo Ngài thì không được để bị ràng buộc bởi gia đình.

  Ngoài ra, Chúa đòi chúng ta yêu mến Ngài hơn tất cả trong việc vác thập giá theo Ngài và biết đón tiếp người khác nhất là những người bé mọn. Điều này đòi hỏi người theo Chúa phải quên mình. Quên mình là từ bỏ những gì liên quan đến con người và mọi liên hệ của bản thân từ sự sống cho đến tình cảm.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thương người có mười bốn mối

  Mỗi sáng Chúa nhật chúng ta đều đọc kinh “Thương người có mười bốn mối”: 7 mối quy về thể xác và 7 mối quy về tinh thần, nghĩa là thương con người toàn diện. Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta phải lưu tâm tiếp đón mọi người, không những phải tiếp đón các sứ giả của Chúa một cách cẩn trọng mà còn đón tiếp tất cả những kẻ bé mọn vì tất cả đều là môn đệ của Chúa.

I. BÀI HỌC CHÚA DẠY HÔM NAY

  Nhà triết học hiện sinh Pháp, ông Jean Paul Sartre, có nói một câu làm cho chúng ta ngạc nhiên: “L’enfer c’est les autres”: Tha nhân là hỏa ngục đối với ông. Thật là một câu nói quái gở vì nó đi ngược hoàn toàn với Tin mừng.

  Tha nhân là ai? Họ ở đâu? Làm thế nào tìm được họ? Thưa, họ là mọi người ở quanh chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng, có thể động chạm đến họ. Nếu chúng ta hỏi Chúa Giêsu: người khác hay tha nhân là ai? Chúa Giêsu sẽ trả lời ngay: “Tha nhân chính là Ta” bởi vì Ngài đã khẳng định: “Sự gì ngươi làm cho một người bé mọn nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ của Chúa phải yêu mến Chúa trên hết, hơn cả cha mẹ anh em, ngay cả mạng sống của mình. Đây là một đòi hỏi rất khắt khe và dứt khoát. Sau đó, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy tiếp đón các môn đệ của Chúa.

  Trước hết để xác định sự duy nhất giữa Đấng sai đi và người được sai đi: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Sau đó, để phân biệt chi tiết sự đón nhận theo ba mức độ giảm dần một cách nghịch lý: các “tiên tri”, những “người công chính”, những “kẻ bé mọn”, và long trọng xác nhận họ có tư cách xứng đáng là sứ giả của Phúc âm.

  Các “tiên tri” hiển nhiên là những Kitô hữu. Họ đã thi hành một tác vụ được chấp nhận trong Giáo hội sơ khai.

  Những “người công chính” có lẽ là những thành phần được kính trọng trong cộng đoàn Kitô hữu.

  Còn những “kẻ bé mọn” là các môn đệ, họ chẳng làm gì hơn là “tin” vào Đức Kitô. Họ cũng đáng được trân trọng và yêu mến đặc biệt (Fiches dominicales, năm A, tr 215).

  Tất cả những điều nói trên chung quy lại cũng chỉ nói về “môn đồ Chúa Giêsu”, nghĩa là Kitô hữu thông thường, kẻ được sai đi và liên kết với sứ mạng của Thầy mình. Ngay cả người Kitô hữu khiêm hạ nhất, tức là kẻ “bé mọn”, cũng có thể gán cho mình những điều đã nói trên.

  Ta phải lưu tâm đến hết mọi người và phục vụ họ ngay cả trong những chuyện tầm thường nhất, như cho một ly nước lã. Vì bất cứ một sự lưu tâm nào đối với kẻ “bé mọn” nhất cũng là một sự lưu tâm đối với Chúa. Khi mở rộng lòng mình cho tha nhân như thế, ta sẽ “được sự sống” là điều duy nhất có thể làm cho ta thoả mãn.

II. GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ ĐÓN TIẾP

  Trong Kinh thánh chúng ta thấy còn ghi lại một vài nét đẹp của sự tiếp đón đáng cho chúng ta bắt chước. Những gương sáng này vẫn luôn giữ được tính cách thời sự của nó.

1. Ông Abraham (St 18)

  Ông là một con người hiếu khách và quảng đại. Khi thấy ba khách lạ đang đi trong sa mạc nắng cháy, không những ông mời mà còn năn nỉ họ vào nhà nghỉ và ân cần săn sóc họ một cách chu đáo. Ba người khách lạ đó là ai? Đó là ba sứ giả của Thiên Chúa.

  Đáp lại tấm thịnh tình và lòng quảng đại của ông, ba sứ giả ban cho vợ chồng hiếm muộn này một đứa con trai đầu lòng. Đó là cậu Isaác.

2. Một gia đình ở Su-nêm

  Khi tiên tri Elia qua Su-nêm, một bà giàu có rất hiếu khách đã mời Elia vào nhà dùng bữa với sự săn sóc tỉ mỉ. Bà còn dọn cho tiên tri một phòng trên gác đầy tiện nghi để tiên tri có thể lui tới tự do.

  Đáp lại tấm lòng quảng đại của bà, Elia cũng hứa ban cho bà một đứa con vì bà son sẻ: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (Bài đọc 1).

3. Gia đình ba chị em ở Bêtania

  Chúa Giêsu rất thương ba chị em này, mỗi khi đi qua Bêtania, Chúa và các môn đệ thường ghé thăm chị em và nghỉ ngơi. Chị cả Matta rất hiếu khách, dọn cho Chúa những bữa ăn ngon. Còn cô em Maria đón tiếp Chúa bằng cách ngồi dưới chân Chúa mà nghe Ngài dạy dỗ, cách đón tiếp này cũng làm cho Chúa rất hài lòng. Còn Lagiarô là đàn ông thì tiếp theo kiểu đàn ông là nhậu và chuyện trò với Chúa.

  Đáp lại sự đón tiếp ân cần và thành thực của ba chị em, Chúa Giêsu đã làm cho Lagiarô sống lại sau khi chết bốn ngày.

Truyện: Một nghĩa cử tuyệt đẹp

  Một hôm, hoàng đế Napoléon của Pháp vào một nhà hàng nọ. Đi theo hoàng đế chỉ có một vị sĩ quan tùy viên. Vì không muốn cho ai nhận ra mình là hoàng đế, nên Napoléon và viên sĩ quan cận vệ cải trang ăn mặc như thường dân.

  Sau khi đã ăn uống xong, bà chủ nhà hàng đến tính tiền. Tổng cộng số tiền phải trả là 14 quan. Viên sĩ quan cận vệ mở chiếc cặp xách tay để lấy tiền. Bỗng mặt ông tái mét đi vì trong cặp không có đồng tiền nào cả.

  Thấy thế, Napoléon hiểu ý nói nhỏ với viên sĩ quan: “Đừng lo, để tôi trả cho”. Nói rồi ông móc túi lấy tiền. Nhưng sờ túi trên, túi dưới, túi trước, túi sau, ông không thấy có đồng tiền nào cả. Napoléon nhìn viên sĩ quan nhướng mắt, nhún vai.

  Trước tình thế đó, viên sĩ quan nói với bà chủ:

 – Thật là rủi ro cho chúng tôi, chúng tôi quên không đem tiền theo. Xin bà vui lòng cho tôi thiếu một tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ trở lại thanh toán với bà được không?

  Bà chủ nhất định không chịu và dọa rằng nếu hai người không chịu trả tiền ngay, thì bà sẽ gọi cảnh sát.

  Một anh bồi bàn theo dõi công việc từ đầu cảm thông với hai người khách nên nói với bà chủ:

 – Quên đem tiền trong túi, đó là điều thường xảy ra. Vì thế, xin bà đừng gọi cảnh sát làm gì! Theo tôi thì hai ông đây là người rất thật thà, không có ý lường gạt đâu.

  Nghe anh bồi bàn nói, bà chủ vẫn không chịu và cứ nằng nặc đòi kêu cảnh sát.

  Thấy thế, anh bồi bàn móc túi lấy ra 14 quan trao cho hai người khách và nói: “Đây tôi cho hai ông mượn để thanh toán với bà chủ”.

  Thế là nhờ anh bồi bàn mà Napoléon và viên sĩ quan mới có thể rời khỏi nhà hàng.

  Một lát sau, viên sĩ quan tùy viên trở lại nhà hàng. Ông gặp lại bà chủ và nói:

 – Bà đã tốn kém mất bao nhiêu để tạo lập nhà hàng này?

  Bà chủ trả lời:

 – 30.000 quan.

  Viên sĩ quan mở chiếc cặp da xách tay lấy ra 30.000 quan đặt trên bàn và nói:

 – Vâng lệnh của chủ tôi là hoàng đế Napoléon, tôi xin bà sang lại nhà hàng này cho anh bồi bàn, người đã giúp chúng tôi đang lúc chúng tôi kẹt không có tiền.

III. CÁCH THỨC ĐÓN TIẾP

  Trong việc tiếp đón, người ta phải chú ý đến phương diện vật chất và tinh thần. Phương diện nào cũng quan trọng để làm cho khách được hài lòng, nhưng phương diện tinh thần thì quan trọng hơn.

1. Phương diện vật chất

  Khi đón khách vào nhà, ai cũng muốn khách được hài lòng: dọn dẹp nhà cửa, trang bị đồ dùng cần thiết, cơm nước ngon lành… Phần trang bị vật chất càng đầy đủ càng nói lên lòng hiếu khách, nếu không sợ khách phê bình “khẩu thiệt đãi chi”. Gia đình ở Su-nêm chẳng những đón tiếp tiên tri Êlia, mà còn dọn cho ông một căn phòng để những lần sau ông tới đã có chỗ trọ. Dĩ nhiên, mến khách thì càng tốn kém, nhưng đó là điều kiện bắt buộc.

2. Phương diện tinh thần

  Khía cạnh tinh thần trong việc đón tiếp khách mới là quan trọng. Người đời thường nói: “Người ta thèm lòng chớ không thèm thịt” hoặc câu khác: “Cách cho thì quý hơn của cho”. Cách tiếp đón quý ở chỗ thành thực, quảng đại và cởi mở, chú trọng đến con người hơn là của cải. Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ, mà còn là biết quan tâm tới nhu cầu của người khác và đáp ứng theo khả năng của mình.

  Đối với hai trường hợp đón tiếp khách ở trên, tại sao những chủ nhà ấy quảng đại đón tiếp khách? Thưa, vì họ không chỉ nghĩ đến mình mà còn quan tâm tới người khác.

  Abraham lo cho ba người khách kia đi trong sa mạc sẽ bị đói khát và không có chỗ nghỉ ngơi để lấy sức.

  Gia đình ở Su-nêm lo sợ tiên tri Êlia phải bơ vơ nơi miền đất lạ, không có chỗ nương nhờ trong hoàn cảnh khó khăn đó.

  Gia đình ở Bêtania thì muốn dành cho Chúa Giêsu và môn đệ có chỗ nghỉ ngơi sau những ngày giờ làm việc mệt nhọc. Gia đình kiếm cho Chúa có chỗ dừng chân mỗi khi đi qua Bêtania.

IV. PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO SỰ ĐÓN TIẾP

  Khi tiếp đón, dĩ nhiên chúng ta phải mất mát: mất thì giờ, mất tiền của, mất công… Nhưng tất cả sẽ được Chúa thưởng công cho ở đời này hay đời sau.

  Trở lại ba việc đón tiếp trên, phần thưởng của lòng quảng đại ấy là gì? Là sự sống: hai đứa con đầu lòng cho hai vợ chồng son sẻ, và mạng sống được trả lại cho Lagiarô đã chết bốn ngày. Xét cho cùng, ơn ban sự sống ấy không phải do những người khách, mà chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, ban cho họ.

  Theo bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định không có việc gì làm cho người khác mà bị bỏ quên, Chúa ghi nhớ tất cả và sẽ thưởng công cho, mặc dù việc ấy rất nhỏ nhặt: “Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

  Đến ngày phán xét, ngày thưởng phạt đích đáng, Chúa Giêsu sẽ nói với mọi người chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ngược lại là chúng ta đã không làm cho Chúa và sẽ phải lãnh hình phạt đời đời.

Truyện: Một chén ân tình

  Willton Rix có kể một câu chuyện đầy kịch tính như sau:

  Vào sáng một mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn du lịch qua miền núi Bắc Ấn độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.

  Đang lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.

  Chạnh lòng thương, Sadhu ở lại bên cạnh kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người dở sống dở chết ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh ta trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.

  Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 85).

  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn đưa ra một điều kiện nghịch lý cho các môn đệ Người theo: “Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39). Cứ thực hành đi rồi sẽ thấy nó không nghịch lý nữa.

  Chúng ta thấy nghĩa cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng hồn cho lời nói của Chúa Giêsu ở trên. Bạn của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mạng “vì anh em” nên đã được sống. Một người không có khả năng từ bỏ mình vì anh em thì họ cũng không có khả năng yêu thương. “Phải liều mất đi” để “tìm thấy lại”. Đó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã trải qua để nêu gương cho chúng ta. Người đã sẵn lòng chịu chết ô nhục để rồi sống lại vinh quang cũng để nói lên lời yêu thương con người.

  Mỗi ngày Chúa nhật đọc kinh “Thương người có 14 mối”, chúng ta hãy xem lại con người chúng ta còn thiếu sót những mối nào trong kinh ấy, hãy cố gắng thực hiện tất cả. Mỗi lần chúng ta làm cho tha nhân điều gì thì đó là chúng ta đang làm cho Chúa dù cho người bé mọn chỉ một chén nước lã thôi.

  “Một chén nước lã” đối với Chúa là “một chén ân tình”. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề bỏ sót một nghĩa cử yêu thương nào, cho dù chỉ là nghĩa cử bé nhỏ âm thầm, một khi đã được khoác vào tấm áo tình yêu thì nó trở nên vô cùng cao cả. Tình yêu chính là trọng tâm của đời sống Kitô hữu.

Suy niệm 3: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)

Mt 10,37-42

YÊU THẦY HƠN

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (Mt 10,32),

Thầy Giêsu đòi các môn đệ tuyên bố nhận Thầy trước mặt người đời.

Trong bài Tin Mừng tuần này, Thầy Giêsu đòi các môn đệ yêu.

Phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ hay con cái, và hơn cả chính mạng sống.

Luật Môsê từ xưa đã coi thảo kính cha mẹ là điều răn quan trọng.

Người Việt cũng đề cao chữ Hiếu: Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.

Vậy mà Thầy Giêsu đòi môn đệ của mình phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ.

Thầy còn đòi họ phải liều mất mạng sống mình vì Thầy (Mt 10,39).

Mạng sống con người được coi là điều rất quý giá,

khiến người ta làm mọi cách để duy trì sự sống của mình ở đời này.

Nhưng Đức Giêsu lại đòi môn đệ coi trọng Thầy hơn cả mạng sống.

Ngoài Thầy Giêsu, có vị thầy nào dám đưa ra đòi hỏi như thế không?

Thầy Giêsu nghĩ mình là ai mà dám đòi hỏi như vậy?

Thật ra Thầy không bảo môn đệ đừng yêu cha mẹ hay mạng sống.

Thầy chỉ đòi các môn đệ đừng yêu người ruột thịt hơn Thầy,

đừng yêu mạng sống hay danh dự của mình hơn Thầy.

Như thế là phải đặt Thầy lên trên mọi giá trị cao quý khác,

Phải dám hy sinh những giá trị này cho một Giá trị cao quý hơn.

Yêu Thầy hơn mọi sự, mọi người: đó là điều răn mới của Tân Ước,

ngoài điều răn mới là yêu nhau như Thầy đã yêu (Ga 13,34).

Theo Cựu Ước, yêu cũng là thái độ ta phải có đối với Thiên Chúa.

Yêu Thiên Chúa với với tất cả trái tim, với tất cả con người mình,

đó là điều răn quan trọng nhất trong mọi điều răn (Mt 22, 35-38)

Khi Con Thiên Chúa làm người ở đời,

Ngài cũng đòi chúng ta yêu Ngài như yêu Thiên Chúa.

Mọi sự khác chỉ là thụ tạo, so với Đức Kitô là Đấng Tạo Hóa.

Chỉ ai yêu Ngài trên mọi sự, mới xứng với Thầy (Mt 10,37-38).

Nhưng yêu Đức Giêsu trên mọi sự đòi ta phải trả giá,

vì yêu Ngài như thế đòi ta phải từ bỏ những thụ tạo ta mến yêu.

Đời sống hàng ngày cho ta nhiều cơ hội để lựa chọn,

để qua đó ta thấy ta yêu ai hơn.

Nếu yêu Đức Kitô hơn, hẳn ta sẽ có chọn lựa khác…

Yêu hơn đòi ta vác thập giá mỗi ngày, nghĩa là từ bỏ mình luôn luôn.

Không phải vác thập giá của Chúa hay của người khác,

nhưng vác thập giá của chính mình với những nét gãy rất riêng tư.

Yêu hơn đòi ta liều mất mạng sống mình vì Thầy mỗi ngày,

để rồi lại thấy mình đầy sức sống thần linh ngay trong hiện tại.

Đức Giêsu đã làm điều Ngài dạy,

khi Ngài luôn đặt Thiên Chúa Cha lên trên cha mẹ trần thế của mình.

Ngài đã ở lại Đền thờ là Nhà của Cha trong ba ngày,

mặc cho cha mẹ phải nhọc nhằn, khổ đau tìm kiếm (Lc 2,41-50).

Ngài đã không lập gia đình để hoàn thành sứ mạng Cha trao.

Ngài đã để người mẹ ở nhà, để lên đường rao giảng theo lời Cha gọi.

Và ngài đã vác thập giá của mình, hiến mạng vì vâng phục ý Cha.

Đức Giêsu đã yêu Cha hơn yêu bản thân và mạng sống.

Chính vì thế Ngài đã tìm thấy mình trong vinh quang phục sinh.

Yêu Thầy Giêsu hơn mọi sự: đó là điều răn mới, đòi hỏi từ bỏ.

Điều răn này làm tôi trở nên kitô hữu, xứng danh môn đệ của Đức Kitô.

Nhưng, một lần nữa, Đức Giêsu đã làm trước khi dạy :

Ngài đã từ bỏ mình vì tôi, đã vác thập giá, đã mất mạng sống mình vì tôi.

Đấng cao cả đã muốn sống cho xứng với tôi tầm thường,

nên tôi được mời gọi sống cho xứng với tình yêu cao cả.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

và những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

Lạy Chúa, xin đừng sa thải

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

Karl Rahner

Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào sáng một ngày mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn đi du lịch qua miền núi Bắc Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.

Đang lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.

Chạnh lòng thương, Sadhu ở lại bên cạnh kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người sống dở chết dở ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh ta trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hoà quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.

Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 85).

Suy niệm

Đức Giêsu đưa ra một điều kiện rất khắt khe đối với những người muốn bước theo Ngài: Phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những tình cảm thân thiết nhất như cha mẹ, anh em, bạn bè. Ngài không bắt chúng ta phải khước từ gia đình. Qua cách nói mạnh đó, Ngài muốn nhấn mạnh, môn đệ của Ngài phải đặt tình yêu Chúa và sứ mạng tông đồ lên trên hết mọi tương quan, ngay cả trên chính mạng sống mình. Đó là con đường khổ giá mà Ðức Giêsu đi trước và muốn người môn đệ đi theo.

Theo văn mạch của Matthêu, sau này Đức Giêsu quả quyết rằng đối với môn đệ của Ngài không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá và đó cũng là đường dành các môn sinh: “Nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. “Từ bỏ chính mình” (Mt 16, 24): Có nghĩa là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của người khác, ở đây chính là đòi hỏi của Thiên Chúa. Đó là “học với; làm môn đệ” (x. Mt 11,29), là bắt chước các phong thái của Thầy, lặp lại những chọn lựa của Thầy, tức là nối tiếp công trình mà Thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ vì làm chứng cho Đức Kitô.

Nghiền ngẫm lời mời gọi của Thầy, chúng ta tiến bước trong cuộc sống và đối diện với đau thương mà mỗi người chúng ta luôn đối diện trong những nỗi đau của thể xác, hay nỗi đau về tâm hồn, có khi cả hai.

 Vác thánh giá theo Đức Giêsu, sự chiến thắng huy hoàng cũng dành cho người môn đệ trung kiên vác thập giá Chúa, Thánh Phaolô khẳng định: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người (Rm 6,8). Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ, chiến thắng đau khổ, chiến thắng sự chết và cho phép chúng ta cùng Ngài vượt qua đau khổ, vượt qua sự chết như Ngài: “Ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Yêu mến Thầy, vác thập giá theo Thầy và cũng biết đón tiếp người khác nhất là những người bé mọn cùng khổ. Điều này đòi hỏi người theo Chúa phải quên mình, quên mình phục vụ anh em với tất cả tình yêu dù chỉ cho người bé mọn một chén nước lã.

Xin cho chúng ta biết noi gương Thầy Chí Thánh trong sự từ bỏ, khi bước vào sứ mạng đón nhận đau khổ trong niềm tin yêu và phục vu…

Ý lực sống

“Nếu ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan