Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật

Chúa nhật 2 mùa Vọng năm B

BÀI ĐỌC I: Is 40, 1-5. 9-11

“Hãy dọn đường Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.

Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng:

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi ? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Đáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Pr 3, 8-14

“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới”.

Trích thơ thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Trong ngày đó, các tầng trời qua đi trong những tiếng rung chuyển mạnh, ngũ hành đều cháy tiêu tan, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ.

Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mc 1,1-8

1 Khởi đầu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: 2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. 3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.

5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa lỗi cho thắng để Người đi”

Cuộc đời mỗi người chúng ta có một con đường riêng biệt. Mỗi người theo con đường của mình để nhắm về cùng đích là Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhắm đúng đích, là dấu con đường chúng ta ngay thẳng. Chỉ có con đường thẳng, nhắm đúng đích mới dẫn chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu nguyện: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Vâng lạy Cha, bản tính chúng con được dựng nên thuở ban đầu tự nhiên hướng về con đường thẳng: Chân – Thiên – Mỹ. Thế nhưng, nhiều khi chúng con bị lầm tưởng, chúng con bị mê hoặc những cái đẹp giả, thiện ảo tưởng, chúng con bị mê hoặc những cái đẹp giả, thiện ảo tưởng. Vì chúng con nhắm không đúng đích, nên con đường chúng con đi trở thành quanh co và không đón nhận được ơn cứu độ.

Xin Cha ban Thánh Thần của Cha đến với chúng con. Ngài sửa lại con đường cong queo nơi chúng con, để chúng con gặp được Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Ý tuởng chíng của Lời Chúa hôm nay là “dọn đường”:

1. Ngôn sứ Isaia cho biết mục đích của việc dọn đường là “để cho Đức Chúa đến” (các câu 2-3)

2. Gioan tiền hô keu gọi thíng giả mình dọn đường bằng cách sám hối (các câu 4-5)

3. Chính Gioan tiền hô dọn đường bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác (các câu 6-8)

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. “Con người là con đường của Chúa” – Đức Gioan Phaolô II. Nhưng có nhiều con đường rất khác nhau:

– Con đường giăng kẽm gai là con đường của những kẻ thù hận nhau, ngăn chận những tương giao qua lại.

– Con đường đầy ổ phục kích: con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để hại nhau.

– Con đường sa mạc nóng bỏng: con đường của những kẻ khô khan việc đạo.

– Con đường quanh con đường: con đường của những kẻ lọc lừa dối gian.

– Con đường hầm u tối: con đường của những kẻ sống trong tội lỗi.

– Con đường cỏ dại mọc đầy: con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ…

2. Nội dung chính trong lời kêu gọi của Gioan Tiền hô là ”Hãy sám hối”. Sám hối bao gồm nhận biết tội mình, hối tiếc vì đã phạm tội, và trông cậy vào ơn Chúa giúp mình chừa bỏ nó. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì không phải là sám hối thật. Giuđa biết tội, hối tiếc vì tội và … chỉ có thế thôi, nên đã đi treo cổ chết. Thánh Phêrô cũng biết tội, cũng hối tiếc tội, nhưng còn trông cậy vào ơn Chúa nên đã trở lại với tình thương của Ngài.

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

+++

A. DẪN NHẬP

Chủ đề Chúa nhật thứ I Mùa Vọng tuần trước là “Hãy tỉnh thức chờ đợi Chúa đến”. Chúa sẽ đến là một điều chắc chắn, nhưng trước khi Chúa đến, mọi sự phải được chuẩn bị sẵn sàng. Ngay từ thế kỷ thứ 6, tiên tri Isaia đã hô hào cho dân chúng hãy sửa đường cho Chúa đến (bài đọc I). Sau này, Gioan Tẩy giả xuất hiện, cũng tiếp nối sứ vụ tiền hô ấy, ông cũng khuyên mọi người như Isaia xưa: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”.

Chuẩn bị đường cho Chúa đến là phải sửa đường cho thẳng, cho tốt đẹp, sạch sẽ. Theo thánh Gioan Tẩy giả, sửa đường chính là sám hối, là canh tân cuộc sống của mình để xứng đáng đón nhận Chúa đến trong ngày Ngài quang lâm và nhất là trong ngày sau hết của đời mình.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 40,1-5.9-11

Đoạn trích phần thứ hai của sách Isaia, được gọi là Sách An ủi, cho biết: Thời nô lệ của Israel đã chấm dứt, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho dân. Ngày xưa vì đã phản bội Giao ước, đã phản bội Chúa nên Thiên Chúa đã cho họ bị lưu đày. Nay dân Chúa đã biết hối lỗi, Thiên Chúa ân xá cho họ và sẽ đưa họ về quê cha đất tổ. Việc loan báo này được coi như là loan báo Tin mừng cứu độ.

Ngày xưa, Thiên Chúa đã dẫn cha ông họ trong sa mạc để về đất hứa, ngày nay Thiên Chúa cũng dẫn họ qua sa mạc để về lại quê cha đất tổ. Cuộc xuất hành lần thứ hai này không những chỉ là thời gian thử thách, mà còn là thời gian tinh luyện, vì thế, mới có tiếng người hô trong sa mạc: hãy dọn đường cho Chúa đến.

Không những Thiên Chúa đã giải thoát dân mà Ngài còn yêu thương họ như mục tử nhân lành chăn dắt đàn chiên mình: “Ngài ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng trong lòng và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.

Bài đọc 2: 2 Pr 3,3,9-14

Các Kitô hữu đầu tiên cứ tưởng rằng ngày Chúa trở lại trần gian sắp đến. Thức lâu chầu mỏi, họ đâm ra chán nản, không tha thiết gì đến việc dọn đường cho Chúa. Nhưng thánh Phêrô cho biết sở dĩ Chúa chậm đến là vì Ngài nhẫn nại, ban thêm thời gian cho kẻ tội lỗi ăn năn sám hối.

Chúa đã hứa thì Ngài sẽ thực hiện. Chắc chắn Ngài sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, còn ngày giờ nào thì chưa ai biết. Ngài sẽ đến để đem đến trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Còn việc phải làm ngay trong lúc này là mọi người phải sống thánh thiện để đón chờ Chúa đến: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14).

+ Bài Tin mừng: Mc 1,1-8

Đấng Messia mà Cựu ước loan báo chính là Đức Giêsu, Ngài sẽ đến. Nhưng trước khi Ngài đến cần có người đến trước chuẩn bị. Đó là Gioan Tẩy giả, ông đến dọn đường cho Ngài. Ông đã chọn nơi cô tịch nơi hoang địa để thi hành sứ vụ, nhằm tránh xa chốn ồn ào của thành phố, giúp cho lời nói của ông được người đời nghe rõ hơn và dễ thấm nhập nơi nội tâm con người.     

Ông cũng lặp lại lời tiên tri Isaia hô hào cho dân chúng thực hiện: “Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa đến”. Ông thực sự là tiền hô rao giảng sự thống hối chờ đợi Chúa đến. Qua nếp sống gương mẫu của ông, từng đoàn người kéo đến bờ sông Giođan chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.

Theo thánh Gioan, việc dọn đường cho Chúa là lòng sám hối và lãnh nhận phép thánh tẩy. Ông khuyên tất cả mọi người hãy từ bỏ con đường tội lỗi mà trở về đường lành, và lúc đó mọi người sẽ xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Dọn đường là sám hối

I. CÔNG VIỆC DỌN ĐƯỜNG

Ngày nay, kinh tế phát triển mạnh, giao thông là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của một nước. Muốn cho giao thông tốt phải có đường tốt, muốn có đường tốt thì phải sửa chữa và bảo trì như: đường bộ, đường hàng hải hay đường hàng không. Sửa đường là một việc thường xuyên phải thực hiện để giao thông được dễ dàng.

1. Có nhiều con đường

– Con đường vật lý là những con đường làm bằng vật chất mà ta phải sử dụng hằng ngày, để sự giao thông vật chất được dễ dàng. Những con đường này rất nhiều, rất đa dạng, ở đâu cũng có. Chỗ nào không có đường thì giao thông bị bế tắc.

– Con đường tinh thần là con đường vô hình trong việc giao lưu giữa con người với con người. Đây chỉ là con đường vô hình, siêu vật chất nhưng cũng có lúc bị tắc nghẽn hay bị cắt đứt làm cho sự giao lưu giữa con người gặp khó khăn, ví dụ: hai người ngồi gần kề nhau mà vẫn thấy nghìn trùng xa cách.

– Con đường thiêng liêng là con đường vô hình, siêu vật chất nối kết tâm hồn ta với thần linh, nối kết linh hồn ta với Thiên Chúa. Con đường này cũng có khi bị tắc nghẽn làm cho chúng ta khó liên hệ với Chúa, ví dụ người luôn ở trong tình trạng phạm tội nhẹ hay ở trong tình trạng ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa. Cũng có thể con đường này bị cắt đứt trong tình trạng con người phạm tội trọng, làm cho ta không đến được với Chúa và Chúa không đến với ta.

2. Sửa phẳng con đường thiêng liêng

Con đường thiêng liêng của chúng ta cũng có thể bị tắc nghẽn hay gián đoạn bởi thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, đường lồi lõm. Tình trạng con đường bị tắc nghẽn nhiều hay ít là do từng người, và mỗi người chúng ta phải sửa chữa để đến với Chúa.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu quén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, muốn gây bất hoà, luôn giận hờn, luôn ghen ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn Chúa đến với ta. Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn, bạt đi thói kiêu hãnh ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh co dối trá. Hãy uốn lại những khúc quanh giả hình. Hãy uốn lại những khúc quanh mưu mô xảo quyệt. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những sóng gồ ghề nói hành nói xấu. Nên hôm nay, thánh Gioan Tẩy giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa đến.

Muốn có con đường thẳng ngay và bằng phẳng, cần có một tâm hồn chính trực. Với những ai muốn đón Chúa đến, Gioan Tẩy giả yêu cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúasửa lối cho thẳng để Người đi”. Khi đón một nhân vật quan trọng đến vùng nào, người vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp; nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả hình…

Ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng, chính trực, nói gì hay làm gì cũng phải “công minh chính đại”, “đường đường chính chính”, không lén lút, giấu giếm, không làm ai phải nghi ngờ điều gì. Tư cách của người Kitô hữu phải là tư cách của một người quân tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào nói thể ấy và nói sao thì làm vậy…

II. DỌN ĐƯỜNG VÀ SÁM HỐI

1. Dân Israel đã sám hối

Bài đọc I cho chúng ta biết: những năm tháng lưu đày đã giúp họ hồi tâm lại và nhận thức lý do đưa tới tù đày đau khổ là chính tội lỗi của họ (Yr 7,25-28). Từ đó nhóm dậy trong lòng họ những tâm tình sám hối, dẫn đến quyết định dứt khoát với tội lỗi. Khi làm như thế là họ sửa sang đường lối trong tâm hồn cho ngay thẳng để đón tiếp vinh quang Chúa đến.

2. Thánh Gioan Tẩy giả cũng đòi sám hối

Thánh Gioan rao giảng sự sám hối bằng cách chịu phép rửa để được ơn tha tội. Ngài đòi con người phải sửa đổi tâm hồn, nhưng ngài không làm cách mạng, ngài không bắt người ta phải thay đổi cuộc sống, thay đổi địa vị xã hội, cho dù là thu thuế hay binh lính, hai hạng người mà thời bấy giờ bị coi khinh và xem thường. Nhưng Gioan chỉ nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy cải thiện đời sống, đổi mới tâm hồn để sẵn sàng chờ đón Chúa đến.

3. Chúng ta cũng phải sám hối

Sám hối, theo tiếng Hy lạp có nghĩa là thay đổi não trạng. Theo tiếng Do thái là quay trở về, trở lại, tức là trở về với Chúa, với giao ước của Chúa. Gioan rao giảng kêu gọi mọi người sám hối. Ai nghe lời ngài giảng mà sám hối thì được ngài làm phép rửa. Nhưng phép rửa của ngài chỉ có tính cách giúp người ta thống hối, sửa soạn cho việc tha tội, chứ không phải là một bí tích như phép rửa Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này.

Sám hối là biết trở về, nghĩa là phải nhận biết tội lỗi của mình, biết nhìn nhận ra thực trạng của linh hồn mình, nhưng mấy người biết nhìn ra tội lỗi của mình ? Biết thực trạng con người của mình là điều kiện cần thiết của sự sám hối.

Gần 20 thế kỷ nay, thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Tôi xử sự như một thằng điên và sai lầm của tôi thì nhiều vô kể”.

Hùm thiêng khi đã sa cơ như Napoléon lúc ngồi vò võ tại đảo Sainte Hélène cũng phải tự thú: “Sự sụp đổ này là tại chính tôi, tôi là tử thù của tôi, là nguyên nhân mạt kiếp của tôi”.

Tâm hồn thánh thiện như thánh Phaolô, một bộ óc vĩ đại như Napoléon mà còn buông ra những lời tự thú như vậy thì huống hồ là chúng ta… hay làm lỗi mà ít khi chịu nhận là mình lầm lỗi.

Triết gia Elbert Hubbard nói: “Người nào cũng sai lỗi ít là 5 phút mỗi ngày. Bậc thánh nhân là không để vượt qua thời gian kỷ lục ấy”.

Như vậy ai dám nói là mình hoàn hảo, không còn sai sót gì, không cần phải sửa đổi gì bởi vì như người ta thường nói: “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê”: việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

TruyệnBiết nhận lỗi mình

Công tước d’Ossone, một nhà chính trị trứ danh, vào năm 1624 lên chức phó vương ở Naples. Một hôm, ông đến thăm nhà ngục và hỏi từng phạm nhân là đã làm gì mà mình bị giam.

Tất cả mọi tù nhân đều kêu là mình bị oan, duy chỉ có một anh cúi đầu nhận tội, và còn nói đáng lẽ ra mình phải chịu phạt hơn nữa mới xứng đáng. Thấy hắn khiêm nhường nhận lỗi, công tước bảo: “Như vậy thì anh ở đây không phải chỗ: anh có tội mà sao lại ở giữa những người vô tội này ? Hãy ra khỏi đây, Ta tha cho anh”.

Chúa cũng sẽ tha tội cho tất cả những ai thành thật thú nhận tội lỗi của mình, bởi vì bản tính của con người là hay sa ngã, còn bản tính của Thiên Chúa là hay tha thứ!

Đức Khổng Tử đưa ra một chương trình giáo dục mà ngày nay vẫn còn có giá trị. Chương trình đó là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ: muốn cai trị được thiên hạ, muốn đem lại được bình an thịnh vượng cho thế giới thì trước tiên phải “tu thân”, phải sửa mình cho nên tốt đã. Mình có tốt thì mới điều khiển được thiên hạ, mới có thể đưa xã hội vào con đường ngay chính, mới đưa đến trật tự an toàn, mới có hoà bình trật tự. Còn nếu muốn điều khiển thiên hạ mà mình chưa tốt thì sẽ rơi vào tình trạng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”:

Người trên ở chẳng chính ngôi
Làm cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào.

TruyệnKinh nghiệm của một triết gia

Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời đi qua của mình như sau:

– Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thiên Chúa là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.

– Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng: một nửa đời người của tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: Lạy Chúa, xin cho con được biến cải tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.

– Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con được thay đổi chính con.

Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.

Dọn đường cho Chúa đến, chính là nỗ lực hoán cải bản thân và thực thi bác ái.

Một nhà cách mạng đã nói: “Chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi”. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự, đó là cuộc cách mạng bản thân.

Bằng chứng, vào thế kỷ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó thánh Phanxicô Assisi xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng: kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới. Mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ kế tiếp.

Chắc chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé, thấp hèn, không làm gì được để góp phần vào trong việc cải tạo thế giới, nhưng chúng ta hãy theo gương thánh Phanxicô Assisi, cứ tự thay đổi con người của mình trước đi, rồi mọi việc sẽ trao phó cho Chúa, bởi vì, như người ta nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.

Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ… Không ai nghèo đến nỗi không có gì cho người khác. Hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô tình của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là một điều không đáng kể trong đại dương bao la, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng chỉ là sa mạc khô cằn.

Đức Giêsu đã đến lần thứ nhất để giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ. Ngài sẽ đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong vinh quang của Ngài. Ngài đang đến, đến từng giây phút, chúng ta đang đón chờ ngày Người quang lâm. Và Chúa sẽ đến riêng với chúng ta trong ngày lìa bỏ cõi đời này, ngày Ngài đến không còn xa. Thời gian còn rất ngắn, chúng ta hãy ráo riết chuẩn bị, luôn ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy niệm và cầu nguyện bằng bài thơ cổ, nói về cuộc đời này chóng qua thế nào và điều gì quan trọng vào giây phút cuối cùng:

Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười và khóc, thì lúc đó thấy thời gian bỏ tôi.

“Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.

“Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.

“Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.

“Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.

“Ôi! lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa”.

5. Suy niệm (song ngữ)

2nd Sunday of Advent
Reading I: Isaiah 40:1-5,9-11 II: 2Peter 3:8-14
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng
Bài Đọc I: Isaia 40:1-5,9-11 II: 2 Phêrô 3:8-14

—–o0o—–

Gospel

Mark 1:1-8

1 The beginning of the gospel of Jesus Christ, the Son of God.
2 As it is written in Isaiah the prophet, “Behold, I send my messenger before thy face, who shall prepare thy way;
3 the voice of one crying in the wilderness: Prepare the way of the Lord, make his paths straight–”
4 John the baptizer appeared in the wilderness, preaching a baptism of repentance for the forgiveness of sins.
5 And there went out to him all the country of Judea, and all the people of Jerusalem; and they were baptized by him in the river Jordan, confessing their sins.
6 Now John was clothed with camel’s hair, and had a leather girdle around his waist, and ate locusts and wild honey.
7 And he preached, saying, “After me comes he who is mightier than I, the thong of whose sandals I am not worthy to stoop down and untie.
8 I have baptized you with water; but he will baptize you with the Holy Spirit.”

Phúc Âm

Máccô 1:1-8

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa:
2 Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.
3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gioan Tẩy giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-dan.
6 Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.
7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.
8 Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.

Interesting Details

• (v.1) In only one other place of Mark’s Gospel does a human being proclaim that Jesus is Son of God: the centurion who put Jesus to death in 15:39. According to Mark, no one else would recognize Jesus’ true identity while living with him and witnessing his powerful teaching and healing.

• (v.3) It was through the terrible wilderness that God led Israel out of the slavery in Egypt in the original Exodus; and it was also through the dreaded wilderness that God brought Israel out of Babylonian exile in the second Exodus. John’s appearance as the voice in the wilderness is the sign that in the wilderness God is about to renew his covenant with Israel.

• (v.5) “… ALL the country of Judea, and ALL the people of Jerusalem …” conveys an excitement that must have been experienced by those who heard John preach. Their conversion is described in a threefold manner: First, they “went out to him”, to return to the “wilderness”. Second, they undergo the ritual of baptism as the sign demonstrating their inner repentance. And third, they confess their sins.

• (v.6) The arrival of John himself had been announced: he is the messenger (Malachi 3:1) and the wilderness prophet (Is 40:3). Like the prophet Elijah, John is clothed with a leather belt and the hairy garment of a prophet. This continues the allusion to John as the God-sent messenger-Elijah who will prepare the way of Jesus and thus enhances Mark’s portrayal of John as the expected Elijah figure.

Chi Tiết Hay

• (c.1) Trong Phúc Âm Máccô, chỉ có một đoạn khác nữa có một người đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: đó là viên sĩ quan đại đội trưởng chứng kiến cảnh Đức Giêsu tắt thở trên thập giá. Theo Máccô, không một ai khác nhận ra chân tính của Đức Giêsu ngay cả khi chung sống với Ngài, chứng kiến những phép lạ phi thường và những lời dạy bảo của Ngài.

• (c.3) Qua hoang địa, Thiên Chúa đã giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa họ về miền đất hứa. Cũng qua hoang địa Thiên Chúa lại cứu vớt họ một lần thứ hai khỏi kiếp lưu đầy ở Babylon. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả như tiếng kêu trong hoang địa là đấu chỉ rằng lại trong hoang địa Thiên Chúa sẽ lập lại giao ước của Ngài với dân Do Thái.

• (c.5) “Mọi người” và “khắp miền” Giudêa và Giêrusalem … chứng tỏ thái độ háo hức và nồng nhiệt của những người đến nghe Gioan rao giảng. Sự hối cải của họ được diễn tả qua ba thái độ rõ ràng. Trước hết họ “kéo đến với ông”, trở về với hoang đia. Kế đến, họ chịu phép rửa để chứng tỏ sự ăn năn. Và sau cùng họ thú tội lỗi của mình.

• (c.6) Chính sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả cũng đã được loan báo trước trong Cựu Ước: ông là người đem tin (Malachi 3:1) và là vị ngôn sứ trong hoang địa (Isaia 40:3). Giống như Elia, Gioan mặc y phục của một vị ngôn sứ: áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da. Điều này ám chỉ Gioan là một Elia mới đến dọn đường cho Đức Giêsu.

One Main Point

John calls the people of his time – and calls us, as well – to repentance for the forgiveness of sins. The main emphasis, however, is on the proclamation of Jesus as the one to come who surpasses John and whose baptism surpasses John’s.

Một Điểm Chính

Đức Giêsu kêu gọi mọi người khi đó – cũng như chúng ta hôm nay – hãy ăn năn để được tha tội. Tuy nhiên, điểm được nhấn mạnh ở đây là sự việc Đức Giêsu là Đấng cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả và phép rửa của Ngài vượt trên phép rửa của Gioan.

Reflections
1. Have you ever had to wait to receive “word” about something ? What emotions did you experience as you waited ?
2. Were John to appear with this message today, what one place would you choose for him to declare it ?

Suy Niệm

1. Đã có bao giờ bạn chờ đợi để được nghe một tin gì thật quan trọng ? Bạn cảm thấy điều gì trong lòng ?
2. Giả thử như Gioan Tẩy giả lại xuất hiện hôm nay để loan báo sứ điệp này thì bạn sẽ đề nghị chỗ nào thích hợp nhất ?

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan