Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật

Chúa nhật 2 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 42-47

“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳnhu cầu từng người.

Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. – Đáp.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Đáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 5, 1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 20,19-31

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”. 20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

21 Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “. 22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma goi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.

Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”.

27 Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

28 Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” 29 Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Giữa cơn lo sợ bàng hoàng còn chưa nguôi; các cửa phòng còn đóng kín để tránh ánh mắt soi mói của người Do thái. Ðức Giêsu Phục Sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để làm cho các Tông Ðồ được vững mạnh trong niềm tin. Từ cõi chết, Ðức Giêsu đã bước vào cõi trường sinh; từ tình trạng xem như thất bại, Ðức Giêsu đã chiến thắng vẻ vang. Cùng với Ðức Giêsu, từ nay người môn đệ của Ngài luôn sống trong hân hoan, bình an vì Thầy của họ đã thắng thế gian và đưa họ vào nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ước gì lời chúc bình an của Chúa sẽ là nguồn trợ lực cho suốt cuộc đời chúng con. Chúng con chỉ có bình an thực sự khi tin tưởng phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin, nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con trong từng biến cố. Xin Chúa đến ngự giữa chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Các môn đệ đang sợ hãi giam mình trong phòng kín, nhưng khi gặp thấy Chúa Giêsu phục sinh thì các ông vui mừng. Chúa Giêsu phục sinh cũng đang ở giữa chúng ta. Vậy chúng ta hãy vui mừng cùng Ngài dâng lễ tạ ơn lên Thiên Chúa là Cha toàn năng của chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúa Giêsu phục sinh là bảo đảm cho chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Nhưng chúng ta chưa xác tín điều ấy nên chưa tích cực chiến đấu chống lại sự ác.

– Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Nhưng chúng ta thường quên điều đó nên sống và làm việc như không có Ngài bên cạnh.

– Chúa Giêsu phục sinh là nguồn gốc và nền tảng của vui mừng và bình an. Nhưng chúng ta thường để mình bị giao động bởi những buồn phiền lo lắng thế tục.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Cv 5,12-16)

Trích đoạn này từ sách Công vụ cho thấy hai tác động lớn của việc Chúa Giêsu phục sinh trên các tông đồ: (1) Chúa đã thông ban cho các ngài quyền năng đến nỗi có thể làm nhiều phép lạ; (2) Chúa làm cho uy tín các ngài tăng cao trước các tín hữu và cả những người lương.

2. Tin Mừng (Ga 20,19-31)

Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau:

– Chúa Giêsu nâng đức tin của các một đệ lên một bậc: từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài”; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài…) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”)

– Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

4. Bài đọc II (Kh 1,9-13.17-19)

Thị kiến đầu tiên trong sách Khải huyền:

– Hoàn cảnh của người được thấy thị kiến: Thánh Gioan Tông đồ đang sống trong cảnh gian truân vì bị bắt bớ: “Tôi cùng chia xẻ nỗi gian truân… cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Chúa Giêsu. Lúc ấy tôi đang ở đảo gọi là Pátmô vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Chúa Giêsu”.

– Thị kiến nhằm an ủi và khích lệ kẻ đang bị bắt bớ: “Đừng sợ… Ta là Đấng hằng sống. Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ”

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Đấng chữa lành vẫn còn mang thương tích

Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh vẫn còn mang những thương tích của cuộc thụ nạn. Điều này có ý nghĩa gì ? Câu chuyện sau đây có thể cung cấp vài tiêu điểm giúp chúng ta tìm hiểu.

Chuyện kể về một góa phụ lao động ở thành phố New York. Trong khoảng thời gian 6 năm, bà đã chứng kiến cảnh 3 đứa con của mình bị bắn chết, đứa nhỏ nhất bị bắn ngay trước cửa nhà bà. Những cảnh ấy đã để lại một vết thương sâu đậm trong lòng bà, và vết thương ấy cứ như sống lại làm bà nhức nhối mỗi lần bà nghe tin có một ai đó bị giết chết. Tuy nhiên bà không để mình bị trói buộc trong nỗi sợ hãi. Trái lại bà tìm cách đến với người khác. Bà đi diễn thuyết khắp nơi và trở thành một nhà hùng biện tranh đấu cho việc kiểm soát vũ khí. Bà lập một hiệp hội gồm những phụ nữ cùng hoàn cảnh với Bà. Mỗi khi có một đứa con bị giết chết, bà đến thăm và an ủi cha mẹ chúng. Bà cho biết ban đầu bà ước sao cho những đứa trẻ vô tội ấy đừng sinh ra còn hơn. Nhưng bây giờ thì bà nói: “Hẳn nhiên trong cái chết của chúng có một nỗi buồn phiền, thế nhưng cũng có một niềm vui không thể tin được. Nếu tôi đã không có 3 đứa con bị giết thì tôi đã không là một con người như hôm nay. Chúng giúp tôi mạnh mẽ, chúng giúp tôi sống không ích kỷ”. Khung cửa nhà bà vẫn còn lại những vết đạn đã bắn chết đứa con út của bà. Tuy nhiên bà không cho sửa lại khung cửa ấy. Tại sao ? Bà nói “Tôi muốn những lỗ đạn ấy còn mãi ở đấy để nhắc cho mọi người nhớ là có người đã bị giết chết ngay chỗ ấy. Nếu sửa lại thì người ta sẽ quên”.

“Khi sửa lại thì người ta sẽ quên”. Có lẽ đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phục sinh vẫn giữ lại những vết thương của cuộc chịu nạn. Trước hết, những vết thương ấy giúp các môn đệ nhận ra Ngài: Đấng hôm nay chiến thắng sự dữ vẫn là một với Đấng hôm trước đã chịu nạn chịu chết để nhờ đó Thiên Chúa chiến thắng cái chết. Thứ hai, những vết thương ấy là bằng chứng tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ nói suông về tình yêu, Ngài đã chịu đau khổ để làm chứng cho tình yêu. Đó là những thương tích mà Người mục tử chịu đựng để bảo vệ đàn chiên yêu quý của mình.

Chúa Giêsu không dấu những thương tích. Ngài cho Tôma thấy và mời ông chạm vào. Khi Tôma chạm vào đấy, nỗi hoài nghi của ông tan biến và đức tin của ông sống lại.

Những thương tích thánh thiện của Chúa Giêsu là nguồn an ủi, nguồn can đảm và nguồn hy vọng của chúng ta. Chúng giúp ta chịu đựng đến cùng những thương tích của chúng ta. Chúng bảo ta đừng sống ích kỷ. Nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành khỏi chứng bệnh tự thương xót mình và mặc cảm là nạn nhân.

Người ta có khuynh hướng che dấu những thương tích vì nghĩ rằng người khác mà thấy được sự yếu ớt của mình thì sẽ không còn kính trọng mình. Tuy nhiên những kẻ dám cho người khác biết những cuộc chiến đấu của mình thì sẽ là một nguồn an ủi cho người khác. (FM)

2. Tần số tình yêu

Người Cha dắt đứa con nhỏ đi dạo ngang qua một đài phát thanh của thành phố. Đứa bé chỉ ngọn tháp cao vút hỏi người cha:

– Ba ơi! Cái tháp đó để làm gì vậy ?

Người cha giải thích:

– Con ạ! Đó là ăng-ten của đài phát thanh, hàng giây hàng phút nó phát đi những tin tức, âm nhạc và các chương trình hữu ích cho đại chúng.

– Nhưng thưa ba, con có nghe thấy gì đâu!

– Muốn nghe được những thông tin và các chương trình bổ ích đó, con chỉ cần có một cái máy thu thanh thật tốt, mở đúng tần số là con sẽ nghe rõ ràng, như cha con mình đang nói chuyện với nhau đây!

Chiều Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, vắng mặt Tôma, một con người thực tế, muốn kiểm chứng bằng mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì mới tin. Tám ngày sau, Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các ông, có cả Tôma. Người gọi đích danh ông: “Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ông chỉ còn biết run sợ mà thưa với Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Tại sao Gioan chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm khăn liệm xếp gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được các môn đệ làm chứng Thầy đã phục sinh mà ông lại không tin. Vậy điều khác nhau cơ bản giữa Gioan và Tôma chính là chiếc máy thu thanh của Tôma không mở đúng tần số. Đó là tần số tình yêu, tần số của con tim. Tôma đòi phải xỏ tay vào lỗ đinh ở chân tay Thầy ông mới tin; còn Gioan, không cần thấy Thầy bằng con mắt thịt nhưng bằng con mắt đức tin, con mắt tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Gioan chạy đến mộ Thầy nhanh hơn Phêrô, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra Thầy đầu tiên trên bờ biển Galilê, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 21,7).

Tại sao Phêrô và Gioan đều thấy ngôi mộ trống và khăn liệm, mà Phêrô thì “rất đỗi ngạc nhiên” còn Gioan thì “ông đã thấy và ông đã tin” ? (Ga 20,8). Vì thế, Phêrô phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để đến với niềm tin, và Tôma cũng phải vượt qua cái nhìn của giác quan để đến với cái thấy của đức tin. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đó cũng chính là phần thưởng của đức tin.

Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự phục sinh, là vì ông đã nhớ lại lời Kinh Thánh: “Ngày thứ ba, (Người) sẽ cho chúng ta chỗi dậy” (Hs 6,2) và phép lạ “ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Ga 2,1). Vâng, chính Kinh Thánh sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.

Niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta hôm nay không phải là một niềm tin mơ hồ, mà là một niềm xác tín vào lời chứng chắc chắn của các Tông đồ qua Kinh Thánh. Trong bài giảng đầu tiên của ngày lễ Ngũ Tuần; Phêrô đứng chung vớt mười một Tông đồ lớn tiếng tuyên bố rằng: “Chính Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều nầy, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Vâng, chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Nếu Đức Ki tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17).

3. Bình an

Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào các ông “Bình an cho các con”. Đây là lời chào thông thường của người Do thái “Shalom”. Giáo hội cũng bắt chước lối chào đó, trong Thánh lễ, Chủ tế chào giáo dân “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, và giáo dân chào lại “Và ở cùng Cha”, nghĩa là “Và cũng xin bình an của Chúa hằng ở cùng Cha”. Xét ra lời chào này hơi lạ so với những kiểu chào mà chúng ta quen biết, nhưng có ý nghĩa nhiều hơn. Quả thực. Bình an là điều quý nhất mà chúng ta cần có và cũng là điều tốt nhất mà chúng ta cầu chúc cho nhau. Nhưng bình an là gì mà quý như vậy ? và làm thế nào để có được bình an ? Đó là điều mà chúng ta sẽ đưa vào bài Tin Mừng hôm nay để tìm hiểu.

Khi ấy các môn đệ đang sợ: Thầy đã bị bắt và bị giết chết rồi. Rất có thể tới phiên các ông cũng sẽ bị bắt và bị giết như vậy. Cho nên họ sợ, và họ trốn trong nhà đóng kín cửa lại. Rồi Chúa Giêsu hiện đến ở với họ, trò chuyện với họ, cho họ xem các vết thương, ăn uống với họ, khích lệ họ… Thế là họ không còn sợ nữa. Họ được bình an. Nhưng do đâu mà họ được bình an ? Có phải là vì nguy hiểm đã qua đi rồi chăng ? Thưa không, nguy hiểm vẫn còn đó, kẻ thù vẫn còn vẫn đang tìm cách hãm hại các ông. Nhưng nay họ không sợ nữa là vì họ biết đã có Chúa ở bên cạnh họ. Có Chúa bên cạnh thì mọi nguy hiểm không còn làm họ nao núng nữa. Thực ra họ chưa hoàn toàn bình an đâu. Sau khi Chúa Giêsu biến đi thì họ lại sợ, lại đóng cửa trốn. Có lần họ cũng đánh bạo cùng nhau đi đánh cá. Nhưng mới thấy có một cái bóng đen tiến đến là họ lại sợ, họ tưởng là ma. Và khi biết đó là Chúa thì họ lại hết sợ. Mãi tới khi Chúa Giêsu nói với họ trước khi về trời rằng: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, thì họ mới hết sợ hoàn toàn, họ mới hoàn toàn được bình an. Kể từ đó trở đi, các môn đệ mạnh dạn ra đi rao giảng. Người ta bắt, họ cũng không sợ, người ta tra tấn, họ không sợ mà còn vui mừng vì được chịu khổ vì Thầy; người ta xử tử, họ vẫn bình an vui sướng vì được giống như Thầy.

Như vậy, Bình an tức là một sức mạnh, một nơi nương tựa, một nguồn an ủi khiến ta không nao núng sợ sệt dù phải đứng trước bất cứ gian truân nguy hiểm nào. Bình an ấy có được khi ta ý thức có Chúa vẫn ở bên cạnh mình.

Giống như một em bé. Em đang chơi vui vẻ thì trời đổ mưa lớn. Sấm chớp ầm ầm, em hoảng sợ khóc thật lâu. Nhưng mẹ em đã đến, bế em vào lòng, em cuộn mình trong lòng mẹ và ngủ thiếp đi. Sau đó dù mưa vẫn cứ rơi, sấm chớp vẫn cứ ầm ầm, nhưng em vẫn ngủ yên vì em đang ở trong vòng tay che chở của mẹ. Đó là một hình ảnh rất đẹp giúp ta hiểu thế nào là sự bình an.

Phần chúng ta, nếu chúng ta luôn ý thức có Chúa ở bên cạnh mình, và ta luôn nương tựa vào Chúa như em bé nương tựa vào mẹ nó thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.

Có một gia đình nọ, nhà nghèo, lao động thật là vất vả, tính toán làm ăn rất là lo âu. Nhưng chiều về, vợ chồng con cái đều quây quần trước bàn thờ gia đình và cùng đọc kinh tối chung. Họ dâng lên Chúa những lao nhọc trong ngày, họ xin Chúa thứ tha những vấp váp lỗi lầm đã phạm, họ phó dâng cuộc sống cùng tất cả mọi âu lo cho Chúa. Sau đó họ lên giường ngủ. Bình an! Biết bao gia đình khác cũng lao động vất vả như họ, cũng lo âu toan tính như họ, nhưng các gia đình đó không có được một giấc ngủ bình an. Chỗ khác nhau là một bên có Chúa và biết sống với Chúa, còn một bên thì không.

Hay như một cụ già kia đang hấp hối, cái chết gần kề mà vẫn bình thản sẵn sàng buông tay nhắm mắt ra đi không hề sợ sệt, vì cụ già ấy biết rằng mình ra đi là ra đi trong tay Chúa. Trong khi có biết bao nhiêu người khác đối diện với cái chết mà lòng hoang mang sợ hãi, họ sợ không dám ra đi, vì họ không biết đi về đâu, họ không có Chúa cùng đi với họ.

Kinh nghiệm mà các môn đệ đã trải qua là một bài học quý giá cho chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu bị quân thù bắt giết đi, các ông đã sợ hãi trốn kín trong phòng đóng cửa lại, sợ vì cảm thấy cô thế không có Thầy nâng đỡ. Nhiều lần chúng ta gặp cảnh túng thiếu, gian truân, hiểm nguy, chúng ta cũng sợ hãi như thế, chúng ta muốn rút lui trốn tránh, chúng ta muốn ngã lòng, là vì chúng ta không có Chúa ở với mình. Nhưng khi các môn đệ đã biết có Chúa ở bên cạnh họ, cho dù Chúa chỉ hiện diện một cách vô hình sau khi Chúa đã về trời, các ông không còn sợ nữa mà lòng luôn bình an dù phải đối diện với bất cứ hiểm nguy nào. Thì chúng ta cũng thế: Chúa hằng ở bên cạnh chúng ta nếu chúng ta ý thức được điều đó, nếu chúng ta biết tin yêu phó thác vào Chúa và làm việc gì chúng ta cũng nghĩ là có Chúa cùng làm với chúng ta thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.

Nguyện chúc bình an của Chúa hằng ở cùng chúng ta luôn mãi. Amen.

4. Bài học từ Tôma

Thật là sai lầm khi tưởng rằng tin là chuyện dễ dàng đối với những kẻ may mắn được thấy Chúa Giêsu hơn là đối với chúng ta ngày nay. Tin Mừng đã cho thấy có nhiều người đã được thấy Chúa Giêsu nhưng họ vẫn không tin. Vậy “thấy” không nhất thiết sẽ dẫn tới “tin”. Muốn tin thì phải có một quyết định.

Thực thế, các sách Tin Mừng đã kể rằng ngay cả các tông đồ mà cũng gặp khó khăn trong việc tin. Tôma không phải là người duy nhất đã hồ nghi về việc Chúa Giêsu sống lại, mọi tông đồ khác cũng thế. Tin Mừng Thánh Mác cô kể rằng khi Chúa Giêsu hiện ra với họ vào buổi chiều ngày phục sinh thì Ngài đã “trách họ vì sự không tin và cứng lòng bởi họ đã không tin theo lời của những người đã từng thấy Ngài sau khi Ngài sống lại” (Mc 16,14)

Chúng ta có thể thông cảm với các tông đồ. Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh quả là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt họ. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Ngài. Họ đã bỏ nghề nghiệp và bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Rồi bỗng nhiên Ngài bị giết chết. Thực tế về cái chết của Ngài càng rõ ràng bao nhiêu thì họ càng cảm thấy mất mát bấy nhiêu. Giá trị và ý nghĩa của mọi thứ đều bị đe dọa: tình thân với Ngài, niềm tin vào Ngài, và cả cuộc đời của họ nữa.

Đang lúc đó thì một chuyện không thể tin được xảy ra: đột nhiên họ nhìn thấy Ngài đang đứng ở giữa họ. Việc đầu tiên Ngài làm là chỉ cho họ thấy các vết thương của Ngài. Tại sao Ngài làm thế ? Thứ nhất là vì những vết thương ấy giúp họ nhận dạng được Ngài, xác định Ngài vẫn là người trước đó đã bị đóng đinh. Thứ hai là những thương ấy là bằng chứng rằng Ngài yêu thương họ, một tình yêu chứng tỏ bằng hành động. Kế đó Chúa Giêsu mời họ hãy xem và hãy sờ vào những vết thương ấy.

Thái độ của Tôma rất đáng làm gương cho chúng ta. Đó là một thái độ thẳng thắn vì không dấu diếm nỗi hồ nghi của mình. Hồ nghi thường là dấu chỉ của sự yếu kém. Khi chúng ta hồ nghi ai thì đồng thời chúng ta cảm thấy như mình có lỗi với người ấy. Tuy nhiên hồ nghi cũng có thể là một bước khởi đầu tốt, dẫn tới một sự hiểu rõ hơn và sâu hơn. Đây là trường hợp của Tôma: nhờ hồ nghi nên sau đó Tôma đã đạt tới một lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong sách Tin Mừng “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.

Ở thế gian này, chẳng có gì là tuyệt đối chắc chắn về những sự thiêng liêng, vì nếu có thì đâu cần tới đức tin nữa. Những sự tuyệt đối chắc chắn có thể dẫn tới thái độ ngạo mạn, bất khoan dung và ngu xuẩn. “Người có đức tin mà không bao giờ cảm thấy hồ nghi thì thực ra không phải là người có đức tin” (Thomas Merton)

Mỗi cộng đoàn đều cần có một con người như Tôma, tức là con người dám đặt ra những câu hỏi mà không ái khác dám đặt ra. Người như thế là người đáng tin, người như thế còn giúp những khác trở thành những kẻ đáng tin, bởi vì người như thế giúp cho những người đang tin nhận ra đức tin của họ còn yếu kém lắm, và đồng thời cũng làm cho những kẻ hồ nghi cảm nhận được nỗi ray rứt khi không có niềm tin.

Sau khi vượt qua cơn khủng hoảng đức tin, Tôma đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu và trở thành một trong những vị thừa sai vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai. Theo thánh truyền, ngài đã mang Tin Mừng đến các xứ Ba Tư, Syria và Ấn Độ, nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là vị tông đồ đầu tiên chết vì đức tin.

Chúa Giêsu mời chúng ta đến gần Ngài trong đức tin và chạm vào các vết thương của Ngài. Mặc dù chúng ta không thể chạm tới Ngài một cách thể lý, nhưng chúng ta có thể đến gần Ngài một cách thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng mời chúng ta làm chứng cho Ngài trước mặt những người khác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Chúa Giêsu trở thành hữu hình trong thế giới hôm nay. Đó cũng là nhiệm vụ của các tông đồ ngày xưa. Ngày xưa khi các tông đồ đã nhìn thấy Chúa rồi thì các ông cảm thấy được thúc đẩy phải làm cho nhiều người khác cũng biết và tin vào Ngài.

Thế giới hôm nay đầy dẫy những hoài nghi và những người không tin. Cách duy nhất khiến họ tin là làm sao cho họ “thấy” được Ngài, “chạm” được Ngài nơi những môn đệ của Ngài. Thế nhưng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không có những vết thương để chỉ cho người ta thấy và cho người ta chạm vào thì làm sao mà người ta tin được!

Ước gì chúng ta được ở trong số những người được Chúa Giêsu công khai chúc phúc “Phúc cho những ai tuy không thấy mà vẫn tin” (FM)

5. Khủng hoảng đức tin

Khủng hoảng đức tin là chuyện thường gặp. Tôma đã gặp, và Tolstoy cũng đã gặp, như câu chuyện sau đây:

Năm 1879, Tolstoy 51 tuổi. Khi đó ông có đầy đủ mọi lý do để thỏa mãn về đời mình. Ông đã viết nhiều tác phẩm, đặc biệt hai bộ “Chiến tranh và Hòa bình”, và “Anna Kerenina”. Những tác phẩm ấy đã khiến ông nổi tiếng và bảo đảm cho ông một vị trí nổi bật trong lịch sử văn chương thế giới. Ai cũng công nhận ông là người có thiên tài và đầy óc sáng tạo. Lẽ ra Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy bất hạnh. Ông thấy đời mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: “Liệu trong dời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt đi không ?”. Khoảng thời gian ấy thật khủng khiếp đối với Tolstoy, đến nỗi ông đã tính đến việc tự tử. Ông đi tìm câu trả lời trong mọi lãnh vực kiến thức loài người. Ông tìm kiếm suốt ngày suốt đêm, giống như một người sắp chết đi tìm đường sống. Nhưng tìm mãi mà ông chẳng gặp gì cả.

Thế rồi ông tìm nơi những niềm tin Kitô giáo. Thực ra ông đã được sinh ra và lớn lên trong đức tin Kitô giáo nhưng ông cũng đã bỏ nó từ lâu, lý do là ông thấy nó quá vô nghĩa trong môi miệng những người sống ngược hẳn với đức tin của họ. Tuy nhiên cũng chính đức tin ấy lại thu hút ông khi ông nhìn những tín hữu sống đức tin ấy. Ông viết: “Tôi đã nghĩ rằng chẳng có sự thật chắc chắn nào trong đời. Nhưng rồi tôi đã tìm thấy một nguồn sáng chắc chắn, ấy là Tin Mừng. Tôi đã loá mắt vì sự sáng ngời của Tin Mừng. Những lời dạy của Chúa Giêsu quả thực là một giáo huấn tinh tuyền nhất và trọn vẹn nhất cho đời sống. Từ 2000 năm nay, những lời dạy cao quý ấy đã tác động lên biết bao người một cách tuyệt vời không thể tìm được nơi bất cứ ở nào khác. Từ đó một ánh sáng đã bừng chiếu trong tôi và quanh tôi, và ánh sáng ấy không bao giờ rời xa tôi nữa”.

Có nhiều người được sinh ra trong đức tin, và trải qua bao năm tháng đức tin ấy vẫn cứ vững mạnh. Thật là một ơn ban vô cùng quý giá. Nhưng cũng có nhiều người mà đức tin luôn là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Họ phải trải qua những cơn khủng hoảng đức tin rồi mới có được một đức tin sâu sắc và xác tín.

Nói cách lý thuyết, chỉ có đức tin mới trả lời được cho những câu hỏi sâu xa về cuộc đời. Nhưng trên thực tế, chúng ta không nên hy vọng rằng đức tin sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của chúng ta. Không phải chỉ vì chúng ta tin mà chúng ta có được mọi câu trả lời. Tuy nhiên chúng ta đâu cần biết hết mọi câu trả lời, vì tin là tín nhiệm chứ không phải là chắc chắn.

Câu chuyện của văn hào Tolstoy giúp chúng ta nhận thức rằng đức tin được chứa đựng trong một chiếc bình dễ vỡ như thế nào. Nó cũng giúp ta hiểu thêm rằng đức tin kitô giáo chủ yếu không phải là tin vào một mớ giáo điều, mà là tin vào một Đấng đã yêu thương chúng ta – những thương tích của Ngài chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, Thánh Kinh còn cho ta biết điều quan trọng không phải là niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa mà là niềm tin mà Thiên Chúa đặt vào chúng ta. (FM)

6. Chuyện minh họa

Có một vị hoàng đế kia trị vì một đất nước giàu có hùng mạnh. Nhưng tâm hồn ông không thoải mái an vui vì ông luôn bị ray rứt bởi những tội lỗi tàn bạo đã phạm trong thời quá khứ. Một hôm ông bỏ hoàng cung đi vào rừng, cất một túp lều đơn sơ. Trong rừng có một vị ẩn sĩ. Nhà vua tìm đến và nói: “Thưa Ngài, tôi muốn từ bỏ kinh thành ồn ào náo nhiệt vào đây để tìm được một sự bình an như Ngài đang hưởng”. Ẩn sĩ đáp: “Tâu đức vua, ở đây cũng không hơn gì nơi khác, vì bình an phải ở trong lòng người”. Nhà vua trở về lều mình. Khi thì quỳ gối tha thiết đọc kinh, khi thì thơ thẩn trong rừng, chỉ ăn lương khô và uống nước lã. Chiều đến nhà vua mệt lả ngả mình xuống đất có trả một mớ là khô. Nhưng suốt đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ông tìm đến vị ẩn sĩ: “Thưa ngài, lương tâm tôi cắn rứt làm tôi không ngủ được. Xin ngài nghe lời thú tội của tôi”. Ẩn sĩ đáp: “Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội thôi”. Nhà vua cãi: “Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa”. Ẩn sĩ trả lời: “Tiếng Chúa chỉ nghe được trong thinh lặng, mà thinh lặng chỉ có ngay trong lòng ta. Người nào chỉ biết kêu cầu than rên rỉ mãi mà không biết thinh lặng lắng nghe thì sẽ không nghe được tiếng Chúa”. Nhà vua trở về. Vài hôm sau ông đến chào vị ẩn sĩ: “Tôi đã nghe lời ngài, tôi không kêu than rên rỉ nữa mà tập thinh lặng lắng nghe, và tôi đã được nghe tiếng Chúa. Nhưng đó không như tiếng loài người, tôi chỉ nhận thấy như một cảm xúc êm dịu là lỗi lầm của tôi đã được tha thứ. Xin cám ơn ngài, hôm nay tôi sẽ trở về triều đình”.

Vài năm sau nhà vua lại trở vào rừng, và cũng tìm đến vị ẩn sĩ: “Thưa ngài không bao giờ tôi quên được tâm trạng an bình khi sống trong rừng này. Hôm nay tôi muốn trở lại đây ít lâu để cầu xin Chúa cất bớt những gánh nặng mà hằng ngày tôi phải vác”. Ẩn sĩ đáp: “Tâu Bệ Hạ, khi chúng ta phàn nàn với Chúa về các gánh nặng của mình thì cách đáp ứng tốt nhất của Chúa là không phải cất những gánh nặng đó đi, nhưng là tăng cường đôi vai của ta để ta có thể vác nổi những gánh nặng đó”. Nhà vua thắc mắc: “Nhưng làm sao biết được Chúa đang tăng cường sức mạnh cho ta ?” Ẩn sĩ: “Bao lâu ta còn dãy dụa chiến đấu thì ta chưa nhận biết được điều đó. Cần phải thinh lặng, ngưng chiến đấu mà chờ đợi sự trợ giúp của Chúa thì khi đó ta mới cảm thấy được bàn tay uy quyền của Chúa đang giúp sức cho ta”. Nhà vua cám ơn lui về. Vài ngày sau trở lại chào biệt vị ẩn sĩ: “Thưa ngài tôi đã cảm nghiệm rằng Đấng đã làm cho cỏ cây xanh tốt và nuôi nấng chim trời cũng đang dang tay tăng sức mạnh cho đôi vai tôi. Xin cám ơn ngài và chào ngài”.

Thế là nhà vua trở về triều đình. Mấy năm sau ông lâm trọng bệnh, sai người đi mời vị ẩn sĩ đến. Khi ẩn sĩ đến, nhà vua nói: “Thưa ngài đã hai lần ngài giúp tôi tìm thấy bình an. Bây giờ là lần thứ ba mà cũng là lần chót, vì tôi sắp từ giã cõi đời này”. Ẩn sĩ hỏi: “Bệ Hạ có còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp đầu tiên rời xa Bệ Hạ ?” Vua đáp: “Không bao giờ tôi quên, đó là ngày tôi biết lắng nghe tiếng Chúa trong thâm tâm”. Ân sĩ hỏi tiếp: “Bệ hạ còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp thứ hai rời xa Bệ Hạ không ?” Nhà vua đáp: “Cũng không bao giờ quên, đó là ngày tôi biết chờ đợi trong thinh lặng ơn Chúa đến tăng sức cho tôi”. Ẩn sĩ bây giờ cao giọng: “Tâu Bệ Hạ, Bệ Hạ đã được nghe tiếng Chúa, Bệ Hạ đã được thấy bàn tay Chúa tăng sức cho Bệ Hạ. Bây giờ Bệ Hạ sắp được chiêm ngưỡng Chúa”. Nhà vua sung sướng như đang mơ: “A, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Chúa. Nhưng làm sao được ?” Ẩn sĩ giải thích: “Chỉ khi ở trong yên lặng tuyệt đối, khi cái nhìn của chúng ta không còn nhìn vào cõi đời đầy những sầu thương tang tóc, không còn ngó nhìn về những tương lai với những ước mơ hay sợ sệt, không còn ngó vào bên trong mình để ngắm chính cuộc đời mình, mà chỉ nhìn về hướng duy nhất là Chúa thôi, thì khi ấy chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa”. Nhà vua thì thầm: “Yên lặng tuyệt đối. Người ta có thể yên lặng tuyệt đối không ?” Ẩn sĩ đáp: “Ở đời này thì không. Nhưng trong sự chết thì được”. Nhà vua sung sướng thì thầm: “Thế thì tôi muốn chết”. Và ông sai sứ giả đi khắp nơi trong nước ra lệnh cho thần dân đừng cầu nguyện cho ông khỏi chết nữa. Còn trong phòng của nhà vua thì cả ngày hôm đó rất yên tĩnh. Khi bình minh ló rạng thì nhà vua ra đi an bình. Cái nhìn của ông như chìm vào một cõi xa xăm, một nụ cười tươi sáng rạng ngời trên gương mặt của nhà vua. Ông đã chiếm hữu được sự an bình vĩnh cửu (Vị Ẩn sĩ)

7. Thơ Tagore

“Vào hôm thần chết đến gõ cửa, anh sẽ lấy gì biếu hắn hở anh ?

Ồ, tôi sẽ đặt trước mặt khách cốc rượu đời mình tràn đầy, tôi sẽ chẳng chịu để khách ra đi tay không.

Lúc năm tháng đời tôi khép lại, khi thần chết đến gõ cửa mời đi, tôi sẽ đặt trước hắn tất cả trái nho thơm dịu của những ngày mùa thu, những đêm mùa hè, những gì kiếm được, những gì chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc.

Ôi thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. Thần chết của ta ơi, hãy lại và thì thầm cùng ta chứ (…)

Tôi biết ngày ấy thế nào cũng đến, lúc tôi nhắm mắt thôi không nhìn trái đất này, rồi cuộc đời sẽ thầm lặng ra đi, kéo manh che kín mắt tôi lần cuối (…)

Khi tôi nghĩ đến phút giây cuối cùng ấy (…) nhờ ánh sáng lâm chung tôi thấy thế giới Ngài trần trề châu ngọc. Ở đó, chỗ nương thân tầm thường nhất cũng thú vị, ở đó cuộc đời hèn mọn nhất cũng thơm tho (…)

Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường!”

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT
+++

A. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã long trọng mừng lễ Chúa sống lại, một biến cố trọng đại đối với Hội thánh và niềm tin của chúng ta. Biến cố vô tiền khoáng hậu này đã được ghi trong các sách Tin mừng và trong sinh hoạt của Giáo hội, nhưng có nhiều người còn chưa tin, họ đưa ra những lý lẽ để bác bỏ việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Ngày nay, không thiếu gì những người còn đòi bằng chứng việc phục sinh của Đức Giêsu, giống như trường hợp ông Tôma ngày xưa.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể có được tri thức, do suy luận và do người khác chỉ bảo cho. Nhưng tri thức của chúng ta phần lớn là do người khác chỉ bảo cho, có thể đến 80%. Chúng ta vẫn tin họ, nếu không thì cuộc sống sẽ không tiến bộ được.

Trong đời sống tôn giáo hay đời sống thiêng liêng, chúng ta không thể tự sức mình tìm ra được những chân lý cao sâu. Tất cả phải do Chúa mạc khải và do Hội thánh truyền lại. Đức tin không phải là chấp nhận suông một số chân lý hay một giáo thuyết, mà là dấn thân theo Đức Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Đức tin ấy còn phải được trui rèn, thử thách và phải được diễn tả bằng việc làm, nhất là trong việc tuân theo thánh ý Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 4, 32-35

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca nêu lên một điểm sáng ngời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem: Tinh thần chia sẻ! Mọi người đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Họ chỉ có một lòng một ý đến nỗi để mọi sự làm của chung.

Đây là một việc làm tự nguyện chứ không có tính cách bắt buộc. Việc làm đặc biệt này khiến cho người ngoại giáo hết sức ngạc nhiên và thán phục. Các tín hữu đã bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa, rồi đem tiền giao cho Hội thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu của từng người. Họ không phân bì ghen tị nhau, vì có người góp nhiều mà hưởng ít, và cũng có người góp ít mà hưởng nhiều. Do đó, không ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn.

Nhưng điều thánh Luca muốn làm nổi bật lên, đó là tình liên đới sâu đậm giữa các Kitô hữu tiên khởi rập theo tinh thần Tin mừng, hợp với thánh vịnh mà họ cùng ca lên:

Xinh thay là cảnh anh em

                                      Cùng nhau vui sống dịu êm một nhà (Tv 133, 1)

+ Bài đọc 2: 1Ga 5, 1-6

Thánh Gioan viết bức thư này có ý nói lên cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là phải tin yêu: tin vào Đức Kitô sẽ thắng được thế gian. Kẻ tin vào Đức Kitô hằng sống sẽ được thông phần vào sự chiến thắng sự dữ của Đấng chịu đóng đinh. Tín hữu là người đã tin rằng Đức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Đức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Đấng đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.

Có đức tin chưa đủ, còn phải yêu mến điều mình tin, tức là yêu mến Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa? Thánh Gioan trả lời cho chúng ta: đó là thực hành các giới răn của Ngài. Đối với người Kitô hữu, các giới răn của Thiên Chúa không còn là những luật buộc nặng nề, chúng chỉ là lời đáp trả theo tiếng gọi của tình yêu.

+ Bài Tin mừng: Ga 1, 19-30

Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một mời gọi cuối cùng để hiểu đúng quy chế của đức tin. Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, để nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa Phục sinh hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly: lần thứ nhất vào chiều phục sinh, ông Tôma vắng mặt; lần thứ hai vào 8 ngày sau và lần này có mặt Tôma. Sự cứng lòng tin của ông Tôma tạo cho Ngài cơ hội trình bày cho các môn đệ thế nào là tin: phải hoàn toàn tín nhiệm vào Lời Ngài mà không đòi hỏi những dấu chứng cụ thể.

Tin vào Đấng Phục sinh và vào cách hiện diện của Ngài không thuộc lãnh vực thị giác: điều thánh Gioan muốn nhấn mạnh khi kể lại chuyện Tôma, là để tạo cơ hội đặt vào miệng Đức Giêsu những lời này: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Các dấu chỉ dành cho đức tin thì nhiều, nhưng chúng không hề là bằng chứng mà là để nói với chính đức tin. Và khi nói với người không là Kitô hữu, ta còn phải quan tâm để cho những dấu chỉ ấy nói lên.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Nên tin hay chối bỏ?

I. CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG TÔMA

1. Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ hai lần cách nhau một tuần. Một lần hiện ra ngay chiều ngày sống lại, mà không có mặt ông Tôma, còn lần sau thì có mặt ông Tôma. Mục đích Ngài hiện ra là làm cho các môn đệ tin rằng Ngài đã sống lại thật và chính các ông là những chứng nhân, để sau này củng cố đức tin cho những người khác. Ngài hiện ra với toàn thể con người phục sinh của Ngài, cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, ăn uống trước mặt các ông.

Rất tiếc trong khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các ông thuật lại cho Tôma việc Chúa đã hiện ra và quả quyết rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa rồi”. Nhưng Tôma, con người đa nghi và thực nghiệm, trả lời: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, có mặt ông Tôma, để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục sinh, củng cố niềm tin cho chúng ta.

2. Nói về con người của ông Tôma

a) Con người cô đơn

Tôma là con người rất yêu mến Chúa Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng chịu chết với Ngài, trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Nhưng khi Đức Giêsu chịu chết rồi, ông tỏ ra bi quan, rơi vào tình trạng cô đơn. Ông đã rút lui khỏi các cuộc họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại.

Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Mặc dầu các Tông đồ nói với ông là đã xem thấy Chúa. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu đã hiểu rõ tâm trạng của ông nên đã hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông. Lúc đó, Tôma chỉ biết dạt dào tình thương mến trong lời nghẹn ngào: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”.

b) Con người thực nghiệm

Tôma là con người có đầu óc cụ thể, thích tìm hiểu, thích kiểm nghiệm, giống như những nhà khoa học thực nghiệm ngày nay: những gì thấy và hiểu được thì mới tin. Chủ trương của ông hoàn toàn giống thuyết “Tân sinh lý”. Ông chỉ tin ở tai nghe, mắt thấy, chân tay sờ mó được. Nói cách khác, điều làm cho ông tin phải có bằng chứng. Việc Chúa sống lại chưa có bằng chứng đối với ông, chỉ khi nào mắt thấy tai nghe Chúa sống lại ông mới tin. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông, xét theo phương diện tự nhiên, thì không sai, nhưng trong lãnh vực siêu nhiên thì không đúng.

c) Con người can đảm

Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Lúc này thực sự ông muốn đi Giêrusalem để cùng chết với Chúa. Theo truyền thuyết, ông Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn Độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn kiên trung rao giảng Đấng Phục sinh mà chính mắt ông đã thấy. Sau cùng, ông là Tông đồ đầu tiên đã nhận lấy cái chết để theo gương Thầy mình.

Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi dễ dàng, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.

II. CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TA

1. Tin trong đời thường

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần có sự hiểu biết về nhiều vấn đề. Sự hiểu biết của chúng ta có thể do kinh nghiệm, do suy luận và do sự chỉ bảo của người khác. Kinh nghiệm là sự hiểu biết cá nhân do đã từng trải, đã kinh qua nhiều sự việc do mắt thấy. Nhưng kinh nghiệm bản thân thì quá ít ỏi trước sự hiểu biết bao la của muôn sự vật và con người.

Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Có nhà chuyên môn ước lượng rằng: 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có. Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết. Nói cách khác, chúng ta tin vào nhưng người đã từng đến những nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng: có một xứ sở nọ tên là Hoa Kỳ, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.

Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thực như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin (Link, Giảng lễ CN năm B, tr 118).

Chúng ta đều không được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như ông Tôma, để trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin vào chứng cớ của Thánh Linh. Chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta có thể sử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí, để xác quyết thêm điều Kinh thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quỳ gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa con. Lạy Thiên Chúa của con”. Đáp lại, Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta: “Hạnh phúc biết bao cho kẻ chẳng thấy mà vẫn tin”.

2. Tin có cần thấy và hiểu không?

Có nhiều người tỏ ra là hiểu biết, những người học thức, làm gì cũng phải hợp lý, không sống theo dư luận hay vào hùa với người khác. Họ chủ trương rằng: chỉ những gì họ THẤY và HIỂU được thì mới tin, nếu không thì sự tin đó là thái độ của con trẻ hay của những người còn non kém về tri thức. Nhưng thực tế thì thế nào? Có những thực tế trái ngược hẳn với chủ trương của họ, khiến họ câm miệng.

TruyệnCó hiểu mới tin

Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đám đông rằng: mình chỉ tin cái gì mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi:

– Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư?

– Dĩ nhiên.

– Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết: tại sao ông cử động được ngón tay?

– Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.

– Ông muốn, vậy sao ông không cử động được hai tai?

Vị trạng sư bí lối không biết trả lời bằng cách nào, bèn mắng:

– Thằng nhỏ này muốn giảng cho ta phải không?

Nghe vậy, mọi người đều cười.

Chúng ta hãy tạm đồng ý với chủ trương của họ, và sẽ xem cái chủ trương “thấy” và “hiểu” của họ có áp dụng vào thực tế hay không. Bạn hãy cầm lấy ly nước. Ly nước ấy chẳng là gì khác mà chỉ là ốc-xy và hýt-rô thôi. Mắt ta không trông thấy ốc-xy và hýt-rô, nhưng ta vẫn tin rằng ly nước chứa toàn hai chất ấy thôi, nếu ta đem nó ra điện giải. Như vậy, nguyên tắc THẤY mấy tin không còn đúng nữa, vì không thấy ốc-xy và hýt-rô mà vẫn tin nó có đấy.

Ta chưa bao giờ được thấy tận mắt một phi thuyền không gian, ta cũng chẳng hiểu nổi những nguyên tắc cũng như các kỹ thuật tân kỳ của các nhà bác học, nhưng ta vẫn tin là các nhà bác học đã sáng chế ra các phi thuyền không gian, và phi thuyền Apollo 11 đã lên nguyệt cầu. Trong chúng ta, ai dám nói là mình đã hiểu các nguyên tắc chế tạo phi thuyền của các nhà bác học, tại sao ta lại vẫn tin? Phải chăng chúng ta đã tự mâu thuẫn với nguyên tắc của chúng ta?

Thực sự, trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều, vì nếu không thế, đời sống sẽ không có thể được. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta nhiều điều mà ta vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức, ta chưa hề biết, có khi không hiểu nữa, thế mà ta vẫn tin, không thắc mắc gì. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử, thì làm sao ta có thể học được môn đó. Dĩ nhiên lòng tin của ta chỉ có tính tương đối thôi, bởi vì những cái đó có thể sai lầm được.

Đứng về phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết, nhưng trái lại, ta phải nói rằng: tin là thái độ của con người hiểu biết, là thái độ của con người biết dấn thân, biết quyết tuyển. Chúng ta không tin viển vông, nhưng tin vào sự chân thật của Chúa qua sự mạc khải của Ngài. Chúng ta sẽ tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người. Vì thế, người ta mới có chữ SUPERNATURAL: vượt lên trên cái tự nhiên, đó là “siêu nhiên”.

3. Đức tin còn đòi thử thách

Có một niềm tin thì dễ, tin suông càng dễ hơn, nhưng có một đức tin là một chuyện khó. Vì đức tin bao giờ cũng đòi thử thách và cần phải có ơn Chúa thì mới đứng vững được. Phải thẳng thắn nói rằng: Đức tin là ân ban của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xem cách hành động của tổ phụ Abraham để làm gương. Khi nghe tiếng Thiên Chúa, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi còn trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp. Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12, 4), lại đã lập gia thất (St 11, 29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít. Lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho tổ phụ.

Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi: nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Haran, một thị xã miền Mesopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Haran chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến, rồi làm ăn có nổi không. Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu Abraham (St 12, 1-3, nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế ? (St 18, 11-12)

Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi đầu một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cảnh khói lửa chiến tranh (St 12, 10; 14, 13-14). Abraham đã gỡ mọi dây luyến ái để gia nhập đất khách quê người: mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABRAHAM ĐÃ TIN.

Đức tin bao giờ cũng là một cuộc VĨNH BIỆT, CHIA LY, vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác: trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa (Lm. Nguyễn Huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7).

4. Phải sống niềm tin của mình

Chúng ta ai cũng có đức tin hoặc mạnh hoặc yếu, nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin nữa, nghĩa là đức tin phải được thể hiện ra bằng việc làm như thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúng ta phải kiểm chứng xem chúng ta đã sống đức tin như thế nào:

1. Mọi người và nhất là người trẻ hôm nay có bao giờ bắt gặp mình đang cầu nguyện, và ý thức mình cầu nguyện với ai, cầu nguyện như thế nào? Người trẻ hôm nay khi bước vào nhà thờ, có thực sự tìm kiếm, có ý thức rằng mình đến với Chúa, và nếu có, thì cảm nhận được sự hiện diện của Ngài như thế nào? Và nhất là khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, người trẻ hôm nay có bao giờ tìm hiểu ý nghĩa của việc tham dự ấy, và có thực sự hiệp thông với Đức Kitô không?

2. Giới trẻ tin vào những điều người ta nói về Chúa, còn chính Chúa thì họ không tin. Nếu tin thì sao đi lễ họ ngồi trên xe máy ở ngoài nhà thờ, vừa xem lễ vừa nhai kẹo, truyện trò, hoặc xem “lễ vọng” hay “lễ gốc”!

Người Pharisêu tỏ ra “thông đạo”, hiểu biết nhiều về đạo, về luật, mà lại không nhìn ra Chúa; còn người mù từ mới sinh không học hành gì mà có thể nhận ra Đức Giêsu là con loài người, và tin vào người sau một cuộc đối thoại ngắn ngủi:

– Anh có tin vào con loài người không?

– Thưa ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin.

– Anh đã thấy Người, chính người đang nói với anh.

– Thưa Ngài, tôi tin (Ga 9, 35-38).

Đức tin bao giờ cũng là sự gặp gỡ, một cuộc đối thoại trực tiếp cá nhân với Đức Giêsu, chứ không phải là sự chấp nhận một giáo lý trên bình diện một học thuyết, như kiểu người ta nhìn nhận một chân lý khoa học hay toán học (Lm. Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 202).

Đức cha Matagrin, tổng Giám mục Grenoble, đã đưa ra nhận xét này: trong Giáo hội Việt Nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu.

Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, là gắn bó với Đức Kitô, là gắn bó với giáo lý của Ngài. Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình; nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Đó là sự sơ suất đáng buồn và đã gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo (Gm. Bùi Tuần, Nói với giáo dân, 1991, tr 9).

TruyệnTuyên xưng đức tin

Bên Nhật Bản, tại một học đường ở Nagasaki, có tất cả chừng 150 học sinh, nhưng duy có một em là người Công giáo.

Em ở nội trú, nhưng mỗi bữa ăn, em vẫn thản nhiên hiên ngang chắp tay cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Nhiều trò khác chế giễu và thưa với thầy giáo.

Ngày kia thầy kêu trò lại hỏi:

– Tại sao trò lại làm như thế?

– Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện Chúa luôn, con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.

Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn viết khóc và nói một cách hổ thẹn:

– Trò ơi, ta đây là người tin Chúa, song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ ráng làm phận sự một tín đồ.

Ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như trong hành động. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói: “Ta phải truyền giảng Phúc âm bằng lối mới. Vậy thế nào là lối cũ? Lối cũ là chú trọng vào việc thành lập các uỷ ban, cơ quan, hội đoàn rồi sinh hoạt. Lối ấy nay không thích hợp. Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là “sống đời chứng tá”, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình”.

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

BÌNH AN CHO ANH EM !

Giáo hội đặc biệt dành Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh

để kính Lòng Chúa Thương xót.

Khi đi rao giảng, Đức Giêsu hay chạnh lòng thương

trước những người bệnh tật, khổ đau, tội lỗi.

Khi bước vào cuộc Khổ nạn và đi đến cái chết,

chúng ta cũng thấy trái tim Ngài đầy tình xót thương.

Ngài thương các môn đệ khi mắt họ nặng trĩu ở Vườn Dầu,

Ngài để cho họ ngủ dù rất mong họ thức (Mt 26,43-44).

Ngài chấp nhận nụ hôn phản bội của Giuđa

và đứng ra bảo vệ để các môn đệ rút lui an toàn (Ga 18,8-9).

Ngài sờ vào tai của anh đầy tớ vị thượng tế để chữa lành,

sau khi tai anh bị chém đứt (Lc 22,51).

Lúc gà gáy, Ngài quay lại nhìn Phêrô sau khi ông chối Ngài.

Cái nhìn cảm thông, tha thứ, khiến ông bật khóc (Lc 23,62).

Trên đường lên Núi Sọ, khi các phụ nữ khóc thương Ngài,

Ngài lại tỏ lòng thương họ, vì tai họa họ sắp phải chịu (Lc 23,28).

Trên thập giá, Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình,

và ban ơn cứu độ cho người trộm biết thống hối (Lc 23,34.43).

Cử chỉ tình yêu cuối cùng của Ngài là gắn kết

Mẹ của mình với anh môn đệ mình thương:

“Đây là con của Bà… Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27).

Khi Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha phục sinh từ cõi chết,

Ngài được đưa vào vinh quang đã có trước đây (Ga 17,24),

được Cha trao mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18).

Nhưng Đấng chiến thắng khải hoàn vẫn là Chúa xót thương,

Đấng đầy quyền năng thần linh vẫn tôn trọng tự do con người.

Chúa phục sinh đã không đi gặp Philatô,

để trừng phạt ông này về tội hèn nhát, không dám tha.

Ngài không hiện ra để lên án sự vô trách nhiệm của ông.

Chúa phục sinh cũng không đi gặp các thượng tế

để vạch trần lòng dạ xấu xa của họ,

khi họ lên kịch bản công phu nhằm hãm hại Ngài.

Họ đã thách thức Ngài xuống khỏi thập giá để họ tin (Mt 27,42).

Bây giờ Ngài đủ khả năng để bắt họ tin bằng việc hiện ra với họ.

Nhưng Ngài đã không làm.

Những người được Đấng phục sinh hiện ra,

đều là các môn đệ và tín hữu (1 Cr 15,3-8).

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy

lòng thương xót vô bờ của Đấng phục sinh đối với các môn đệ.

Ngài đi bước trước đến với họ,

để nâng đỡ họ sau biến cố thập giá kinh hoàng,

biến cố làm vỡ tan mọi hy vọng và sụp đổ mọi ước mơ.

Các môn đệ đã mang những mặc cảm do vấp ngã.

Thầy đến để an ủi chữa lành các thương tích

bằng việc cho họ thấy các vết thương trên thân thể mình.

Các dấu đinh ở tay chân, và dấu đâm ở cạnh sườn Thầy

đem lại niềm vui và niềm tin về vị Thầy đã chết

nhưng nay đang sống và đang đứng bên họ.

Đấng phục sinh tế nhị không nhắc lại chuyện đã qua.

Ngài đẩy họ về phía trước, và sai phái họ lên đường.

Rồi sẽ đến lúc họ phải mở toang mọi cánh cửa khép,

thắng vượt mọi sợ hãi, chấp nhận chung số phận với Thầy.

Đấng phục sinh là Đấng có trái tim thương xót.

Ngài không muốn mất Tôma, vì Ngài biết tính của anh ấy.

Ngài hiểu những đòi hỏi có vẻ quá đáng của anh,

và biết anh muốn tin một cách nghiêm túc.

Chính vì thế một tuần sau, Ngài đã trở lại để gặp anh,

và thỏa mãn mọi điều anh đòi hỏi (Ga 20,27).

Thầy Giêsu vui sướng khi thấy lòng tin của anh mềm lại.

Anh chịu thua khi thấy tình thương Thầy dành cho mình,

chỉ biết thốt lên lời tuyên xưng: Lạy Thiên Chúa của con!

Tình thương của Đấng phục sinh không chỉ dành cho Tôma,

mà còn trải rộng đến đoàn tín hữu tương lai.

Vẫn có những con chiên cần được đưa về ràn (Ga 10,16).

Vẫn có những người vì không thấy nên chưa tin (Ga 20,29).

Vẫn có những người đã tin nhưng nay đức tin bị mất.

Mùa Phục sinh là thời gian bắt chước Đấng phục sinh

đi thăm các Tôma ở quanh ta…

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha là Chúa trời đất,

Cha là Cha toàn năng,

nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.

Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.

Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,

và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,

dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.

Lạy Cha toàn năng,

Khi trao cho loài người chúng con tự do,

Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.

Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.

Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,

chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.

Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công

của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.

Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha

trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha

đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,

chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.

Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.

Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.

Chúng con tin vào tình yêu Cha

dành cho từng người ngay giữa sóng gió.

Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng.

5. Suy niệm (song ngữ)

2nd Sunday of Easter
Reading I: Acts 4:32-35
Reading II: 1John 5:1-6

Chúa Nhật 2 Phục Sinh
Bài Đọc I: Cv 4:32-35
Bài Đọc II: 1Ga 5:1-6

Gospel
John 20:19-31

19 On the evening of that day, the first day of the week, the doors being shut where the disciples were, for fear of the Jews, Jesus came and stood among them and said to them, “Peace be with you.”
20 When he had said this, he showed them his hands and his side. Then the disciples were glad when they saw the Lord.
21 Jesus said to them again, “Peace be with you. As the Father has sent me, even so I send you.”
22 And when he had said this, he breathed on them, and said to them, “Receive the Holy Spirit.
23 If you forgive the sins of any, they are forgiven; if you retain the sins of any, they are retained.”
24 Now Thomas, one of the twelve, called the Twin, was not with them when Jesus came.
25 So the other disciples told him, “We have seen the Lord.” But he said to them, “Unless I see in his hands the print of the nails, and place my finger in the mark of the nails, and place my hand in his side, I will not believe.”
26 Eight days later, his disciples were again in the house, and Thomas was with them. The doors were shut, but Jesus came and stood among them, and said, “Peace be with you.”
27 Then he said to Thomas, “Put your finger here, and see my hands; and put out your hand, and place it in my side; do not be faithless, but believing.”
28 Thomas answered him, “My Lord and my God!”
29 Jesus said to him, “Have you believed because you have seen me ? Blessed are those who have not seen and yet believe.”
30 Now Jesus did many other signs in the presence of the disciples, which are not written in this book;
31 but these are written that you may believe that Jesus is the Christ, the Son of God, and that believing you may have life in his name

Phúc Âm
Gioan 20,19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Đi-dy-mô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không sỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”
27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
29 Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
30 Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và đê/ anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Interesting details

  • This narrative describes the second part of the appearances to the disciples on Easter evening which appears in various forms in Matthew, Luke and here. But John alone relates the incident of Thomas. John does not specify how many disciples were present, so it may well have been more than twelve – not including Thomas and Judas.
  • (v.20) The disciples were glad when they saw the Lord. Jesus fulfills his promise expressed earlier in (16:22) when he says: “But I will see you again and your hearts will rejoice”.
  • (v.22) The word “spirit” also means breath. Jesus breathes on them as God had breathed life into Adam: Jesus recreates them with the Holy Spirit.
  • (v.27) After the verb “put”, we would expect “and feel”. Instead, Jesus asks Thomas to “see”, meaning “really see” or “understand”.
  • As the disciples gradually gain better knowledge of Jesus, they give Jesus a series of titles with increased accuracy. Here, Thomas gives the final title, the definite one: Jesus is LORD GOD.
  • (v.28) In the original conclusion to this Gospel, the final statement by Thomas repeats its opening truth: “the Word was God” (1:1).

Chi tiết hay

  • Đoạn Phúc Âm này tả lại phần thứ hai của việc Đức Kitô hiện ra với các tông đồ theo các Phúc Âm của Matthêu, Luca và Gioan. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm của Gioan mới kể chuyện xảy đến với Tôma. Thánh Gioan không nói rõ có bao nhiêu người hiện diện vì thế có thể có hơn 12 người ở đó, không kể Tôma và Giuđa.
  • (c.20) Các tông đồ vui mừng vì thấy Đức Kitô. Ngài đã giữ đúng lời hứa trước đó (16,22) khi nói rằng: “Nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.”
  • (c.22) Đức Kitô thổi hơi vào các ông như xưa kia Thiên Chúa đã thổi sự sống vào Adong: Đức Giêsu đã tái tạo các ông bằng Thần Khí.
  • (c.27) Sau khi nói “đặt tay vào”, chúng ta tưởng Đức Kitô sẽ nói tiếp “và hãy cảm giác thấy”, nhưng, thay vào đó Ngài lại bảo “và nhìn xem”, có nghiã là “hãy thực sự nhận ra” hoặc là “hãy hiểu.”
  • Các môn đệ mỗi ngày một hiểu biết Thầy mình rõ hơn và dần dần đặt cho Ngài các danh hiệu càng ngày càng chính xác hơn. Ở đây Tôma gọi Ngài bằng danh xưng cuối cùng và chính xác nhất: Đức Giêsu là Chúa, là Thiên Chúa.
  • (c.28) Trong phần kết của cuốn Phúc Âm nguyên thủy, Gioan dùng lời của Tôma để lập lại lời mở đầu: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1)

One main point

“My Lord and my God!”. Thomas expresses, not what he has seen, but what he now believes, and it is the complete truth.

Một điểm chính

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tôma tuyên xưng, không phải vì đã thấy, nhưng vì ông đã tin, và điều ông tin là tất cả sự thật.

Reflections

  1. Imagine you are in the room with the disciples when Jesus appears. Look at the disciples’ reactions, at Jesus as he blesses you. What do you have to say to Jesus ?
  2. In what ways are we like or unlike Thomas ?
  3. What (or who) has helped me to believe in Jesus and have life ?

Suy niệm

  1. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong phòng với các tông đồ khi Đức Giêsu hiện ra. Hãy nhìn những phản ứng của họ, và nhìn Đức Giêsu khi Ngài ban phép lành cho bạn. Bạn muốn thưa với Ngài điều gì ?
  2. Chúng ta giống và khác Tôma ở những điểm gì ?
  3. Điều gì, hoặc ai, đã giúp bạn tin Đức Giêsu và được sự sống 

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan