Giáo Lý

ĐTC lưu tâm tới giới trẻ và việc dậy giáo lý

ĐTC lưu tâm tới giới trẻ và việc dậy giáo lý

VATICĂNG: Trong buổi tiếp kiến dành cho các Giám Mục Bồ Đào Nha những ngày vừa qua ĐTC Phanxicô đã chia sẻ với các vị âu lo của ngài đối với giới trẻ và việc dậy giáo lý cho họ.

ĐTC đã cho biết như trên trong buổi phỏng vấn dài dành cho nữ phóng viên Aura Miguel của Radio Renascenza Bồ Đào Nha. Ngài khẳng định rằng cần phải làm cho người trẻ lớn lên và đồng hành với họ, với sụ thận trọng đối thoại với họ và làm sao để việc dậy giáo lý cho họ không chỉ thuần lý thuyết. Giáo lý phải có ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của cái đầu, của con tim và của đôi tay. Làm sao để người trẻ biết đức tin là cái gì, cảm nghiệm nó trong trái tim và dùng nó để làm các việc cụ thể: nghĩa là “suy nghĩ điều mình cảm thấy và làm, cảm thấy điều mình suy nghĩ và làm, và làm điều mình cảm thấy và suy nghĩ”.

Trả lời câu hỏi có viếng thăm Bồ Đào Nha nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima hay không, ĐTC bầy tỏ uớc mong đến Fatima. Ngài nói: “Đức Mẹ xin chúng ta luôn luôn cầu nguyện, lo lắng cho gia đình và tuân giữ các giới răn của Chúa, và sống đơn sơ như các trẻ em. Đức Bà là Mẹ tự tỏ hiện ra cho các trẻ em, và luôn luôn tìm kiếm các linh hồn đơn sơ.”

Liên quan tới hiện tượng di cư tỵ nạn khiến cho Âu châu lo lắng, ĐTC nói đó chỉ là một chỏm nhỏ của tảng băng khổng lồ. Thế giới đang chứng kiến các người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh, đói khổ, nhưng lý do nền tảng là một hệ thống xã hội kinh tế xấu xa và bất công. Đề cập đến vấn đề môi sinh ngài nhấn mạnh rằng con người phải là tâm điểm của xã hội kinh tế và chính trị, bởi vì hệ thống kinh tế thống trị ngày nay đã loại bỏ con người ra ngoài lề và để tiền bạc vào trung tâm. Nó là thần tượng thời thượng hiện nay. Cần phải đi tới các lý do. Ở dâu lý do là đói khổ thì phải tạo ra công ăn việc làm. Ở đâu lý do là chiến tranh thì phài tìm kiếm hoà bình và làm việc cho hoà bình. Ngày nay thế giới gây chiến với chính mình. Cần phải tiếp đón các anh chị em di cư tỵ nạn như họ là, và tìm cách cho họ một nơi cư ngụ va giúp họ hội nhập xã hội.

ĐTC cũng tố cáo nền văn hóa thoải mái dẫn đến tình trạng số sinh giảm sút quá thấp trong vài quốc gia âu châu như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong khi đó thì số người già gia tăng. Khi có chỗ trống, khi không sinh con, thì người di cư tới chiếm chỗ của chúng. Theo ĐTC thách đố lớn nhất của Âu châu là phải trở thành mẹ trở lại chứ không phải là bà Âu châu. Âu châu có một nền văn hóa đặc biệt phải tái chiếm khả năng lãnh đạo, chỉ đường. Âu châu chưa chết, chỉ hơi là bà một chút thôi, nhưng có thể trở thành mẹ. Có đúng thật là Âu châu đã sai lầm, khi chối bỏ các gốc rễ kitô của minh. Trong đời ai cũng lầm lỡ, nhưng Âu châu còn kịp giờ để trở thành Âu châu mẹ biết lo lắng cho giới trẻ, nhất là người trẻ thất nghiệp. Các dòng tu có đặc sủng giáo dục, các giáo dân giáo chức hãy tạo ra các trường học cấp thiết để giúp ngưởi trẻ học nghề giúp họ tìim ra công ăn việc làm, như hệ thống giáo dục của dòng Don Bosco.

Liên quan tới làn sóng của chủ nghĩa cá nhân khiến cho người ta nghĩ rằng tự do là làm điều mình muốn, và gieo vào đầu trẻ em ý niệm hạnh phúc là không có vấn đề, ĐTC nói một cuộc sống không vấn đề là một cuộc sống nhàm chán. Nhu cầu đương đầu và giải quyết các vấn để là bẩm sinh nơi con người. Cần phải giáo dục cho người trẻ biết các quyền lợi và nghĩa vụ của họ, và biết liều lĩnh. Để giáo dục cần dùng cả hai chân: một chân dựa vững vàng trên mặt đất, chân kia giơ lên và bước tới, rồi tìm điểm tựa cho vững và cứ thế tiếp tục. Liều lĩnh. Tại sao? Vì tôi có thể vấp ngã. Nhưng hãy đứng lên và tiếp tục bước tới! Trong nghĩa này Giáo Hội cũng phải đi ra, phải liều lĩnh. Nếu một Giáo Hội, một giáo xứ, một giáo phận, môt dòng tu sống khép kín trong chính mình, thì sẽ đau yếu, và chúng ta có một Giáo Hội teo quắt, với các điều luật cứng nhắc, không có óc sáng tạo, được bảo đảm nhưng không chắc chắn. Trái lại một Giáo Hội, một giáo xứ xuất hành và truyền giáo có thể gặp một tai nạn như xảy ra cho bất cứ ai đi ra. Nhưng giữa một Giáo Hội đau yếu và môt Giáo Hội bị tai nạn, tôi thích Giáo Hội bị tai nạn hơn, vì ít nhất nó đã đi ra. Trả lời câu hỏi có phải vì thế mà ngài được bầu làm Giáo Hoàng không, ĐTC cuời trả lời nhà báo: “Điều đó chị phải hỏi Chúa Thánh Thần”.

Về các chờ mong đối với Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC nói ngài ước mong mọi người đều tới để cảm nghiệm tình yêu và ơn tha thứ của Chúa. ĐTC cho biết thư gửi cho ĐTGM Fisichella và Tự Sắc khiến cho các tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu nhằm đơn giản hóa và tạo dễ dàng cho đức tin của giáo dân để họ cảm thấy Giáo Hội là mẹ (SD 14-92015).

Linh Tiến Khải

(vietcatholic.org)

Bài viết liên quan