Thông Tin

Thỏa hiệp giữa Rôma và Bắc Kinh về việc phong chức các giám mục Trung Quốc

Theo nhật báo Ý Corriere della Sera, một thỏa hiệp đã có được giữa Rôma và Bắc Kinh về việc phong chức các giám mục Trung Quốc.

Một phái đoàn Trung Quốc đã đến Rôma tuần này để có được một thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Tòa Thánh trong việc phong chức các giám mục công giáo ở Trung Quốc. Theo nhật báo này, danh sách ba giám mục Trung Quốc đã ở trên bàn giấy của Đức Phanxicô. Sắp tới đây ngài sẽ chỉ định ba giáo phận cho ba giám mục, đây là lần đầu tiên có sự chỉ định này từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai bên bị cắt đứt từ năm 1952

Đây là kết quả của một nỗ lực làm việc kín đáo trong lãnh vực ngoại giao, dưới sự bảo trợ của Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, người am hiểu quan hệ Trung Quốc-Vatican.

Các quan hệ rắc rối

Từ lâu Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tự phong giám mục, họ không quan tâm gì đến Rôma có bằng lòng hay không. Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc các giám mục nào được phong như vậy thì bị tự động dứt phép thông công.

Dưới thời Đức Bênêđictô XVI, đã có tiến bộ trong quan hệ giữa Trung Quốc-Vatican dẫn đến một thỏa hiệp ngầm: Bắc Kinh vẫn tiếp tục phong giám mục nhưng cho Rôma biết và được Rôma chấp nhận, sau đó các giám mục này liên hệ với Đức Giáo hoàng.

“Gần như tất cả” các giám mục được Trung Quốc chỉ định “từ nay đều có quan hệ với Tòa Thánh”, Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố.

Vai trò thiết yếu của Đức Hồng y Parolin

Một trong các nhân vật chính làm dịu căng thẳng giữa Rôma và Bắc Kinh là Đức Hồng y Pietro Parolin, khi ngài còn phụ trách các quan hệ với các Quốc gia.

Khi Đức Hồng y được cử làm sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela năm 2009 – lúc đó trên thực tế 110 trong 115 giám mục Trung Quốc đã được Rôma công nhận -, các vụ phong bất hợp pháp mới sau này không được Đức Giáo hoàng chấp nhận đã làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Rôma căng thẳng trở lại.

Phải chờ đến khi Đức Phanxicô được bầu chọn thì căng thẳng mới giảm, đáng kể nhất là có sự trao đổi văn thư giữa Đức Giáo hoàng và tân Chủ tịch Tập Cận Bình, ông vừa được chọn ngay ngày hôm sau Đức Giáo hoàng Argentina được bầu chọn. Tháng 8 năm 2014, trên máy bay từ Nam Hàn về, Đức Giáo hoàng đã bay trên không phận Trung Quốc, đây là dịp để hai nhà lãnh đạo thăm hỏi ngoại giao lại với nhau.

Tháng 6 năm 2014, một phái đoàn chức sắc Trung Quốc đến Rôma để gặp các cấp cao công giáo. Tháng 10 năm 2015, đến lượt phái đoàn Vatican đến Bắc Kinh, sau cuộc gặp gỡ này, Đức Hồng y Pietro Parolin đã tuyên bố cuộc gặp gỡ “rất tích cực”, cuộc gặp này nằm trong “tiến trình đưa đến một thỏa hiệp như đã hy vọng”.

Thỏa hiệp này đạt được sau hai ngày khi phái đoàn Trung Quốc đến Vatican tuần này. Từ nay Trung Quốc đề nghị với Rôma danh sách các giám mục được chấp nhận và Đức Giáo hoàng sẽ chọn tân giám mục và loan báo việc bổ nhiệm.

“Không phải là không có thể có một chuyến đi của Đức Phanxicô đến Trung Quốc”

Một bước khác có thể bước qua là sự tái quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, điều này có thể đưa đến việc cắt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan, một đất nước bị Trung Quốc xem là “hòn đảo không theo kỷ luật”.

Ngày 23 tháng 1 vừa qua, tân đại sứ Đài Loan Matthew S. Lee vừa trình ủy nhiệm thư lên Đức Phanxicô. Theo tân đại sứ, các nhà chức trách Vatican ông gặp trong dịp này cho biết, “không có tiến triển nào đặc biệt” giữa Rôma và Bắc Kinh.

Tuy nhiên việc có quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Tòa Thánh “sẽ là một tin vui cho Giáo hội hoàn vũ” miễn là “ không vi phạm giáo điều và tính chính thống công giáo” và điều này “góp phần vào việc cổ động cho tự do tôn giáo và bảo vệ nhân quyền”, hãng tin Giáo hội Á Châu ghi lại.

Theo báo Corriere della Sera, thì “không phải là không có thể có một khả năng Đức Phanxicô sẽ đi Trung Quốc năm 2017”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn tin: Phanxico

Bài viết liên quan