Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 2 Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-10

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn. Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được ? Còn Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).

Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.

 2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.- Đáp.

 3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

Tin Mừng: Lc 16,19-31

19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. 22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. 23 Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, 24 liền cất tiếng kêu la rằng:

“Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. 25 Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. 26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

27 Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. 29 Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. 30 Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. 31 Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

“Bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này,
còn con thì chịu khốn khổ”. (Lc 16,25)

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài trích sách Giêrêmia nói đến hai hạng người: hạng tin tưởng cậy dựa vào những giá trị đời này, và hạng đặt niềm cậy trông nơi Thiên Chúa. Giêrêmia nói khốn cho hạng thứ nhất và phục cho hạng thứ hai.

2. Trong bài trích Phúc Âm, người phú hộ thuộc hạng thứ nhất. Khi ông chết thì những chỗ ông cậy dựa cũng tiêu tan luôn cho nên ông rơi vào cảnh rất khốn khổ. Ladarô là đại biểu của hạng thứ hai nên sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa (qua hình ảnh tổ phụ Abraham).

Dụ ngôn này còn muốn gởi một lời nhắn nhủ đến hạng thứ nhất: họ nên sớm thấy sai lầm của họ khi đặt niềm cậy trông vào những giá trị trần thế, để kịp thời quay về trông cậy vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết, thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi việc đều không thể đảo ngược được.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Đã biết tiền bạc, của cải và nói chung những giá trị thế gian là không bền, thế nhưng nhiều người vẫn cứ cậy dựa vào chúng. Đó chính là cái ngu dại của con người. Nếu nói theo từ ngữ của ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1, đó chính là cái “khốn nạn” của con người.

2. ”Abraham nói lại: giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm”…: Thiên Chúa không tạo dựng thẳm ngăn cách Ngài với con người. Nhưng chính con người tự đào vực thẳm ấy, bằng nhiều cách:

– Bằng ích kỷ không giúp đỡ một người anh em đang cần giúp trong khi chúng ta có thể giúp (như ông nhà giàu đối với Ladarô).

– Bằng thái độ bỏ Chúa đề hoàn toàn cậy dựa vào những giá trị trần gian.

3. Lạy Thiên Chúa của Abraham, con đã hiểu rằng lòng thương xót kẻ khốn khổ sẽ đặt con bên cạnh Ladarô trong lòng Chúa, trái lại sự ích kỷ sẽ đẩy con xuống vực thẳm chung với người phú hộ. Chúa biết con muốn chọn phía nào rồi, nhưng xin giúp con.

4. ”Dửng dưng trước đau khổ của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giàu có trong bài Phúc Âm hôm nay”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

5. Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: ”Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. ”Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. ”Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: ”Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta”. (Góp nhặt).

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào buổi sáng ngày 10.8.2012, tại ngã tư đường Tân Hoa giao với đường Tây Hoài Hải ở thành phố Thượng Hải, một cụ ông được phát hiện nằm ngất xỉu trên đường, đầu chảy nhiều máu do va đập sau cú ngã. Một vài người chứng kiến đầu tiên bấm số 120 để gọi xe cấp cứu… rồi thôi. Khi chưa có xe đến kịp để đưa ông cụ đi, người qua lại trên đường chỉ dửng dưng nhìn rồi bỏ mặc hoặc dừng lại chỉ trỏ. Họ tuyệt nhiên không có một động tác sơ cứu nào, thậm chí đến đỡ ông cụ dậy. Một người phụ nữ nước ngoài đi ngang thấy sự việc trên. Ngạc nhiên trước thái độ vô cảm của những người chứng kiến, cô chạy đến nâng đầu ông cụ lên đặt trên một tấm khăn mềm, vừa khóc vừa khẩn nài mọi người xung quanh mau gọi xe cứu thương đến. Sự việc chỉ kết thúc khi cô này đưa tiền và thúc họ gọi xe cứu thương lần nữa. Nửa tiếng sau, ông cụ mới được đưa đến bệnh viện gần đó.

…Ông cụ bị nạn họ Tiền, 87 tuổi, được bệnh viện chẩn đoán thuyên tắc mạch máu não đột ngột khiến ông chóng mặt và ngã khuỵu trên đường. May mắn được cấp cứu kịp nên ông đã phục hồi… (Theo Tuổi trẻ Mobile)

Suy niệm

Người phú hộ giàu có sung túc với vật chất sống bên cạnh người anh em Ladarô nghèo khổ, bệnh tật nằm đói lả, không đủ sức xua đuổi những con chó đến quấy rầy, nhưng người phú hộ vẫn dửng dưng coi như không có gì. Hai người ở gần nhau, chỉ cách nhau một cái cổng, nhưng cánh cổng vẫn thường khép kín, khiến hai người tuy rất gần nhưng lại rất xa nhau. Chúa Giêsu nhấn mạnh: Người phú hộ bị hình phạt vì ông vô cảm không để ý và quan tâm tới người anh em khốn khổ Ladarô đang nằm trước cổng nhà ông chờ đợi từng mẩu bánh từ bàn ông ăn rơi xuống.

Cánh cửa đóng kín của nhà phú hộ tượng trưng cho tấm lòng của con người luôn đóng kín trước đau khổ của anh chị em chung quanh. Sự giàu có cộng với vô cảm khiến cho con người khép kín lòng mình với Thiên Chúa là nguồn suối hướng về anh chị em, họ bằng lòng và khép kín hưởng thụ những của cải vật chất và những lạc thú trần gian mà quên đi Thiên Chúa với đời sống vĩnh cửu. Trong tương quan với tha nhân, sự giàu có và vô cảm làm khép kín lòng mình với những người anh em: Người ta không nhìn thấy người nghèo, người khổ ngay cổng nhà mình.

Đức Giêsu khẳng định nguy cơ của người giàu và quan tâm “đặc quyền của những người nghèo” qua lời của tổ phụ Abraham so sánh về Ladarô và người phú hộ: “Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16, 25). Bài ca Ngợi khen (Magnificat) nói rất rõ: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).

Trước những Ladarô của thời đại hôm nay là những con người đói khổ, tuyệt vọng ở khắp mọi nơi, chúng ta sống theo lời giáo huấn của Giáo hội: “Mỗi người phải coi người đồng loại – không trừ ai như “cái tôi thứ hai”, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng, chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc tới Ladarô bất hạnh” (Hiến chế Mục vụ, số 27).

Mong rằng trái tim của tôi, của bạn, không đóng kín, và trở nên vô cảm trước nhu cầu và sự khốn khổ của anh em, mà luôn rộng mở lòng nhân ái chia sẻ.

Ý lực sống

“Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

WGPSG

 

Bài viết liên quan