1. Đức Bênêđíctô XVI từng muốn bổ nhiệm Đức Hồng Y Bergoglio làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Theo nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, một linh mục Á Căn Đình, từng quen biết Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, cho biết năm 2005, Đức Bênêđíctô XVI đã mời ngài làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhưng ngài từ chối.
Đức Bênêđíctô muốn Đức Hồng Y Bergoglio làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh để cải tổ giáo triều Rôma, một điều, mà 8 năm sau, vị Hồng Y này được bầu làm giáo hoàng để thi hành.
Tạp chí Crux có tham khảo ý kiến một số nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y Bergoglio vào năm 2005, nhưng tất cả đều nói họ không thể xác nhận và cũng không thể bác bỏ điều đó, nhưng họ thấy điều ấy rất có thể có.
Cha Fernando Miguens nói với Crux tại Buenos Aires rằng “tôi biết Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục lo lắng rất nhiều về tính hiệu quả trong Tòa Thánh. Tôi cũng biết Đức Gioan Phaolô II rất lo lắng về chuyện này, nhưng ngài cho rằng việc truyền giáo ưu tiên hơn. Đức Bênêđíctô cố gắng đương đầu với nó, và để làm việc này, ngài đã tiếp cận Đức Hồng Y Bergoglio để mời vị này làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhưng vị này đã từ chối”.
Cha Miguens nói tiếp: “Đức Bênêđíctô XVI muốn chọn một người có các móng tay của ‘một người chơi đàn ghita’ để người này có thể đương đầu với việc cải tổ”.
Cha Miguens là cựu bề trên Chủng Viện San Miguel ở ngoại ô Buenos Aires.
2. Còn hơn 200 Asia Bibi nữa tại Pakitan
Trong Hội nghị bàn tròn về tự do tôn giáo lần thứ hai tại Washington do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức, con trai của một thống đốc Pakistan bị ám sát năm 2011 vì ủng hộ Asia Bibi nói với các tham dự viên rằng có hơn 200 người vẫn còn bị bỏ tù ở Pakistan vì tội báng bổ.
Hôm thứ Tư 17 tháng Bẩy, Shaan Taseer, con trai của cố thống đốc bang Punjab Salmaan Taseer, đã đưa ra một bài diễn văn được nhiều người chú ý tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày được tổ chức từ hôm thứ Ba 16 tháng Bẩy.
“Tám năm sau, người phụ nữ mà cha tôi đã hy sinh bảo vệ đã được tòa án cao nhất tại Pakistan tuyên bố vô tội”, Taseer nói. “Tôi muốn chúc mừng từng người trong các bạn về biến cố này. Sự tha bổng Asia Bibi là một chiến thắng cho nhân loại, đó là một chiến thắng cho phẩm giá con người và đó là một chiến thắng cho lẽ phải.”
Mặc dù thế giới vui mừng khi Bibi (tên thật là Aasiya Noreen) được Tòa án tối cao Pakistan tha bổng vào mùa thu năm ngoái sau khi phải sống gần một thập kỷ như một tử tội chờ ngày chịu án tử hình vì cáo buộc cho rằng cô đã báng bổ nhà tiên tri Hồi giáo, Taseer cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm .
“Khi chúng ta ăn mừng chiến thắng này, chúng ta hãy lưu tâm đến những thách thức phía trước”, ông nhấn mạnh. “Trong khi Asia Bibi – tù nhân nổi tiếng nhất thế giới về tội báng bổ giờ đây đã là một phụ nữ tự do – tôi muốn tất cả các bạn biết rằng có 200 Asia Bibi khác vẫn còn phải lê lết trong các nhà tù ở Pakistan vì bị buộc tội về báng bổ ngày hôm nay; và đây chỉ là những trường hợp được báo cáo.”
Taseer đã theo bước chân của cha mình để kêu gọi chấm dứt luật báng bổ của Pakistan, vốn thường được người Hồi giáo lợi dụng ở các quốc gia đa số Hồi giáo để bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số.
3. Ủy ban Công lý và Hòa bình Bangladesh phàn nàn một nhà sư cướp đất của Giáo Hội Công Giáo và nhiều người khác
Ủy ban Công lý và Hòa bình Bangladesh cùng với 70 người khác trong đó có các nhà lãnh đạo Phật giáo và Hồi giáo, đã đâm đơn kiện một nhà sư cướp đất đai của họ.
Trong 12 năm qua, nhà sư Bhante Ucha Hla, 62 tuổi đã chiếm đoạt khoảng một trăm mẫu từ 24 cá nhân và tập thể. Nạn nhân của anh ta bao gồm cả tổng giáo phận Chattogram.
Cha Jerome D’Rozario, thư ký ủy ban đất đai của Tổng giáo phận Chattogram cho biết như sau:
“Vào năm 1971 và 1972, Giáo hội đã mua năm mẫu đất từ cha mẹ của nhà sư,” cha Fr Jerome giải thích. “Chúng tôi giữ tất cả các tài liệu pháp lý để chứng minh điều đó. Chúng tôi vẫn tiếp tục nộp thuế cho chính phủ hàng năm.”
“Vùng đất thuộc sở hữu của tổng giáo phận được sử dụng để trồng lúa lấy lương thực nuôi những đứa trẻ mồ côi sinh sống trong hai nhà trọ,” cha Jerome nói. “300 trẻ em được nuôi dưỡng và giáo dục miễn phí. Sau khi bị mất đất, chúng tôi thấy khó mà giữ được hai cơ sở bác ái này. Vì thế, chúng tôi muốn chính phủ gia tăng các hành động pháp lý đối với nhà sư và trả lại đất cho chúng tôi.”
Mặc dù 90% người Bangladesh theo Hồi giáo, Bandarban là một khu vực có đa số Phật tử. Những người đứng đơn kiện phàn nàn rằng nhà sư Bhante Ucha Hla đang sử dụng tôn giáo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu chính đáng của những người không theo đạo Phật, và cả những Phật tử thấp cổ bé miệng không thể bảo vệ quyền lợi của họ.
Theo các nguồn tin địa phương, nhà sư có quan hệ với Miến Điện và sử dụng các băng đảng từ nước này nhằm thực hiện các vụ chiếm đất.
Nurul Alam là một thương gia Hồi giáo. Bhante Ucha Hla và những người của ông ta đã kéo đến, treo một lá cờ Phật giáo và đặt các biển thông báo một ngôi chùa Phật giáo sẽ được xây lên ở đó. Nhà sư đang biến vấn đề đất đai thành một vấn đề tôn giáo để không ai có thể đòi lại tài sản của họ.
4. Quê hương của Đức Thánh Cha càng ngày càng nghèo
Trong một bản tin đáng buồn, thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết nạn nghèo đói đang gia tăng ở quê hương Á Căn Đình của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là ở các khu vực đô thị. Một cuộc khảo sát của Trung tâm theo dõi nợ xã hội của Đại học Công Giáo Á Căn Đình, gọi tắt là UCA, đã cho biết như trên.
Cuộc khảo sát, với tiêu đề “Nghèo nàn tài chính và quyền lợi dễ bị tổn thương. Sự bất bình đẳng về điều kiện sống vật chất ở các gia đình đô thị của Á Căn Đình trong giai đoạn 2010-2018”, đã được tiến hành với sự hợp tác của văn phòng Bênh vực người dân toàn quốc, qũy La Nación, ngân hàng Banco Galicia cũng như văn phòng Bênh vực người dân của thủ đô Buenos Aires.
Cuộc khảo sát đã so sánh tình hình năm 2018 với các con số thống kê vào những năm trước. Trong quý 3 năm 2018, nạn nghèo đói ảnh hưởng đến 4.2% những người có gia đình và 6.1% những người độc thân. Báo cáo nói thêm rằng 25.6% những người có gia đình và 33.6% những người độc thân đang sống dưới mức nghèo đói.
Tình trạng nghèo đói này, ảnh hưởng đến 30% dân số, đã gia tăng tới gần 50% ở trẻ em từ 17 tuổi trở xuống. Điều này có nghĩa là trẻ em và thanh thiếu niên là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gia tăng nghèo đói. Một triệu chứng khác của bất bình đẳng xã hội là 20% những người nghèo nhất ở Á Căn Đình chỉ được hưởng chưa đến 4% thu nhập toàn xã hội, trong khi 20% những người giàu nhất thu tóm đến 51.7% thu nhập quốc dân.
5. Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu Tổng thống Assad bảo vệ người yếu đuối và vô phương tự vệ ở Syria.
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào tháng 3 năm 2011 với các cuộc biểu tình chống lại tổng thống Bashar al-Assad. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của hơn 500.000 người và ép buộc 5,6 triệu người trở thành những người tị nạn. Còn thêm 6,6 triệu người Syria khác được cho là đã bị di dời trong nội bộ bởi bạo lực.
Cuộc nội chiến này xẩy ra giữa chế độ Syria và một số nhóm phiến quân. Các phiến quân bao gồm những người ôn hòa, như Quân đội Syria Tự do; những người Hồi giáo như Hayat Tahrir al-Sham, Nhà nước Hồi giáo và những người Kurd ly khai.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thư cho Tổng thống Assad vào cuối năm 2016, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho sự thù địch và chấm dứt chủ nghĩa cực đoan.
Trong một bức thư mới gửi đến Tổng thống Syria, Đức Giáo Hoàng đã bầy tỏ “sự quan tâm sâu xa” của ngài về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở tỉnh Idlib bị ném bom, ngài đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bảo vệ người yếu đuối và người không thể phòng vệ ở đất nước ông. Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng đã được diễn tả trong bức thư trao tận tay cho Assad ngày 22 tháng 7 tại Damascus do Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Phát triển Nhân bản Toàn diện. Cũng có mặt trong cuộc họp là Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, Đức Hồng Y Mario Zenari và Cha Nicola Riccardi, phó tổng thư ký của Bộ Phát triển Con người toàn diện.
“Đức Thánh Cha yêu cầu tổng thống làm mọi cách có thể để ngăn chặn thảm họa nhân đạo này, để bảo vệ dân số không thể phòng vệ, đặc biệt là những người yếu nhất, chiếu theo Luật Nhân đạo Quốc tế,” Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin nói với Vatican News ngày 22 tháng 7.
Theo một tuyên bố của giám đốc văn phòng báo chí Matteo Bruni, bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có liên quan đặc biệt đến tình hình dân chúng ở Idlib. Idlib nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc Syria, là thành trì lớn cuối cùng của phiến quân ở nước này. Kể từ khi lực lượng chính phủ Syria, được hậu thuẫn bởi không quân Nga, đã tiến hành một cuộc tấn công vào cuối tháng 4, thành phố đã chứng kiến các cuộc không kích và bắn phá dữ dội, làm 2.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải di dời. Ít nhất 19 người, bao gồm 16 thường dân, đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hôm thứ Hai trong một cuộc không kích trong khu chợ ở Idlib. Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi các cuộc không kích khác trong khu vực giết chết 18 người.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái kêu gọi bảo vệ đời sống của thường dân và bảo tồn các cơ sở hạ tầng chính, như trường học, bệnh viện và các cơ sở y tế,” Đức Hồng Y Parolin nói. “Thật vậy, những gì đang xảy ra là vô nhân đạo và không thể được chấp nhận.”
Trong thư gửi Assad, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích tổng thống thể hiện “thiện chí” của ông và nỗ lực tìm kiếm “các giải pháp khả thi” để chấm dứt một cuộc xung đột kéo dài quá lâu và cướp đi rất nhiều cuộc đời vô tội. Đức Hồng Y Parolin cho biết như vậy. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lo lắng về quá trình đàm phán bị đình trệ, Parolin nói, và thúc giục việc sử dụng ngoại giao, đối thoại và đàm phán. Đức Hồng Y nhớ lại một cụm từ của Đức Giáo Hoàng được lặp đi lặp lại trong bức thư, là “chiến tranh kích động chiến tranh và bạo lực kích động bạo lực.”
6. 5,000 bạn trẻ Công Giáo Úc tham gia Lễ Hội Giới Trẻ để sống trong Giáo hội ”như một thân thể”
5,000 bạn trẻ Công Giáo Úc sẽ tham gia Lễ Hội Giới Trẻ Công Giáo Úc lần thứ tư (ACYF19), được tổ chức tại Perth từ ngày 8 đến 10 tháng 12. Lễ hội mang ý nghiã giới trẻ và Giáo Hội như một thân thể. Lễ hội là hiện thân sống động của Tài Liệu Hậu Thượng Hội Nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô “Christus Vivit” (Chúa Kitô đang sống), trong đó chính quyền và những người trẻ của Giáo Hội Úc sẽ gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm, thử thách và niềm vui của cuộc sống”. Ông Malcolm Hart, Giám Đốc Lễ Hội dành riêng cho những người Công Giáo trẻ ở Úc, đã cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc biết như vậy.
Lễ hội ba ngày bắt nguồn từ một sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Úc và do Tổng giáo phận Perth tổ chức đang cố gắng đạt các mục tiêu cơ bản: cung cấp một cơ hội giáo dục và kinh nghiệm chất lượng cao cho những người Công Giáo trẻ gặp Chúa Giêsu Kitô, trong bối cảnh của Giáo Hội tại Úc; lắng nghe và thảo luận về những câu hỏi và những thách thức mà cuộc sống đặt ra cho họ; rao giảng Tin Mừng cho những người trẻ tuổi và làm cho họ có khả năng trở thành những người rao giảng Tin Mừng theo cách riêng của họ.”
Theo các nhà tổ chức, sự kiện này sẽ chứng kiến sự tham gia của hơn 5.000 người trẻ trên toàn quốc “sẽ khám phá các chủ đề của Hội Đồng Toàn Thể năm 2020, và nó sẽ là một phần của hành trình mà chúng tôi đang sống,” ông Hart cho biết như trên trong một bản thông báo.
Lễ Hội sẽ quy tụ thành phần trẻ nhất của Giáo Hội, bao gồm những người từ 9 đến 30 tuổi và những người tham gia sẽ chú ý đến chủ đề cơ bản: “Hãy lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói”.
“Ban tổ chức đang tiếp tục nỗ lực làm việc để bảo đảm rằng sự kiện này thể hiện một trải nghiệm phong phú, trong đó người trẻ Công Giáo Úc có thể đào sâu đức tin của họ trên một địa phương màu mỡ”, nhưng cũng sẽ cung cấp “một cơ hội để phân tích Giáo Hội ở Tây Úc và thanh niên bản địa”, thông báo kết luận.
7. Chủ tịch Hội đồng Giám mục tuyên bố: ”Zambia đã trở thành một Giáo hội truyền giáo đầy đủ bản lĩnh”
Đã đến lúc Zambia trở thành một Giáo hội truyền giáo đầy bản lĩnh, trong việc thực hiện viễn kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục về Giáo hội truyền giáo châu Phi. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Zambia (ZCCB), Đức cha George Zumaile Lungu, Giám mục Chipata, đã cho biết như trên trong buổi ra mắt các hoạt động hướng tới Tháng Truyền giáo Ngoại Thường vào tháng 10 năm 2019.
“Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, đã viếng thăm châu Phi sau khi phong thánh cho các vị tử đạo Uganda (ở Rôma). Ngài đã thách thức Giáo hội ở Châu Phi: ‘Hãy trở thành những người truyền giáo cho chính mình’. Thách thức đó vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay”, Đức cha Chủ tịch nói. Nhắc nhớ lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục trong chuyến viếng thăm Uganda vào năm 1969, Đức Cha Lungu nói rằng giấc mơ của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là một Giáo hội Zambia sẽ trao cho các linh mục, các nữ tu và thậm chí các giáo dân của mình sứ mệnh của Giáo hội, cả trong nước và các nơi khác.
Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Gallone, Sứ thần Tòa thánh tại Zambia và Malawi, kêu gọi các linh mục hãy trở nên các chứng nhân đáng tin cậy của Tin mừng theo phong cách chân thực hơn trong cuộc sống của mọi người. “Tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được khuyến khích không coi mình là chủ sở hữu, những người chế ngự đức tin của người khác. Chúng ta là những người phục vụ cho tình yêu của Chúa Giêsu”, ngài nói. Các hoạt động được lên kế hoạch cho việc cử hành Tháng Truyền Ngoại Thường với chủ đề: “Anh chị em được Rửa tội và được sai đi” sẽ được tổ chức ở cấp giáo phận trước khi tổ chức biến cố cuối cùng ở cấp quốc gia vào tháng 10.