Phụng vụ

Giải đáp phụng vụ: Nhà thờ giáo xứ và nhà thờ Dòng tu có sự phân biệt không?

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con là thành viên của một cộng đoàn Dòng tu, và chúng con đã có nhà nguyện hoặc phòng nguyện gần đây đã được làm phép bởi Đấng bản quyền địa phương của Giáo phận. Bề trên chúng con xin cung hiến nhà nguyện và bàn thờ của nhà nguyện này. Tuy nhiên, linh mục đặc trách phụng vụ của giáo phận nói rằng sự cung hiến nhà thờ và bàn thờ chỉ giới hạn cho các nhà thờ giáo xứ, do đó nghi thức được chuẩn bị là nghi thức làm phép nhà nguyện và bàn thờ nhà nguyện mà thôi. Không có nghi thức riêng cho việc cung hiến bàn thờ này. Nhưng trong ‘Những điều cần biết trước’ (praenotanda) của Nghi thức làm phép nhà thờ, tài liệu không ngụ ý rằng nhà thờ là nhà thờ giáo xứ. “Thánh đường hay nhà thờ là những nơi vĩnh viễn dùng để cử hành các mầu nhiệm thánh…”. “Các nhà nguyện, phòng nguyện hoặc đền thánh mà vì hoàn cảnh đặc biệt chỉ dùng vào việc phụng tự thánh một thời gian, cũng nên được làm phép theo Nghi thức diễn tả dưới đây”. Với lời trích dẫn cuối này, nhà nguyện của chúng con không được thiết lập để sử dụng tạm thời. Thưa cha, liệu việc cung hiến nhà thờ chỉ là giới hạn cho các nhà thờ giáo xứ chăng? Làm sao nhà nguyện và bàn thờ nhà nguyện của một cộng đoàn Dòng tu, vốn là dành cho việc sử dụng công cộng và thưởng xuyên, lại không được cung hiến (thánh hiến)? Và liệu có các khác biệt về phụng vụ trong việc sử dụng các từ ngữ nhà thờ (church), nhà nguyện (chapel) và phòng nguyện (oratory) không? – R. S., Philippines.

Đáp: Tôi xin phép không đồng ý với việc giải thích của linh mục đặc trách phụng vụ giáo phận nói trên, ít nhất là liên quan đến sự phân biệt giữa các nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ khác. Luật liên quan có thể được tìm thấy trong phần sau đây của Bộ Giáo Luật:

“Ðiều 1205: Nơi thánh là những nơi dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa và việc mai táng các tín hữu, do sự cung hiến hay làm phép theo các quy định của sách phụng vụ.

“Ðiều 1206: Việc cung hiến một nơi thì được dành cho Giám Mục giáo phận và những người được giáo luật đồng hóa với Giám Mục. Các Ngài có thể ủy nhiệm cho một Giám Mục nào khác, hay trong những trường hợp ngoại lệ, cho một linh mục, để cử hành việc cung hiến trong lãnh thổ của mình.

“Ðiều 1207: Các nơi thánh được làm phép bởi Ðấng Bản Quyền; tuy nhiên, việc làm phép nhà thờ được dành cho Giám Mục giáo phận. Cả hai vị đều có thể thừa ủy cho một linh mục khác làm thay.

NHÀ THỜ

“Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.

“Ðiều 1215: §1. Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.

“§2. Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.

“§3. Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu viện trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.

“Ðiều 1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.

“Ðiều 1217: §1. Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.

“§2. Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.

“Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.

“Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.

“Ðiều 1220: §1. Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.

“§2. Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.

“Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.

“Ðiều 1222: §1. Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử dụng vào công việc phàm tục không uế tạp.

“§2. Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.

NHÀ NGUYỆN VÀ PHÒNG NGUYỆN

“Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.

“Ðiều 1224: §1. Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.

“§2. Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.

“Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.

“Ðiều 1226: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người.

“Ðiều 1227: Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện.

“Ðiều 1228: Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.

“Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà. (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Điều 2015 §3 xem xét rõ ràng khả năng của một cộng đoàn tu sĩ xây dựng một nhà thờ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cần có sự cho phép của Giám mục ngay từ đầu. Do đó, vấn đề mà cộng đoàn tu sĩ ấy đã gặp phải là chưa hề được đặt ra.

Điều 2017 §2 nói: “Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể”. Từ ngữ “đặc biệt” là không độc quyền và chắc chắn không phải là hạn chế. Do đó một nhà thờ, được xây dựng với sự cho phép đầy đủ bởi một cộng đoàn tu sĩ, có thể được cung hiến với nghi lễ trọng thể, cho dù không phải là của giáo xứ.

Do đó, điểm mấu chốt của vấn đề không phải là sự phân biệt giữa nhà thờ giáo xứ và nhà thờ không giáo xứ, nhưng đúng hơn là liệu nơi thờ phượng của cộng đoàn tu sĩ có đủ điều kiện như một nhà thờ hoặc như một phòng nguyện, theo quy định của Điều 2014 hoặc của Điều 1223.

Vì vậy, nếu một địa điểm thờ phượng là “một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công” (Điều 1214), nó đủ điều kiện như là một nhà thờ. Mặt khác, nếu đó là “một nơi được Đấng Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới” (Điều 1223), nó được xếp loại như là một nhà nguyện.

Nếu tòa nhà là một nhà nguyện hay phòng nguyện, thì theo điều 1229, nó sẽ được làm phép chứ không được cung hiến.

Trong khi tôi không đồng ý với tuyên bố rằng chỉ có các nhà thờ giáo xứ mới có thể được cung hiến, tôi không có đủ thông tin để có thể xác định các chi tiết cụ thể của tình huống đặc biệt này.

Sự phân biệt không phải luôn dễ dàng được thực hiện, và nó không nhất thiết phụ thuộc vào thực tế cụ thể của tình hình. Thí dụ, làm thế nào người ta có thể phân biệt liệu tín hữu “có quyền đến đó” trong từ ngữ của Điều 2014, hoặc liệu họ “lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền” theo Điều 1223?

Bởi vì sự đồng ý cuối cùng của bề trên có thẩm quyền có thể là rất chung chung và mở rộng, bản thân các tín hữu có thể không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt thực tế nào trong việc thực hành thờ phượng của họ. Tuy nhiên, khả năng của một sự cung hiến long trọng, hoặc của sự làm phép, có thể được dựa vào sắc thái tinh tế này.

Do đó, tôi không thể nói rằng liệu linh mục đặc trách phụng vụ giáo phận đã đưa ra quyết định đúng đắn về việc làm phép hay việc cung hiến chăng. Tôi có thể khẳng định rằng việc từ chối cho nghi thức cung hiến không phải được biện minh bởi sự việc thuần túy rằng nhà nguyện Dòng tu không là một nhà thờ giáo xứ.

Nguyễn Trọng Đa (dcvxuanloc.net)

Bài viết liên quan