Giáo Phận Long Xuyên Nghiên Cứu

Hai nẻo đường Loan báo Tin Mừng chiến lược tại Giáo phận Long Xuyên

Hai nẻo đường Loan báo Tin Mừng chiến lược tại Giáo phận Long Xuyên 

Dẫn Nhập

Thành lập năm 1960, địa giới của giáo phận Long Xuyên (GpLX) gồm trọn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, và một phần của thành phố Cần Thơ với diện tích là 10.256 km2, gồm 9 giáo hạt, 342 linh mục (287 triều và 45 dòng), 65 nam tu sĩ và 450 nữ tu sĩ, khoảng 40 đại chủng sinh, 39 chủng sinh dự bị và 1.700 giáo lý viên. Tổng số trong vùng là 4.291.006 người nhưng chỉ có 230.000 tín hữu công giáo, chiếm tỉ lệ gần 5% dân số. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp với nhiều sắc tộc như: người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm. Trong địa bàn giáo phận có nhiều tôn giáo như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Cao Đài. Như vậy, GpLX nằm trên một địa bàn đa văn hoá và tôn giáo; phần đông là người nghèo và chưa nhận biết Chúa. Cho nên, sứ mệnh truyền giáo khẩn thiết cần tập trung vào hai mục tiêu sau:

  1. Giải phóng và thăng tiến con người, nhất là những người nghèo

GpLX có rất nhiều người nghèo. Họ là “những người di cư, những dân tộc bản địa và bộ tộc, phụ nữ và trẻ em, những người đang bị kỳ thị vì văn hóa, màu da, chủng tộc, giai cấp, tình trạng kinh tế nghèo đói…, và ta phải đặc biệt thương yêu, trợ giúp, chăm sóc để họ giữ gìn được phẩm giá và bảo tồn được văn hóa của mình”[1]. Vì nghèo nên họ thiếu hiểu biết và điều kiện để sống và bảo vệ chính mình. Vì vậy, chúng ta cần lập ban hướng dẫn và bảo vệ sự sống; mở các lớp học về kỹ năng sống giúp họ nâng cao kiến thức và giải quyết các vấn đề nhân sinh; mời các chuyên gia tâm lý, y-bác sỹ thiện nguyện đến khám chữa và hướng dẫn bảo vệ sức khỏe thể lý và tinh thần định kỳ; giao lưu, học hỏi các nền văn hóa bản địa để hiểu, tôn trọng trong việc hội nhập và gieo hạt giống Lời Chúa nơi văn hóa của họ. Mặt khác, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh bằng việc yêu cầu các cấp chính quyền tạo điều kiện cho người nghèo có công ăn, việc làm; kêu gọi các tổ chức nhân quyền thế giới bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của người nghèo. Hơn nữa, mọi người đều là anh em của nhau, dù khác biệt tôn giáo và văn hóa, tất cả đều được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện. Vì vậy, vai trò của người tu sỹ là rất quan trọng, họ luôn phải trở nên ánh sáng cho thế gian, muối cho đời,…trong việc xây dựng một cộng đồng sống công bằng, yêu thương với lòng tôn trọng sự thật. Người tu sỹ cần đến ở và cảm nghiệm cuộc sống của người nghèo, chia cay, sẻ ngọt với những khó nhọc và vui buồn của đời sống họ. Người tu sỹ truyền giáo ngày nay phải là tiếng nói của ngôn sứ trong việc kiến tạo hòa bình, bênh vực công lý, bảo vệ nhân quyền, đẩy lùi bất công và bóc lột của các thế lực chính trị bạo lực và độc tài.

Người nghèo chiếm tỉ lệ cao trong hơn bốn triệu dân thuộc địa hạt của GpLX. Do đó, lựa chọn ưu tiên của GpLX cần là, “mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận thức được con đường mà Chúa đã chỉ ra, và tất cả chúng ta được kêu gọi để vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, tức là bước ra khỏi những vùng thoải mái để đi đến những vùng ‘ngoại biên’, nơi cần có ánh sáng của Tin mừng”[2]. Chính Đức Kitô là mẫu gương tuyệt vời. Người đã đến với những người đau khổ, bị bỏ rơi và loại trừ trong xã hội Do Thái (x. Mt 11,5; Lc 7,22) để cảm thông, chia sẻ và đồng hành với những anh chị em ấy, tôn trọng, quan tâm và chăm sóc đúng với nhân vị của họ. Thật vậy, vì nghèo khổ mà nhiều người bị loại trừ, cô lập và phân biệt đối xử không xứng với phẩm giá. Cho nên, việc loan báo Tin mừng không chỉ dừng lại ở việc chuyển đạt chân lý đức tin, tín điều hay lý thuyết nhưng còn phải là xây dựng tình liên đới, nối dài những cánh tay yêu thương, nhịp cầu nhân ái để giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông với những kiếp người bất hạnh vì “tình yêu thương đối với con người, và trước hết là đối với người nghèo, vì nơi họ, Giáo Hội nhìn thấy Đức Kitô… , đồng thời mang lại sự trợ giúp sao cho toàn bộ những con người bị gạt ra ngoài cũng như bị loại trừ được hội nhập vào chu kỳ phát triển về mặt kinh tế và nhân bản…”[3].

Người nghèo cần lắm những trợ giúp vật chất nhưng họ càng cần hơn nữa sự quan tâm, đồng cảm và yêu thương. Cái họ thiếu và cần nhất chính là tình yêu. Họ cần phải được đối xử đúng với phẩm giá của mình. Người tu sỹ cần mang tình yêu của Đức Kitô đến với họ; trình bày một Đức Kitô sống động và giàu lòng xót thương để họ cảm nhận được tình Chúa, tình người; không phải chỉ đến với họ một lần nhưng cần phải luôn hiện diện để họ cảm nhận được tình thương ấy. Mỗi tu sỹ cần “chọn lựa cho mình thái độ sống giống như Con Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng đến gặp gỡ tất cả mọi người, không loại trừ ai”[4]. Học cách “ra đi” đến với những người đau khổ, bị bỏ rơi và loại trừ vì “những người ấy cần được xoa dịu các vết thương bằng thứ dầu an ủi, để băng bó chúng bằng lòng thương xót và chăm sóc họ bằng tình liên đới và sự quan tâm”[5]. Đặc biệt, các mục tử, tu sĩ cần giúp giáo dân: thứ nhất, có được nhiệt huyết tông đồ nhờ đời sống thiêng liêng; tập sống với tâm tình, thái độ của Chúa Kitô; thứ hai, học cách diễn tả mới về Đức Kitô hợp với con người của thời đại hôm nay. Cụ thể là dùng mạng xã hội như thánh Carlo Acutis đã đưa Bí tích Thánh Thể vào Internet, lập trang web triển lãm phép lạ Thánh Thể với ngôn ngữ hiện đại nhưng thực tế, biến chúng thành công cụ loan báo Tin Mừng….; và thứ ba, sống tinh thần dấn thân, sẵn sàng chấp nhận được sai đi đến mọi chân trời góc bể, đến các vùng ngoại biên, những vùng chưa có bóng dáng thánh giá. Một điều quan trọng là giáo dục mỗi người giáo dân cần ý thức cộng tác để canh tân và tái Phúc Âm hóa bản thân mỗi ngày cũng như khơi lên lòng nhiệt tình của mình cho sứ vụ truyền giáo. Sống đạo không chỉ hệ tại ở các lý thuyết và hình thức nhưng phải sống đức tin cách chân thực, bác ái và trung thành, sống cảm nghiệm và thể hiện Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày hướng đến việc rao truyền Lời Chúa.

  1. Đối thoại liên tôn

Đối thoại liên tôn là một phương tiện để tôn vinh các đường lối của Thiên Chúa đối với loài người. Hans Kung nói: “Sẽ không có hòa bình giữa các quốc gia nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu không có sự đối thoại giữa các tôn giáo”. Thông điệp Redemptoris Missio nhấn mạnh: “Mọi cá nhân tín hữu và mọi cộng đồng Kitô giáo được kêu mời thực hành đối thoại, mặc dù không luôn luôn ở cùng một cấp độ hay theo cùng một cách thức. Sự cống hiến của giáo dân là không thể thiếu trong lãnh vực này, bởi vì họ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ cần được thiết lập với các tín đồ của các tôn giáo khác qua gương sáng của họ hay qua công việc tốt lành họ làm”[6].

 Đối với bối cảnh đa tôn giáo của GpLX, đối thoại đòi hỏi sự giáo dục quần chúng sâu rộng để khắc phục các thành kiến lâu đời, đòi hỏi sự tôn trọng các quyền của con người ở khắp nơi. Phải nhất quán với các truyền thống tôn giáo của mình và cởi mở để hiểu biết các truyền thống tôn giáo bạn vì đối thoại là làm phong phú cho nhau trong chân lý và yêu thương. Tại đây, Kitô hữu cần thoát ra khỏi “chủ nghĩa độc tôn tôn giáo”, tránh bảo thủ khép kín nhưng biết cởi mở để đón nhận và tiếp thu những nhân tố tích cực. Kitô hữu cần: (1) thiết lập và phát triển tình bạn giữa mình và đối tượng của tôn giáo bạn. Đối thoại tôn giáo trong truyền giáo là thiết lập Tình Bạn, chứ không phải là nói về Chúa cho “dân ngoại” nghe ngay tức khắc. Nếu vừa gặp bà con đã vội vàng giới thiệu Chúa cho họ, thì e rằng hành động ấy sẽ khiến cánh cửa tâm hồn của họ cũng vội vàng khép kín; (2) xây dựng lòng tin qua việc chia sẻ cuộc sống bằng cách cho họ thấy bạn là người đáng tin cậy, là chỗ dựa tinh thần của họ. Như thế, công việc bạn cần làm để xây dựng lòng tin chính là sự quan tâm của bạn dành cho họ; và (3) đối thoại đức tin. Khi tình bạn trở nên tin tưởng và gần gũi, việc đối thoại đức tin ắt sẽ diễn ra cách tự nhiên. Dù bạn của bạn là một người chưa theo tôn giáo nào, hoặc đã là Phật tử, hoặc là tín đồn Cao Đài…, thì việc đối thoại đức tin cũng sẽ rất cởi mở, khi có một tình bạn chân thành.

Quả vậy, GpLX là khu vực có nhiều tôn giáo nội sinh và ngoại sinh, các tín đồ sống chung với nhau nên vấn đề đối thoại tôn giáo để hiểu nhau là điều cần thiết. Giáo Hội luôn “khuyến khích con cái mình, ngõ hầu với khôn ngoan và bác ái, qua đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác, luôn biết làm chứng cho đức tin và đời sống Kitô, giúp họ nhận biết, bảo tồn và phát huy các giá trị thiêng liêng, luân lý văn hóa, xã hội vốn có trong họ”[7]. Thực tế, có rất ít Kitô hữu nơi đây có kiến thức đủ về các tôn giáo khác trong vùng đất GpLX như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…dù tinh thần rất hang say. Nhiều lúc người Kitô hữu còn có những đánh giá sai lạc về chân lý, giá trị truyền thống các tôn giáo bạn nên còn khép kín và chưa có những hiểu biết và đối thoại phù hợp. Không biết thì thật khó để có thể đối thoại với anh chị em khác và tìm ra một cái nhìn chung để có sự thông cảm. Đây là một công việc khó khăn vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như về thần học, giáo lý, giáo huấn… Vì vậy, việc đào tạo Thánh Kinh và thần học cho giáo dân là một nhu cầu cấp thiết như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “tôi xin hiệp ý với các nghị phụ thượng hội đồng đề nghị thành lập ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo giáo dân, để chuẩn bị cho họ làm công việc thừa sai như những chứng nhân cho đức Kitô”[8]. Một phương cách nữa là việc “đối thoại không lời”, tức là bằng việc làm cụ thể. Chẳng hạn, mỗi con người, mỗi gia đình trong giáo xứ có thể kết giao với một người, một gia đình không công giáo để cùng quan tâm, sẻ chia vui buồn, đồng hành cùng nhau trong những thăng trầm, khắc khoải và âu lo của cuộc sống như Giáo Hội tại Hàn Quốc đang làm. Cũng vậy, một đời sống chứng tá trong sự hiệp nhất, liên đới, yêu thương và trách nhiệm trong giáo xứ và với anh chị em lương dân chính là lời chứng hùng hồn trong việc truyền giáo. Đức Phaolô VI nói: “con người ngày hôm nay cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy”[9]. Thư chung của HĐGMVN năm 2008 viết: “trước khi rao giảng bằng lời nói hãy rao giảng bằng đời sống,…nỗ lực xây dựng nếp sống lành mạnh nơi khu phố, xóm làng,…. hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất, yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ”[10]. Hơn nữa, việc đối thoại tôn giáo cách cởi mở và chân thành giúp mỗi người hiểu biết những giáo huấn về tín lý, phong hóa của Giáo Hội cùng những kiến thức giáo lý của các tôn giáo khác cũng như có thể học cách lắng nghe, đón nhận những giá trị tích cực nhưng vẫn giữ những điều căn cốt của đức tin Kitô giáo. Nhờ đó, người Kitô hữu có thể hiểu biết mình hơn, hiểu biết các tôn giáo bạn cách công bằng và trung thực, xua tan những sợ hãi và hiểu lầm, khám phá thêm sự sung mãn của chân lý nơi các tôn giáo bạn, cũng như có thể tự nhìn lại và chỉnh sửa những thiếu sót của mình và làm phong phú cho nhau hơn. 

Thay Lời kết

Tất cả mọi tín hữu đều có nhiệm vụ phải truyền giáo, vì Thiên Chúa lúc nào cũng muốn con người, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, được vào dự tiệc trong nước Người (x. Mt 8,11; Lc 13,29). Trong bối cảnh hiện nay, sứ mạng truyền giáo của GpLX phải là sự kết hợp giữa định hướng “đến với muôn dân” (missio ad gentes) và “đến giữa muôn dân” (missio inter gentes). Định hướng này nhấn mạnh đến sự hiện diện và thông truyền đức tin vào Đức Kitô một cách thân thiện và cởi mở. Cụ thể là việc củng cố nội tại nơi từng người và trong từng giáo xứ để luôn ý thức và nhiệt tâm trong sứ vụ loan báo Tin mừng theo ba lĩnh vực: tâm thế đến với người nghèo, đối thoại với các tôn giáo, và thích nghi văn hóa. Do đó, mỗi giáo xứ cần thiết lập một ban truyền giáo dưới sự hướng dẫn của cha xứ và sự cộng tác của mọi giới, mọi đoàn thể và ưu tiên đến với người nghèo. Ban này cổ võ sự cầu nguyện, đào sâu đời sống đức tin, động viên mọi thành phần dân Chúa cùng truyền giáo. Ban này được đào tạo và huấn luyện về kiến thức giáo lý, Thánh Kinh, đời sống tâm linh, đối thoại tôn giáo, hội nhập văn hóa… Cần nhân rộng mô hình này và không chỉ giành cho những thành viên trong ban truyền giáo nhưng còn cho tất cả mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ.

Tu huynh Anthony Phạm Thế Hưng, CSF

 Thư Mục

[1]Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Ecclesia in AsiaGiáo Hội tại Á châu, số 10.

[2]Đức Phanxicô. Tông Huấn Evangelii Gaudium, Niềm Vui Của Tin Mừng, số 20.

[3]Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông Điệp Centesimus Annus, Bách Chu Niên, số 58.

[4] Đức Phanxicô. Tông thư  Misericodiae Vultus, Khuôn mặt thương xót, số 12.

[5]Ibid, số 15.

[6]Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp Redemptoris Missio, Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 55.

[7]Vatican II. Tuyên ngôn Nostra Aetate, Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, số 2.

[8]Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Ecclesia in AsiaGiáo Hội tại Á châu, số 45c.

[9]Đức Phaolô VI. Tông huấn  Evangelii Nuntiandi, Loan báo Tin Mừng, số 41.

[10]HĐGMVN. Thư Mục vụ Đời Sống hôm nay năm 2008, số 10.

 

Tài liệu tham khảo

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tông huấn Ecclesia in AsiaGiáo Hội tại Á châu.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tông thư Tertion Millennio Adveniente, Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp Centesimus Annus, Bách Chu Niên.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp Redemptoris Missio, Sứ vụ Đấng Cứu Thế

Đức Phanxicô. Tông thư Misericodiae Vultus, Khuôn mặt thương xót.

Đức Phanxicô. Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm Vui của Tin Mừng.

Vatican II. Tuyên ngôn Nostra Aetate, Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Đức Phaolô VI. Tông huấn  Evangelii Nuntiandi, Loan báo Tin Mừng.

HĐGMVN. Thư Mục vụ Đời Sống hôm nay năm 2006 & 2008.

Bài viết liên quan